Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng 2 nước Việt Nam và Pháp, rạng sáng nay ngày 4/11, nhiều hợp tác quan trọng đã được các cơ quan, doanh nghiệp 2 bên ký kết.
Chiều tối 3-11 (giờ Paris), tại điện Matignon, Thủ tướng Pháp Jean Castex đón trọng thị Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai đoàn cấp cao đã hội đàm và sau đó là chứng kiến lễ ký nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác.
Đáng chú ý, Vietjet và Safran – Tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới của Pháp, đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện, trên cơ sở doanh số hợp tác trị giá 10 tỉ USD giữa hai bên.
Được biết, từ những hợp tác về cung cấp và sử dụng động cơ và dịch vụ động cơ máy bay thông qua CFM International (công ty liên doanh của Safran) với doanh số 10 tỉ USD đã có, Vietjet và Safran tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác lên tầm chiến lược lâu dài, bao gồm tăng cường doanh số cung cấp động cơ, đồng thời mở rộng nhiều lĩnh vực khác như ghế máy bay, nội thất buồng máy bay, dịch vụ đào tạo quản lý kỹ thuật động cơ cũng như cơ hội thành lập các tổ hợp sửa chữa bảo dưỡng công nghệ cao và đào tạo tại Việt Nam.
Safran sẽ cung cấp các dịch vụ và chương trình đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật của Vietjet, đồng thời hỗ trợ hãng thành lập tổ hợp đào tạo và sửa chữa bảo dưỡng động cơ máy bay (MRO) của Vietjet tại Việt Nam.
Đặc biệt, Vietjet và công ty Safran Electronics & Defense sẽ đẩy nhanh hợp tác và cung cấp Vietjet các giải pháp phân tích thông tin chuyến bay (Flight Data Analysis) toàn diện và hiệu quả nhất trong thời gian tới.
“Thỏa thuận được ký kết hôm nay cho thấy mối quan hệ đối tác đầy tin tưởng giữa hãng hàng không và Safran, đồng thời thể hiện sự công nhận của Vietjet đối với chuyên môn và kinh nghiệm của chúng tôi” – ông Alexandre Ziegler, Phó Chủ tịch Điều hành Cấp cao, Quốc tế và Công vụ của Safran tại Pháp, chia sẻ.
Trong khi đó, Bamboo Airways và Safran kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc lựa chọn động cơ và các thiết bị máy bay cho đơn hàng 50 máy bay A321NEO và 30 máy bay Boeing 787-9 của Bamboo Airways. Tổng giá trị các thỏa thuận trong Biên bản ghi nhớ hợp tác ước tính đạt 2 tỉ Euro.
Tại buổi lễ, các cơ quan chức năng hai nước đã ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng, như: thỏa thuận hợp tác giữa bộ Tư pháp Việt Nam và Tham Chính viện Cộng hòa Pháp giai đoạn 2021-2026; thỏa thuận hành chính giữa Bộ Giáo dục – đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp về việc công nhận văn bằng và các quá trình đào tạo;
Thỏa thuận vay và Thỏa thuận viện trợ cho Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Điện Biên; Ý định thư hợp tác thưc hiện các dự án vệ tinh quan sát trái đất giữa Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp; Bộ Công Thương cũng trao quyết định chủ trương đầu tư dự án điện lực Sơn Mỹ 1.
Safran là tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới đồng thời là nhà cung cấp các hệ thống và thiết bị trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ và quốc phòng. Với 76.000 nhân viên và tổng doanh thu năm 2020 đạt 16,5 tỉ Euro, Safran cùng với các công ty thành viên của Tập đoàn hiện nắm giữ thị phần lớn trong hầu hết các mảng kinh doanh chính của mình trên thế giới.
Tập đoàn đồng thời thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu và phát triển bền vững nhằm ưu tiên bảo vệ môi trường trong lộ trình đổi mới và sáng tạo.
Ngọc Anh
Theo: Cánh cò