Thursday, November 21, 2024

Tình hình kinh tế – xã hội Myanmar sau một năm đảo chính

Sự kiện quân đội lên nắm quyền ở Myanmar đến nay đã hơn một năm (ngày 1/2/2021). Vấn đề gây cảm giác tiếc nuối không chỉ là nền dân chủ phương Tây tại Myanmar đi vào ngõ cụt, mà còn do Myanmar, từng là đế chế hùng mạnh dưới thời đại của Kyansittha và Bayinnaung, nhưng nay lại bị cho là “quốc gia kém phát triển nhất”. Myanmar đang bị cuốn vào các cuộc đối đầu của giới tinh hoa, đối mặt với tình trạng chia rẽ chính trị và hỗn loạn giữa các sắc tộc. Có thể nói đất nước này đang rơi vào trạng thái bất ổn định.

Xe quân sự Myanmar di chuyển trên đường phố Mandalay hôm 2-2-2021, một ngày sau cuộc đảo chính giành quyền kiểm soát đất nướcẢnh: REUTERS

Bài phân tích mới đây đăng trên mạng esra.org.cn nhận định một năm sau khi quân đội nắm quyền, tình hình kinh tế Myanmar mặc dù đối diện với nguy cơ khủng hoảng nhưng vẫn chưa sụp đổ. Lạm phát tăng nhanh nhưng đã ổn định trở lại sau đó. Việc rút vốn của nước ngoài và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây nên những khó khăn mới cho quá trình phục hồi kinh tế của Myanmar. Song tác động tạm thời cũng chỉ ở mức hạn chế. Trái lại, trước sự tấn công kép của dịch bệnh và bất ổn chính trị, đời sống xã hội của người dân đang ngày càng khó khăn.

Sau khi quân đội Myanmar tiếp quản quyền lực, rủi ro và khó khăn lớn nhất nằm ở việc quản trị kinh tế và xã hội. Trước nguy cơ kép của dịch bệnh và bất ổn chính trị, quân đội Myanmar, với thành tích quản trị kém trong lịch sử, đã phải “xử lý tình huống khẩn cấp” như thế nào và hiệu quả ra sao?

Kinh tế vĩ mô: “Kìm cương ngựa bên bờ vực thẳm”

Tình trạng bất ổn và việc phải duy trì ổn định của nền kinh tế vĩ mô là những thách thức và trách nhiệm khó thoái thác mà quân đội Myanmar sẽ phải đối mặt sau khi tiếp quản quyền lực. Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Myanmar có xu hướng đi xuống rõ rệt sau khi quân đội lên nắm quyền. Dự kiến kinh tế cũng sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm 2022 và có thể tiếp tục “đi đến bờ vực thẳm” do tình hình ngày càng xấu đi. Bộ Tuyên truyền Myanmar bác bỏ quan điểm này, cho rằng phục hồi kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Ngân hàng Thế giới cũng nhận định vào năm 2023, nền kinh tế Myanmar không chỉ sẽ bị ảnh hưởng do “thảm họa dịch bệnh”, mà còn bị ảnh hưởng bởi “tai họa con người” do quân đội lên nắm quyền. Một số tổ chức kinh tế quốc tế chỉ ra rằng “chính biến” mới thực sự là mối hiểm họa lớn nhất.

Một chỉ số khác cần theo dõi là lạm phát. Nếu các chỉ số tăng trưởng kinh tế đều ở mức “yếu”, thì lạm phát chỉ có thể được ví như “bệnh”. Tỷ giá hối đoái giữa đồng Kyat (đồng tiền Myanmar) và USD đã giảm xuống còn 2900:1 vào ngày 28/9/2021 và tăng lên khoảng 1300:1 vào đầu tháng 2/2021. Do sự kiểm soát chặt chẽ của ngân hàng trung ương và nạn buôn bán bất hợp pháp tràn lan, tỷ giá USD trên thị trường chợ đen đã có lúc tăng vọt lên mức trên 3200:1. Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Trung ương Myanmar đã nhiều lần bán ra đồng USD để bình ổn thị trường, đồng thời ra quy định bắt buộc đóng cửa dịch vụ kinh doanh thu đổi ngoại tệ hoặc hạn chế rút tiền ATM. Người Myanmar nói đùa rằng sau khi tiền lương được chuyển vào tài khoản, họ đã xếp hàng dài vào sáng sớm trong hai tháng liên tiếp mà vẫn không rút được tiền. Thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu tiên sau khi quân đội nắm quyền, có rất nhiều công ty không trả được lương, nợ nần tồn đọng chồng chất, việc chuyển khoản qua mạng cũng bị đình trệ (điều này có thể có liên quan tới việc chính quyền nhiều lần cắt mạng internet để kiểm soát xã hội, dẫn đến việc chuyển khoản qua mạng bị đình trệ). Để nhanh chóng chuyển dịch tài sản hoặc giải quyết các khoản nợ, một số công ty môi giới cung cấp dịch vụ chuyển khoản thu phí bằng tiền mặt với mức phí cao tới 15% số tiền chuyển. Điều này càng khiến tỷ giá biến động mất kiểm soát, thậm chí còn xuất hiện tình trạng “khủng hoảng thiếu tiền mặt”.

Chính quyền quân sự Myanmar luôn có thái độ thận trọng đối với việc in tiền, kiên quyết bác bỏ tin đồn “lạm phát tiền”. Họ từng đổ lỗi nguyên nhân lạm phát là do phải đóng cửa biên giới để đối phó với dịch bệnh. Đồng thời, chính phủ cũng đã thông qua một loạt chính sách kinh tế mới, chẳng hạn như tăng cường giám sát thị trường ngoại hối; cho phép thanh toán qua biên giới trực tiếp bằng Nhân dân tệ và đồng Kyat, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới… Đến cuối năm 2021, chính phủ tuyên bố dịch bệnh và lạm phát được “kiểm soát”, với tỷ giá đồng Kyat và USD được duy trì ở mức 1800:1. Tuy nhiên, tỷ giá ngoại hối chợ đen là vẫn trong khoảng 2000:1. Sau khi chính phủ bán gần 300 triệu USD để “giải cứu thị trường”, tỷ giá đồng Kyat, giá vàng và nhiên liệu dần ổn định, áp lực chi phí sản xuất được kiểm soát và Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) phục hồi. Kết quả là nền kinh tế Myanmar đã có khả năng “ghìm cương ngựa trước bờ vực thẳm”. Nhưng vẫn không dễ để lạc quan.

Kinh tế đối ngoại: Thoái vốn của nước ngoài, song ảnh hưởng chỉ ở mức hạn chế

Người dân xếp hàng chờ rút tiền mặt ở Yangon, Myanmar, vào tháng 3/2021. Kể từ khi quân đội nắm chính quyền, quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng. (Nguồn: The New York Times)

Rút vốn của nước ngoài là thử thách hàng đầu mà kinh tế đối ngoại phải đối mặt sau khi quân đội Myanmar lên nắm quyền. Theo thống kê, từ ngày 1/2/2021 đến cuối năm 2021, tổng cộng 20 công ty có vốn nước ngoài đã thực hiện các bước để rút khỏi Myanmar, trong đó có 11 công ty trực tiếp đóng cửa hoặc ngừng đầu tư, các công ty khác hoặc là tạm ngừng kinh doanh, bán doanh nghiệp, hoặc chấm dứt hợp tác với doanh nghiệp quân đội. Bề ngoài, cách giải quyết vấn đề của các quốc gia phương Tây là, thoái vốn là “sự đáp trả đối với đảo chính quân sự”, “tạm dừng liên hệ thương mại với doanh nghiệp quân đội sẽ khích lệ dân chủ nhân quyền của Myanmar”. Nhưng thoái vốn không chỉ là kết quả của sự đánh giá rủi ro, mà còn liên quan tới vấn đề cắt giảm “chi phí – lợi nhuận” cũng như hệ thống pháp lý phức tạp. Đằng sau nó là môi trường đầu tư chuyển biến xấu nhanh chóng và sự suy thoái kinh tế của Myanmar.

Chúng ta có thể nhận thấy từ 3 ví dụ khác nhau: Ví dụ thứ nhất là “khó khăn trong đàm phán” của công ty Kirin Nhật Bản. Kirin và công ty TNHH Myanmar Economic Holdings (MEHL, doanh nghiệp quân đội) hợp tác kinh doanh bia Myanmar (MB). Sau khi quân đội nắm quyền, Kirin ngay lập tức đề nghị ngừng hợp tác với MEHL. Lý do được đưa ra là “không muốn ủng hộ quân đội Myanmar vi phạm các nguyên tắc liên quan đến nhân quyền”. Trên thực tế, Kirin hoàn toàn không muốn rút khỏi thị trường Myanmar. Dự tính ban đầu của đề xuất chấm dứt hợp tác của Kirin là “loại bỏ nguồn vốn không trong sạch”. Nhưng sau một số vòng đàm phán với MEHL bị thất bại, Kirin đã đưa ra tòa án đề nghị xem xét xử lý. Kirin đã yêu cầu sự giúp đỡ từ trung tâm trọng tài quốc tế Singapore. Hiện nay, Kirin đang thua lỗ nghiêm trọng tại Myanmar. Công ty nước ngoài như Kirin đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Vì dụ thứ hai là, “khó khăn mua bán chuyển nhượng” của công ty Nauy Telenor. “Ông lớn” viễn thông Nauy này tuyên bố sẽ bán lại doanh nghiệp Myanmar cho công ty M1 của Lebanon, nhưng việc mua bán doanh nghiệp bị cản trở bởi các lực lượng chính trị khác nhau. Nếu bán lại cho Lebanon thì sẽ bị nhóm chống Hồi giáo lên án, nhưng nếu bán lại cho doanh nghiệp quân đội thì lại lo ngại sẽ bị phương Tây truy cứu trách nhiệm. Quá trình mua bán gặp nhiều trắc trở và vẫn rơi vào tình thế bế tắc.

Ví dụ thứ ba là “khó khăn về việc kéo dài thời hạn” của công ty Total của Pháp và công ty Chevrolet của Mỹ. Hai công ty này liên doanh với công ty MGTC (phụ trách đường ống dẫn khí Myanmar – Thái Lan) tiến hành dự án khai thác mỏ khí Yadana. Sau khi quân đội lên nắm quyền, hai công ty hoàn toàn bị ảnh hưởng của áp lực chính trị và nhanh chóng “lên án cuộc đảo chính”, tạm dừng triển khai dự án duyên hải A6, nhưng vẫn vận hành các dự án hiện có và công khai thể hiện ý định kéo dài thời hạn để tránh thua lỗ. Trước sức ép ngày càng lớn từ các bên, hai công ty vốn bị gán cho cái mác “tay sai của quân đội”, “đáng bị trừng phạt”… phải bất đắc dĩ tuyên bố “rời đi có trật tự khỏi các dự án của Myanmar”, trở thành một trong số những nạn nhân trước sức ép của tình hình chính trị Myanmar.

Hơn nữa, dù việc “thoái vốn” nêu trên là hành vi chủ quan hoặc là do bị ép buộc, các doanh nghiệp vốn đảm bảo công ăn việc làm cho người dân địa phương và an sinh xã hội này đã hoàn toàn bị cuốn theo cuộc tranh đấu chính trị nội bộ của Myanmar. Về nguyên tắc, các công ty liên quan phải thực hiện nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo pháp luật. Việc đơn phương thoái vốn sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro. Yêu cầu họ hoàn toàn cắt đứt quan hệ với Myanmar là quá khắc nghiệt. Điều này càng làm xấu đi môi trường đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến sự hồi phục kinh tế của Myanmar.

Một yếu tố quan trọng khác tác động đến kinh tế đối ngoại của Myanmar là các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ví dụ, từ ngày 1/6/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các quy định cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với chế độ quân sự Myanmar, các nhà lãnh đạo quân sự và gia đình của họ, phong tỏa tài sản của các nhân viên liên quan tại Mỹ, kiểm soát việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Myanmar… Đồng thời, liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes) và các quốc gia Âu, Mỹ khác cũng liên tiếp công bố các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar. Điều khác biệt so với đợt trừng phạt mạnh mẽ đối với giới quân sự Myanmar sau cuộc đảo chính vào năm 1988 là ở chỗ, đợt trừng phạt này đã gây ra tranh cãi lớn ngay từ khi mới bắt đầu. Quân đội Myanmar đã đóng cửa và thực hiện tự cung tự cấp trong nội bộ. Các biện pháp trừng phạt kinh tế chủ yếu gây thiệt hại cho xã hội và khiến người dân Myanmar đối mặt với tình trạng bất công. Trên thực tế, những hạn chế về dòng vốn đã không cản trở được nhu cầu luân chuyển hàng hóa, ngoại thương. Sự tác động đối với nền kinh tế Myanmar cũng chỉ ở mức hạn chế.

Viện trợ đói nghèo, chỉ người trong cuộc mới hiểu

So với kinh tế vĩ mô và kinh tế đối ngoại, dân sinh xã hội bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi cuộc chính biến ở Myanmar và cũng bị tác động nặng nề do đợt dịch COVID-19 thứ ba ở nước này. Các biến chủng Delta và Omicron lần lượt xâm nhập khiến hệ sinh thái xã hội mà Myanmar vốn đang lo ngại lại càng thêm nghiêm trọng. Tháng 4/2021, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) dự đoán 12 triệu người ở Myanmar rơi vào cảnh nghèo đói và con số này có thể lên tới hơn 25 triệu vào cuối năm, gần bằng 50% dân số Myanmar.

Chính trị đường phố đã trở thành môi trường thích hợp cho sự lây lan của đại dịch. Càng nhiều nhóm người tham gia vào phong trào biểu tình đường phố, dịch bệnh càng dễ dàng lây lan. Các biện pháp chống dịch được đưa ra dường như không có tác dụng. Bên cạnh đó, tình trạng hỗn loạn khiến người dân trong nước thường xuyên di chuyển, càng gây khó khăn cho công tác phòng ngừa dịch bệnh. Theo một điều tra của UNDP, khoảng 1,1 triệu người Myanmar đã rời khỏi đất nước để đi lánh nạn. Bên cạnh đó, do sự nổi lên của các nhóm phản kháng chống lại chính quyền quân sự, tình trạng gia tăng các cuộc xung đột vũ trang, một số lượng lớn người tị nạn đã xuất hiện tại các khu vực biên giới, đặc biệt là đường biên giới với Ấn Độ và Thái Lan. Khu vực biên giới bị mất kiểm soát, người nhập cư bất hợp pháp xâm nhập Myanmar ngày càng nhiều, mang theo virus từ bên ngoài vào. Các nguồn virus nội ngoại đan xen càng khiến dịch bệnh hoành hành.

Nhưng cho dù quân đội có tăng cường trấn áp các cuộc biểu tình hoặc người dân liều lĩnh chống lại, thì điều đó sẽ chỉ làm cho cuộc sống của người dân ở Myanmar càng trở nên tồi tệ hơn. Một người bạn Myanmar của tác giả đã rất thận trọng kể từ khi quân đội lên nắm quyền và không thể hiện bất kỳ quan điểm lập trường chính trị nào, nhưng nhiều thành viên trong gia đình và bạn bè của anh đã chết vì dịch bệnh, hoặc bị bỏ tù vì dính líu đến chính trị. Anh ta thậm chí còn không muốn thảo luận với tác giả về bất kỳ “khả năng nào trong tương lai”, bởi vì “anh ta đã mất hy vọng”.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, chính quyền quân sự Myanmar ít nhất đã đạt được một số thành công trong kiểm soát dịch bệnh. Nhờ viện trợ quốc tế kịp thời, hơn 17 triệu người ở Myanmar đã được tiêm chủng, trong đó hơn 12 triệu người đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2. Mặc dù phải đối mặt với thách thức của biến chủng Omicron, nhưng tỷ lệ mắc bệnh đã giảm từ 1% -2% mỗi ngày. Chính phủ Myanmar cũng đã đề xuất khôi phục lại các hoạt động bay thương mại trong quý I/2022, nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài và mở cửa trở lại ngành du lịch. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), nguy cơ người dân Myanmar phải đối mặt với khủng hoảng lương thực cũng đã giảm đáng kể. Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, nhưng các cuộc phản kháng trong xã hội đã suy giảm rõ rệt. Tác động của tình hình chính trị ở Myanmar đối với kinh tế và xã hội đã tạm thời lắng dịu. Tất nhiên, tình hình không thể ổn định ngay lập tức. Xét cho cùng, tình hình tốt hay xấu thì chỉ người dân Myanmar mới có thể hiểu rõ nhất. Hiện nhiều người dân ở nước này vẫn đang cảm thấy khó thích nghi với cuộc sống sau chính biến.

Sự “hỗn loạn chính trị” ở Myanmar đã dẫn đến những khó khăn về kinh tế và xã hội, và tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hoạt động quản trị kinh tế xã hội của quân đội không phải là thất bại hoàn toàn, nhưng rất khó để “tiêm một liều kích thích” vào thị trường đang suy thoái. Đối với quốc gia vốn phụ thuộc vào đầu tư và thương mại nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế như Myanmar, việc quân đội nắm quyền đã dẫn đến tình trạng thiếu ổn định do nội bộ xã hội phản kháng cùng với sự cấm vận từ bên ngoài. Các công ty nước ngoài hiện đang thiếu thiện cảm với Myanmar, mặc dù Myanmar là “mảnh đất thu hút đầu tư”. Dòng vốn đổ vào Myanmar sẽ đối mặt với nhiều cạm bẫy, như có thể bị quân đội chiếm đoạt, hoặc không được đảm bảo an toàn. Nói tóm lại, nếu chỉ dựa vào nguồn lực bên trong và viện trợ nước ngoài, quân đội Myanmar khó có thể lèo lái để đưa nước này “thoát khỏi tình trạng hỗn loạn” hiện nay./.

Khai Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG