Monday, November 25, 2024

Nguyên nhân liên quân Nga đưa lực lượng tới ‘lò lửa’ Kazakhstan

RT nhận định các cuộc biểu tình ở Kazakhstan có tầm quan trọng đối với Nga cả về chính sách đối nội và đối ngoại, cũng như là đòn bẩy để nước này duy trì vị thế trong thế giới hậu Liên Xô

bat on tai Kazakhstan anh 1

Nằm giữa Nga và Trung Quốc, Kazakhstan là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, lớn hơn toàn bộ khu vực Tây Âu, trong khi dân số chỉ có 19 triệu người.

Phong trào biểu tình, bạo loạn đang diễn ra tại quốc gia này thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, bởi từ lâu Kazakhstan vốn được coi là trụ cột của sự ổn định chính trị và kinh tế tại khu vực Trung Á bất ổn.

Tuy nhiên, tình hình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nga khi Tổng thống Vladimir Putin coi Kazakhstan thuộc một phần phạm vi ảnh hưởng của Moscow, từ kinh tế đến chính trị, theo New York Times.

Trước sự ngạc nhiên của các chuyên gia và cả Mỹ, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã đồng ý can thiệp để ổn định tình hình, mặc dù liên minh quân sự này từng từ chối yêu cầu tương tự của Kyrgyzstan vào năm 2010 và Armenia vào năm 2021. Sự can thiệp của CSTO được coi là động thái có thể gây ra những tác động địa chính trị sâu rộng trong khu vực.

Trong khi đó, Mỹ coi Kazakhstan ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược năng lượng của Washington. Tuy nhiên, tờ Politico nhận định Mỹ không có vai trò quân sự hay sức ảnh hưởng quá lớn đến Kazakhstan. Điều tốt nhất mà chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể làm vào lúc này là “đứng ngoài rìa chứng kiến cơn ác mộng diễn ra”.

“Cơn ác mộng”

Tờ Daily Beast cho rằng bất ổn ở Kazakhstan là điều không mong đợi với Tổng thống Putin. Moscow từ lâu đã coi Kazakhstan, nền kinh tế lớn nhất ở Trung Á, là đối tác chiến lược quan trọng. Không chỉ vậy, Kazakhstan còn là thành viên của liên minh quân sự CSTO do Nga dẫn đầu.

RT nhận định các cuộc biểu tình ở Kazakhstan có tầm quan trọng đối với Nga cả về chính sách đối nội và đối ngoại, cũng như là đòn bẩy để nước này duy trì vị thế trong thế giới hậu Liên Xô. Sự bất ổn trong khu vực, hoặc quay lưng với Điện Kremlin, có thể là rào cản chiến lược nghiêm trọng với Moscow.

Một nhân tố quan trọng khiến Nga phải nhanh chóng can thiệp là nước này đang thuê sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan. Sân bay Vostochny của Nga được xây dựng gần đó để thực hiện các vụ phóng vệ tinh và tàu không người lái. Do đó, Nga cần sự ổn định chính trị ở Kazakhstan để vận hành sân bay Baikonur cho đến khi nước này sẵn sàng thay thế cơ sở này.

Sary Shagan – cơ sở thử nghiệm vũ khí quan trọng với an ninh Nga – cũng nằm ở Kazakhstan. Đây là địa điểm đầu tiên và duy nhất nằm ở châu Âu và châu Á thử nghiệm hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM) do Moscow phát triển.

Nga đã thuê lại một số cơ sở tại Sary Shagan trong hàng chục năm qua. Khả năng sử dụng bãi thử này đóng vai trò then chốt đối với năng lực phòng thủ của Nga.

bat on tai Kazakhstan anh 2
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) với Tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev, tại Moscow vào năm 2019. Ảnh: New York Times.

Ngoài ra, theo New York Times, đối với Nga, sự kiện này đại diện cho thách thức đến từ các nước láng giềng. Đây là cuộc nổi dậy thứ 3 chống lại chính phủ thân Nga, sau cuộc biểu tình tại Ukraine vào năm 2014 và Belarus vào năm 2020.

Hỗn loạn có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sự phát triển mạnh mẽ của Moscow trong khu vực vào thời điểm Nga đang cố gắng khẳng định nền kinh tế và sức mạnh địa chính trị ở các nước như Ukraine và Belarus.

Biên giới giữa Nga và Kazakhstan kéo dài gần 7.000 km – đường biên giới trên bộ liền mạch dài nhất thế giới và là nhân tố quan trọng trong chiến lược an ninh của Moscow.

Bất ổn khiến Nga đối mặt với đủ loại đe dọa từ phía nam, do biên giới không chỉ rộng lớn mà còn trải dài qua các đồng cỏ dân cư thưa thớt nên rất khó kiểm soát.

Đặc biệt trong thời điểm hiện tại, trong bối cảnh Nga đang tập trung giải quyết vấn đề Ukraine, tình hình bất ổn ở Kazakhstan dồn Tổng thống Putin vào thế bí: Ông nên lựa chọn giải quyết vấn đề ở phía tây hay ngăn chặn mối đe dọa ở phía nam, hay phải làm cả hai?

Điều Moscow mong muốn là CSTO có thể tái áp đặt trật tự tại Kazakhstan mà không cần rút bớt đáng kể lượng quân của Nga ở biên giới Ukraine. Atlantic Council cho rằng Nga xây dựng lực lượng quân đội hùng hậu tại biên giới với Ukraine nhằm mục đích đạt được nhượng bộ từ phía Mỹ, NATO và phương Tây trong việc mở rộng hoạt động ở Đông Âu.

Tuy nhiên, nếu việc triển khai CSTO ban đầu không thành công, ông Putin có thể phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Lựa chọn giảm quy mô lực lượng ở biên giới với Ukraine để đảm bảo giải quyết tình trạng hỗn loạn ở Kazakhstan nhằm nâng cao vị thế của Nga ở Trung Á là cách làm bớt rủi ro hơn cả vào lúc này, theo Atlantic Council.

bat on tai Kazakhstan anh 3
Bất ổn ở Kazakhstan khiến Nga đối mặt với đủ loại đe dọa từ phía nam. Ảnh: Reuters.

Cơ hội cho Nga tái khẳng định ảnh hưởng?

Kazakhstan cũng quan trọng đối với Mỹ. Với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú, bao gồm khí đốt, dầu mỏ, than đá và khoáng sản, Kazakhstan trở thành nơi để các công ty năng lượng khổng lồ như Exxon Mobil và Chevron đổ hàng chục tỷ USD tiền đầu tư.

Mặc dù thân thiết với Moscow, chính phủ Kazakhstan vẫn duy trì mối quan hệ với Mỹ, với việc đầu tư vào dầu mỏ được coi là đối trọng với ảnh hưởng của Nga. Chính phủ Mỹ từ lâu đã ít chỉ trích Kazakhstan hơn, so với Nga và Belarus.

Washington cho biết họ đang “theo dõi sát sao” tình hình, kêu gọi chính quyền và những người biểu tình kiềm chế, đồng thời chất vấn hành động điều quân của Nga tới nước này.

Sự xuất hiện của 2.500 binh lính từ liên minh do Nga dẫn đầu tới Kazakhstan là lần thứ 4 chỉ trong 2 năm Moscow phải phô trương sức mạnh tại các quốc gia láng giềng – bao gồm Belarus, Armenia và Ukraine – mà phương Tây cố gắng chèo kéo.

Theo New York Times, tình hình hỗn loạn của Kazakhstan có thể là một cơ hội khác cho ông Putin khẳng định lại ảnh hưởng ở lãnh thổ Liên Xô cũ.

Dù cảnh tượng quốc gia ổn định như Kazakhstan rơi vào bất ổn gây nên một cú sốc, điều này cũng cho thấy ngoại trừ Ukraine, những nước thuộc Liên Xô cũ – vốn muốn cân bằng giữa đông và tây – mỗi khi gặp khủng hoảng đều “quay sang Nga”, theo Maxim Suchkov, chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow.

Việc giới lãnh đạo Kazakhstan kêu gọi sự giúp đỡ từ Nga đã cho thấy những tính toán sai lầm của phương Tây và để cho Nga có một chiến thắng lớn. Sự yếu kém trong phong cách lãnh đạo của nhiều quốc gia đã khiến ông Putin trở thành “người bảo vệ” không thể thiếu mỗi khi họ gặp khủng hoảng.

Alexander Cooley – giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Barnard – cho rằng Nga sẽ không yêu cầu tổng thống Kazakhstan nhượng bộ ngay lập tức, nhưng đã có được đòn bẩy mạnh mẽ, làm đảo lộn nỗ lực trước đây của Nursultan nhằm cân bằng giữa Moscow và Washington.

bat on tai Kazakhstan anh 4
Bãi đỗ ôtô ở Almaty bị thiêu rụi sau khi bạo lực bùng phát trong tuần này. Ảnh: AFP.

Theo Newsweek, cả Mỹ và Nga đều cố gắng thể hiện cam kết của họ đối với khu vực Trung Á. Đối với Moscow, bất kỳ động thái nào của Washington ở đây, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, đều là mối đe dọa tiềm tàng đối với một trong những khu vực còn lại có ảnh hưởng từ thời Liên Xô, khi nhiều quốc gia Đông Âu đã chuyển hướng sang NATO trong 3 thập niên qua.

“Afghanistan và khu vực Trung Á là điểm yếu ở phía nam của Nga”, Tracey German – chuyên gia tại Đại học Hoàng gia London – nói, ám chỉ tới mức độ dễ tổn thương của nước này dọc biên giới phía nam.

Nhũng rủi ro từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, khiến Điện Kremlin tăng cường mạnh mẽ quan hệ với Trung Á. “Nga có quan hệ lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội chặt chẽ với khu vực Trung Á”, bà German nói. “Khu vực này được Nga coi là sân sau”.

Kazakhstan giáp với Nga, trong khi cả Kyrgyzstan và Tajikistan đều có căn cứ quân sự của Nga. Có thể nói, Moscow đang vượt xa Washington trong cuộc chạy đua gây sức ảnh hưởng ở Trung Á.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ không có lợi thế riêng trong việc tham gia vào khu vực.

Mỹ cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua sức mạnh mềm, rồi từ đó phát triển thành “quyền lực cứng”, đặc biệt là thông qua các vấn đề hợp tác an ninh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động ngoại giao và quân sự với những đối tác Trung Á”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từng nói hồi tháng 7.

Minh Ngọc

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG