Saturday, October 12, 2024

Không phải là quốc gia duy nhất vỡ nợ, tiếp theo Sri Lanka là…?

Khủng hoảng kinh tế – hệ quả từ xung đột Nga-Ukraine đã “góp công lớn” đẩy cả một quốc gia tới bờ vực của sự đổ vỡ. Tuy nhiên, Sri Lanka có thể sẽ không phải là quốc gia duy nhất vỡ nợ.

Chuyện riêng của Sri Lanka

Quốc đảo Sri Lanka đang phải chật vật với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Vào ngày 12/4, Sri Lanka tuyên bố đình chỉ khoản thanh toán 35 tỉ USD mà chính phủ nợ nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc Colombo không còn khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài tổng cộng đã lên tới 51 tỉ USD.

Bộ Tài chính Sri Lanka cho hay, xung đột tại Ukraine và đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến doanh thu chính của đất nước này là du lịch, khiến họ không thể thực hiện các khoản thanh toán.

Giá thực phẩm và năng lượng tiếp tục cao ngất ngưởng là hệ quả của sự gián đoạn thị trường hàng hóa kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine – giáng thêm một đòn nặng nề vào một nền kinh tế vốn kiệt quệ, quản lý yếu kém, càng trở nên khó khăn.

Suy thoái kinh tế của Sri Lanka đã làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn về lạm phát kỷ lục, mất điện kéo dài và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đối với các loại hàng hóa cơ bản, thiết yếu như thuốc men và khí đốt. Lạm phát hàng năm của Sri Lanka đã lên tới 17,5% trong tháng Hai. Nợ công liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng tăng cao trong thập kỷ qua. Tổng các khoản thanh toán nợ sắp đến hạn trong năm nay là 7 tỷ USD, với một trái phiếu trị giá 1 tỷ USD sẽ đáo hạn vào tháng 7/2022. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của nước này chỉ vỏn vẹn khoảng 2,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của kinh tế toàn cầu là Sri Lanka có thể không phải là quốc gia duy nhất “mắc cạn” trong các điều kiện khó khăn. Xung đột Nga-Ukraine đang khiến nhiều nền kinh tế mới nổi trở nên khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ nước ngoài, làm dấy lên những quan ngại về các cuộc khủng hoảng tiềm tàng có thể làm rung chuyển các thị trường.

Mối lo chung của những người cùng cảnh ngộ

Vượt qua hai năm khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến mức chi cho phòng chống dịch của các quốc gia đồng loạt tăng cao. Nhiều nước khác cũng đã tích lũy hàng núi nợ trong suốt thập kỷ qua, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất vẫn ở mức thấp.

Trong khi đó, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến giá lương thực, năng lượng và các mặt hàng khác tăng vọt vào thời điểm nhiều ngân hàng trung ương lớn đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Giờ đây, từ Islamabad đến Cairo và Buenos Aires, các quan chức chính phủ phải vật lộn với giá nhập khẩu tăng cao và hóa đơn nợ tích lũy từ đại dịch vẫn đang tiếp diễn.

Giám đốc phụ trách chiến lược của IMF Ceyla Pazarbasioglu nêu quan điểm, mặc dù IMF không dự báo về một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu vào thời điểm này, nhưng “có rất nhiều rủi ro mà chúng tôi rất lo ngại”. Bà Pazarbasioglu cho biết, tổng các khoản vay trên toàn cầu của các chính phủ, tập đoàn và hộ gia đình đã tăng thêm 28 điểm phần trăm lên 256% GDP vào năm 2020. Đây là mức chưa từng thấy kể từ sau hai cuộc xung đột thế giới trong nửa đầu thế kỷ XX.

Trong khi các quốc gia giàu có ít gặp khó khăn trong việc đối phó với các khoản nợ ngày càng tăng nhờ lãi suất vẫn ở mức thấp và tăng trưởng kinh tế vững chắc, rất nhiều nền kinh tế đang phát triển đang cảm thấy áp lực hơn.

Khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp – tức là khoảng 70 quốc gia đủ điều kiện đối với chương trình đình chỉ thanh toán nợ toàn cầu trong thời kỳ đại dịch – có nguy cơ rơi vào tình trạng nợ cao hoặc đã lâm vào cảnh khốn cùng trong năm 2020, tăng so với mức 30% vào năm 2015, theo IMF. Vấn đề nợ được coi là khó khăn khi một quốc gia không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình và cơ cấu lại nợ là bắt buộc.

Những nỗ lực hỗ trợ quốc tế đối với các quốc gia mắc nợ đang gặp khó khăn và trở nên phức tạp do sự gia nhập của các chủ nợ mới và ít kinh nghiệm hơn trong hoạt động cho vay của các nước đang phát triển, trong những năm gần đây. Tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường lãi suất thấp, các nhà đầu tư, bao gồm các quỹ hưu trí, quỹ cổ phần tư nhân và các tổ chức tài chính thuộc sở hữu của chính phủ chồng chất với khoản nợ chính phủ có lợi suất cao.

Theo IMF, tỷ lệ nợ nước ngoài của 73 quốc gia nghèo mắc nợ cao đối với Trung Quốc đã tăng từ 2% trong năm 2006 lên tới 18% vào năm 2020, trong khi cho vay khu vực tư nhân tăng từ 3% lên 11%. Trong khi đó, tỷ trọng kết hợp của những người cho vay truyền thống – các tổ chức đa phương như IMF và WB và những người cho vay thuộc Câu lạc bộ Paris của hầu hết các chính phủ phương Tây giàu có – đã giảm từ 83% xuống 58%.

Giám đốc điều hành các sáng kiến chính sách toàn cầu tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) – Sonja Gibbs nói rằng: “Nếu bạn không hiểu rõ ai là người sở hữu các khoản nợ, thì rất khó để thực hiện tái cơ cấu hiệu quả”. Hai trong số những ví dụ điển hình về rủi ro mà các nước đang phát triển yếu hơn phải đối mặt là Sri Lanka và Pakistan. Cả hai đều sa lầy vào các cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng gia tăng sau cuộc xung đột tại Ukraine.

Nêu điều kiện vay nợ với Sri Lanka, IMF vừa cho biết, việc thảo luận về khả năng cung cấp các khoản vay đang ở giai đoạn đầu, nhưng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần “đảm bảo đầy đủ” rằng những món nợ của quốc đảo này có thể được trả theo một lộ trình bền vững. Theo đó, đại diện IMF nêu rõ, “một chương trình hỗ trợ của IMF phải giải quyết được các vấn đề nghiêm trọng về cán cân thanh toán của Sri Lanka và đưa nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng bền vững càng sớm càng tốt”.

Trước đó, phái đoàn của Sri Lanka, đã khởi động đàm phán chính thức với IMF về chương trình mà Colombo hy vọng sẽ giúp tăng thêm dự trữ và thu hút tài chính với trị giá khoảng 3 tỉ USD trong những tháng tới, để chi trả cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.

Trong khi đó, chương trình hỗ trợ của IMF đối với Pakistan đang bị đình chỉ sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan vào cuối tháng Hai công bố kế hoạch trợ cấp điện và nhiên liệu trị giá 1,5 tỷ USD mà không có sự chấp thuận của IMF. Ông Khan bị lật đổ vào ngày 9/4 do các cuộc biểu tình liên quan đến chi phí sinh hoạt tăng cao. Giá tiêu dùng ở Pakistan đã tăng 12,7% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, nền kinh tế Ai Cập cũng đang phải vật lộn với tình trạng lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tình trạng lạm phát cao hơn và sự tháo chạy của đầu tư nước ngoài kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine.

Ngân hàng trung ương Ai Cập đã giảm giá đồng tiền nước này khoảng 14% vào tháng Ba để mở đường cho sự hỗ trợ của IMF. Chính phủ Ai Cập trước đây đã thắt chặt chính sách tiền tệ để làm cho các khoản nợ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ai Cập đã phải đối mặt với những thách thức kinh tế lâu dài, bao gồm sự gia tăng nghèo đói và sự suy giảm lực lượng lao động. Nước này đã vay khoảng 20 tỷ USD từ IMF kể từ năm 2016, đứng thứ hai sau Argentina về viện trợ từ tổ chức này kể từ những năm 1980. Trong năm 2020 và 2021, Chính phủ Ai Cập đã chi hơn 40% nguồn thu để trả nợ và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ trả nợ như vậy trong năm nay.

Ngay sau khi Ai Cập giảm giá đồng tiền, các quốc gia Vùng Vịnh đã cam kết bơm khoảng 22 tỷ USD vào nước này, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng viện trợ 100 triệu USD để giúp Ai Cập đối phó với giá lương thực tăng cao do cuộc xung đột ở Ukraine. Các nhà kinh tế cho biết Ai Cập có khả năng cũng sẽ tìm kiếm thêm sự hỗ trợ của IMF.

Tunisia là một nền kinh tế khác cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ, với các kệ hàng tạp hóa gần đây đã hết đường, bột mì và các nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng khác và chính phủ đang trì hoãn việc trả lương cho công chức. Tháng trước, chính phủ Tunisia đã nhận được khoản tài trợ 400 triệu USD từ WB và hy vọng sẽ được IMF đảm bảo thêm một nguồn tài chính.

Bảo Trâm (Theo Guardian)

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG