Trước các biến động trên chính trường thế giới gần đây, chuyên gia quân sự – chính trị thế giới Andrew Korybko đã có bài viết phân tích về ảnh hưởng của các biến động tại Ukraine đối với uy tín của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Việt Nam. Cánh Cò xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Dù vị thế độc tôn của Mỹ tại nửa tây Á-Âu vẫn tạm vững chắc, họ không thể coi đó là mặc nhiên ở phía đông. Nếu không, Mỹ sẽ lãnh hậu quả như tại tây và nam Á trong quan hệ với Israel và GCC. Mà ở đó, Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau, còn Ấn Độ tiến về phía đồng minh không chính thức Nga. Cục diện đa cực đó cũng sẽ sớm tái định hình khu vực Đông Nam Á.
Thất bại tại Afghanistan
Kể từ sau cuộc sơ tán hỗn loạn tại Afghanistan, tính xác thực và độ tin cậy của các thông tin tình báo Mỹ khiến không ít người tỏ ra lo ngại. Sau khi rút quân, chính quyền của Tổng thống Biden từng tự tin tuyên bố Kabul sẽ đứng vững trong nhiều tháng. Nhưng Quân đội quốc gia Afghanistan sau gần 2 thập kỷ huấn luyện và nhận viện trợ quân sự xấp xỉ 83 tỉ USD vẫn không tài nào đánh bại được phiến quân Taliban, những kẻ mà họ gọi là “tổ chức khủng bố”. Thậm chí, những ngày tháng cuối cùng, Taliban tiến vào thủ đô mà chẳng cần một tiếng súng, bất chấp sự hiện diện của các lực lượng quốc tế. Hành động bỏ rơi đồng minh và cả chính công dân của mình khiến các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giờ đây tỏ ra cảnh giác trước năng lực “kiềm chế” Trung Quốc của Mỹ.
Tiền lệ Ukraine
Tại châu Âu, điều may mắn là cuộc khủng hoảng tên lửa đã không khơi mào cho một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine như dự đoán mà Washington phát đi hôm 16/2. Khi đó, tình báo Nga lại cho rằng đó chỉ là cái cớ để triển khai vũ khí chiến lược nhằm tiêu diệt năng lực đánh trả hạt nhân lần hai của Moskva.
Thế nhưng, khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm, sự ủng hộ kiên định dành cho Kiev bỗng chốc biến mất. Thay vào đó, Washington và đồng minh chọn cách rút toàn bộ lực lượng và phần lớn các nhà ngoại giao khỏi Kiev trong khi Ukraine cáo buộc phương Tây gieo rắc hoang mang không cần thiết.
Nhưng dù chiến tranh không nổ ra thì hậu quả của các cuộc leo thang đối với uy tín của Mỹ tại châu Á đã quá rõ ràng. Có lẽ, các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã theo dõi rất kỹ cái cách người Mỹ đã “buông tay” với đồng minh trước nguy cơ nổ ra biến cố mở màn cho xung đột vũ trang.
Từ tin giả đến chiến tranh
Ngay chính trong lòng nước Mỹ, hai phe phái chính trị chống Nga và chống Trung Quốc đối lập nay cũng không thể tỏ ra lạc quan sau những gì xảy ra tại Ukraine. Đầu tiên, Mỹ tỏ ra lúng tung trong lựa chọn “chống Nga” hay “chống Trung” cho thấy họ không có đủ khả năng “kìm hãm” cùng lúc cả hai. Quan trọng hơn, nội tình rối ren vô hình chung đã gửi tín hiệu đến các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rằng Mỹ không ưu tiên họ như vẫn tưởng, khiến không ít thành viên thất vọng.
Thứ hai, Mỹ đã đưa ra những tuyên bố rất hùng hồn về “nước cờ giả” của Nga, thậm chí là tô vẽ viễn cảnh về “một cuộc xâm lược” với ngày và giờ cụ thể. Và rồi chẳng có gì xảy ra, cũng như không có bất kỳ bằng chứng nào có thể củng cố dự đoán của họ. Nhìn vào các thông tin tình báo giả – hoặc ít nhất là không chính xác – mà Mỹ đòi hỏi đồng minh phải tin cậy vô điều kiện, phe chỉ trích chỉ ra rằng mọi thứ đang diễn ra “giống đến rợn người” cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Từ những lời dối trá của tình báo Mỹ để phát động chiến tranh Iraq đến các dự đoán trật lất ở Afghanistan, Ukraine, họ càng có lý do để nghi ngờ tính xác thực trong các tuyên bố của Mỹ chứ đừng nói đến động cơ của chúng.
Mô hình mới nổi để thổi bùng ngọn lửa chiến tranh
Dường như Mỹ vẫn nghĩ rằng các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ yên tâm về an ninh khu vực nhờ Hiệp ước AUKUS. Nhưng họ đã không nhìn nhận đúng về tác động của tham vọng thống trị châu Á đối với các cư dân thực thụ. Tuy vẫn duy trì việc bán vũ khí như hợp đồng mua F-15 trị giá 14 tỉ USD với Indonesia, Mỹ không có bất kỳ cam kết rõ ràng nào với các nước ngoài Hiệp ước, có chăng cũng chỉ là úp mở sẽ “ủng hộ” Đài Loan nếu có giao tranh với Trung Quốc.
Nhưng “tiền lệ Ukraine” đã dấy lên những câu hỏi thực sự nghiêm túc về toan tính của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Suy luận từ cục diện đông và trung Âu (Central and Eastern Europe hay CEE), có thể thấy Mỹ sẽ triển khai một mô hình mới mà Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov gọi là “khủng bố thông tin”. Đó là việc không ngừng phóng đại nguy cơ xung đột như tại Ukraine, bất chấp các yêu cầu chấm dứt từ Kiev.
Còn ở châu Á, Mỹ sẽ tìm cách thổi phồng về “sự xâm lăng của Trung Quốc”. Theo đó, Mỹ sẽ gửi số lượng quân lớn đến bất kỳ nước nào tuyên bố mình là “nạn nhân” trước “sự xâm lăng của Trung Quốc”. Đó có thể là Nhật, Philippines hoặc Việt Nam và cả Đài loan. Kèm theo đó là việc cử cố vấn và sĩ quan huấn luyện từ Mỹ, AUKUS và NATO, thậm chí là cả tàu chiến. Bước cuối cùng, người dân các nước sẽ bị chi phối nhận thức và lầm tưởng Mỹ đang “đẩy lùi” những cuộc “tấn công của Trung Quốc” mà thực ra là tự Mỹ vẽ lên.
Thực chất, một khi Trung Quốc bị khiêu khích và chuẩn bị cho chiến tranh, những quốc gia, vùng lãnh thổ không phải đồng minh chính thức như Việt Nam và Đài Loan chắc chắn sẽ mắc kẹt trong tình cảnh tương tự Ukraine. Bởi khả năng cao là Mỹ sẽ rút quân và phần lớn các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện một khi nguy cơ xung đột đến gần. Chỉ có các đồng minh theo Hiệp ước như Nhật, Philippines – các “đối tác ủy nhiệm” thực thụ – mới có thể dựa dẫm vào cam kết an ninh của Mỹ. Điều này lý giải cho tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật về khả năng “oanh tạc phủ đầu các thế lực bên ngoài để tự vệ”.
Một yếu tố khác từ tiền lệ Ukraine mà chúng ta cần lưu ý là Mỹ đã ra sức áp lực lên đồng minh châu Âu để đưa ra các lệnh trừng phạt “vô tiền khoáng hậu” với Nga. Một biện pháp tương tự có thể sẽ được áp dụng tại châu Á. Nhưng từ thực tế Mỹ đã chật vật ra sao để thuyết phục châu Âu, thì họ cũng sẽ gặp khó khăn tương tự ở châu Á, đặc biệt là khi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, Mỹ có vẻ cũng có kể hoạch xây dựng một mạng lưới thay thế, tập hợp các nước “nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc”, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để hiện thực hóa và hiện không có vai trò đáng kể.
Bối rối và không đáng tin
Sau vết nhơ bỏ rơi đồng minh Afghanistan và Ukraine chỉ trong nửa năm, Mỹ giờ đây không còn đáng tin cậy trong mắt các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có thể trừ Nhật và Philippines. Công bằng mà nói, Mỹ thực sự đã hy vọng sẽ khiêu khích thành công “một cuộc xâm lược Ukraine của Nga” nhưng lại lùi bước vào phút chót. Lý do có thể là vì lo sợ Nga sẽ quay sang bắt tay với Trung Quốc và cũng không có sự ủng hộ tuyệt đối từ châu Âu. Nhưng dù lý do là gì, dư luận quốc tế đã nhìn nhận Mỹ đang bối rối và không còn đáng tin cậy.
Một tiền lệ khác tại Tây Á và những kịch bản thay thế
Không chỉ ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bất đồng trong chính sách chiến lược cũng đã gây thiệt hại cho uy tín của Mỹ ở hai nửa vùng Á-Âu. Trước đó, Mỹ bất ngờ xa rời Tây Á ngay giữa các cuộc đối thoại hạt nhân với Iran, khiến đồng minh lâu năm Israel và Hiệp hội hợp tác các tiểu vương quốc Ả Rập vùng vịnh (GCC) phải chuyển đổi chiến lược ngoại giao. Từ chỗ phụ thuộc Mỹ, Israel và GCC dần xây dựng mối quan hệ cân bằng và thực dụng hơn với Nga và Trung Quốc. Đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc những năm gần đây ngày càng mở rộng.
Tiền lệ tại Tây Á cho thấy các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ hành động khi đã kết luận rằng Mỹ vẫn bối rối và không đáng tin. Không như đồng minh châu Âu, các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có phần độc lập hơn. Do đó, khi cảm thấy thất vọng với Mỹ, họ cũng dễ dàng và uyển chuyển hơn trong hoạt định chính sách để theo gương Tây Á xây dựng quan hệ thực dụng hơn với Nga và Trung Quốc. Ấn Độ thậm chí đã tự hào tái khẳng định “quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và ưu tiên” với đồng minh không chính thức Liên bang Nga sau chuyến thăm của Tổng thống Putin hồi tháng 12/2021.
Tuyên bố trên phản ánh ngầm ý của Ấn Độ muốn thành lập một Phong trào Không liên kết mới (New Non-Aligned Movement hay Neo-NAM) để tạo nên một trục ảnh hưởng thứ 3, trong bối cảnh trật tự song-đa cực phần lớn được định hình bởi cạnh tranh và hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với mối liên kết đan xen giữa các cường quốc khác. Vì vậy, Mỹ không nên quên rằng có đến hai kịch bản có khả năng lật đổ vị thế độc tôn của họ, đó là Neo-NAM của Nga-Ấn và tất nhiên là Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc. Bất kỳ một bước sảy chân nào trong sách lược trong yếu tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như việc cố lặp lại tiền lệ Ukraine, sẽ dẫn đến khả năng 2 kịch bản trên từng bước thay thế các kế hoạch của Mỹ.
Kết luận
Đó là lý do tại sao diễn biến tại trung và đông Âu có ý nghĩa quan trọng đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bởi nó sẽ hé lộ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ châu Âu không phải là sân khấu chính trong kịch bản “Neo-NAM” và “Vành đai – Con đường”, mà chính là lục địa châu Á. Điều đó có nghĩa dù vị thế độc tôn của Mỹ tại nửa tây Á-Âu vẫn tạm vững chắc, họ không thể coi đó là mặc nhiên ở phía đông. Nếu không, Mỹ sẽ lãnh hậu quả như tại tây và nam Á trong quan hệ với Israel và GCC. Mà ở đó, Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau, còn Ấn Độ tiến về phía đồng minh không chính thức Nga. Cục diện đa cực đó cũng sẽ sớm tái định hình khu vực Đông Nam Á.
Andrew Korybko
Theo: Cánh cò