Saturday, November 23, 2024

Bất thường! vì sao đám đông ở sân bay Kabul chỉ toàn đàn ông?

Cuộc chạy đua tìm đường rời khỏi Afghanistan đa phần chỉ có đàn ông dù phụ nữ mới là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất khi Taliban trở lại nắm quyền.

“Phụ nữ đi đâu hết rồi”, đó là câu hỏi liên tục được đặt ra trên Twitter sau khi xuất hiện bức ảnh hàng trăm người Afghanistan chen chúc trên khoang máy bay vận tải C-17A của Không quân Mỹ rời Kabul hôm 15/8.

“Không nhiều phụ nữ xuất hiện tại sân bay Kabul trong ngày 16/8, khi đám đông đổ ra đường băng trong nỗ lực tuyệt vọng tìm cách rời khỏi đất nước. Có đến 99% những người trong bức ảnh ở sân bay Kabul là đàn ông”, BBC đưa tin.

Vì sao phụ nữ vắng bóng?

Khi xem những bức ảnh người dân tìm cách tháo chạy khỏi Afghanistan, nhiều người không thể bỏ qua một thực tế rằng có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ nam giới và phụ nữ.

Những người trong đám đông trốn chạy chủ yếu là nam giới, và nguyên nhân của tình trạng này rất phức tạp.

Cho rằng đàn ông đơn giản là bỏ rơi người phụ nữ của họ khi tìm cách bỏ trốn khỏi Kabul không hoàn toàn chính xác. Thực tế trong đa phần các trường hợp tị nạn, đàn ông là những người đi trước, sắp đặt nền móng để vợ và con họ tìm được bến đỗ an toàn trong tương lai.

Bất thường! vì sao đám đông ở sân bay Kabul chỉ toàn đàn ông?
Người di tản tìm mọi cách lên máy bay.

Xét trên quy mô toàn cầu, khoảng 50% người phải rời bỏ nhà cửa là phụ nữ. Trở thành người tị nạn không phải là một lựa chọn dễ dàng cho nhiều người.

Theo Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về tị nạn, khoảng 82,4 triệu người bị buộc phải rời khỏi nơi cư trú toàn cầu, trong số này 26,4% được xếp vào dạng tị nạn. 48 triệu người mất nhà cửa nhưng lưu lạc trong nước.

Trở thành người tị nạn đồng nghĩa phải di chuyển giữa các quốc gia, đây là một hành trình gian nan, đầy nguy hiểm và tốn kém tiền bạc. Với nhiều gia đình, họ đơn giản là không kham nổi chi phí.

Thay vì tất cả thành viên gia đình cùng bỏ chạy, lựa chọn thực tế hơn cả là tập trung mọi nguồn lực, thậm chí phải vay nợ lớn, để một người có thể đi tới điểm đến mong muốn một cách an toàn, nơi họ có thể xin cấp quy chế tị nạn, làm việc, và mang những người còn lại cùng sang.

Tại Afghanistan, bất bình đẳng giới cũng đồng nghĩa đàn ông sẽ là người được cử đi tị nạn, sau đó họ sẽ hỗ trợ các thành viên còn lại rời đi.

Trong nhiều năm, phụ nữ Afghanistan đã đối mặt phân biệt đối xử và bị gạt ra bên lề xã hội, điều này nhiều khả năng sẽ càng tồi tệ hơn khi Taliban nắm quyền một lần nữa.

Phụ nữ Afghanistan thường không có kỹ năng, kinh nghiệm hay tiền bạc để tìm được con đường cần phải đi nếu muốn rời khỏi đất nước. Họ phụ thuộc vào các thành viên nam trong gia đình. Nếu muốn ra đi, họ chỉ có thể đợi người thân bảo lãnh theo những con đường như đoàn tụ thân nhân.

Giải pháp gốc rễ

Bất bình đẳng giới ăn sâu bén rễ trong hệ thống tị nạn. Dù phụ nữ chiếm 50% số người mất nhà cửa, tỷ lệ này giảm mạnh khi nói về số người đi rời khỏi quê hương họ để tìm kiếm cơ hội tị nạn.

Đường đi càng xa, càng nhiều hiểm nguy rình rập với phụ nữ, đặc biệt là lạm dụng tình dục, buôn bán nô lệ, bắt cóc, chưa kể chi phí cũng đắt đỏ hơn.

Dĩ nhiên, đây không phải là lý do để phụ nữ phải chịu bất công trong quyền tị nạn. Không thể phủ nhận phụ nữ thường đối mặt những tác động tồi tệ nhất từ chiến tranh, xung đột, họ cần được bảo vệ và cấp quyền tị nạn.

Dù vậy, các gia đình thường có rất ít tài sản tích lũy, họ cần chắc chắn người được cử đi có thể an toàn đến đích. Để đàn ông ra đi đầu tiên là cơ hội tốt khi mà không có nhiều lựa chọn khả dĩ hơn.

Bất thường! vì sao đám đông ở sân bay Kabul chỉ toàn đàn ông?
Bên trong chiếc máy bay C-17A của Không quân Mỹ di tản khỏi Kabul.

Khoảng 73% người tị nạn trên thế giới sống ở các nước láng giềng với quê hương của họ, và 86% tị nạn ở các nước đang phát triển.

Dù điều này không phải luôn diễn ra, nhưng các nước đang phát triển lại là nơi phụ nữ có nguy cơ bị gạt ra bên lề xã hội trầm trọng hơn, họ bị khước từ một số quyền nhất định và không thể kiếm đủ tiền trang trải cho những chặng đường tiếp theo.

Phụ nữ trên đường tị nạn có nguy cơ rơi vào những hoàn cảnh khó lường, trở thành nạn nhan của bạo lực và các hình thức lạm dụng.

Khi các gia đình nhìn thấy cơ hội bảo đảm họ có thể đưa thành viên của mình đến được những quốc gia an toàn hơn, họ sẽ nắm lấy cơ hội ấy.

Đây rõ ràng không phải giải pháp hoàn hảo và công bằng cho phụ nữ. Nhưng cho đến khi nào vấn nạn bất bình đẳng giới và những hiểm nguy mà nó mang lại cho phụ nữ chưa được giải quyết, việc nam giới lãnh trọng trách tị nạn trước khi đón phụ nữ và trẻ em đi cùng vẫn đang là lựa chọn của số đông.

Thay vì nhìn vào hiện tượng không có nhiều phụ nữ trên các chuyến di tản, điều đáng quan tâm hơn là những nguyên nhân sâu xa của nó.

Khi Taliban giờ đã kiểm soát Afghanistan, phụ nữ càng đối mặt nhiều rủi ro hơn. Nhưng việc một mình bỏ trốn khỏi nhà cũng chứa đựng đầy hiểm nguy.

Việc buộc tội những người di tản rằng họ là “những người đàn ông trẻ trung ở độ tuổi chiến đấu” chỉ là một cách để từ chối cấp quy chế tị nạn cho họ.

Hậu quả không thể tránh khỏi là sẽ có thêm nhiều người, cả phụ nữ và trẻ em, bị tước đi cơ hội được giải cứu tới địa điểm an toàn, và có thêm những gia đình bị bỏ rơi, tuyệt vọng, chỉ có thể bám víu vào sự thương hại của Taliban.

Duy Anh

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG