Thursday, September 19, 2024

Gần 30% dân số bị phong tỏa, kinh tế Trung Quốc trả giá đắt

Nỗ lực ngăn chặn đợt dịch bùng phát Omicron đang tạo ra vấn đề lớn cho kinh tế Trung Quốc. Ước tính gần 400 triệu người tại Trung Quốc đang trong cảnh phong tỏa ở các mức độ khác nhau.. 

Tại Trung Quốc lúc này, hàng trăm nghìn người đã được đưa đi cách ly tập trung, hàng triệu người khác được yêu cầu ở nhà. Cuộc sống thường nhật ở hàng chục thành phố đã bị đóng băng, trong lúc giới chức chạy đua truy vết để dập tắt đợt dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.

Ngân hàng Nomura của Nhật Bản ước tính 373 triệu người ở 45 thành phố Trung Quốc đang phải sống trong cảnh phong tỏa dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Số người trên chiếm xấp xỉ 1/3 dân số Trung Quốc, đại diện cho khoảng 7.300 tỷ USD nếu tính theo GDP hàng năm.

kinh te Trung Quoc lao dao anh 3
Tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ y tế chuẩn bị xịt khử trùng một khu dân cư ở Thượng Hải hôm 14/4.

Kinh tế dần bị đè nặng

Cảnh tượng phong tỏa trước mắt là một phần của chiến lược chống dịch đang ngày càng mâu thuẫn với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% mà Trung Quốc đặt ra cho năm 2022 hiện không khả thi vì rất nhiều hoạt động kinh tế thường nhật đang bị trì trệ.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 11/4 cũng cảnh báo quan chức địa phương về thiệt hại kinh tế ngày một lớn của các đợt bùng dịch. Từ đó, ông Lý kêu gọi giới chức địa phương cần cân bằng biện pháp kiểm soát dịch và việc khuyến khích tăng trưởng.

“Chúng ta cần phải điều phối công tác kiểm soát và phòng ngừa dịch với phát triển kinh tế – xã hội”, Thủ tướng Lý nói.

Kể từ khi đợt dịch gần nhất bùng phát vào tháng 3, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 350.000 ca nhiễm cộng đồng – con số không lớn đối với những nước từng chiến đấu với biến chủng Omicron.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược chống dịch triệt để, một phần là do lo ngại về nhóm cao tuổi chưa tiêm chủng. Hiện quốc gia này vẫn còn khoảng 40 triệu người trên 60 tuổi chưa được tiêm mũi đầu.

kinh te Trung Quoc lao dao anh 2
Một con phố vắng vẻ trong lúc Thượng Hải phong tỏa hôm 14/4.

Cách Trung Quốc phản ứng trước đợt bùng dịch gần nhất đã bắt đầu có tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu vì các nhà máy sản xuất iPhone, xe điện và chất bán dẫn tại đây đã phải dừng vận hành.

Một số cấu kiện thiết yếu còn không thể được vận chuyển từ cảng tới nhà máy vì các chốt chặn và yêu cầu kiểm tra Covid-19 nghiêm ngặt.

Tuần này, Pegatron, một nhà sản xuất iPhone quy mô lớn, cho biết hai công xưởng của công ty này tại Trung Quốc đã ngừng hoạt động “để đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa Covid-19 của chính quyền địa phương”.

Hãng chế tạo linh kiện xe hơi Bosch của Đức và công ty sản xuất xe hơi Tesla là hai trong số các công ty quốc tế đã phải dừng vận hành. Nguyên nhân là tài xế xe tải được yêu cầu có xét nghiệm âm tính nCoV trong vòng 48 tiếng trở lại để tiến vào các thành phố như Thượng Hải.

Địa phương chạy đua siết quy định chống dịch 

Kể cả tại một số nơi không ghi nhận ca nhiễm, nhà chức trách cũng vẫn lập chốt chặn. Tuần này, Quốc vụ viện (chính phủ Trung Quốc) đã phải đề nghị giới chức không cản trở những con đường, cảng biển và sân bay lớn.

Nỗ lực ngăn ngừa dịch bùng phát đang tạo ra vấn đề lớn cho Trung Quốc, khiến các nhà kinh tế phải giảm kỳ vọng vào sản lượng kinh tế của quốc gia này trong năm 2022. Một nhà kinh tế thậm chí còn dự đoán Trung Quốc có thể rơi vào suy thoái trong những tháng tới.

Nhưng tới nay, chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách “Zero Covid-19”.

kinh te Trung Quoc lao dao anh 1
Ước tính gần 400 triệu người Trung Quốc đang phải sống trong cảnh phong tỏa dưới hình thức này hoặc hình thức khác.

Trong chuyến đi thị sát tỉnh Hải Nam hôm 13/4, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ không nói lỏng các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa Covid-19, theo Reuters.

Ông Tập cho biết Trung Quốc phải tiếp tục thực hiện chính sách chủ động loại trừ Covid-19 một cách chặt chẽ, trong khi cố gắng giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng dịch với kinh tế và xã hội.

Bắc Kinh đang ưu tiên chính sách không khoan nhượng đối với virus corona và các đợt bùng dịch, theo ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc của ngân hàng Nomura.

“Vấn đề là khi bạn đặt ra mục tiêu chính sách như thế, chính quyền các địa phương sẽ cạnh tranh với nhau”, ông Lu nói.

Hậu quả của sự cạnh tranh ấy là chính quyền địa phương sẽ tự siết chính sách chống dịch trên địa bàn để đảm bảo không có rủi ro virus xuất hiện và trở thành đợt dịch khó kiểm soát.

Chẳng hạn, thành phố Quảng Châu với 15 triệu người hồi tuần trước đã bắt đầu xét nghiệm toàn thành phố sau khi phát hiện chỉ 20 ca nhiễm cộng đồng.

“Nếu chính quyền địa phương nào cũng làm vậy, toàn bộ nền kinh tế sẽ gặp rắc rối”, ông Lu nói. “Cả hệ thống sẽ khuếch đại chiến lược ‘Zero Covid-19’”.

Quốc Anh 

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG