Lâm Bưu là một trong những khai quốc công thần của nước CHND Trung Hoa, làm đến chức Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Ở thời kỳ đỉnh cao quyền lực, Lâm là nhân vật đứng thứ hai trong ĐCSTQ sau Mao Trạch Đông.
Ngày 13/9/1971, máy bay chở gia đình Nguyên soái Lâm Bưu đã bị rơi ở Mông Cổ, tất cả phi hành đoàn đều thiệt mạng. Sự kiện đã gây ra cú sốc chính trị rất lớn tại Trung Quốc.
Năm 1969, Hiến chương Đảng do Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 9 thông qua đã quy định rõ: “Lâm Bưu là Phó tổng tư lệnh và người kế nhiệm Mao Trạch Đông”.
Tuy vậy, theo thông tin được đăng tải chính thức trên trang Bách khoa về lịch sử ĐCSTQ, Lâm Bưu có mưu đồ giành lấy quyền lực tối cao của đảng và đất nước Trung Quốc, khiến Mao Trạch Đông cảnh giác. Lâm Bưu và đồng bọn lên kế hoạch đảo chính, ám sát Mao Trạch Đông. Sau khi sự việc bại lộ, Lâm Bưu bỏ trốn bằng máy bay vào sáng sớm ngày 13/9/1971 và bị chết tại Mông Cổ do máy bay rơi.
Hành động “tranh quyền đoạt vị”
Trong Hội nghị toàn thể lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 9 vào ngày 29/8/1970, Lâm Bưu và đồng bọn đã lợi dụng vấn đề “kiên trì lập Chủ tịch nước” và “thiên tài” để phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và Mao Trạch Đông nhằm thực hiện mục tiêu “tranh quyền đoạt vị” thông qua hình thức hòa bình, nhưng thất bại.
Sau phiên họp toàn thể, Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ và Mao Trạch Đông đã áp dụng nhiều phương pháp để làm suy yếu quyền lực của Lâm Bưu và đồng bọn; đồng thời cố gắng phê bình và giáo dục Lâm Bưu.
Tuy nhiên, Lâm Bưu và băng nhóm của hắn không hề có ý định ăn năn hối cải, một mặt đối phó bằng cách kiểm điểm giả, mặt khác âm mưu một cuộc đảo chính có vũ trang để cướp quyền lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước Trung Quốc.
Tháng 10/1970, Lâm Lập Quả – con trai Lâm Bưu – đã tập hợp các thành viên vây cánh chủ chốt để tạo thành “xương sống bí mật” của cuộc đảo chính vũ trang và đặt tên là “Hạm đội Liên hợp”.
Từ ngày 21 đến ngày 24 /3/1971, Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Đảng ủy Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc – và một số người khác lập một kế hoạch đảo chính vũ trang có tên “Biên bản Đề án 571” ở Thượng Hải.
Mao Trạch Đông đã rất cảnh giác. Sau khi đề nghị triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 9 và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc lần thứ 4, vào ngày 15/8/1971, từ Bắc Kinh, Mao Trạch Đông bắt đầu tiến hành cuộc thị sát ở miền nam Trung Quốc.
Lâm Bưu và đồng bọn vô cùng hoảng loạn về chuyến tuần tra phương nam của Mao và tìm mọi cách để biết được nội dung chuyến công tác.
Vào ngày 5 và 6/9/1971, từ thông tin của Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Quân khu Quảng Châu Cố Đồng Châu và Chính ủy Quân khu Vũ Hán Lưu Phong, Lâm Bưu biết được nội dung cuộc trò chuyện của Mao Trạch Đông với các lãnh đạo đảng, chính quyền và quân đội địa phương.
Bè lũ Lâm Bưu vô cùng căng thẳng và đoán rằng Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 9 có thể được tổ chức trước hoặc sau Quốc khánh Trung Quốc (ngày 1/10) để giải quyết vấn đề của bọn chúng, nên quyết định thực hiện một hành động “tuyệt vọng”, bắt đầu xúi giục một cuộc đảo chính vũ trang.
Ngày 7/9/1971, Lâm Lập Quả đã ban hành lệnh sẵn sàng chiến đấu cấp một cho “Hạm đội liên hợp”.
Ngày 8/9/1971, Lâm Bưu phát lệnh đảo chính vũ trang: “Tôi hy vọng Lập Quả và đồng chí Vũ Trì sẽ truyền đi mệnh lệnh”.
Từ ngày 8 đến 11/9/1971, Lâm Lập Quả và Chu Vũ Trì lần lượt thông báo lệnh của Lâm Bưu cho Giang Đằng Giao – Chính ủy Quân khu Nam Kinh kiêm Chính ủy Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Vương Phi – Phó Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và các thành viên chủ chốt khác của “Hạm đội Liên hợp” để sắp xếp kế hoạch cụ thể ám sát Mao Trạch Đông.
Ngày 10/9/1971, Mao Trạch Đông đột ngột thay đổi hành trình và về đến ga Đông Phong Đài (Bắc Kinh) lúc 15 giờ ngày 12/9. Mao Trạch Đông đã triệu tập Lý Đức Sinh, Ngô Đức và Ngô Trung – những lãnh đạo đảng, chính quyền và quân đội Bắc Kinh – lên tàu để họp bàn và trở về Trung Nam Hải an toàn vào buổi tối.
Sau khi biết âm mưu ám sát Mao Trạch Đông bị phá sản, Lâm Bưu quyết định chạy trốn về phía nam tới Quảng Châu với mưu đồ thành lập một chính quyền trung ương riêng biệt.
Sự cố đào tẩu của Lâm Bưu
Tối ngày 12/9/1971, biết Diệp Quần và Lâm Lập Quả sẽ đưa Lâm Bưu đi trốn, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã ra chỉ thị đến sân bay Sơn Hải Quan thông qua Lý Tác Bằng: chuyên cơ Trident 257 của Lâm Lập Quả phải có lệnh của cả bốn người Chu Ân Lai, Hoàng Vĩnh Thắng – Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Ngô Pháp Hiến – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc kiêm Tư lệnh Không quân,và Lý Tác Bằng mới được phép cất cánh.
Vào lúc 23h30 ngày 12/9, Chu Ân Lai trả lời cuộc điện thoại yêu cầu điều máy bay của Diệp Quần một cách khéo léo. Nhưng điều đó càng khiến Lâm Bưu và Diệp Quần thêm hoảng sợ, nên đã quyết định chạy trốn lên phía bắc thay vì xuống phía nam.
0h ngày 13/9, bất chấp sự ngăn cản của lính canh, cũng không đợi phi công phụ, hoa tiêu hay tiếp viên có mặt đầy đủ, Lâm Bưu, Diệp Quần và Lâm Lập Quả đã ép máy bay cất cánh khẩn cấp hòng thoát thân.
Vào lúc 2h30 sáng 13/9, máy bay rơi xuống đồng cỏ phía đông bắc Öndörhaan (Mông Cổ), toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng.
Vào lúc 3h15 sáng, Chu Vũ Trì và một số người khác đã cướp chiếc trực thăng mang số hiệu 3685 để tìm cách tẩu thoát. Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ biết tin liền triển khai hành động ngăn chặn. Hơn 6h sáng, trực thăng bị ép hạ cánh xuống quận Hoài Nhu, ngoại ô Bắc Kinh, Chu Vũ Trì tự sát tại chỗ. Một lượng lớn tài liệu bí mật nhà nước và kế hoạch cho một cuộc đảo chính vũ trang đã bị thu giữ từ trực thăng, bao gồm cả mệnh lệnh đảo chính vũ trang ngày 8/9 của Lâm Bưu.
Tiếp đó, Giang Đằng Giao và các thành viên khác của “Hạm đội liên hợp” cũng lần lượt bị bắt.
Theo chỉ đạo của Trung ương ĐCSTQ, Đại sứ Trung Quốc tại Mông Cổ Từ Văn Ích đã đến hiện trường vụ máy bay rơi để kiểm tra. Các thi thể được chôn tại chỗ, đồng thời gửi rất nhiều ảnh chụp hiện trường về Trung Quốc. Sau đó, Thủ tướng Chu Ân Lai đưa ra kết luận rằng, máy bay đã tự rơi.
Ngày 18/9/1971, Trung ương ĐCSTQ đã thông báo cho các quan chức cấp cao về vụ đào tẩu của Lâm Bưu.
Ngày 29/9/1971, một thông báo được đưa ra: “Trung ương ĐCSTQ đã ra lệnh cho Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng và Khâu Hội Tác từ chức, tự kiểm điểm và giải trình kỹ lưỡng”.
Ngày 3/10/1971, Trung ương ĐCSTQ quyết định giải tán Tổ công tác Quân ủy và thành lập Hội nghị văn phòng Quân uỷ, do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh chủ trì. Đồng thời, quyết định thành lập Tổ chuyên án Trung ương gồm 10 người do Chu Ân Lai đứng đầu để điều tra cặn kẽ “tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu”.
Sự kiện ngày 13/9/1971 là kết quả của việc Cách mạng Văn hóa đã lật đổ một loạt các nguyên tắc cơ bản của ĐCSTQ, đồng thời tuyên bố một cách khách quan về sự thất bại cả lý luận và thực tiễn của Cách mạng Văn hóa.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò