Trang Reuters đưa tin, hàng loạt cá quốc gia như Úc, Anh, Hà Lan, Na Uy… kêu gọi công dân rời Ukraine, sau cảnh báo tương tự từ Mỹ khi Washington nói Nga đã điều đủ quân số gần Ukraine để có thể phát động cuộc chiến bất cứ lúc nào.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 12-2, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết công dân Úc tại Ukraine nên rời đi càng sớm càng tốt do tình hình ở đó đang ngày càng nguy hiểm.
“Khuyến nghị của chúng tôi rất rõ ràng, đây là tình huống nguy hiểm. Các bạn nên tìm cách rời Ukraine”, ông Morrison nói.
Trước đó, ngày 11-2, Chính phủ Anh khuyến cáo công dân nên rời Ukraine ngay khi các phương tiện chuyên chở còn sẵn có, và kêu gọi người dân không nên đến Ukraine lúc này.
Đại sứ quán Anh vẫn sẽ mở cửa, song sẽ không thể hỗ trợ các dịch vụ lãnh sự trực tiếp để giúp công dân rời Ukraine trong trường hợp Nga tấn công Ukraine.
Anh cũng yêu cầu công dân đang ở Ukraine đăng ký thông tin để được cung cấp những hướng dẫn mới nhất.
Sự an toàn và an ninh của công dân Anh là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đã cập nhật khuyến cáo đi lại. Chúng tôi kêu gọi công dân Anh ở Ukraine rời đi ngay bây giờ thông qua các phương tiện thương mại, trong lúc chúng vẫn sẵn sàng”, Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong thông báo hôm 11/2.
Lý do được đưa ra là “kể từ tháng 1, Nga tăng cường lực lượng ở biên giới Ukraine làm gia tăng mối đe dọa hành động quân sự”. Thông báo lưu ý “bất kỳ hành động quân sự nào của Nga ở Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hỗ trợ lãnh sự của đại sứ quán Anh tại Kiev”, đồng thời kêu gọi những người chọn ở lại Ukraine “duy trì cảnh giác xuyên suốt” và đảm bảo giấy tờ đi lại của họ được cập nhật.
Cùng ngày, theo trang Euronews, Bộ Ngoại giao Na Uy khuyến cáo mọi công dân nước này nên rời Ukraine ngay lập tức, đồng thời lưu ý người dân không nên di chuyển trong phạm vi gần hơn 250km tính từ biên giới với Ukraine.
Bộ cũng khuyến cáo người dân không nên đến Belarus, ngoại trừ thủ đô Minsk.
Hiện nay, các công dân Na Uy tại Ukraine được khuyên liên hệ với bên bảo hiểm để được giúp sơ tán. Chính phủ Na Uy yêu cầu công dân sử dụng các tuyến đường thương mại sẵn có lúc này để rời Ukraine.
Ngày 11-2, Chính phủ Hà Lan cũng kêu gọi công dân nhanh chóng rời Ukraine. Hà Lan đã chuyển cơ quan ngoại giao từ thủ đô Kiev sang thành phố Lviv, Ukraine vì các lý do an ninh.
Nhật Bản cũng hối thúc công dân sơ tán khỏi Ukraine và không nên đến đây vì “bất cứ lý do nào” lúc này.
Cùng ngày, theo Reuters, Israel nói đang sơ tán thân nhân các nhân viên tại đại sứ quán của nước này ở Kiev do “tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn” liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và Nga.
Bộ Ngoại giao Israel cũng ra thông báo kêu gọi người dân tránh đến Ukraine và những công dân Israel đang ở đó nên “tránh đến những khu vực căng thẳng”.
Trước đó, cũng trong ngày 11-2, Mỹ kêu gọi tất cả công dân Mỹ rời Ukraine trong vòng 48 giờ khi cho biết Nga đã điều đủ quân số gần Ukraine để động binh bất cứ lúc nào họ muốn. Washington lo ngại tình hình tại Ukraine sẽ diễn biến xấu bất ngờ.
Bộ Ngoại giao New Zealand ngày 12/2 kêu gọi tất cả người dân nước này ở Ukraine phải rời đi ngay lập tức, sau khi hàng loạt quốc gia khác đưa ra thông báo tương tự.
“Tình hình an ninh ở Ukraine có thể thay đổi trong thời gian ngắn và người dân New Zealand không nên dựa vào hỗ trợ để sơ tán trong những trường hợp này”, Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố hôm 12/2, Reuters đưa tin.
Bộ Ngoại giao Na Uy cũng nêu lý do “tình hình an ninh nghiêm trọng và khó lường” khi kêu gọi công dân rời Ukraine. Cơ quan còn khuyến cáo người dân tránh đến địa điểm nào ở Nga “gần hơn 250 km tính từ biên giới Ukraine” và tránh tới Belarus, ngoại trừ thủ đô Minsk.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) khuyến cáo những nhân viên không thiết yếu trong phái bộ ngoại giao của họ ở Ukraine cũng nên rời khỏi nước này. Phát ngôn viên EU Peter Stano nhấn mạnh đây không phải yêu cầu sơ tán. “Các nhân viên không thiết yếu vốn đã được tạo cơ hội làm việc từ xa ở bên ngoài đất nước”, ông cho hay.
Các động thái được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10/2 kêu gọi công dân ở Ukraine lập tức rời đi do “mối đe dọa gia tăng về hành động quân sự của Nga”. “Chúng ta đang đối phó với một trong những quân đội lớn nhất thế giới. Đó là tình huống rất khác và mọi thứ có thể nhanh chóng trở nên điên rồ”, Biden cảnh báo.
Tuy nhiên, Ukraine được cho là đã nỗ lực hạ thấp tầm quan trọng của lời kêu gọi này. “Thông báo đó chẳng có gì mới”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 11/2 đề cập đến khuyến cáo công dân Mỹ rời Ukraine. Kiev trước đó cũng coi quyết định yêu cầu gia đình các nhân viên đại sứ quán Mỹ rời Ukraine thể hiện sự thận trọng quá mức.
Mỹ hôm 11/2 tăng cường cảnh báo về Ukraine, khi cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết hơn 100.000 lính Nga đang áp sát biên giới Ukraine hiện nay có thể tấn công “bất cứ ngày nào”. Mặc dù “không thể dự đoán chính xác ý định” của Moskva, Sullivan cho biết Washington đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Căng thẳng về vấn đề Ukraine dâng cao sau khi Mỹ cùng đồng minh cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân sát sườn Ukraine với ý định tấn công nước này. Nga nhiều lần khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Bảo Trâm (Theo Reuters, Euro News, Guardian)
Theo: Cánh cò