Trong thế giới quyền lực, đặc biệt ở các sự kiện cấp cao, mọi tiểu tiết trang trí, đồ vật nội thất có thể được sử dụng để truyền tải đi những thông điệp nhằm gây ấn tượng, lôi kéo hoặc hăm dọa đối phương.
Tại cuộc gặp được cả thế giới chú ý giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Điện Kremlin bố trí để hai nhà lãnh đạo thảo luận trên một chiếc bàn khổng lồ, tạo ra một cảm giác xa cách không khỏi khiến người ta hoài nghi đây có phải là một động tác có chủ đích của Moscow hay không, theo Guardian.
Chiếc bàn lớn của ông Putin
Từ đầu tháng 2, Tổng thống Putin đã bắt đầu có những buổi làm việc một – một với các đối tác nước ngoài trên chiếc bàn cỡ lớn ở Điện Kremlin. Chiếc bàn có hình bầu dục, dài khoảng 5 m, với chân đế là ba trụ lớn. Vật trang trí duy nhất trên chiếc bàn họp khổng lồ là một lẵng hoa nhỏ.
Ông Putin không phải nhà lãnh đạo duy nhất từng gây chú ý với nội thất bày biện trong phòng họp.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từng tổ chức các cuộc họp bên trong căn phòng chứa những chiếc kệ chất đầy sách tới tận trần nhà, còn phía sau chiếc bàn nơi ông ngồi là ảnh chân dung các cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.
Trong thời gian đại dịch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không trực tiếp làm việc với quan chức nước ngoài. Tại các sự kiện trực tuyến mà ông Tập chủ trì, nhà lãnh đạo Trung Quốc thường ngồi trước một bức tranh Vạn Lý Trường Thành cỡ lớn.
Cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi thường tiếp khách trong một chiếc lều lớn đầy màu sắc, ngay cả khi ông công du nước ngoài. Chiếc lều là cách để ông Gaddafi nhấn mạnh về nguồn gốc dân tộc Bedouin của mình.
Trong khi đó tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Osaka năm 2019, nước chủ nhà Nhật Bản bố trí trong phòng họp những bộ bàn ghế màu trắng đơn giản kê sát nhau. Nội thất này vừa thể hiện tinh thần tiết kiệm của người Nhật, vừa cho phép các lãnh đạo thế giới xích lại gần nhau.
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng từng bố trí trong phòng làm việc một chiếc bàn hoành tráng. Ông Mohamad nói đùa rằng ông có thể ngủ trưa ngay bên dưới chiếc bàn, dù rằng công chúng vẫn đồn đoán chiếc bàn này có thể có công dụng khác.
Tại Điện Kremlin, Tổng thống Macron là vị khách mới nhất được ông Putin tiếp đón bên chiếc bàn khổng lồ.
Hôm 1/2, Tổng thống Putin hội đàm cùng Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Khung cảnh trong ngày hội đàm với nhà lãnh đạo Hungary cũng tương tự những gì xảy ra khi ông Putin làm việc cùng vị nguyên thủ nước Pháp.
Dụng ý của Nga
Tổng thống Macron đến Moscow mang theo lời hứa sẽ có cuộc “trò chuyện căng thẳng” với Tổng thống Putin để tìm ra giải pháp ngăn chặn chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine.
Thế nhưng sau 5 giờ thảo luận, Tổng thống Macron đã không thể thuyết phục được ông chủ Điện Kremlin đưa ra bất cứ nhượng bộ nào.
Đã có nhiều đồn đoán về mục đích thực sự khi Tổng thống Putin tiếp đón lãnh đạo các quốc gia NATO trên chiếc bàn ngoại cỡ. Một số ý kiến cho rằng chiếc bàn khổng lồ là cách để ông Putin phô trương quyền lực trước nhà lãnh đạo Pháp.
Không loại trừ việc sử dụng chiếc bàn tạo ra khoảng cách vật lý lớn giữa hai nhà lãnh đạo cũng là cách nhắc nhở Paris về thực tế quan điểm của Moscow và phương Tây trong vấn đề bảo đảm an ninh ở châu Âu hiện còn cách nhau rất xa.
Sau khi nhận phản hồi của Washington đối với các yêu sách bảo đảm an ninh của Moscow, giới chức Nga cho biết Mỹ và NATO đã không đáp ứng được kỳ vọng của mình.
Một quan điểm khác cho rằng việc sử dụng chiếc bàn ngoại cỡ để tiếp khách tại Điện Kremlin có một mục tiêu lớn hơn và quan trọng nhất nhằm bảo đảm giãn cách xã hội, giảm thiểu nguy cơ ông Putin mắc Covid-19 từ đối tác nước ngoài.
So với các nước láng giềng châu Âu, Nga đến nay vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch khắc nghiệt hơn nhiều, đặc biệt liên quan tới bảo vệ sức khỏe của Tổng thống Putin.
Nga cho biết ông Putin đã được tiêm mũi vaccine tăng cường. Nhưng theo yêu cầu của Điện Kremlin, những người trước khi gặp Tổng thống Putin sẽ phải cách ly trong 2 tuần. Hiện chưa rõ các nguyên thủ nước ngoài có phải tuân theo yêu cầu này hay không.
Trong cuộc tiếp đón Thủ tướng Orban đầu tháng 2, Tổng thống Putin duy trì khoảng cách suốt buổi làm việc. Tại buổi họp báo sau đó, bệ phát biểu của hai nhà lãnh đạo được đặt cách xa nhau bất thường.
Chỉ duy nhất một lãnh đạo thế giới có tiếp xúc thân mật với ông Putin bất chấp các lo ngại về Covid-19, đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại lễ khai mạc Olympic mùa đông Bắc Kinh vừa qua, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập đã cùng chụp ảnh chung, hai nhà lãnh đạo vai kề vai, như một cách thể hiện sự đoàn kết của liên minh Nga – Trung trong bối cảnh hai nước đối đầu gay gắt với phương Tây.
Tuy vậy trong cuộc hội đàm chính thức sau đó, Trung Quốc bố trí phái đoàn hai nước ngồi ở hai phía của một chiếc bàn gỗ lớn. Chiếc bàn ở Bắc Kinh thậm chí lớn hơn nhiều so với chiếc bàn của Tổng thống Putin ở Điện Kremlin.
(Theo Guardian)
Theo: Cánh cò