TS.BS Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – được điều động điều hành Bệnh viện hồi sức 1.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Quyết định này được thay đổi phút cuối, khi TS.BS Phan Văn Báu xin thôi vì lý do sức khỏe.
Vừa qua, nhóm PV đã có một cuộc gặp gỡ TS.BS Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông ấy đã chia sẻ về nhiệm vụ sắp tới của mình:
* Khi nhận được đề nghị này, cảm xúc của ông ra sao?
– Tôi hơi bất ngờ và xen lẫn tự hào khi được lãnh đạo TP.HCM tin tưởng. Dù biết trách nhiệm quá nặng nề, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
* Sắp tới (20-7), lần đầu tiên ông tham dự kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Kế hoạch này ông tính sao khi nhận nhiệm vụ ở Bệnh viện hồi sức?
– Thực sự tôi rất háo hức mong chờ được đi họp Quốc hội khóa XV phiên đầu tiên (lần đầu tiên bác sĩ Thức ứng cử và trúng cử – PV). Nhưng tình thế chống dịch cấp bách, quan trọng nhất, nên sắp tới tôi sẽ có đơn để xin Văn phòng Quốc hội được phép vắng họp.
Khi nhận nhiệm vụ, tôi nghĩ đơn giản lắm, với chức năng của mình, cũng như những gì tôi đã hứa trước khi ứng cử đại biểu Quốc hội, dù gì mục đích cuối cùng cũng vì sức khỏe người dân thôi.
* Khi trực tiếp đến kiểm tra tại Bệnh viện hồi sức 1.000 giường chiều nay (16-7), ông thấy bệnh viện đã đi vào hoạt động được bao nhiêu % và phải cải thiện gì sắp tới?
– Lực lượng vệ sinh chưa có, trang thiết bị chưa đủ, quy trình hoạt động chi tiết chưa có… Nói chung tôi thấy phía trước sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ, bởi mọi thứ ở bệnh viện này đúng nghĩa sơ khai.
Việc đầu tiên sẽ phải tổ chức lại nhân sự để điều hành chuyên môn là quan trọng nhất. Kế đến là thiết kế lại các quy trình chuyên môn như kiểm soát nhiễm khuẩn, hồi sức…
Ngoài ra, khối hậu cần phục vụ cho chuyên môn cũng cực kỳ quan trọng. Không có hậu cần làm sao chuyên môn hoạt động?
* Bệnh viện hồi sức 1.000 giường sẽ là nơi điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch. Ông có lo không?
– Lo chứ. Các bệnh nhân này đòi hỏi nhân lực có chuyên môn chăm sóc rất nhiều, trang thiết bị y tế hao hụt hơn, rồi các quy trình đều nghiêm ngặt hơn. Nói chung với các bệnh nhân nặng, nguy kịch các nhân viên y tế sẽ phải làm việc gấp 3 – 4 bình thường…
Tôi hy vọng với sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, Thành ủy, UBND TP.HCM cùng với tinh thần đoàn kết, vững chuyên môn của tất cả các đồng nghiệp ở các đơn vị được điều động chi viện sẽ mang lại kết quả tốt đẹp, giảm thiểu tối đa số ca mắc COVID-19 tử vong.
Hoàng Lộc
Theo: Cánh cò