Monday, October 14, 2024

Bức tranh khác biệt ở Hà Lan giữa đại hồng thủy tại châu Âu

Hà Lan cũng chịu tình cảnh mưa lớn dữ dội như nhiều nước châu Âu trong trận lũ lịch sử, nhưng nước này không bị nước lũ nhấn chìm và chưa ghi nhận trường hợp thiệt mạng nào.

Bức tranh khác biệt ở Hà Lan giữa đại hồng thủy tại châu Âu

Giữa lúc các cộng đồng bị tàn phá nặng nề trong trận lũ tàn khốc ở nhiều nước châu Âu bắt đầu gượng dậy sau thảm họa, nhiều cư dân đang tự hỏi tại sao mọi chuyện lại xảy ra tồi tệ và nhanh tới chóng mặt như vậy, theo CNN.

Châu Âu vốn có một hệ thống cảnh báo dẫn đầu thế giới có thể phát cảnh báo nhiều ngày trước khi lũ lụt ập tới.

Thế nhưng, ít nhất 200 người đã thiệt mạng ở Đức và Bỉ, trong trận lũ khốc liệt chưa từng thấy trong lịch sử ở lục địa già.

Cơn lũ ập tới quá nhanh

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Copernicus cho biết họ đã gửi hơn 25 cảnh báo cho các khu vực cụ thể của lưu vực sông Rhine và sông Maas trong những ngày trước trận lũ, thông qua Hệ thống Nhận biết Lũ lụt châu Âu (EFAS), trước khi mưa lớn gây ra lũ quét.

Tuy nhiên, dường như quá ít trong số các cảnh báo sớm đó đến được với các cư dân đủ sớm và rõ ràng, khiến mọi người không mấy cảnh giác. Câu hỏi đang được đặt ra lúc này là liệu chuỗi liên lạc từ cấp trung ương ở châu Âu tới các khu vực có hiệu quả.

Bức tranh khác biệt ở Hà Lan giữa đại hồng thủy tại châu Âu
Lũ lụt gây lở đất ở Erftstadt-Blesses, Đức. Ảnh: AP.

“Rõ ràng đã có một sự đứt gãy nghiêm trọng trong liên lạc, trong đó ở một số trường hợp, điều đó đã cướp đi nhiều sinh mạng”, nhà nghiên cứu Jeff Da Costa, tiến sĩ về khí tượng thủy văn tại Đại học Reading, Vương quốc Anh nói với CNN.

Trong nghiên cứu của mình, tiến sĩ Da Costa tập trung vào hệ thống cảnh báo lũ lụt và ngôi nhà của cha mẹ ông ở Luxembourg bị lũ càn quét vào cuối tuần qua. Ông nhận định những gì đã xảy ra trong trận lũ tuần qua cho thấy khoảng cách giữa cảnh báo thời tiết mà các nhà khoa học đưa ra và hành động thực chất của những người chịu trách nhiệm tại thực địa.

Một số cảnh báo – bao gồm cả ở Luxembourg – chỉ được đưa ra sau khi lũ lụt ập đến, ông nói.

“Mọi người, trong đó có chính gia đình tôi, bị bỏ mặc tự xoay xở mà không có hướng dẫn cần làm gì, khiến họ không biết phải chuẩn bị như thế nào”, nhà nghiên cứu cho biết thêm.

Tại nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề, người dân bị choáng ngợp bởi tốc độ quá nhanh và sự hung dữ của dòng nước.

Ở Đức, giữa lúc cuộc tổng tuyển cử đang đến gần, vấn đề lũ lụt nhanh chóng bị chính trị hóa, và các chính trị gia đang chìm đắm trong cuộc đua đổ lỗi.

Tại thung lũng Ahr, khu vực bị lũ lụt nhấn chìm đặc biệt nghiêm trọng ở miền Tây nước Đức, các quan chức cấp cao nói với CNN rằng nhiều cảnh báo đã được đưa ra trước thảm họa, nhưng người dân chưa thực sự coi trọng vì họ không quen với lũ lụt dữ dội như vậy.

Phản ứng của cư dân chỉ dừng lại ở việc dự trữ và đưa các vật có giá trị đến nơi an toàn, trong khi nhiều người cho rằng cùng lắm là phải tá túc trên tầng hai khi nước lũ dâng cao, song thực tế là trực thăng đã được phái tới để giải cứu họ từ trên nóc nhà.

Một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Schuld ở bang Rhineland-Palatinate của Đức.

Thị trưởng Schuld Helmut Lussi nói rằng trận lụt hoàn toàn không thể đoán trước được, ông cho biết thị trấn đẹp như tranh vẽ này mới chỉ trải qua hai trận lũ lớn trước đó, vào năm 1790 và 1910.

“Tôi cho rằng hệ thống chống lũ đã không giúp ích được gì vì bạn không thể tính toán được điều này, điều gì sẽ xảy ra với dòng sông Ahr với lượng nước lớn như vậy”, ông nói với các phóng viên vào cuối tuần qua.

Bức tranh khác biệt ở Hà Lan giữa đại hồng thủy tại châu Âu
Lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng ở thị trấn Schuld, gần Bad Neuenahr-Ahrweiler ở miền Tây nước Đức. Ảnh: AFP.

Thiếu kế hoạch ứng phó và sự chuẩn bịTiến sĩ Da Costa nói rằng ông có thể thông cảm với ông Lussi, nhưng nhận xét của vị thị trưởng Schuld cho thấy sự thiếu hiểu biết về việc lập kế hoạch và quản lý.

“Góc nhìn của ông ấy về khả năng dự báo lũ lụt, cả trên quy mô dài hạn và tức thời để có thể đưa ra cảnh báo ngay lập tức, là hoàn toàn sai lầm và có thể cho thấy một trong những khó khăn trong việc truyền đạt nguy cơ cho người dân hoặc các quan chức thành phố – những người về cơ bản không hiểu về rủi ro môi trường”, ông Da Costa nói.

Ông nói thêm: “Mọi người cũng nên ghi nhớ rằng mặc dù cảnh báo lũ lụt không thể ngăn lũ lụt nhưng chúng có thể giúp mọi người sơ tán và đưa tài sản đến nơi an toàn”.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng khi các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến do biến đổi khí hậu, các thị trấn như Schuld phải đẩy mạnh việc lên kế hoạch.

“Nếu thị trưởng Schuld và thị trấn của ông ấy có một kế hoạch, được thông báo rõ ràng đến từng hộ gia đình, các doanh nghiệp và tổ chức để mọi người biết phải làm gì trong trường hợp xảy ra các kịch bản lũ lụt, thì ít nhất họ cũng sẽ chuẩn bị tốt”, ông Da Costa khẳng định, đồng thời cho biết thêm rằng nếu ông Lussi và các lãnh đạo khu vực khác có kế hoạch ứng phó thì số người chết có thể đã thấp hơn.

“Trong thời điểm khủng hoảng, mọi người cần biết họ phải làm. Đây là lý do chúng ta diễn tập sơ tán trong trường hợp hỏa hoạn, dù chúng ta không mong đợi hỏa hoạn xảy ra”, ông nói.

CNN đã liên hệ với văn phòng của ông Lussi nhưng chưa nhận được phản hồi.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại Bỉ. Vấn đề liên lạc và tổ chức gặp phải nhiều vấn đề. Ông Daniel Bacquelaine – Thị trưởng Chaudfontaine, thị trấn thuộc tỉnh Liège, cho biết ông đã nhận được “cảnh báo màu da cam” về nước dâng nhưng cho rằng rõ ràng phải có cảnh báo màu đỏ sớm hơn.

“Chúng tôi có thể thấy các nguồn lực vật tư của địa phương không đáp ứng được với tình hình. Đáng lưu ý là các trực thăng không thể hoạt động trong khu vực”, Thị trưởng Daniel Bacquelaine nói với đài phát thanh RTBF của Bỉ. “Hoạt động cứu hộ bằng thuyền thực sự cần thiết và chúng tôi đã phải kêu gọi khu vực tư nhân để có đủ thuyền và nhân lực điều khiển”.

Bài học Hà Lan

Ở Hà Lan, ngay bên kia biên giới với các khu vực bị lũ lụt tàn phá của Đức và Bỉ, bức tranh hoàn toàn khác. Mưa lớn cũng tấn công Hà Lan dù không quá nặng như ở Đức và Bỉ. Nước này cũng không tránh khỏi những thiệt hại nhưng các thị trấn không hoàn toàn bị nhấn chìm và chưa ghi nhận trường hợp thiệt mạng nào.

Bức tranh khác biệt ở Hà Lan giữa đại hồng thủy tại châu Âu
Công nhân đắp bao cát ở mép nước tại thị trấn Arcen của Hà Lan, cư dân tịa đây đã được sơ tán trước trận lũ. Ảnh: AFP.

Giáo sư Jeroen Aerts, người đứng đầu Cơ quan Quản lý ủi ro về Nước và Khí hậu tại Vrije Universiteit ở Amsterdam, cho biết giới chức trách nước này đã chuẩn bị tốt hơn và có thể thông tin nhanh chóng tới người dân.

“Chúng tôi thấy rõ hơn chuyện gì đang đến và nó sẽ đi đến đâu”, ông Aerts nói với CNN.

Hà Lan vốn có lịch sử lâu đời về quản lý nước và thành công của nước này trong đối mặt với thảm họa lần này có thể cung cấp cho thế giới một kế hoạch chi tiết về cách xử lý lũ lụt, đặc biệt khi biến đổi khí hậu được cho là sẽ khiến các hiện tượng mưa lũ cực đoan phổ biến hơn.

Đất nước này đã chiến đấu với vấn đề nước dâng gần một thiên niên kỷ. Ba con sông lớn ở châu Âu – Rhine, Meuse và Scheldt đều chảy qua Hà Lan, với phần lớn đất của nước này nằm dưới mực nước biển, chính phủ Hà Lan cho biết 60% đất nước đối mặt với nguy cơ lũ lụt. Phần lớn đất nước đang chìm dần.

Cơ sở hạ tầng quản lý nước của Hà Lan thuộc hàng tốt nhất trên thế giới – bao gồm những bức tường khổng lồ với những cánh tay có thể di chuyển có kích thước bằng hai sân bóng đá, các cồn cát ven biển được gia cố bằng khoảng 12 triệu m3 cát mỗi năm và hệ thống đê dài hàng chục km.

Sức mạnh của họ phần lớn nằm ở cách tổ chức. Cơ sở hạ tầng của Hà Lan được quản lý bởi một bộ phận của chính phủ chỉ dành riêng cho vấn đề về nước – Tổng cục Quản lý Công trình Công cộng và Nước.

Bức tranh khác biệt ở Hà Lan giữa đại hồng thủy tại châu Âu
Oosterscheldekering (kè chắn bão đông Schelde) là công trình lớn nhất trong 13 đập của hệ thống kè và đê chắn thuộc hệ thống Delta của Hà Lan. Ảnh: Alamy.

Ông Aerts cho biết các vấn đề về nước của Hà Lan được quản lý bởi một mạng lưới các cơ quan dân cử địa phương có chức năng duy nhất là chăm sóc mọi thứ về nước, từ lũ lụt đến nước thải. Hệ thống này đã được ươm mầm từ rất sớm. Cơ quan đầu tiên trong số những ban bệ quản lý về nước ở địa phương được thành lập ở thành phố Leiden vào năm 1255.

“Đó là điểm đặc thù ở chúng tôi”, ông Aerts nói. “Ngoài chính phủ quốc gia, các tỉnh và thành phố, chúng tôi còn có lớp thứ tư, các ban quản lý nước, hoàn toàn tập trung vào quản lý nước”.

Các ban này có khả năng đánh thuế một cách độc lập, vì vậy họ không phải chịu sự ảnh hưởng của kho bạc quốc gia.

“Nước liên quan tới lĩnh vực du lịch, công nghiệp và cả xây dựng”, ông Aerts phân tích. “Và những gì mọi người thấy là ở các quốc gia khác nhau là các chính sách chính phủ thực sự mang tính lĩnh vực”.

Ở Hà Lan, các ban quản lý nước địa phương là “chất keo” kết dính mọi thứ lại với nhau, và có thể đảm bảo một đề xuất xây dựng trên một vùng ngập lụt có sự tham gia của tất cả bên liên quan.

Việt Linh Nguyễn

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG