Thursday, March 28, 2024

Chuyên gia: Bối cảnh Ukraine đã tạo ra cuộc chiến “bất đối xứng” đầu tiên của thế giới

Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng có một không hai trong lịch sử thế giới, sự kiện này sẽ được coi là “cuộc chiến bất đối xứng” đầu tiên. Cuộc chiến bất đối xứng là gì, chúng ta sẽ sớm làm rõ, nhưng trước hết, nó không phải là “Chiến lược tác chiến bất đối xứng” – một thuật ngữ quân sự đã từng được nhắc đến. Cánh Cò đã có cuộc trao đổi cùng chuyên gia quân sự – quốc phòng Lê Ngọc Thống về cuộc chiến kiểu mới xung quanh những diễn biến tại Ukraine thời gian qua. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Binh lính Nga tuần tra tại Volnovakha, Donetsk ngày 11/4/2022.

Thực tế, đang xảy ra một cuộc chiến giữa Ukraine và Nga mà Nga xác định đó là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, không cân sức, chênh lệch lớn về lực lượng, nhưng đừng hiểu nhầm, nó không phải là “cuộc chiến bất đối xứng”.

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga nhằm phi hạt nhân, phi phát xít, phi quân sự hóa Ukraine. Mọi thứ dường như rõ ràng và có thể đoán trước được ở đó…

Tác giả Lê Ngọc Thống.

Nga đang hoạt động quân sự tại Ukraine với tư thế của một “người chơi” có ưu thế sức mạnh hoàn toàn làm chủ thế trận. Quân đội Nga chiếm lĩnh không gian vật lý, tiêu diệt các chiến binh Azov, Aidar và giải phóng các thành phố. Còn chế độ của Tổng thống Zelensky hoàn toàn thất bại trong các hoạt động quân sự, đã ném tất cả lực lượng và nguồn lực còn lại vào một cuộc phản công tuyệt vọng trong không gian thông tin.

“Cuộc chiến bất đối xứng” lần đầu tiên trong lịch sử…

Lần đầu tiên trong lịch sử có một cuộc chiến kỳ lạ, khi Mỹ và phương Tây đáp trả các hành động quân sự hoàn toàn bằng các biện pháp kinh tế, mang tên “Đòn trừng phạt từ địa ngục”. Đây là một cuộc chiến toàn diện, triệt để, ác liệt, quy mô toàn cầu, trên các mặt kinh tế – văn hóa – xã hội của “tập thể” Mỹ-phương Tây nhằm vào Nga. Quy mô, tính chất, mức độ của nó khiến nhiều nhà phân tích quân sự, địa chính trị coi đó là “Chiến tranh Thế giới lần thứ III tại châu Âu”.

Mỹ và phương Tây đáp trả các hành động quân sự hoàn toàn bằng các biện pháp kinh tế, mang tên “Đòn trừng phạt từ địa ngục”.

Nhưng tại sao nó được coi là “cuộc chiến bất đối xứng” đầu tiên trong lịch sử chiến tranh thế giới?

Các cuộc chiến tranh truyền thống mang tính đối xứng. Đối xứng ở đây có nghĩa các đội quân dàn hàng ngang hai bên, ai có vũ khí tốt nhất, tinh thần cao hơn, số lượng nhiều hơn và chỉ huy tài năng hơn, ai đạt kết quả trước thì người đó sẽ chiến thắng. Hoặc sự cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế với nhau cũng tương tự, thì ai có hậu cần tốt hơn và tối ưu hóa sản xuất, chi phí thấp hơn, quảng cáo và dịch vụ tốt hơn (hoặc cuối cùng đơn giản chỉ là ai có nhiều tiền hơn) sẽ thắng. Đó là những cuộc chiến mà “tiền-trí tuệ-ý chí-lực lượng-vũ khí” đối đầu với nhau, chỉ khác là bên nào dày hơn, có ưu thế hơn, vậy thôi.

Một trận đánh trong Thế Chiến thứ II.

Nhưng Mỹ-EU đối đầu với Nga-Trung Quốc theo một cách khác, đó là đối đầu với nhau bằng hai loại hình kinh tế khác nhau về cơ bản. Và theo đó, các phương pháp đối đầu và ảnh hưởng cũng khác nhau. Phương Tây “hậu công nghiệp” tập trung vào dịch vụ và chất lượng ảo, phi vật chất. Phương Đông lại dựa trên sản xuất và tài nguyên.

Do vậy, những đòn của Mỹ-phương Tây đưa ra chủ yếu là ảo, tinh thần, trong phạm trù ý thức. Còn “đòn đánh” mà Nga đưa ra thuộc phạm trù vật chất, là sự sống, sự tồn tại của sự vật hiện tượng mà cụ thể là con người.

Có một chân lý mà ai cũng biết là: Con người có rất nhiều nhu cầu, nhưng nhu cầu đầu tiên là sự sống. Điều gì đảm bảo cho sự sống? Đó là đủ ăn uống, không bị bệnh tật, ấm khi đông tới và mát khi hè về. Khi một trong những nhu cầu này không thỏa mãn, con người ta sẽ chết, mà chết là hết. Điều này người phương Đông gói gọn trong thành ngữ: “Có thực mới vực được đạo”.

“Đòn đánh” mà Nga đưa ra thuộc phạm trù vật chất, là sự sống, sự tồn tại của sự vật hiện tượng mà cụ thể là con người.

Như vậy, chúng ta hiểu rằng, sự “bất đối xứng” trong cuộc đối đầu của Mỹ-phương Tây với Nga-Trung Quốc chính là Mỹ-phương Tây ra đòn chủ yếu về “đạo”, còn Nga-Trung, mà chủ yếu là Nga, lại đáp trả chủ yếu về “thực”.

Đối đầu “kỳ lạ” giữa Nga và phương Tây

Ở Anh, 84% GDP là dịch vụ và Mỹ cũng tương đương. Các quốc gia trở nên giàu có và văn minh nhờ vào một lực lượng quân sự mạnh với “hệ thống petrodollar” (USD đổi lấy dầu) đủ để cai trị, bá chủ thể giới.

Đơn giản, bởi chỉ có hai cách để có được USD mà mua dầu. Một là thông qua thị trường ngoại hối, tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp lâu dài khả thi vì chi phí và tổng lợi nhuận – tức lượng USD thu về – khá thấp. Thay vào đó, nhiều quốc gia đã chọn phát triển một chiến lược về xuất khẩu với Mỹ để đổi hàng hóa và dịch vụ lấy USD mà họ cần để mua dầu trên thị trường toàn cầu.

Sức mạnh của Mỹ-phương Tây đến từ hệ thống petrodollar.

Vậy là hàng xuất khẩu tốt nhất, dịch vụ tốt nhất nhưng giá rẻ nhất, ùn ùn đến Mỹ. Dân Mỹ hưởng lợi, đời sống lên cao, Mỹ độc quyền in tiền USD. Và dĩ nhiên, những “tờ bạc xanh” được in ra quá dễ dàng được dùng để đổi lấy tài nguyên, khoáng sản, hàng hóa và tăng cường sức mạnh quân sự, sẵn sàng sử dụng quân sự để bảo vệ “petrodollar”.

Vì vậy nếu hệ thống petrodollar sụp đổ thì sức mạnh Mỹ và theo đó là vai trò thống trị thế giới của Mỹ sẽ sụp đổ.

Bất đối xứng đầu tiên là giữa “sự sống” và “cuộc sống”

Giờ đây, Nga-Trung Quốc kiểm soát tài nguyên, hậu cần và sản xuất. Nga giàu có về tài nguyên, còn Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu được mệnh danh “đại công trường thế giới”. Trong khi đó Mỹ-phương Tây nghĩ rằng họ đang kiểm soát tài chính và thông tin toàn cầu, và thực tế cho thấy mọi hành động của họ đều đang theo đúng quan điểm này.

Mỏ khai thác kim cương và khoáng sản Yakutia, đông bắc Nga.

Phương Tây đe dọa cắt đứt dòng chảy tài chính của Nga. Đáp lại, Nga đe dọa cắt đứt khả năng tiếp cận khí đốt của họ. Không có khí đốt, giá điện, xăng “bay vào vũ trụ” khiến cho mất khả năng bảo vệ cho con người trước cái rét, cái nóng, dẫn đến “sự sống” của người dân bị đe dọa.

Phương Tây đe dọa cắt Nga khỏi phần mềm của họ. Đáp lại, Nga ngừng cung cấp phân bón. Không có phân bón trong khi đất bạc màu thì mùa màng thất thu, làm không có lãi… An ninh lương thực bị khủng hoảng sẽ dẫn đến nạn đói, sự sống của người dân cũng không bảo đảm.

Nhà máy sản xuất phân bón của Nga.

Rõ ràng, đói và rét liên quan trực tiếp đến lương thực và sưởi ấm (khí đốt), quyết định sự sống của con người. “Sự sống” là điều kiện tiên quyết, đầu tiên trước khi nói đến “cuộc sống” – bao gồm lối sống, mức sống và chất lượng sống. Như vậy, chúng ta thấy sự “bất đối xứng” ở đây là đòn của Mỹ-phương Tây chủ yếu gây ảnh hưởng đến “cuộc sống” nhưng của Nga thì vào “sự sống”. Cho nên, Nga sẽ luôn chiếm ưu thế về thời gian…

Bất đối xứng về “gốc” và “ngọn”

Phương Tây đe dọa tước công nghệ của Nga. Và đáp lại, Nga đang thực hiện bỏ qua luật bằng sáng chế. Ngày 6/3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký Nghị định số 299 về việc “Sửa đổi khoản 2 của phương pháp xác định số tiền bồi thường được trả cho chủ sở hữu bằng sáng chế khi quyết định sử dụng sáng chế, mẫu hữu ích hoặc kiểu dáng công nghiệp mà không có sự đồng ý của người đó và Thủ tục thanh toán”.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin.

Phương Tây có hàng nghìn tỷ bong bóng vốn hóa và nợ. Còn Nga có các mỏ khoáng sản quý hiếm và trữ lượng lớn… Trong khi phương Tây đang tăng cường sự cuồng loạn trong lĩnh vực thông tin thì Nga lại âm thầm dự trữ vàng.

Nhìn chung, những hàng hóa cao cấp của Mỹ-phương Tây đều phải có nguồn nguyên liệu cung cấp. Từ điện thoại iPhone cho đến máy bay Boeing hay Airbus mà không nguyên liệu quý của Nga như titan, niken, neon… thì sẽ không có gì cả. Mỹ-phương Tây có thể tải phim từ Internet, nhưng nó không mang đến cho họ bánh mì và hơi ấm. Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Có bột mới gột nên hồ”.

Thiếu nguyên liệu từ Nga, các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất Boeing sẽ tê liệt.

Thực tế ràng ràng là, không có iPhone, không mạng Internet, không có tờ bạc xanh, con người có thể bức bối ở “thời kỳ đồ đá” một thời gian, nhưng con người vẫn sống. Nhưng không có khí đốt, điện, xăng dầu, không có lương thực thì con người sẽ chế vì đói rét. Mặt khác, không có khí đốt, điện, dầu mỏ và các nguyên liệu kim loại quý hiếm khác… thì phần mềm, công nghệ, các dịch vụ của “hậu công nghiệp” cũng không thể tồn tại.

Bất đối xứng về sử dụng kinh tế đáp trả quân sự

Lịch sử từ trước đến nay, “tập thể Mỹ-phương Tây” luôn sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết, đạt được các mục tiêu địa chính trị. Nghĩa là lực lượng quân sự là công cụ trực tiếp, truyền thống mà mỗi khi có mâu thuẫn địa-chính trị là “tập thể Mỹ-phương Tây” không ngần ngại đem ra sử dụng ngay và luôn. NATO tồn tại, phát triển đến ngày nay là từ tư tưởng, phương châm đó.

Đừng hỏi Mỹ-phương Tây rằng tại sao khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, động cơ tồn tại ban đầu (chống Liên Xô) không còn nhưng NATO lại không giải tán mà còn phát triển thêm… Bởi đó là công cụ, phương tiện “lấy” tài nguyên, khoáng sản trên thế giới cho phương Tây. Và đặc biệt với Nga thì sức mạnh đó được dùng để buộc Nga trở thành “con bò sữa” để châu Âu vắt kiệt.

Và ngay cả với chính đồng Euro Mỹ cũng không hề nhân nhượng. Iraq đã dám “trái lệnh” Mỹ, tìm cách bỏ qua USD để bán dầu bằng Euro. Và Mỹ đã tấn công! Libya dám vận động châu Phi sử dụng đồng tiền chung Dian vàng, và nhận lấy kết cục tương tự. Mỹ bảo vệ hệ thống “petrodollar” đến cùng và sẵn sàng sử dụng vũ lực khi cần thiết…

Iraq đã bị tấn công vị dám “trái lệnh” Mỹ, muốn thay thế USD trong giao dịch dầu mỏ.

Còn bây giờ, một “cuộc chiến xảy ra tại Ukraine” mà thực chất là xung đột quân sự giữa Nga và Mỹ-NATO, nhưng “tập thể” này tránh không trực tiếp đáp trả bằng các hành động quân sự. Không chỉ vậy, có một nguyên nhân mà lẽ ra Mỹ-NATO phải sử dụng vũ lực “ngay và luôn” như thường lệ.

Thứ nhất, Ả Rập Xê Út – quân bài chính của Petrodollar – đã không còn chỉ bán dầu bằng USD nữa mà đã chấp nhận đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc. Và thứ hai, Nga cũng học Mỹ thực hiện sách lược “Rúp cho khí đốt”…

ộ trưởng ngoại giao của Ả Rập Xê Út và Trung Quốc gặp mặt đầu năm 2022.

Nói cách khác, hệ thống petrodollar đã bị lung lay, mất giá trị độc quyền khi Nga đáp trả trực tiếp để loại bỏ USD – điều mà Tổng thống Lybia Gaddfi là người cuối cùng có hành động tương tự và chịu hậu quả thảm khốc dưới tay Mỹ-NATO. Vậy mà thật ngạc nhiên, Mỹ-phương Tây lại đáp trả Nga bằng các biện pháp kinh tế là chủ yếu…

Thật không may, kỷ nguyên trừng phạt, cấm vận và cuối cùng sử dụng vũ lực với bất cứ quốc gia nào đụng chạm đến lợi ích của Mỹ đã qua. Đối thủ của Mỹ-phương Tây bây giờ là siêu cường Nga – một quốc gia mà “nếu như thế giới không có họ thì họ cũng không cần thế giới đó”.

Một thế giới đa cực đã đang hình thành, tất nhiên, đồng tiền sẽ phải thay đổi, tờ bạc xanh ít nhất sẽ không còn là “Chúa tể Thế giới”. Đồng hồ đã bắt đầu đếm ngược, chúng ta đang chứng kiến thời khắc thay đổi trật tự quyền lực sẽ thay đổi bộ mặt của cả thế giới.

Lê Ngọc Thống

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG