Vụ việc cưỡng đoạt tài sản, làm nhục người khác xảy ra tại cửa hàng thời trang Mai Hường ở TP Thanh Hoá đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ngay sau đó, các “nhà dân chủ” cũng nhanh chóng “bắt sóng”, biến nó trở thành cái cớ để tấn công chính quyền.
“Khi một đứa trẻ ăn cắp, tất cả chúng ta đều có tội”, “Những người điều hành nền kinh tế có tội; hệ thống an sinh có tội, giáo dục có tội, văn hóa có tội và chúng ta có tội”, “chúng ta đã làm ra một xã hội đổ vỡ giá trị”,… là những luận điệu đang được Chân Trời mới media ráo riết lan truyền. Từ một vụ việc vi phạm trật tự xã hội bình thường, các đối tượng “dân chủ” đã nhanh chóng nhuộm lên màu sắc chính trị. Từ đó, những chiếc “răng nanh đầy nọc độc” tiếp tục tấn công, đổ lỗi cho chế độ, xuyên tạc hệ thống chính quyền các cấp.
Cũng như nhiều vụ việc khác, các đối tượng “dân chủ” đang cố tình đưa tin lập lờ, đánh lận bản chất vụ việc. Nếu một xã hội đầy rẫy tiêu cực; các vi phạm, sai trái diễn ra một cách có hệ thống, từ ngày này sang ngày khác thì đó chắc chắn là lỗi của chính quyền. Vậy nhưng nếu các vi phạm diễn ra cá biệt, bộc phát, không mang tính hệ thống thì không thể đổ thừa, vu vạ cho cơ quan quản lý. Thực tế cho thấy không có một xã hội nào có thể đạt đến trạng thái lý tưởng, chỉ có toàn những điều tốt đẹp. Cuộc sống luôn vận động, muôn màu và trong đó chắc chắn sẽ có những “góc tối”. Đó là điều hiển nhiên và hết sức bình thường.
Như vụ việc tại cửa hàng thời trang Mai Hường ở trên, theo báo chí đưa tin, lý do phát sinh vụ việc là do một nữ sinh có hành vi lấy trộm chiếc váy của cửa hàng. Đây là một vụ việc đơn lẻ, không thể hiện bản chất của xã hội ta. Và cũng nhấn mạnh, xã hội ta không ai “dạy” và cũng chẳng ai cổ suý cho hành vi lấy trộm tài sản của người khác. Đối với những người có hành vi trộm cắp tài sản, pháp luật đã có những chế tài tương xứng với tính chất, mức độ từng vụ việc, có thể là xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Mặt khác, cha ông tác đã đúc kết “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Một người thực hiện hành vi sai phạm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, điều kiện khác nhau. Việc đổ hết lỗi cho gia đình, cho xã hội là điều phi thực tế. Vì vậy, chẳng có lý do nào để các “nhà dân chủ” có thể buộc tội mọi người, buộc tội nền kinh tế, buộc tội hệ thống an sinh, buộc tội cho giáo dục, buộc tội cho văn hoá. Luận điệu được các đối tượng đưa ra là một sự lộng ngôn, loạn ngôn, hàm hồ, vô căn cứ. Nếu cần buộc tội thì có lẽ nên buộc tội những chiếc “lưỡi có gai” cố tình chống phá chính quyền.
Không chỉ dừng lại ở việc đổ lỗi, quy chụp, buộc tội cho xã hội, các đối tượng “dân chủ” còn làm loạn bằng cách hướng lái, vu khống cho rằng bộ máy chính quyền của nước ta đầy tiêu cực. Lợi dụng một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị đưa ra xử lý, chúng chụp mũ bằng luận điệu hết sức phản cảm, phi lý: “kẻ cắp hiên ngang đi vào hệ thống điều hành và phá nát quốc gia này, phá nát núi rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên, đầu độc nguồn nước”?!
Chúng ta không phủ nhận trong hệ thống chính quyền còn tồn tại một số “sâu mọt”, lợi dụng chức quyền làm lợi cho bản thân. Vậy nhưng đây chỉ là những hiện tượng riêng lẻ, không phải là chứng cứ quy chụp bản chất của chế độ. Và hơn hết, Việt Nam đang đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng, ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Những kết quả đã đạt được trong công tác chống tham nhũng là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định không có sự bao che, thoả hiệp cho sai phạm. Đồng thời, những kết quả này góp phần xây dựng hệ thống chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế là minh chứng khẳng định Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, không hề “tan nát” như luận điệu được các đối tượng “dân chủ” đưa ra.
Vẫn biết “không ưa thì dưa có giòi”. Vậy nhưng việc chống phá một cách bất chấp đến mù quáng, điên loạn, sẵn sàng đưa ra các luận điệu phi thực tế như những gì các “nhà dân chủ” đang thưc hiện quả thật quá khó hiểu. Hay chăng, nhận thức của các “nhà dân chủ” có vấn đề?
Bảo An
Theo: Hội Cờ đỏ