Quốc gia này không hề giáp biển nhưng lạ kỳ thay, họ vẫn có lực lượng hải quân hùng hậu, nhưng tất cả tàu chiến đều đặt trong một hồ nước.
Tại sao hải quân Bolivia vẫn hoạt động?
Nếu am hiểu về địa lý, hoặc hay xem bản đồ, bạn có thể ngạc nhiên khi thấy rằng Bolivia không chỉ là một quốc gia không giáp biển, mà còn có một nhánh hải quân hoạt động rất nổi bật trong lực lượng quân sự.
Quốc gia Nam Mỹ này đã không có biển trong hơn một thế kỷ qua. Bolivia đã từng một lần có được mùi hương biển, nhưng sau cuộc chiến với Chile, biên giới của họ đã thay đổi.
Cuối thế kỷ 19, Bolivia cùng với đồng minh Peru giao chiến với Chile do tranh chấp khai thác khoáng sản, nhưng đã thất bại và theo hiệp ước chấm dứt chiến tranh ký năm 1904, Bolivia mất khoảng 400 km bờ biển đã từng sở hữu, bị “khóa chặt” trong lục địa.
Bolivia không phải là quốc gia đất liền duy nhất có lực lượng hải quân hoạt động. Chín quốc gia khác cũng có vị trí địa lý không giáp biển đang duy trì lực lượng chiến đấu dưới nước, trong đó Bolivia là quốc gia lớn nhất.
Ngày nay, Bolivia có hơn 127 tàu thuyền đang được neo đậu tại một hồ nước. Những con tàu thường được sử dụng để tuần tra sông. Các tàu này được vận hành bởi 2.000 lính hải quân lục chiến, cũng như 3.000 quân nhân khác.
Tại sao sau hơn 100 năm, Bolivia vẫn theo đuổi giấc mơ hải quân?
Câu trả lời rất đơn giản – họ đang hy vọng lấy lại bờ biển của mình từ Chile. Bằng cách duy trì các hoạt động hàng hải thường xuyên, Bolivia luôn “rèn luyện” để sau này có giành lại các vùng ven biển sẽ không “quên” cách thức tuần tra và bảo vệ khu vực.
Ngoài ra, nó cũng liên quan đến lòng tự tôn, một chủ đề luôn nung nấu đối với người dân quốc gia này, khi cho rằng bờ biển của họ đã bị tước đoạt một cách bất công. Việc lấy lại bờ biển là một vấn đề mang tính danh dự ở Bolivia.
Hàng năm, quốc gia này vẫn thường đưa ra những tuyên bố chứng minh quyền tiếp cận biển của mình, được thể hiện thông qua các hoạt động văn hóa và chính trị, chẳng hạn như các cuộc diễu hành và lễ kỷ niệm, đặc biệt là tổ chức Dia Del Mar – Ngày của Biển.
Người Bolivia luôn coi việc lấy lại bờ biển là mục tiêu không thể thỏa hiệp và phải khắc cốt ghi tâm. Anh hùng chiến tranh Eduardo Abaroa của quốc gia này đã từng nói một câu nổi tiếng trước khi chết: “Đầu hàng ư? Bà của ngươi mới phải đầu hàng!”
Câu nói trên đã trở thành kim chỉ nam cho mọi người dân Bolivia, nhớ về ngày tháng lịch sử có bờ biển đầy tự hào trước đây.
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn
Tuy nhiên, bất chấp mong muốn đòi lại đất đai, Bolivia vẫn giữ quan hệ dân sự với Chile trong những năm qua. Hai bên giảm bớt quan hệ chính trị vào cuối những năm 70, nhưng vẫn thường xuyên trao đổi hàng hóa và dịch vụ với nhau.
Lực lượng hải quân chính thức cũng mới được đưa vào hoạt động vào những năm 1960, đảm đương nhiệm vụ tuần tra các hồ, sau đó mới trở nên phát triển vượt bậc như hiện tại.
Cho đến năm 2018, Bolivia vẫn nỗ lực đấu tranh để giành lại ít nhất một phần đường bờ biển mà họ cho là thuộc về mình.
Quốc gia Nam Mỹ đã đệ đơn lên Liên Hợp Quốc yêu cầu chủ quyền với một dải đất vươn ra biển – mảnh đất đó, tất nhiên là đang thuộc về Chile ngày nay – nhưng Liên Hợp Quốc đã từ chối yêu cầu này.
Ban đầu, vùng bờ biển được ký kết với Chile với thỏa thuận rằng người dân Bolivia sẽ có quyền ra vào cảng miễn phí. Chile khẳng định đã thực hiện tốt thỏa thuận, trong khi người dân Bolivia bác bỏ, nói rằng họ bị đánh thuế và phải tuân thủ luật pháp và bị kiểm tra hàng hóa từ phía Chile.
Về phần mình, Chile luôn bác bỏ mọi khả năng đàm phán về vấn đề lãnh thổ và khẳng định biên giới giữa hai nước đã được xác định trong hiệp ước hòa bình hữu nghị ký năm 1904.
Từ lâu, Bolivia vẫn cho rằng đây là một hiệp ước bất bình đẳng và hai bên đã nhiều lần thương thuyết nhưng không có kết quả.
Theo Bolivia, cuộc chiến giành lại vùng biển vẫn đang diễn ra và hải quân của họ cũng vậy.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò