Thursday, March 28, 2024

Phó chủ tịch Đồng Tháp: “Công tác dập dịch lúc đầu chưa kịp thời, ghi nhận 439 ca”

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND Đồng Tháp nhìn nhận, công tác dập Covid-19 lúc đầu của tỉnh chưa được khẩn cấp, kịp thời, đến nay đã ghi nhận 439 ca.

– Cuối tháng 5, Đồng Tháp phát hiện một ca lây nhiễm ở huyện Tháp Mười liên quan đến nhóm truyền giáo ở TP HCM. Lập tức tỉnh đã bao vây truy vết và dập dịch. Kết quả đã cắt đứt nguồn lây. Sau đó, tỉnh trải qua hơn 20 ngày không xuất hiện ca lây nhiễm mới. Trong thời gian đó địa phương ứng phó tốt bằng nhiều giải pháp, không để dịch từ địa phương khác vào, đặc biệt từ các ổ dịch ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và Long An.

Ngày 24/6, tỉnh ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Từ ổ dịch này lan ra 9 trên 12 địa phương, phát sinh hàng loạt ổ dịch mới, lan sang xí nghiệp đông công nhân… Đến tối 8/7, tỉnh đã ghi nhận 439 ca dương tính.

Phó chủ tịch Đồng Tháp: “Công tác dập dịch lúc đầu chưa kịp thời, ghi nhận 439 ca”
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài

Dịch bệnh lần này khá nặng nề do phải phong tỏa Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và Bệnh viện Quân dân y, phải phân tuyến điều trị để người dân bờ Nam sông Tiền có nơi khám chữa bệnh. Tỉnh đang nỗ lực bao vây dập dịch trong các bệnh viện, tiến tới sớm giải phóng các cơ sở y tế này, khôi phục hoạt động trở lại bình thường. Hiện nay đã tính toán các phương án và quy trình tuy nhiên cũng không tránh khỏi việc xáo trộn trong hệ thống y tế, cũng như gây ra những bất tiện cho người dân.

Đồng Tháp đã thực hiện các đợt “truy quét” lớn, như tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc ngày 30/6 lấy mẫu tầm soát 1.966 người nhà và bệnh nhân, 667 nhân viên y tế. Ngày 2-6/7, test nhanh 3.719 người có nguy cơ cao, đại diện hộ gia đình trong các ấp bị phong tỏa, khu vực các chợ, xung quanh Trung tâm Y tế huyện Châu Thành.

Đến nay, ổ dịch này đã phát hiện hơn 200 ca. Ngày 9/7, ngành y tế sẽ tiến hành đợt sàng lọc quy mô lớn, hơn 13.000 người, để phân lập ra những ca nhiễm, các chùm ca F1, F2. Khi cắt đứt được nguồn lây sẽ tiến tới quét sạch mầm bệnh trong cộng đồng, sớm gỡ bỏ phong tỏa.

10 trường hợp tử vong đều là bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền nặng. Ngành y tế cũng đã tổ chức họp phân tích, đánh giá chung, có sự tham gia của Đoàn công tác Bộ Y tế và các bác sĩ chuyên khoa phổi, hồi sức. Trong quá trình nhận bệnh và điều trị, bệnh viện đã cấp cứu và xử lý, cho thở máy, sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh không cải thiện dẫn đến tử vong.

– Trong 15 ngày, Đồng Tháp ghi nhận 438 ca, có ngày phát hiện gần 100 ca. Là bác sĩ chuyên khoa 2, nguyên Giám đốc sở Y tế, theo ông nguyên nhân nào khiến trong thời gian ngắn, dịch bệnh bùng phát nhanh và lan rộng ở Đồng Tháp?

– Đợt dịch này tại Đồng Tháp, mầm bệnh lây lan trong cộng đồng xuất phát từ bệnh viện. Tại đây, việc ra vào, thăm nuôi, tạo ra luồng di chuyển rất lớn, phát tán mầm bệnh nhanh, ra nhiều địa phương, từ đó tạo ra nhiều ổ dịch.

Trong điều kiện ban đầu, việc sàng lọc bằng test nhanh chưa được triển khai. Do đó, đã phong tỏa trong bệnh viện từ 24/6, tuy nhiên cùng lúc mầm bệnh ở các nơi cũng bùng ra, như xí nghiệp may 6, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành, 3 xã cũng tại huyện này, ổ dịch Tân Khánh Trung…

– Những khó khăn trong công tác dập dịch hiện nay của tỉnh là gì?

– Hiện nay tại nhiều địa phương trong tỉnh xảy ra nhiều ổ dịch, cùng lúc phải tiến hành hàng loạt các hoạt động phải điều tra, truy vết. Các lực lượng phải làm tới nửa đêm. Thời gian đầu, công tác phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể đã có chuẩn bị nhưng việc điều phối còn gặp khó khăn, chưa được khẩn cấp, kịp thời, đúng nghĩa là “thần tốc”.

Thứ hai, nguồn lực xét nghiệm được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ. Hiện Đồng Tháp có 2 máy xét nghiệm RT-PCR ở CDC và Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Sắp tới sẽ trang bị thêm 2 máy. Nếu hoạt động hết công suất 4 máy có thể xét nghiệm hơn 1.200 mẫu đơn và 12.000 mẫu gộp mỗi ngày. Cơ bản sẽ đáp ứng được nhu cầu chống dịch. Trong điều kiện phải tiến hành tầm soát quy mô lớn hàng chục nghìn trường hợp sẽ làm mẫu gộp, khi đó sẽ cần thêm nhân lực nhập dữ liệu.

Việc quá tải ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc cơ bản được giải quyết, đã đưa hơn phân nửa ra các khu điều trị, cách ly tại nhà.

– Tại sao, ngày 1/7 TP Sa Đéc ghi nhận 29 ca cộng đồng và ngày 2/7 huyện Châu Thành 38 ca cộng đồng, tức một tuần sau hai địa phương phát hiện ca đầu tiên, thì mới có quyết định giãn cách xã hội?

– Tỉnh muốn giãn cách xã hội, phải tổ chức chặt chẽ rất nhiều khâu, phải đảm bảo những nhu cầu tối thiểu, thiết yếu trong cuộc sống của người dân khu vực giãn cách xã hội. Việc này chính quyền cấp tỉnh, nhận định có nguy cơ cao, sẽ giao cho địa phương ra quyết định. Địa phương cũng phải có động tác chuẩn bị, phải họp Ban Thường vụ, phải phổ biến và phải đạt được sự đồng thuận, rồi lan rộng ra người dân. Do đó cũng phải mất ngày trước ngày sau.

Lúc đầu dịch rộ lên quá nhanh. Tỉnh xác định đây là đợt lây lan mạnh, nên phải có động thái đánh giá kỹ tình hình, sau đó xác lập phương án để làm. Chứ không phải nhào vô làm theo kiểu, đụng đâu làm đó, thấy gì làm nấy. Đặc biệt với những ổ dịch lây trên diện rộng, cần phải có phương pháp, phải đánh giá dịch tễ học thực địa cho tốt, chặt chẽ, nhiều mặt thì mới tiến tới hành động và thu được kết quả.

Thành ra quyết định có hơi chậm nhưng mình làm tới đâu chặt chẽ tới đó tạo được sự đồng thuận, không gây xáo trộn, bất tiện, người dân không chống đối quyết định giãn cách. Việc giãn cách xã hội cần phải thận trọng, chặt chẽ, có hơi chậm tuy nhiên vẫn đáp ứng được nhiệm vụ chống dịch.

– Vì sao các ổ dịch đặc biệt là ở Châu Thành (240 ca) đã phong tỏa nhưng vẫn đang tăng số ca nhiễm từng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại?

– Các ổ dịch trong tỉnh đã được bao vây, phong tỏa, trong đó có 6 ấp của 3 xã ở huyện Châu Thành nên nguy cơ lan rộng ra cộng đồng ở các nơi khác là không cao. Việc điều tra, truy vết, dập dịch ở Châu Thành vẫn đang tiếp tục có nghĩa là việc làm chưa kết thúc.

Nơi này số lượng dân cư là cả chục nghìn người, việc bức thiết là tiến hành sàng lọc quy mô lớn, bằng nhiều biện pháp. Phát hiện các ca F0, F1, F2 tức đã vây đúng ổ dịch và sẽ tiến hành tách các ca nhiễm, ca nguy cơ ra khỏi cộng đồng số ít ở đó và bảo vệ cộng đồng lớn hơn.

Lo lắng nhất hiện nay là những ca F0 “lang thang” ngoài cộng đồng. Tỉnh đang áp dụng giải pháp giám sát trọng điểm, thông qua khai báo y tế, thông qua sự kiện. Ví dụ, người dân thông báo có gặp ai đó có biểu hiện nghi ngờ, người lạ từ vùng dịch về. Hiệu quả của biện pháp này là khi phát hiện ở đâu là “chụp” liền ở đó rồi lực lượng sẽ truy tìm chùm F1, F2. Cô lập sớm, vây lại không cho lan rộng ra.

– Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 5/7, Đồng Tháp đã đề xuất cách ly F1 tại nhà. Việc này đã tiến hành ra sao?

– Tính đến ngày 8/7, Đồng Tháp đang cách ly 1.570 F1 và có 5.061 F2. Hiện tại các khu cách ly tại biên giới (hơn 400 chỗ) và ký túc xá phường 6 thành phố Cao Lãnh (600 chỗ), khu cách ly tập trung tại TP Sa Đéc (800 chỗ) đều đã hoạt động hết công suất. Ở các huyện như Lai Vung, Châu Thành, Lấp Vò, Tháp Mười đang mở thêm các khu cách ly tập trung tại chỗ.

Đồng Tháp đang phối hợp với mặt trận tổ quốc làm thí điểm ở một vài chỗ có đủ điều kiện về mặt cơ sở vật chất, tiện nghi, vệ sinh. Quan trọng hơn hết là thái độ chấp hành của người cách ly. Họ phải tự nguyện cam kết chấp hành và có quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương. Mô hình này nếu được sẽ tiến tới thực hiện đại trà nhằm giảm tải cho các khu tập trung của nhà nước. Việc này trước mắt người dân rất ủng hộ.

– Đồng Tháp vừa ứng phó dịch từ các ổ dịch trong tỉnh, nguy cơ xâm nhập Covid-19 từ tỉnh khác và từ biên giới cũng rất cao. Các lực lượng chống dịch đang phân bổ như thế nào?

– Tại biên giới Đồng Tháp có tổ chỉ huy, chốt chặn, trên sông và đất liền. Việc này nhằm ngăn ngừa việc vượt biên trái phép mang theo mầm bệnh. Nhiệm vụ bảo vệ biên giới đang tập trung và duy trì tốt.

Nguy cơ tản dịch từ địa phương khác, tỉnh đã có những văn bản động viện “ai ở yên đó”, trong điều kiện bắt buộc phải trở về thì sẽ tổ chức cách ly y tế đúng quy định. Theo đó, những người từ địa phương khác về, trong đó có TP HCM phải có xét nghiệm PCR âm tính hoặc test nhanh âm tính, nếu là người địa phương thì sẽ cho cách ly y tế tại nhà 7 ngày. Sau đó, họ thực hiện xét nghiệm ba lần vào các ngày thứ một, ngày thứ 3, và ngày thứ 7, rồi tiếp tục cho theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Điều này Bộ Y tế đã quy định rõ.

Các ổ dịch trong tỉnh tiếp tục quyết liệt, điều tra, truy vết, tách các ca lây nhiễm, chùm F1, F2 ra khỏi cộng đồng. Cả ba nhiệm vụ đều phải đặt ưu tiên. Vì chỉ một trong ba không chặt chẽ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Đối với lực lượng chống dịch, tỉnh đã có tham vấn các chuyên gia giàu kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực y tế điều tra dịch tễ. Đồng thời địa phương cũng nhận được sự giúp sức của khoảng 200 sinh viên Đại học Y dược Cần Thơ, Cao đẳng Y tế Đồng Tháp.

Thứ hai, tỉnh đã tham vấn với doanh nghiệp, giúp họ trong công tác chống dịch, bảo vệ sản xuất. Các doanh nghiệp đã có những đóng góp mua sinh phẩm, mua hóa chất, máy xét nghiệm. Nguồn lực này rất mạnh và giúp rất nhiều cho tỉnh trong bối cảnh thiếu máy móc, trang thiết bị. Người dân cũng có những đóng góp rất lớn thông qua mặt trận tổ quốc như đóng góp mua vaccine, mua những trang bị, cung cấp bó rau, lọn cải, khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng cho các tuyến đầu chống dịch…

Phó chủ tịch Đồng Tháp: “Công tác dập dịch lúc đầu chưa kịp thời, ghi nhận 439 ca”
Phó chủ tịch Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu tại buổi tổ chức tiêm phòng vaccine cho nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngự, ngày 24/3. Ảnh: Ngọc Tài

– Tỉnh đặt ra mục tiêu kiểm soát dịch bệnh cũng như tăng trưởng từ nay đến cuối năm ra sao?

– Tập trung quyết liệt cho mục tiêu dập dịch. Dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Đây là cái điều kiện tiên quyết để tỉnh duy trì hoạt động xã hội, sản xuất.

Việc giãn cách xã hội, phong tỏa trong tỉnh và nhiều địa phương khác khiến các hoạt động tiêu thụ nông sản đang bị trở ngại khá nhiều. Tỉnh đang tìm cách liên kết với các kênh phân phối, các hệ thống siêu thị, các nhà máy chế biến ở nhiều nơi. Riêng các kênh siêu thị sẽ tăng cường quảng bá giới thiệu, đẩy mạnh các chương trình bán hàng trực tuyến, liên kết đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, tăng cường phân phối rộng ra trong nhiều tỉnh thành. Từ đó tạo cơ hội cho bà con bán được nông sản và có giá.

Song song đó hỗ trợ doanh nghiệp thông qua những cơ chế về vốn, liên kết, các chính sách về thuế. Từ những giải pháp hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững, đặc biệt là vấn đề phòng chống dịch bệnh trong doanh nghiệp, tỉnh sẽ có hướng dẫn, đặt nặng hơn trách nhiệm của doanh nghiệp. Để chủ doanh nghiệp vừa duy trì các hoạt động sản xuất vừa bảo vệ được cộng đồng công nhân khỏi dịch bệnh. Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt như 6 tháng đầu năm (4.44%).

Ngọc Tài

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG