Sunday, November 24, 2024

Bộ Y tế dự kiến cung cấp thêm một triệu liều vaccine cho TP.HCM

“Chúng tôi dự kiến phân bổ cho TP.HCM số lượng lớn, gần một triệu liều vaccine thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Bộ Y tế dự kiến cung cấp thêm một triệu liều vaccine cho TP.HCM

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 2/7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ 6h ngày 1/7 đến 6h ngày 2/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận 533 trường hợp nghi mắc Covid-19.

Trong đó, 460 trường hợp tại khu cách ly, khu phong tỏa, cách ly tại nhà đều đã xác định nằm trong các chuỗi lây nhiễm trước đó; 2 trường hợp là dân quân trực khu phong tỏa tại quận 5 và TP Thủ Đức; 42 trường hợp được phát hiện khi khám tại 15 bệnh viện và trung tâm y tế; một trường hợp được phát hiện khi xét nghiệm tầm soát mở rộng trong cộng đồng; 28 trường hợp đang được điều tra bổ sung thông tin.

Trung bình 345 ca nhiễm mỗi ngày

Nhận định tình hình dịch bệnh tăng nhanh, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh.

TP đã trải qua 2 đợt dịch, đợt 1 từ 26/5 đến 14/6, bùng phát ở ổ dịch điểm nhóm sinh hoạt truyền giáo Phục Hưng với khoảng 590 trường hợp.

Đợt 2 từ 15/6, với các ca chỉ điểm, ngành y tế phát hiện thêm những ổ dịch trong cụm dân cư, khu nhà trọ tại vùng ven, cụm dân cư ngoại thành; xâm lấn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đến nay, TP.HCM ghi nhận hơn 530 ca tại các bệnh viện, tất cả được phát hiện qua khám sàng lọc. Đây là các ca mắc chỉ điểm, từ đó truy vết ra các ổ dịch tại nhà trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối.

Bộ Y tế dự kiến cung cấp thêm một triệu liều vaccine cho TP.HCM
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh. Ảnh: HMC.

Thống kê trong 10 ngày qua, từ 23/6 đến nay, thành phố đã có hơn 3.400 trường hợp nhiễm nCoV. Trung bình 345 trường hợp mỗi ngày.

Sở Y tế cho biết thành phố đã sử dụng 128.520 bộ xét nghiệm nhanh và đã cung cấp sẵn cho các quận, huyện 169.000 bộ xét nghiệm nhanh.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đợt 4 từ 29/6 đến hết ngày 1/7 đã tiêm tổng cộng 839.706 người (chiếm tỷ lệ 104% trong tổng liều vaccine là 816.000), có 112.196 người hoãn tiêm qua khám sàng lọc (chiếm tỷ lệ 11,8%).

781 trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm. Trong đó, 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (33 trường hợp độ 1; 48 trường hợp độ 2; 18 trường hợp độ 3; 2 trường hợp độ 4). Tất cả trường hợp được theo dõi sát, hiện giờ tất cả đều ổn định.

Phải trả kết quả xét nghiệm đúng hẹn

Nhận định về tình hình dịch bệnh thời gian tới, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng dịch vẫn còn phức tạp, tính chất khó lường, nhất là về số lượng.

TP.HCM liên tục 10 ngày có số ca nhiễm hàng trăm, gần đây số lượng tăng nhanh, như hôm 1/7 có 464 trường hợp (85 ca trong cộng đồng).

Vấn đề thứ 2 được Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh là dịch không chỉ khu trú ở TP.HCM mà đã lan sang một số địa phương giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh xa, có mối quan hệ rất mật thiết với TP như Tiền Giang, Đồng Tháp…

Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá qua thảo luận với các quận, huyện, thành phố còn nhiều vấn đề cần khắc phục trong triển khai đồng bộ từ công tác lấy mẫu đến thực hiện xét nghiệm, hợp mã cho kết quả. Công tác truy vết thời gian vừa qua chưa đạt được như mong đợi. Khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.

Bộ Y tế dự kiến cung cấp thêm một triệu liều vaccine cho TP.HCM
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Duy Hiệu.

Ông Sơn khẳng định rõ quan điểm của Bộ Y tế là khuyến cáo các địa phương sử dụng bộ xét nghiệm nhanh hợp lý. Cụ thể là sử dụng khi phát hiện các ca F0, khoanh vùng phong tỏa và các địa phương lân cận khu phong tỏa đó.

Thời gian qua, thành phố đã sử dụng 128.000 bộ xét nghiệm nhanh trên tổng số 252.000 bộ. Ông Sơn đề nghị TP.HCM tăng cường năng lực cũng như số lượng bộ xét nghiệm nhanh cung cấp cho các quận, huyện, đảm bảo công tác phát hiện sớm, truy vết càng nhanh càng tốt.

“Các địa phương có thể lấy mẫu tại đầu các hẻm, ngõ, người dân trong ngõ đi ra, đơn giản hơn là tổ chức ở các trường học quy mô lớn”, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị.

Ông Sơn cho rằng cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của TP, kể cả trong vấn đề lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine. Đối với xét nghiệm trong các khu cách ly, phong tỏa, đề xuất với Sở Y tế, HCDC phải có một đội ngũ tập trung, gần như là trù bị để khi cần phải hoàn thành nhanh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết có trường hợp người dân đã cách ly 21 ngày mà đến ngày 21 chưa được ra, ngày 22, 23 vẫn chưa được trả kết quả thì người dân bức xúc.

“UBND TP.HCM phải chỉ đạo, đề nghị tất cả xét nghiệm phải trả kết quả đúng giờ, đúng hẹn với người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Về truy vết, Thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất tất cả đơn vị truy vết chỉ tập trung làm công tác truy vết, không sử dụng vào công việc khác.

“Sáng nay có 400.000 liều vaccine về đến sân bay Tân Sơn Nhất, chắc sẽ sử dụng cho thành phố. Chúng tôi cũng dự kiến phân bổ cho thành phố một số lượng lớn, gần một triệu liều thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Ông cũng nhận định đợt tiêm vaccine vừa qua, TP vẫn còn chuệch choạc, tiến độ không như mong muốn. Do đó, TP.HCM cần sớm xây dựng kế hoạch chi tiết về việc sử dụng lượng vaccine này trên địa bàn để đến khi có vaccine là tổ chức chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, hiệu quả, an toàn và thành công.

Bộ Y tế dự kiến cung cấp thêm một triệu liều vaccine cho TP.HCM
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Phạm Ngôn.

Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 4.442 ca mắc mới, đang là ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.

Ngày 28/6, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ 29/6 đến 10/7 với nhiều giải pháp cụ thể như tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm; tăng giám sát nhóm nguy cơ cao…

TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).

Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ).

Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận. Thành phố cũng quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6 đến khi có thông báo mới.

Thu Hằng

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG