Một số người cho rằng nếu Việt Nam không lên án việc Nga tiến hành “cuộc chiến đặc biệt” vào Ukraine hiện tại thì sẽ tạo thành tiền lệ cho mối nguy hiểm từ Trung Quốc, nhưng họ hoàn toàn sai lầm.
Nước Nga tiến hành “cuộc chiến đặc biệt” tại Ukraine vì những mục tiêu an ninh chiến lược của họ liên quan đến những hành vi của tổ chức quân sự NATO. Quan điểm từ phía Nga gọi đây là đề phòng từ xa. Trong khi đó báo chí phương Tây trước gọi đây là một cuộc chiến vô lý, xâm phạm chủ quyền. Tuy nhiên, nếu quan sát phản ứng của thế giới thì có nhiều quốc gia khá thận trọng theo dõi cuộc chiến trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá cụ thể nào. Đơn cử như khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc muốn ra nghị quyết về việc lên án “cuộc tấn công của Nga vào Ukraine” thì có một số nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và UAE bỏ phiếu trắng. Một nước lớn khác là Brazil thì tuyên bố không tham gia trừng phạt nước Nga.
Ngày 25/2, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới.” Điều này thể hiện Việt Nam cũng như các quốc gia kể trên muốn đứng ở vị thế khách quan và quan sát thận trọng cuộc chiến, nhìn nhận quan điểm của mỗi bên, đồng thời luôn kêu gọi vì hòa bình. Tuyên bố trên cũng khẳng định Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chính kiến, không có lý do gì phải vào hùa “theo nước này để chống lại nước kia”.
Việt Nam Thời Báo, vốn là một tờ báo thân phương Tây chuyên chống phá Việt Nam bỗng dưng muốn tỏ ý tốt. Họ dẫn lời Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington DC cho rằng những gì nước Nga đang làm “đặt ra một mối đe doạ rất lớn cho Việt Nam,” Nó tạo ra một tiền lệ pháp lý nguy hiểm khi can thiệp vào một quốc gia để thay đổi lãnh đạo của họ, để khiến họ dễ uốn nắn hơn, để họ trở nên ngoan ngoãn hơn”. Ông ta còn cho rằng Việt Nam phụ thuộc Nga vì đang có quan hệ tốt và mua sắm vũ khí chủ yếu từ Nga. Một chuyên gia được dẫn lời thì tìm cách liên kết vấn đề này với Trung Quốc “khủng hoảng ở Ukraine sẽ cho Trung Quốc cơ hội “doạ nạt” các nước Đông Nam Á và cả Bắc Á, tạo ra rủi ro an ninh cao hơn cho khu vực.”
Thứ nhất, Việt Nam là một quốc gia kiên cương bất khuất, người dân giàu lòng yêu nước và luôn đoàn kết trước mọi hiểm họa xâm lăng. Lịch sử hàng ngàn năm chiến đấu với kẻ thù phương Bắc và hàng trăm năm chống lại giặc đô hộ phương Tây cho thấy người Việt Nam chưa và sẽ không bao giờ phải sợ hãi. Việt Nam hiện nay là quốc gia có vị thế, độc lập tự chủ về mặt đối ngoại và không có chuyện chúng ta phải phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào.
Là một quốc gia đã trải qua nhiều năm chiến tranh, người Việt Nam đương nhiên hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình. Thực tiễn các bối cảnh địa chính trị trong lịch sử và hiện tại cho thấy hòa bình không đến ngẫu nhiên, mà đôi khi phải chịu thử thách. Hai hiệp định hòa bình mà người Việt Nam từng ký với phương Tây là Hiệp định Geneva 1954 và Hiệp đinh Paris năm 1973 chỉ đến sau nhiều năm tháng chiến đấu, tổn thất không biết bao nhiêu xương máu của các thế hệ đi trước. Chính vì vậy, một cuộc chiến đôi khi lại là thứ bắt buộc phải có trước khi đạt được nền hòa bình bền vững. Đó là lý do mà người Việt Nam tôn trọng quan điểm cả hai phía Nga, Ukraine và có cái nhìn sâu sắc, thay vì những nhận định hời hợt và đáng ngờ từ truyền thông phương Tây.
Dù sao, Việt Nam vẫn là bạn bè thân thiết với cả hai quốc gia Nga và Ukraine, và mong hai nước có thể sớm đạt được thỏa thuận để đi đến hòa bình đích thực, dựa trên việc tôn trọng quan điểm về an ninh của nhau. Truyền thông phương Tây có thể tô vẽ cuộc chiến theo góc nhìn của mình, nhưng đừng cố “dọa nạt” hay lôi kéo Việt Nam bằng những luận điệu hời hợt mà xưa nay chuyên dùng để chống phá đất nước.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ