Thursday, March 28, 2024

‘Bất tuân dân sự’ hay là chiêu trò kích động, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị

Thực tiễn tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cũng như tại  Việt Nam cho thấy, các thế lực phản động, thù địch đã sử dụng chiêu bài “bất tuân dân sự” để tiến hành các hoạt động chống phá, tấn công nhằm làm thay đổi tình hình chính trị của quốc gia. Thủ đoạn chống phá dưới chiêu bài “bất tuân dân sự” là nguồn gốc thai nghén các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, bạo loạn lật đổ chính quyền… tại không ít nơi trên thế giới, tạo ra những hệ quả vô cùng nghiêm trọng, những hậu quả khôn lường cho an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thuật ngữ “bất tuân dân sự” lần đầu tiên xuất hiện trong tập tiểu luận của Hen-ri Đây-vít Thơ-râu, nhà văn, nhà triết học người Mỹ, người bị chính quyền bang Ma-sa-chu-sét bắt do hành vi không đóng thuế vào cuối tháng 7 năm 1846, với nhan đề “Về bổn phận bất tuân dân sự” vào tháng 5-1849(1). Quan điểm của Thơ-râu sau đó được phát triển bởi một số học giả khác, chẳng hạn Gin-Sáp, Giáo sư chính trị học tại trường Đại học Massachusetts Dartmouth (Mỹ).

Khái niệm bất tuân dân sự đã phát triển trong một thời gian dài, được rút ra từ các giai đoạn lịch sử khác nhau và từ các nền văn hóa khác nhau. Đã có nhiều tác giả nghiên cứu, đưa ra quan điểm, cách nhìn để nhận diện bất tuân dân sự. Theo Giôn-Ron, nhà triết học chính trị nổi tiếng của Mỹ trong thế kỷ XX, định nghĩa bất tuân dân sự là một hành động công khai, bất bạo động, triệt để nhưng có tính chính trị trái với luật pháp nhằm mục đích thay đổi luật pháp hoặc chính sách(2). Hu-gô A-đam Bê-đâu, Giáo sư triết học của Đại học Tufts (Mỹ) định nghĩa bất tuân dân sự là một hành động bất hợp pháp, được thực hiện một cách công khai, không mang tính bạo lực và thực hiện một cách cố ý, trong khuôn khổ pháp quyền và với ý định phản kháng hoặc phản đối một số luật, chính sách hoặc quyết định của chính phủ hoặc một số công chức của chính phủ(3). Ki-li và Ba-mu-lơ định nghĩa bất tuân dân sự là một hành động có chủ ý, công khai và bất bạo động vi phạm luật mà người đó phải chịu trách nhiệm và chế tài(4). Xờ-mít quan niệm rằng bất tuân dân sự là một cuộc phản đối công khai, bất hợp pháp và mang tính chính trị được thực hiện chống lại nhà nước hoặc chính sách(5). Sen-đơn trong cuốn Bách khoa toàn thư về tư tưởng chính trị định nghĩa bất tuân dân sự là bất tuân hoặc vi phạm pháp luật vì các lý do đạo đức, tôn giáo hoặc các lý do khác, bởi một cá nhân hoặc một nhóm có tổ chức (6).

Bất tuân dân sự có nhiều hình thức và cách biểu hiện khác nhau. Ví dụ, có cách tiếp cận cho rằng bất tuân dân sự có 5 hình thức biểu hiện(7): Một là, tuần hành muối do Ma-hát-ma Gan-đi lãnh đạo (dẫn đầu đoàn 78 người đi bộ trong 24 ngày để phản đối chính sách độc quyền muối do chính quyền Anh áp đặt)(8); hai là, chiến dịch Extremadura  - một phong trào cải cách ruộng đất ở Tây Ban Nha; ba là, tuần hành ủng hộ và phong trào bất di chuyển ở Mỹ; bốn là, loại bỏ các doanh nghiệp không mong muốn (phong trào chống toàn cầu hóa ở Pháp); năm là, phong trào vận động không đóng thuế ở Luân đôn năm 1990.

'Bất tuân dân sự' hay là chiêu trò kích động, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trịNgười biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình ở Caracas, Venezuela năm 2017 _Nguồn: AFP / Getty Images

Mặc dù là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “bất tuân dân sự”, nhưng ở thời điểm ra đời, tác phẩm của Hen-ri Đây-vít Thơ-râu không gây được ảnh hưởng. Tuy nhiên, sang thế kỷ 20, tư tưởng về một cuộc “cách mạng hòa bình” của Thơ-râu được một số nhà hoạt động chính trị phát triển thành phương pháp đấu tranh bất bạo động như phong trào “Satyagraha” của Ma-hát-ma Gan-đi đấu tranh giành độc lập dân tộc cho Ấn Độ từ thực dân Anh (năm 1947); phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ của mục sư Mác-tin Lu-thơ Kinh (thập niên 60 thế kỷ 20); phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc (chủ nghĩa A-pác-thai) ở Nam Phi của Nen-xơn Man-đê-la… Đặc biệt, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc ra đời với tư tưởng chủ đạo là chuyển cuộc đấu tranh vào bên trong các nước xã hội chủ nghĩa. Từ đó, chiêu bài “bất tuân dân sự” đã bị chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế lợi dụng và từng bước trở thành một phương thức, thủ đoạn nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các phương thức, thủ đoạn khác của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Các cuộc “cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc và Cộng hòa Dân chủ Đức; “cách mạng ca hát” ở các nước vùng Ban-tích (thuộc Liên Xô) vào những năm cuối thế kỷ XX; các cuộc “cách mạng màu” ở một số nước trong không gian hậu Xô-viết; “cách mạng hoa nhài” (“Mùa xuân Ả Rập”) ở một số nước Bắc Phi, Trung Đông cuối năm 2010, đầu năm 2011; phong trào biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ Bô-li-va ở Vê-nê-xu-ê-la (từ năm 2014); phong trào “cách mạng dù” của sinh viên vùng lãnh thổ Hồng Kông (Trung Quốc) năm 2014, các cuộc biểu tình phản đối việc sửa đổi Dự luật dẫn độ ở vùng lãnh thổ Hồng Kông (Trung Quốc) vào các năm 2019 và 2020… đều có dấu ấn của thủ đoạn kích động bất tuân dân sự, nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây trở ngại đến hoạt động công quyền, thực thi công lý, gây ra những hiểm họa khôn lường, thậm chí khủng hoảng toàn diện, sâu sắc cho nhiều vùng lãnh thổ và quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, hoạt động lợi dụng “bất tuân dân sự” đã diễn ra từ nhiều năm trước, có nguy cơ trở thành “phong trào” gây nguy hại trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nếu không được nhận diện và đấu tranh kịp thời.

Các thế lực phản động, thù địch đã tiến hành nhiều hoạt động lợi dụng danh nghĩa dân chủ, phát động cái gọi là bất tuân dân sự để chống đối chính quyền, gây trở ngại cho hoạt động công quyền với nhiều hoạt động dưới nhiều dạng thức và hành động như lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, các đối tượng phản động, thù địch đã kích động, lôi kéo người dân tham gia tuần hành, biểu tình, chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản các trụ sở chính quyền, gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vụ đình công phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 diễn ra tại một số tỉnh, thành phố; lợi dụng phản đối trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang năm 2017, trong đó một số lái xe quá khích đã đưa xe đến giữa trạm rồi bỏ đi; đốt phá Đông Đô Đại Phố ở tỉnh Bình Dương; lợi dụng sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa Việt Nam tháng 5-2014 để kích động biểu tình, tuần hành, đập phá các doanh nghiệp ở 8 tỉnh, thành phố; khoét sâu, thêm tình tiết và thổi phồng các vấn đề nóng như sự cố môi trường, lũ lụt trên địa bàn một số tỉnh để kích động người dân gây mất an ninh, trật tự, đập phá tài sản; lợi dụng chống tiêu cực, tham nhũng, cưỡng chế đất đai, giải phóng mặt bằng để kích động hành vi bất tuân dân sự; lợi dụng tôn giáo để thực hiện mưu đồ xấu, công kích, chống phá… Các thế lực phản động, thù địch còn xuyên tạc trắng trợn rằng, việc xử lý những người vi phạm pháp luật là “đàn áp” những người biểu tình ôn hòa, yêu nước, kêu gọi đưa vấn đề ra Liên hợp quốc và kêu gọi các tổ chức quốc tế vào cuộc; xuyên tạc trắng trợn rằng các đạo luật trên là vi hiến, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống người dân. Nham hiểm hơn, các thế lực phản động, thù địch còn kêu gọi người dân không chỉ dùng Facebook mà dùng nhiều mạng xã hội khác để “đấu tranh”…

'Bất tuân dân sự' hay là chiêu trò kích động, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trịLợi dụng phản đối trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang năm 2017, một số lái xe đã có những hành động quá khích, vi phạm pháp luật, nhằm gây áp lực cho trạm BOT _Ảnh: TTXVN

Không thể bác bỏ một chân lý hiển nhiên rằng, xây dựng pháp luật là công việc nội bộ của từng quốc gia, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của từng quốc gia

Cần khẳng định rằng, dưới góc độ một nhà nước pháp quyền, một khi đạo luật đã được ban hành thì đạo luật đó phải được tôn trọng và thực thi. Không một quốc gia nào trên thế giới lại dung túng cho những hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ, không một quốc gia nào lại cổ xúy và bảo vệ những hành vi vi phạm pháp luật, gây trở ngại cho hoạt động công quyền, thực thi công lý. Đồng thời, hậu quả do việc lợi dụng “bất tuân dân sự” để lại rất nặng nề, kéo dài không chỉ ảnh hưởng về kinh tế – xã hội, mà còn gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền. Mặt khác, việc xây dựng và thực thi pháp luật là công việc nội bộ của từng quốc gia và phải phù hợp với điều kiện của từng quốc gia. Không ai có thể phản bác điều hiển nhiên này. Nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng thế giới cũng chỉ rõ việc nghiên cứu về quốc gia, xây dựng và thực thi pháp luật phải căn cứ vào đặc điểm, điều kiện của từng quốc gia, khu vực, dân tộc. Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật”, Mông-te-xki-ơ, nhà bình luận xã hội và tư tưởng chính trị nổi tiếng người Pháp, chỉ rõ: “Khi tôi nghiên cứu về con người, tôi đã đi đến kết luận rằng, những sự khác biệt của pháp luật và của đạo lý loài người không phải do họ tự vẽ ra một cách tùy tiện. Các đạo luật phải nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các đặc điểm của dân tộc vì dân tộc đó mới cần làm ra những đạo luật này. Và chỉ có những trường hợp rất đặc biệt luật của dân tộc này mới có thể thích ứng với dân tộc khác(9). Hê-ghen, nhà triết học vĩ đại người Đức, cũng khẳng định điều tương tự: “Mỗi dân tộc có chế độ nhà nước của mình; chế độ nhà nước Anh quốc là của người Anh; và nếu như người ta tự dưng muốn chuyển cho người Phổ thì điều đó cực kỳ vô lý như là quyết định chuyển Nhà nước Phổ cho người Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi một chế độ nhà nước chỉ là sản phẩm, là sự thể hiện tinh thần của riêng một dân tộc và của trình độ phát triển của ý thức dân tộc của họ mà thôi. Sự phát triển đó đòi hỏi một sự vận động liên tục và nhiều bước trong đó không một bước nào có thể bị xóa bỏ”(10). Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”(11). Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 khẳng định: “1. Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa…”(12).

Vì lẽ đó, việc xác định và lựa chọn ban hành đạo luật nào là quyền năng riêng của từng quốc gia. Ban hành Luật An ninh mạng là một ví dụ điển hình. Cần thấy rằng, luật (pháp luật) về an ninh mạng luôn được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trên toàn thế giới(13)… Luật An ninh mạng rất cần thiết không chỉ để bảo vệ an ninh quốc gia mà còn nhằm bảo vệ người dân, để có môi trường xã hội phát triển lành mạnh trên không gian mạng. Các quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng của Việt Nam được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia, tổ chức, tập đoàn kinh tế, viễn thông nước ngoài lớn (như Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á; các cơ quan đại diện nước ngoài như Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản… và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân; sự thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, sự chỉnh lý của các đại biểu Quốc hội qua 2 kỳ họp thứ 4 và thứ 5, Quốc hội khóa XIV(14). Các quy định của Luật An ninh mạng cũng phù hợp với pháp luật các nước và thông lệ quốc tế. Quy định về tội phạm mạng trong Luật An ninh mạng không phải là điều xa lạ gì, bởi lẽ không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia cũng quy định về tội phạm mạng. Theo thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đã có đến 154 quốc gia trong tổng số 194 quốc gia thành viên UNCTAD ban hành luật pháp về tội phạm mạng(15). Các quy định của Luật An ninh mạng về bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng cũng phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới về bảo vệ thông tin cá nhân. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ban hành Luật về bảo vệ thông tin cá nhân dưới nhiều tên gọi khác nhau như Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Bảo vệ dữ liệu, Luật Bảo vệ thông tin cá nhân, Luật về bảo vệ các mối quan hệ không công khai… Theo thống kê của UNCTAD, 128 trong tổng số 194 quốc gia thành viên của UNCTAD đã ban hành luật để bảo đảm việc bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư(16). An ninh quốc gia cũng là một ngoại lệ trong các điều ước quốc tế quan trọng về thương mại quốc tế(17). Điều này thể hiện tầm quan trọng và ý nghĩa sống còn của vấn đề an ninh quốc gia đối với tất cả các nước trên thế giới.

Lật tẩy các hành động lợi dụng quyền tự do, dân chủ để “bất tuân dân sự”, vi phạm pháp luật, cổ xúy cho việc gây trở ngại đến hoạt động công quyền, thực thi công lý

Không thể bác bỏ một điều hiển nhiên rằng, việc các thế lực phản động, thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta từ nhiều phương diện khác nhau như xuyên tạc Luật An ninh mạng, xuyên tạc dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, lợi dụng việc phản đối một số chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước ta một cách phi lý, thiếu căn cứ đã và đang là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Việt Nam, xâm hại quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội và từng người dân. Các đối tượng phản động, thù địch đã kích động người dân đập phá trụ sở chính quyền, gây cản trở giao thông, đốt phá tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, làm bị thương nhiều cán bộ thực thi nhiệm vụ, gây ngừng trệ hoạt động của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân, xâm phạm nghiêm trọng đến pháp luật của Nhà nước, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân…

Đối với dự thảo Luật Đơn vị hành chính  - kinh tế đặc biệt, mặc dù Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn thông qua để có thời gian bổ sung, hoàn thiện, nhưng các thế lực phản động, thù địch vẫn tung thông tin xuyên tạc, kích động, đòi phải đưa vấn đề này ra trưng cầu ý dân toàn quốc theo Luật Trưng cầu ý dân năm 2015; thổi phồng rằng không thể chỉ dừng ở đấu tranh cho một vài đạo luật mà phải thực hiện đa nguyên, đa đảng theo mô hình dân chủ phương Tây; kích động các đợt biểu tình, tuần hành bằng những mỹ từ mị dân như “khơi dậy lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm công dân”, “nhiều người trong bộ máy cầm quyền thức tỉnh”…; thực hiện những chiêu trò mới như gây kẹt xe ở các đô thị, biểu tình trên mạng, hô hào các tổ chức phản động tổ chức biểu tình ở nước ngoài…

'Bất tuân dân sự' hay là chiêu trò kích động, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng _Ảnh: TTXVN

Trước hết, cần thấy rõ rằng bất kỳ dự án luật nào cũng cần thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng, ban hành. Các cơ quan có thẩm quyền xây dựng pháp luật của Việt Nam đều luôn tuân thủ quy trình đó, bảo đảm cao nhất sự tham gia của nhân dân góp ý xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Bản thân Dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng không nằm ngoài quy trình đó. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc xây dựng, ban hành văn bản luật phải thông qua một quy trình rất chặt chẽ. Người dân có quyền được tiếp tục góp ý để Quốc hội hoàn thiện dự án Luật trên cơ sở góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời việc góp ý kiến phải trên cơ sở tìm hiểu kỹ lưỡng dự thảo luật và có cơ sở khoa học, không tiếp tay cho những hành vi xuyên tạc, kích động, chống đối, phá hoại đất nước.

Việc xây dựng, ban hành một đạo luật trước hết phải dựa trên lợi ích của quốc gia đó và phải có cơ sở, lập luận khoa học. Không phải tự nhiên mà đạo luật An ninh mạng được ban hành ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một điều dễ nhận thấy là an toàn thông tin đang là vấn đề nổi cộm ở không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hơn 9.300 trang web tại Việt Nam bị tấn công trong năm 2019. Theo báo cáo International Privacy Day Report 2020 của Kaspersky, Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu về mức độ bị ảnh hưởng bởi phần mềm gián điệp, với 7.216 người dùng bị tấn công vào năm 2019. Theo số liệu thống kê được ghi nhận bởi hệ thống giám sát của hãng bảo mật Mỹ SonicWall, hầu hết các hình thức tấn công đều có xu hướng gia tăng trên toàn cầu trong năm 2018. Cụ thể, số lượng các tấn công bằng mã độc gia tăng trên toàn cầu trong ba năm liên tiếp. Theo Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, các cuộc tấn công an toàn, an ninh mạng hiện nằm trong số những rủi ro hàng đầu trên toàn cầu. Trong năm 2019, hệ thống CyStack Attack Map ghi nhận 563.000 cuộc tấn công vào các trang web trên toàn cầu. 

Thực tiễn các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã chỉ ra một điều hiển nhiên rằng, việc hình thành các khu kinh tế đặc biệt luôn diễn ra và là hiện tượng phổ biến trên thế giới(18). Theo dữ liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong vòng 30 năm, từ năm 1975 đến năm 2006, đã có sự tăng vọt số lượng SEZ và số lượng quốc gia có SEZ trên toàn thế giới(19). Nhiều quốc gia đã ban hành các luật riêng về khu kinh tế(20). Như vậy, việc hình thành các khu kinh tế đặc biệt trên thế giới không phải là hiện tượng ngẫu nhiên xuất hiện, mà đã có một quá trình hình thành lâu dài, với nhiều dạng thức khác nhau, được ghi nhận trong nhiều tài liệu của các tổ chức quốc tế lớn, và được quy định trong một đạo luật riêng biệt của quốc gia.

Pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ các quyền tự do, dân chủ, nhưng không dung thứ cho hành vi lợi dụng tự do, dân chủ, “bất tuân dân sự” để vi phạm pháp luật, chống phá Đảng và Nhà nước

Các quyền tự do, dân chủ luôn là các quyền thiêng liêng, cần thiết cho cuộc sống, là một biểu hiện cho tiến bộ và là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng tự do chưa bao giờ và không bao giờ là tự do chung chung, tự do vô bờ bến. Điều này được thể hiện rõ nét trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế(21). Pháp luật Việt Nam chỉ hạn chế quyền tự do của những người lợi dụng pháp luật xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Ví dụ, khoản 1, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc quy định chỉ hạn chế quyền tự do của những người lợi dụng pháp luật xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cộng đồng cũng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Cụ thể là, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) đề cập cụ thể trong một số điều quy định về các quyền có thể chịu sự giới hạn (Điều 4, Điều 19). Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 đưa ra các giới hạn đối với quyền tự do ngôn luận theo đúng định nghĩa của nó (Điều 4, Điều 10, Điều 11).

Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng quyền tự do ngôn luận để phát ngôn tiêu cực, thù địch trên in-tơ-nét, Ủy ban châu Âu (European Commission) đã ký Quy tắc ứng xử về chống lại lời nói có nội dung tiêu cực, thù địch bất hợp pháp trực tuyến với Google (YouTube), Facebook, Twitter và Microsoft năm 2016. Instagram, Google+, Dailymotion, Snap và Jeuxvideo.com sau đó đã tham gia Quy tắc này.

'Bất tuân dân sự' hay là chiêu trò kích động, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trịĐảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo đảm quyền dân chủ, sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, dân chủ phải gắn với kỷ cương, thượng tôn pháp luật (Trong ảnh: Cử tri thôn Lô Lô Chải, xã Lũng cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp) _Ảnh: TTXVN

Thông qua đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo đảm sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội, bảo đảm quyền giám sát, phản biện xã hội của các chủ thể. Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể, ủng hộ phản biện xã hội chân chính để hoàn thiện chính sách, pháp luật, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật. Nhưng việc lợi dụng cái gọi là bất tuân dân sự để cổ xúy và bảo vệ những hành vi vi phạm pháp luật, cổ xúy cho việc gây trở ngại đến hoạt động công quyền cần phải được ngăn chặn, đẩy lùi. Nhiều quan điểm trên thế giới cũng chỉ rõ tính trái pháp luật của hành vi bất tuân dân sự, phản bác việc lợi dụng bất tuân dân sự để kích động các hành vi vi phạm pháp luật, gây trở ngại đến hoạt động công quyền. Pi-tơ Mai-ơ, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wisconsin-Eau Claire (Mỹ), chỉ ra rằng bất tuân dân sự “gây ra mối đe dọa đối với nhà nước pháp quyền”(22). Trong một nghiên cứu trên một Tạp chí về luật của Mỹ, Ét-uốt Ma-rếc chỉ rõ: “Hành vi như vậy có thể được phân loại là bất tuân dân sự theo nghĩa là nó vi phạm một hệ thống luật có trật tự, nhưng nó cũng là hành vi không thể được bảo vệ bởi hiến pháp hoặc chế tài tư pháp bất kể mục đích của nó là gì hoặc sự bất công của các luật mà nó chống lại”(23). Trên một phân tích trên tờ Thời báo New York, Sác-lơ Phơ-ran-ken, nhà triết học người Mỹ, viết: “tôi có thể đúng khi nghĩ rằng một sắc lệnh chống đi bộ đường dài là một sự vi phạm không cần thiết đối với các quyền của tôi. Tuy nhiên, điều này không hợp lý khi tôi tổ chức một cuộc đình công khổng lồ trên những con phố tắc nghẽn giao thông trong một tuần”(24). Luật sư người Mỹ Mô-rít Lép-man, người được Tổng thống Mỹ Rô-nan Ri-gân trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống vào năm 1981, dẫn lời Tổng thống Mỹ A-bra-ham Lin-côn, viết: “Mỗi người hãy ghi nhớ rằng vi phạm pháp luật là chà đạp lên máu mủ của cha mình, và xé bỏ hiến chương về quyền tự do của chính mình và con cái mình. Hãy để cho sự tôn kính pháp luật được hít thở bởi mỗi bà mẹ Mỹ đối với đứa con đang nói ngọng nựng nịu trong lòng mình; hãy để nó được giảng dạy trong các trường học, trong các chủng viện và trong các trường cao đẳng; hãy để nó được viết trong các sách bổ túc, sách chính tả, và trong các niên giám; hãy để nó được rao giảng từ bục giảng, được công bố trong các phòng lập pháp và được thực thi tại các tòa án”(25). Tòa án nhiều nước đều không cho phép hành vi bất tuân dân sự làm ảnh hưởng đến lợi ích chung. Phó Giáo sư luật Ri-sát Mô-lơ, Trung tâm Luật của Đại học Georgetown (Mỹ), dẫn lời của Chánh án thứ 11 của Tối cao Pháp viện Mỹ Sác-lơ Êvan Hu-gơ, viết: “duy trì cơ hội thảo luận chính trị tự do đến cùng để chính phủ có thể đáp ứng ý chí của người dân và những thay đổi có thể đạt được bằng các phương tiện hợp pháp… là một nguyên tắc cơ bản của hệ thống hiến pháp của chúng tôi”(26).

Tóm lại, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức rất rõ vai trò quan trọng, thiết yếu của các quyền tự do, dân chủ của người dân với ý nghĩa là một quyền thiết thân của con người, là động lực phát triển của đất nước. Tuy nhiên, không một quốc gia nào trên thế giới lại dung thứ các hành vi lợi dụng dân chủ, cổ xúy cho các hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của người dân. Nhận diện các biểu hiện lợi dụng “bất tuân dân sự” của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị để kích động, chống phá là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong điều kiện hiện nay, không chỉ góp phần thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và của từng người dân mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, từ đó chủ động trong việc triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn./.

————-

(1) Henry David Thoreau: Essay: “On the Duty of Civil Disobedience”, 1849

(2) Xem: J.  Rawls: A theory of justice, Belknap Press, Massachusetts, 1971

(3) Xem: H.  A. Bedau: Civil disobedience and personal responsibility for injustice, trong H. A. Bedau (Ed.): Civil disobedience in focus tr. 49 – 67, London: Routledge, 1991

(4) Xem: C. N. Quigley, & C. F. Bahmueller: Civitas: a framework for civic education, Center for Civic Education: Calabasas, CA, 2001, tr. 629

(5) Xem: W.  Smith: Democracy, deliberation and disobedience, Res Publica, 10(4), 353 – 377, http//doi:10.1007/s11158-004-2327-5, 2004

(6) Xem: G. W. Sheldon: The encyclopedia of political thought,  Viva Books, New Delhi,  2005, tr. 6

(7) Xem: Richard Seymour: Five examples of civil disobedience to remember, https://www.theguardian.com/commentisfree/2012/aug/20/civil-disobedience-sanchez-gordillo

(8) Xem thêm: Dandi March: Mahatma Gandhi embarked historic Dandi March on March 12, 1930: Interesting facts, https://www.indiatoday.in/education-today/gk-current-affairs/story/dandi-march-312961-2016-03-12

(9) Xem: Montesquieu: Tinh thần pháp luật (Trần Thanh Đạm dịch­), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 159

(10) Hê-ghen: Triết học pháp quyền, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, t. 2, tr.155

(11) The UN International Covenant on Civil and Political Rights, 1966, Khoản 1, Điều 1

(12) The UN International Covenant on Economic, Social, and Cultural Rights, 1966, Khoản 1, Khoản 2, Điều 1

(13) Ví dụ, ở Nhật Bản là Luật cơ bản về an ninh mạng, ở Trung Quốc là Luật An ninh mạng, ở Séc là Luật An ninh mạng, ở Anh là Luật Chống khủng bố, tội phạm và an ninh, ở Hàn Quốc là các luật như Luật Khuyến khích sử dụng mạng thông tin và truyền thông và bảo vệ thông tin, Luật về bảo vệ hạ tầng thông tin và truyền thông…, ở Mỹ là các luật như: Luật Cơ quan an ninh mạng và an ninh hạ tầng; Luật an ninh; Luật Tăng cường phản ứng toàn cầu đối với hành vi tấn công mạng; Luật Tăng cường thông tin và truyền thông Mỹ; Luật Người dùng mạng ngang hàng, Luật Chia sẻ thông tin an ninh mạng, Luật An ninh mạng… Trong phạm vi Liên minh châu Âu (EU), có thể kể đến nhiều văn kiện quan trọng như Quy định về an ninh mạng và an ninh thông tin, Chỉ thị về an minh mạng và các hệ thống thông tin, Luật an ninh mạng EU, Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU, Công ước của Hội đồng châu Âu về tội phạm mạng…

(14) Tài liệu hỏi đáp Luật An ninh mạng, https://phunu.khanhhoa.gov.vn/media/danh-muc/tai-lieu-tuyen-truyen/tai-lieu-hoi-dap-luat-an-ninh-mang.pdf, truy cập ngày 28-4-2021

(15) Cybercrime Legislation Worldwide,  https://unctad.org/page/cybercrime-legislation-worldwide, truy cập ngày 11-5-2021

(16) Data Protection and Privacy Legislation Worldwide, https://unctad.org/page/data-protection-and-privacy-legislation-worldwide, truy cập ngày 17-5-2021

(17) Điều XXI Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), Điều XIVbis của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Điều 73 Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Công ước của Hội đồng châu Âu (Công ước Bu-đa-pét) về tội phạm mạng, Công ước về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân (Công ước Ma-la-bô) của Liên minh châu Phi (AU)…

(18) Xem: United Nations Industrial Development Organisation, (UNIDO): Economic Zones in the ASEAN: Industrial Parks, Special Economic Zones, Eco Industrial Parks, Innovation Districts as Strategies for Industrial Competitiveness, Hanoi, 2015, tr. 27, 37

(19) Jean-Pierre Singa Boyenge: ILO database on export processing zones (Revised), International Labour Office, Geneva, April 2007, tr. 1

(20) Ví dụ, Băng-la-đét, Ấn Độ, Pa-kix-tan, Nê-pan, Phi-lip-pin, I-rắc, Kê-ni-a, Ba Lan, Ác-mê-ni-a, Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Tát-di-ki-xtan, Li-thu-ni-a, Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-kix-tan, An-ti-gua và Bác-bu-đa, Đảo Cay-man, Nam Phi, Ni-giê-ri-a, Tan-da-ni-a…

(21) Ví dụ, Hiến chương về các quyền và tự do của Canađa, Hiến pháp Ấn Độ, Hiến pháp Thụy Điển…

(22) P. Myers: The Limits and Dangers of Civil Disobedience: The Case of Martin Luther King, Jr.,  First Principles, No.65, December 31, 2017

(23) E.F. Marek: “Civil Disobedience in the Civil Rights Movement: To What Extent Protected and Sanctioned”, Case Western Reserve Law Review,  Volume 16, Issue 3, Article 13, 1965, https://scholarlycommons.law.case.edu/caselrev/vol16/iss3/13

(24) Is It Right to Break the Law?; The question is raised by recent incidents of civil disobedience in the United States. Here a philosopher examines a fundamental moral problem as old as Socrates, https://www.nytimes.com/1964/01/12/archives/is-it-right-to-break-the-law-the-question-is-raised-by-recent.html, truy cập ngày 14-4-2021

(25) M. I. Leibman: Civil Disobedience: A Threat to Our Society Under Law, https://fee.org/articles/civil-disobedience-a-threat-to-our-society-under-law/, truy cập 12-5-2021

(26) R.R. Molleur: “A House Divided Against Itself: The Threat of Contemporary Civil Disobedience to the American Legal System”, Catholic University Law Review, 18 Cath. U. L. Rev. 37, 1969, https://scholarship.law.edu/lawreview/vol18/iss1/3

PGS.TS Nguyễn Vũ Hoàng (Tạp chí Cộng sản)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

Theo: Hội Cờ đỏ

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG