Ngày 26-12, Bộ Khoa học và công nghệ công khai số tiền tài trợ cho Công ty Việt Á nghiên cứu kit xét nghiệm COVID-19. Kit xét nghiệm này là sản phẩm của một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học – công nghệ cấp quốc gia, do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.
Theo thông tin được Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN) vừa đăng tải trên cổng thông tin của bộ, kit xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất là sản phẩm của một nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia.
Nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia này có tên đầy đủ là: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”, mã số ĐTĐL.CN.29/20.
Được cấp 18,98 tỉ đồng kinh phí nghiên cứu
Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỉ đồng. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2-2020 đến tháng 7-2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2-2020 đến tháng 10-2021 (sau khi được gia hạn thêm đến tháng 10-2021).
Tổ chức chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu này là Học viện Quân y do PGS-TS Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm nhiệm vụ.
Tham gia nhiệm vụ có 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có bốn thành viên thuộc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.
Ông Phan Quốc Việt – chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, người vừa bị khởi tố hình sự về hành vi vi phạm các quy định đấu thầu – là thành viên nghiên cứu chính tham gia thực hiện nhiệm vụ này.
Cũng theo thông tin của Bộ KH-CN, bộ này sẽ tổ chức đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ nói trên trong tháng 12-2021. Tuy nhiên đến nay chưa thấy có thông tin gì về việc Bộ KH-CN sẽ tổ chức triển khai việc đánh giá, nghiệm thu.
Còn theo báo cáo kết quả tự đánh giá của nhóm nghiên cứu về bộ sinh phẩm đối với hiệu quả xã hội được Bộ KH-CN đăng tải, sản phẩm khoa học của nhiệm vụ nghiên cứu đã đạt về cả số lượng, khối lượng và chất lượng.
Cụ thể, “sản phẩm của đề tài là bộ sinh phẩm đã được tối ưu hóa các thành phần, đóng gói thành kit test dưới dạng “super mix” sẵn sàng sử dụng, thuận tiện cho các cơ sở chẩn đoán – là các trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh có trang bị chẩn đoán phân tử có thể tiến hành đơn giản theo hướng dẫn sử dụng của bộ kit”.
“Bộ sinh phẩm tạo ra đạt trình độ cao về sinh học phân tử, có khả năng phát hiện sớm và đáp ứng nhanh trong trường hợp khi có dịch xảy ra và đạt đỉnh dịch với số lượng người nhiễm lớn trên phạm vi cả nước”, báo cáo tự đánh giá viết.
Đơn vị nào chịu trách nhiệm ứng dụng?
Tuy nhiên, trong báo cáo này cũng ghi rõ sản phẩm khoa học đã được ứng dụng là kit xét nghiệm RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV đã được ứng dụng từ tháng 3-2020 đến nay do cơ quan ứng dụng là Học viện Quân y và các đơn vị xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn quốc, mà không có tên Công ty Việt Á.
Tương tự, ở phần danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng – chuyển giao (nếu có) là bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc chủng 2019-nCoV với thời gian dự kiến ứng dụng từ tháng 9-2021 đến tháng 9-2022 cũng chỉ ghi tên đơn vị dự kiến ứng dụng là Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y.
Trước đó, trả lời PV, PGS.TS Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, lại khẳng định sai phạm của Công ty Việt Á không liên quan đến nghiên cứu kit xét nghiệm. Theo PGS Sơn, giai đoạn 1 các nhà khoa học đảm nhiệm chế tạo sản xuất quy mô phòng thí nghiệm, giai đoạn 2 doanh nghiệp (tức Công ty Việt Á) chủ trì.
Người của Công ty Việt Á tham gia nhóm nghiên cứu từ những ngày đầu triển khai nhiệm vụ nghiên cứu là bởi tính cấp bách, hai giai đoạn được tích hợp vào làm một.
Chính vì vậy, một câu hỏi lớn đang được dư luận đặt ra là từ sản phẩm của nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, được nhận gần 19 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị chủ trì là Học viện Quân y, sau khi bộ xét nghiệm được Công ty Việt Á bán hàng triệu sản phẩm với giá 470.000 đồng thì lợi nhuận sẽ được hạch toán như thế nào, vào đâu?
Ngày 26-4-2020, cũng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH-CN đã công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho kit xét nghiệm của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.
Theo đó, Bộ KH-CN đã công bố thông tin “Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận”. Trong đó nêu rõ: “Ngày 24-4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học – Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00”.
Trong khi đó, ngày 20-10-2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á là: Not Accepted – Không được chấp nhận.
Đến ngày 20-12-2021, sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) Phan Quốc Việt, thông tin trên đã bị gỡ bỏ khỏi website của Bộ KH-CN.
Ngọc Hà
Theo: Cánh cò