Thursday, March 28, 2024

Trung Quốc đang lâm vào tình thế “khát nước” chưa từng có

Trang Bloomberg đưa tin, dân số Trung Quốc chiếm 20% tổng dân số toàn cầu nhưng lại chỉ có chưa đến 7% nước ngọt trên toàn thế giới. Hơn thế, 90% nước ngầm và hơn một nửa dòng sông đã ô nhiễm: Trung Quốc đang ‘khát nước’ chưa từng có. 

Theo Bloomberg, điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng khá lớn đến địa chính trị. Những nghiên cứu của nhà sử học Geoffrey Parker từng cho thấy sự biến đổi khí hậu, môi trường có thể dẫn đến hàng loạt các biến động như chiến tranh, khủng hoảng trong suốt thế kỷ 17. Các thay đổi về môi trường cũng dẫn đến sự phát triển của những tuyến đường giao thương mới, tạo nên những nguồn tài nguyên chiến lược mới hay thậm chí là cả đối thủ mới.

Cũng theo Parker, Trung Quốc với sự bành trướng mạnh mẽ hiện đang gặp phải vấn đề thiếu tài nguyên nước trầm trọng và sớm muộn cũng tạo nên những xung đột cả trong và ngoài nước vì nguy cơ này.

Trang Bloomberg cho rằng, tài nguyên thiên nhiên luôn là một trong những yếu tố chính đóng góp cho nền kinh tế cũng như sức mạnh của các cường quốc trên thế giới.

Vào thế kỷ 19, một nước có diện tích không lớn như Anh nhưng lại có trữ lượng than dồi dào đã vượt lên trước nhiều quốc gia nhờ cuộc cách mạng công nghiệp hơi nước. Thế rồi Anh bị Mỹ vượt mặt khi họ có những vùng đất canh tác rộng lớn, trữ lượng dầu khổng lồ cùng nhiều tài nguyên thiên nhiên khác để trở thành cường quốc số 1 thế giới.

Vì vậy, Bloomberg đánh giá điều tương tự cũng đang diễn ra với Trung Quốc khi nền kinh tế này bùng nổ. Công cuộc mở cửa đất nước, thúc đẩy giao thương và lực lượng lao động trẻ đã giúp quốc gia này bùng nổ cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 2000.

Việc Trung Quốc đã gần như tự cung tự cấp được các tài nguyên khi tận dụng được hầu hết các nguồn lực, từ con người đến đất, nước… qua đó giúp họ trở thành công xưởng của thế giới trong thời gian ngắn.

Vậy nhưng giờ đây thế mạnh đó đã không còn khi tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc dần cạn kiệt. Dân số lão hóa nhanh, tài nguyên đất nước cùng nhiều nguồn lực khác suy giảm. Ngay từ 10 năm trước, Trung Quốc đã là nhà nhập khẩu nông nghiệp lớn nhất thế giới khi đất canh tác tại đây thu hẹp mạnh do xói mòn và ô nhiễm.

Ngoài ra, tốc độ phát triển quá nhanh khiến Trung Quốc khát cả năng lượng khi trở thành nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này nhập khẩu đến ¾ lượng dầu thô của họ từ nước ngoài vào thời điểm Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu ròng năng lượng.

Tương tự, tài nguyên nước cũng là điểm yếu chí mạng của Trung Quốc. Báo cáo của Gopal Reddy cho thấy Trung Quốc chiếm đến 20% dân số toàn cầu nhưng lượng nước ngọt tại đây lại chỉ chiếm chưa đến 7% trên toàn thế giới. Đó là chưa kể đến tình trạng ô nhiễm nước từ các nhà máy sản xuất.

Tại những vùng phía Bắc Trung Quốc, báo cáo của Reddy cho thấy người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu nước còn tệ hơn cả khu vực Trung Đông khô cằn.

Theo Bloomberg, hàng nghìn con sông đã biến mất ở Trung Quốc do biến đổi khí hậu cũng như tình trạng đô thị hóa quá nhanh. Thế rồi các nhà máy và sự ô nhiễm làm hỏng những nguồn nước còn lại và tạo nên cơn khát chưa từng có.

Được biết, 80-90% nguồn nước ngầm và hơn một nửa số dòng sông tại Trung Quốc đã quá ô nhiễm để có thể sử dụng. Thậm chí hơn 50% số mạch nước ngầm và ¼ số dòng sông tại đây đã ô nhiễm đến mức không thể sử dụng cho nông nghiệp hay công nghiệp.

Để đối phó với tình hình này, Trung Quốc đã phải vận chuyển nguồn nước từ những vùng ẩm ướt lên phía bắc, một giải pháp cực kỳ tốn kém. Nhiều ước tính cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã mất hơn 100 tỷ USD mỗi năm chỉ để đối phó với nạn thiếu nước.

Thiếu nước, ít canh tác và ô nhiễm đang khiến ngày càng nhiều đất nông nghiệp của Trung Quốc bị sa mạc hoá. Trong khi đó các nguồn thủy điện hay những ngành sản xuất cần dùng nước, thậm chí sinh hoạt của người dân cũng đã bị ảnh hưởng.

Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích việc dùng nước tiết kiệm hơn nhưng chúng chẳng ăn thua. Vào tháng 12/2021, Trung Quốc đã phải cảnh báo 2 thành phố là Quảng Châu và Thâm Quyến, vốn nằm ở vùng Đồng bằng sông Châu Giang tương đối dồi dào tài nguyên nước, rằng họ sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong năm 2022.

Theo Bloomberg, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức cả về kinh tế lẫn địa chính trị. Việc xói mòn và thiếu hụt tài nguyên sẽ làm trầm trọng hơn các thách thức khi kéo theo nhiều hệ luỵ, từ suy giảm dân số, tạo nên các bất ổn xã hội đến ngáng chân các chính sách cải cách kinh tế.

Năm 2005, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Ôn Gia Bảo đã cảnh báo rằng khan hiếm nguồn nước đang đe dọa “sự tồn vong của đất nước”. Trong khi đó một Bộ trưởng của Trung Quốc cũng đã phải thốt lên rằng Trung Quốc cần phải “chiến đấu vì từng giọt nước nếu không muốn tử vong”.

Những tuyên bố này được cho là có phần cường điệu hoá, thế nhưng rõ ràng việc thiếu nước thường đi đôi với bất ổn địa chính trị.

Theo thống kê khoa học, con người trung bình có thể tuyệt thực 8-20 ngày tùy từng trường hợp nhưng chỉ có thể nhịn uống từ 3 đến 5 ngày. Nghiên cứu của giáo sư Randall K. Packer thuộc Đại học George Washington cho thấy thời gian tối đa mà một cá nhân có thể nhịn khát là một tuần. Đó là chưa kể đến nguồn nước cho nông nghiệp, công nghiệp cùng vô số hoạt động khác trong xã hội.

Trang Bloomberg nhận định Trung Quốc đã có nhiều chính sách bảo vệ nguồn nước của mình khi xây dựng các đập trên sông Mekong hay các dự án tại những con sông ở vùng Tân Cương. Các công trình này được đánh giá là sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên nước cũng như hệ sinh thái của nhiều nước Đông Nam Á và Nam Á vốn nằm ở trung và hạ lưu con sông.

Bảo Trâm (Theo Bloomberg)

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG