Friday, March 29, 2024

Châu Á “vỡ trận” hàng loạt trong làn sóng Covid-19 mới

Nhiều quốc gia châu Á đang phải vật lộn đối phó với làn sóng Covid-19 mới vì sự lây lan của biến chủng Delta nguy hiểm.

Châu Á “vỡ trận” hàng loạt trong làn sóng Covid-19 mới
Thi thể nạn nhân Covid-19 được chôn cất tại nghĩa trang ở Petaling Jaya, Malaysia (Ảnh: Reuters).

Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 12 năm ngoái, cho đến nay đã lây lan ra khoảng 100 quốc gia trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây cảnh báo rằng biến thể này có thể sớm trở thành chủng virus “thống trị” toàn cầu.

Biến thể Delta cũng là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng số ca nhiễm ở Nhật Bản trong thời gian gần đây, ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức Thế vận hội Olympic ở nước này.

Ngày 2/7, New South Wales, bang đông dân nhất của Australia, đã ghi nhận số ca nhiễm trong ngày tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Tổng số ca mắc Covid-19 ở New South Wales trong đợt bùng phát gần đây nhất đã lên tới 200 người, phần lớn do biến thể Delta gây ra.

Sydney, nơi sinh sống của 1/5 trong tổng số 25 triệu dân Australia, đã đi được nửa chặng đường trong giai đoạn phong tỏa kéo dài 2 tuần để ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các nhà chức trách Sydney trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc vẫn diễn ra chậm chạp.

“Tôi cho rằng vắc xin chắc chắn sẽ làm giảm số ca bệnh cũng như số ca nhập viện. Virus chắc chắn sẽ lây lan trong những cộng đồng dân cư chưa được tiêm vắc xin”, giáo sư Jill Carr, nhà virus học tại Trường Y khoa và Sức khỏe cộng đồng thuộc Đại học Flinders, cho biết.

Australia, giống như một số quốc gia khác ở châu Á, đang phải vật lộn với chiến dịch tiêm chủng cho người dân, vì những thành công ban đầu trong việc ngăn chặn đại dịch đã dẫn đến tâm lý ngại tiêm chủng, trong khi các nhà sản xuất cũng chậm giao vắc xin.

Australia hiện mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho 6% dân số, trong khi tỷ lệ này ở Nhật Bản là 12%.

Nhật Bản ngày 30/6 cho biết biến thể Delta hiện chiếm gần 1/3 trong tổng số ca nhiễm ở miền đông nước này, bao gồm cả Tokyo, và có thể tăng lên 50% vào giữa tháng 7.

Tokyo và 3 tỉnh lân cận nằm trong số các khu vực được đặt trong tình trạng khẩn cấp kéo dài đến ngày 11/7. Sự gia tăng gần đây về số ca nhiễm khiến giới chức Nhật Bản xem xét giữ nguyên các biện pháp hạn chế chống dịch.

Thống đốc Tokyo Yuriko Koike ngày 2/7 nhắc lại rằng, lệnh cấm khán giả đến xem Thế vận hội Olympic, bắt đầu từ ngày 23/7, sẽ là một phương án được xem xét nếu tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Giới chức Hàn Quốc ngày 2/7 cho biết số ca mắc Covid-19 trong ngày đã lên tới 800 người, cao nhất trong gần 6 tháng, với tỷ lệ tiêm chủng dưới 10%. Số ca nhiễm mới trung bình ở nước này đã tăng trong 10 ngày liên tiếp, và các nhà chức trách ở Seoul đã trì hoãn việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

“Biến thể Delta là chủng virus được tối ưu hóa nhất để lây lan trên diện rộng. Các trường hợp của Indonesia, Ấn Độ và Anh cho thấy không chỉ Hàn Quốc mà nhiều quốc gia khác sẽ cần phải suy nghĩ lại về chiến lược vắc xin và kế hoạch mở cửa trở lại”, Chun Eun-mi, chuyên gia về bệnh hô hấp tại Trung tâm Y tế Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, cho biết.

Đông Nam Á “quay cuồng” trong làn sóng Covid-19 mới

Châu Á “vỡ trận” hàng loạt trong làn sóng Covid-19 mới
Các nhân viên tại nghĩa trang ở Tây Java, Indonesia nằm nghỉ trên các ngôi mộ sau khi chôn cất nạn nhân Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện là nước bị tấn công nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Indonesia đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp, bắt đầu từ ngày 3/7 đến ngày 20/7, để ngăn chặn sự gia tăng đột biến số ca nhiễm.

Indonesia ngày 2/7 ghi nhận kỷ lục 539 ca tử vong trong 24 giờ, đồng thời số ca nhiễm mới cũng tăng cao chưa từng thấy với 25.830 trường hợp. Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới hiện ghi nhận 2,22 triệu ca Covid-19 và hơn 59.500 ca tử vong.

Tuy nhiên, con số trên được cho là thấp hơn nhiều so với số liệu thực tế, vì năng lực xét nghiệm Covid-19 của Indonesia còn hạn chế. Ngoài sự xuất hiện của biến thể Delta, một trong những nguyên nhân khiến làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại tại Indonesia được cho là do hàng nghìn người phớt lờ lệnh cấm di chuyển trong dịp lễ của người Hồi giáo hồi tháng 5.

Trong 2 tuần tới, Indonesia sẽ tạm dừng các sự kiện tôn giáo, thể thao và hoạt động ngoài trời. Trong khi các trung tâm mua sắm bị đóng cửa, các khu chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa được phép hoạt động 50% công suất, còn nhà hàng chỉ được bán đồ ăn mang về.

Thái Lan ngày 2/7 cũng trải qua ngày thứ 3 liên tiếp có số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục. Biến thể Alpha, được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, vẫn là chủng virus phổ biến tại Thái Lan, tuy nhiên các nhà chức trách cho biết biến thể Delta sẽ chiếm ưu thế tại nước này trong vài tháng tới.

“Ở Bangkok, con số này (tỷ lệ nhiễm biến thể Delta) là gần 40%, và chỉ trong tháng này hoặc tháng tới, tất cả (số ca nhiễm) sẽ là Delta. Nếu tình hình vẫn tiếp tục như vậy, chúng ta sẽ không thể tồn tại được”, Kumnuan Ungchusak, cố vấn của Bộ Y tế Thái Lan, cho biết khi đề cập đến số lượng người chết đang tăng lên.

Thái Lan đã ghi nhận hơn 277.000 ca mắc Covid-19 và hơn 2.100 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào năm ngoái. Trước ngày 1/4, Thái Lan kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh, tuy nhiên khi làn sóng Covid-19 thứ 3 ập tới, Thái Lan đã ghi nhận tình hình lây nhiễm nghiêm trọng trong suốt 3 tháng qua.

Châu Á “vỡ trận” hàng loạt trong làn sóng Covid-19 mới
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay ở Phuket khi Thái Lan mở cửa đón các du khách nước ngoài đã tiêm vắc xin đầy đủ (Ảnh: Reuters).

Một vùng dịch đáng lo ngại khác ở khu vực Đông Nam Á là Campuchia. Campuchia ngày 2/7 ghi nhận 32 ca tử vong mới vì Covid-19, mức tăng kỷ lục tại quốc gia này kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát. Tổng cộng cho tới nay, Campuchia có 660 người tử vong vì Covid-19 và hơn 52.300 ca nhiễm.

Giới chức Campuchia đang lo ngại về sự bùng nổ của biến thể Delta tại nước này. Trước tháng 2 năm nay, Campuchia là một trong những quốc gia có ít người mắc Covid-19 nhất, chỉ vài trăm ca trong suốt hơn một năm.

Trước nguy cơ dịch bùng phát, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ban hành các biện pháp khẩn cấp nhằm kiềm chế làn sóng Covid-19 thứ 3, trong đó tập trung vào việc kiểm soát người nhập cảnh qua đường hàng không và đường thủy. Ông Hun Sen cũng lệnh đóng cửa các điểm xuất nhập cảnh ở biên giới Campuchia, nhằm hạn chế hoạt động đi lại ở khu vực này.

Tại Myanmar, các nhà chức trách cho biết số ca mắc Covid-19 ở nước này hôm 30/6 lên tới 1.580 trường hợp, cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây. Giới chức y tế Myanmar xác nhận tình trạng gia tăng đột biến số ca nhiễm trong những tuần qua là do sự xuất hiện của các biến thể virus mới, trong đó có Delta.

Myanmar buộc phải kéo dài các biện pháp hạn chế chống dịch, như duy trì lệnh cấm các chuyến bay thương mại và lệnh giới nghiêm, thêm ít nhất một tháng. Myanmar hiện ghi nhận hơn 3.300 ca tử vong và hơn 161.000 ca mắc Covid-19.

Giới chức Malaysia gần đây cũng thừa nhận diễn biến dịch Covid-19 tại nước này đang ở mức báo động, trong bối cảnh các biến thể mới như Delta ngày càng lan mạnh. Số ca mắc Covid-19 trong ngày tại Malaysia liên tục vượt mức 5.000 ca trong 4 ngày vừa qua.

Hiện Malaysia ghi nhận tổng cộng hơn 5.300 ca tử vong và hơn 765.000 ca mắc Covid-19. Giới chức Malaysia đã siết chặt các hoạt động đi lại ở nhiều khu vực, bao gồm thủ đô Kuala Lumpur.

Thành Đạt

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG