Trong bối cảnh căng thẳng giữa Ukraine với Nga gia tăng, Tổng thống Mỹ Biden cam kết với người đồng cấp Zelensky rằng Washington sẽ hỗ trợ Kiev trong cuộc đối đầu với Nga.
Ngày 28/1, Trong buổi nói chuyện với ông Zelensky, Tổng thống Biden cho biết Mỹ luôn sẵn sàng cùng các đồng minh và đối tác đáp trả dứt khoát nếu Nga tấn công Ukraine. Ông Biden cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, theo AFP.
Tuyên bố từ phía Mỹ cho biết Washington “đang mở rộng biện pháp hỗ trợ kinh tế Ukraine, trong bối cảnh Nga xây dựng quân đội”.
Trước những chỉ trích về việc Mỹ kêu gọi công dân rời Ukraine, ông Biden nói với ông Zelensky rằng đại sứ quán “vẫn mở và hoạt động đầy đủ”.
Viết trên Twitter, ông Zelensky cho biết đã có cuộc “nói chuyện dài” với ông Biden, tập trung vào nỗ lực ngoại giao nhằm giảm leo thang căng thẳng và nhất trí về các hành động chung cho tương lai.
Ông Zelensky cảm ơn ông Biden về việc Mỹ chuyển giao vũ khí, cũng như thảo luận liên quan đến khả năng hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Bên cạnh đó, Mỹ kêu gọi một cuộc họp ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 31/1 để thảo luận về khủng hoảng Ukraine.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói rằng đây là cơ hội để làm rõ các ý đồ của Nga về các hành động của nước này, theo AFP.
Là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Nga có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào được đưa ra.
“Dù họ có quyền phủ quyết, họ sẽ cảm thấy bị cô lập nếu Hội đồng Bảo an đưa ra vấn đề này. Chúng tôi muốn tạo một mặt trận thống nhất chống lại Nga”, bà Thomas-Greenfield nói.
“Tôi không nghĩ bất kỳ quốc gia nào trong Hội đồng Bảo an sẽ ngồi lại và chấp nhận việc Nga xâm lược biên giới nước khác”, bà nói thêm.
Mỹ sẽ có các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Nga tấn công Ukraine
Hôm qua, Mỹ tuyên bố sẽ cùng các đồng minh châu Âu áp đặt trừng phạt kinh tế cứng rắn chưa từng có, trong đó có cả việc nhằm vào đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) nếu Nga tấn công Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết: “Chúng tôi tin rằng Normandy là định dạng tốt nhất để thực hiện Thỏa thuận Minsk và giải quyết xung đột Donblas. Vì vậy, việc Nga chọn ngồi vào bàn đàm phán là một điều tốt và chúng tôi hy vọng rằng họ cũng sẽ đàm phán những vấn đề khác mà chúng tôi sẵn sàng. Liên quan đến dòng chảy phương Bắc 2, chúng tôi tiếp tục có các cuộc trò chuyện với đồng minh Đức và tôi muốn nói rõ rằng, nếu Nga tấn công Ukraine, bằng cách này hay cách khác, đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không thể tiến triển”.
Dự án năng lượng gây chia rẽ nhất châu Âu, Dòng chảy phương Bắc 2 được thiết kế để tăng gấp đôi lượng khí đốt từ Nga chảy thẳng đến Đức, bỏ qua quốc gia trung chuyển truyền thống Ukraine. Hiện việc thi công dự án này đã hoàn tất và đang đợi các nhà chức trách Đức phê duyệt để hoạt động. Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ sang khu vực./.
Tùng Anh
Theo: Cánh cò