Saturday, September 14, 2024

Nga phạm sai lầm trong nghệ thuật giải quyết chiến trường!

Trong suốt một tháng sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu, tất cả mọi người theo dõi sát những gì đang diễn ra ở Ukraine đã đặt ra những câu hỏi và không hiểu tại sao về lý do các hành động, đối sách của Nga tại đây. Bởi vì, nếu như hoạt động quân sự của Nga được đưa vào kinh điển chiến tranh bao nhiêu thì mục tiêu chính trị mà hoạt động quân sự mang đến lại “sơ sài” bấy nhiêu. Cánh Cò đã có cuộc trao đổi cùng chuyên gia quân sự Lê Ngọc Thống về những sai lầm trong chiến thuật của Nga. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Nếu như hoạt động quân sự của Nga được đưa vào kinh điển chiến tranh bao nhiêu thì mục tiêu chính trị mà hoạt động quân sự mang đến lại “sơ sài” bấy nhiêu…

Có thể nói hoạt động của Nga tại Ukraine trong gần một tháng qua giống như đang “ném đá ao bèo”. Nguyên nhân của sai lầm là ở tầng cấp chiến lược.

Mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga muốn đạt 6 mục tiêu chính trị:

1. Ukraine trung lập (cam kết không vào NATO)

2. Tiến hành phi quân sự theo mô hình Áo (có quân đội nhỏ).

3. Phi phát xít hóa.

4. Triệt tiêu những sự cản trở đối với việc sử dụng tiếng Nga.

5. Công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk.

6. Công nhận Crimea là bộ phận của Nga.

Sau khi đạt được 6 mục tiêu này, Nga sẽ rút quân về nước, hoàn thành “nhiệm vụ quốc tế cao cả”. Nhưng, với chính quyền Kiev, đây thực chất là một văn bản đầu hàng. Do đó, để 6 mục tiêu chính trị này đạt được thì chỉ có thể xảy ra 2 trường hợp: Hoặc là chính quyền Kiev phải đầu hàng để ký vào văn bản đó, hoặc là xóa sổ chính quyền Kiev lập nên một chính quyền mới.

Vậy làm sao để chính quyền Kiev đầu hàng?

Chính quyền Kiev đầu hàng chỉ khi toàn bộ chính quyền địa phương không còn nắm trong tay, quân đội và các lực lượng Azov, Aidar bị đánh tan. Nếu như đó là cuộc chiến quy ước, Nga thừa sức đánh tan Quân đội Ukraine với nòng cốt là lực lượng Azov, Aidar… Nhưng APU lại sử dụng dân thường làm “lá chắn sống”, còn các nhà hoạch định chiến lược Nga thì chủ quan, duy ý chí…

Cái “đặc biệt” trong chiến dịch quân sự ở đây là “sử dụng vũ khí và cảnh sát”. Tức là Nga sử dụng vũ khí mạnh phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự của APU và sử dụng lực lượng tinh nhuệ thọc sâu, truy diệt quân “khủng bố, phát xít”. Lúc đó, dân Ukraine sẽ chào đón và sẽ đứng lên phá vỡ ách kìm kẹp của lực lượng phát xít, dân tộc cực đoan, đồng thời APU sẽ bỏ súng phản chiến…

Lính Nga phát viện trợ lương thực cho người dân Ukraine.

Nói tóm lại, tư tưởng tác chiến của Nga là chỉ hủy diệt hạ tầng quân sự của Ukraine và các căn cứ quân sự của NATO, coi APU là “thân thiện” mà chỉ truy lùng và tiêu diệt lực lượng Azov và Aidar. Do đó, Bộ chỉ huy “Chiến dịch Z” của Nga tin rằng quân Nga chỉ trong một vài ngày là sẽ đánh sập APU (và thực tế đúng là như vậy) và tin rằng, quân Nga sẽ được nhận hoa, bánh mì muối từ người dân Ukraine, từ các nhà chức trách – chìa khóa dẫn đến các thành phố. Quân đội Ukraine (ngoại trừ các tiểu đoàn Azov, Aidar) sẽ buông súng, kết nghĩa thân thiện… Quân Nga sẽ rút quân, hoàn thành tốt “nhiệm vụ quốc tế”.

Nhưng thật không may, nó đã diễn ra hoàn toàn khác… Tám năm tuyên truyền kiểu mới của tân phát xít đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, khiến cho quân đội Nga ở chiến trường Ukraine đã gặp phải lửa đạn, bị chống cự quyết liệt bởi không chỉ các lực lượng Azov, Aidar mà các đối tượng tác chiến mà Nga coi là “thân thiện”…

Lữ đoàn Azov của Ukraine.

Tiến về phía trước, quân Nga không để lại hậu phương đáng tin cậy mà là một khoảng trống quyền lực, nơi nhanh chóng lấp đầy trở lại với những phần tử chống Nga bắt đầu phân phát vũ khí và tích cực chuẩn bị nhiều thủ đoạn bẩn thỉu khác nhau. Đồng thời, Nga cũng đã khiến cho những người thân Nga, mong muốn sự thay đổi không dám ra mặt bởi sợ bị đàn áp…

Tại sao các tổ chức nhà nước của chính quyền Kiev trong các vùng lãnh thổ được giải phóng vẫn được duy trì? Không chỉ vậy, tại sao các nhà chức trách địa phương có tư tưởng theo chủ nghĩa Russophobic (bài xích, chống Nga) vẫn ở lại để họ bắt đầu vũ trang cho các “đảng phái” bắt đầu tổ chức phản kháng?

Một binh lính của Lữ đoàn Aidar.

Đáng lẽ, quân đội Nga đánh đến đầu thì cần phải thành lập chính quyền địa phương đến đó. Thậm chí là đưa các chuyên gia dân sự đến giúp đỡ các chính quyền địa phương mới…

Không thể chối cãi rằng trong một tháng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã thu được những kết quả quân sự “mãn nhãn”. Nhưng nó cũng để lộ ra những lỗ hổng chính trị nguy hiểm về nghệ thuật giải quyết chiến trường mà nếu không khắc phục thì mục tiêu, kết quả mà Nga muốn có tại Ukraine chỉ là sự “ném đá vào ao bèo” mà thôi.

Xe tăng mang biểu tượng của Chiến dịch Z.

Một tháng của Chiến dịch Z đã lộ ra hoạt động của cơ quan tình báo đối ngoại Nga hoặc chủ quan, hoặc bị mắc lừa, đã không nắm chắc ý chí chính trị của quân, dân Ukraine. Cho nên, Bộ Tham mưu Chiến dịch Z đã xác định sai đối tượng tác chiến, dẫn đến sai lầm về phương thức tác chiến. May sao là tên lửa, không quân Nga quá mạnh, nếu không “lực lượng cảnh sát” Nga “truy lùng tội phạm” sẽ bị bao vây và tiêu diệt hết trong lãnh thổ Ukraine.

Đã đến lúc Nga phải “sửa sai lầm”…

Nếu trong những tuần đầu tiên, Nga cố gắng đối xử với quân đội Ukraine một cách nhân đạo nhất có thể, thì bây giờ đã đến lúc quân Nga đang chiến đấu một cách nghiêm túc. Những “trò đùa” đã kết thúc. Lòng tin ngây ngô của người Nga về bánh mì, muối, sự thân thiện từ người dân Ukraine rất xa rời thực tế nay đã sụp đổ. Tất nhiên, nó kéo theo những tổn thất không đáng có: Tính đến 26/3, đã có 1.351 lính Nga thiệt mạng, 3.825 quân nhân bị thương.

Chẳng có một nguyên tắc nào trên chiến trường mà nhân nhượng với đối thủ, bởi khi súng đã nổ thì “nhân nhượng với kẻ thù là tự sát”. Nhưng quân Nga lại làm như vậy, nên họ đã bị “ăn đạn” từ phía sau lẫn phía trước bởi mệnh lệnh, tư tưởng “nhân nhượng” chết người. Chiến tranh đâu phải trò đùa…

May thay, người Nga đã nhận ra sai lầm sau khi trả giá đắt. Sự thay đổi chiến thuật và sử dụng vũ khí của quân Nga đã được nhận thấy tại xung quanh Kiev và đặc biệt tại Mariupol.

Đặc biệt, sự thay đổi lớn về sách lược có thể thấy được ở việc Nga chính thức quyết định thành lập các cơ quan hành chính quân sự-dân sự ở các vùng lãnh thổ được giải phóng. Nói cách khác là là giải phóng đến đâu thành lập chính quyền mới thân Nga tại đó, điều lẽ ra họ phải làm từ đầu. Vì vậy, nguồn lực cho nó – quân tình nguyện Nga đến Ukraine – đã được giải quyết, bất cứ ai cũng có thể nộp hồ sơ đến cơ quan nhập ngũ tại nơi cư trú.

Điều này có nghĩa là Điện Kremlin đã đi đến kết luận rằng không có giải pháp nào thay thế cho sự cần thiết phải quản lý Ukraine. Bởi vì đất nước này chắc chắn sẽ không bao giờ tồn tại trong biên giới cũ của nó, và có thể nó sẽ hoàn toàn biến thành một thứ gì đó khác.

Sự thay đổi về cách tiếp cận chiến trường này là bao vây, cắt đứt nguồn tiếp tế và khi cần thiết thì ra tay quyết liệt, đồng thời, xây dựng chính quyền mới ở khu vực giải phóng. Cách tiếp cận này không thể khác khi Nga đã nhận thấy hoạt động của Ba Lan đã và đang ở vị trí giống như của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Ba Lan đề nghị thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine là có lý do của nó. Gần 3 triệu người Ukraine đã chạy sang Ba Lan làm quá tải toàn bộ cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội của Ba Lan, mang lại sự hỗn loạn và mất trật tự vào cuộc sống bình thường của người dân địa phương… Tất cả hoặc một phần những người này cần phải được đưa vào một nơi nào đó. Thêm vào đó, trong bối cảnh sự sụp đổ rõ ràng của nhà nước Ukraine, lần đầu tiên một viễn cảnh thực sự xuất hiện trong việc giải quyết vấn đề về sự trở lại của các vùng đất phía Tây Ukraine đã bị mất trong Thế chiến thứ II của Ba Lan.

Ba Lan đã đề nghị thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine.

Theo cách tiếp cận mới, nếu như không chỉ Ba Lan mà cả Hungary muốn sáp nhập miền Tây Ukraine theo “kịch bản Crimea” thì Nga sẽ im lặng hưởng lợi… Bởi Nga sẽ xử lý rất dễ dàng phần còn lại và đỡ tốn nguồn lực hậu chiến. Dù sao, miền Tây Ukraine không phải là vùng đất lịch sử mà Nga được chào đón.

Cục diện địa chính trị sẽ có một điểm nhấn: Nga tiến về phía Tây giáp biên giới NATO, thay vì NATO tiến về phía Đông giáp biên giới Nga.

Một cuộc mặc cả địa chính trị Nga-Mỹ-Ba Lan trên lưng người Ukraine rõ ràng là đang xảy ra, nhìn từ hai tuyên bố gần đây của lãnh đạo Mỹ và Nga. Tổng thống Biden đã nói rằng: “Vấn đề nhân nhượng lãnh thổ là do chính quyền Kiev quyết định”.

Tổng thống Biden đã nói rằng: “Vấn đề nhân nhượng lãnh thổ là do chính quyền Kiev quyết định”.

Còn ông Putin tuyên bố: “Càng câu giờ đàm phán thì yêu cầu của Nga càng cao hơn”.

Khi nghe những lời đó, Tổng thống Ukraine có thấy giống như như “kẻ tung người hứng” không?

Tổng thống Nga Putin: “Càng câu giờ đàm phán thì yêu cầu của Nga càng cao hơn”.

Chắc chắn Ukraine sẽ “không tồn tại trên danh nghĩa nhà nước” như Putin đã nói mà nguy cơ rõ nhất là khả năng bị phân tách rất cao.

Người đứng đầu đối ngoại EU, ông Josep Borrell đã nói: “Bây giờ Nga không muốn ngồi xuống và tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào. Nhiều khả năng Nga muốn cắt đứt đường tiếp cận biển, lấy đất của Ukraine. Nga muốn kéo dài từ bờ biển đến biên giới với Moldova và cô lập Ukraine khỏi biển. Nga muốn đàm phán nghiêm túc chỉ khi củng cố được thế mạnh”.

Và ông Borrell kết luận: “Điều này rất quan trọng vì mọi thứ sẽ được quyết định trong 15 ngày tới”.

Người đứng đầu đối ngoại EU, ông Josep Borrell.

Chúng ta hãy chờ thử xem!

Lê Ngọc Thống

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG