Friday, November 22, 2024

Cơn ‘ác mộng’ khác ở Ấn Độ

Hàng nghìn trẻ em Ấn Độ trở thành trẻ mồ côi vì cuộc khủng hoảng Covid-19. Mất đi cha mẹ, các em phải chịu những tổn thương sâu sắc về cả vật chất lẫn tinh thần.

Cơn ‘ác mộng’ khác ở Ấn Độ

Trong cuộc trò chuyện đầu tiên với nhân viên tư vấn, Alok không nói gì trong suốt 15 phút. Lần thứ 2, cậu bé 10 tuổi im lặng 11 phút. Lần thứ 3, sau 8 phút, em cuối cùng cũng lên tiếng.

Alok (tên đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của nhân vật) đã mất cả cha lẫn mẹ vào tháng trước, khi đợt bùng phát Covid-19 thứ 2 càn quét Ấn Độ.

Vanita Yadav, một cố vấn trẻ em ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, đã học cách chờ đợi cho đến khi các bệnh nhân nhí của cô sẵn sàng chia sẻ, theo South China Morning Post.

Cơn ‘ác mộng’ khác ở Ấn Độ
Hàng nghìn trẻ em trở thành trẻ mồ côi khi làn sóng Covid-19 thứ hai càn quét Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

“Lần đầu Alok nói chuyện với tôi, cậu bé không nói về cha mẹ, mà nói về chuyện học hành. Cậu bé lo việc tiếp tục phong tỏa sẽ khiến các kỳ thi bị hủy”, Yadav nói.

Giống như Alok, nhiều em nhỏ đã trở thành trẻ mồ côi khi dịch bệnh tàn phá đất nước. Một số trẻ mất cha, hoặc mất mẹ. Các em đang phải đối mặt với những thay đổi to lớn và khó chấp nhận trong cuộc đời.

“Cả thế giới sụp đổ”Ông bà của Alok đã nhận nuôi cậu bé. Họ đang sinh sống ở một vùng quê hẻo lánh của bang Uttarakhand lân cận. Tuy nhiên, với độ tuổi của ông bà, Alok có lẽ sẽ sớm mất đi những người thân còn lại của mình.

“Cả thế giới của cậu bé bỗng chốc sụp đổ. Đầu tiên là mất mát. Sau đó là sự thay đổi quá lớn. Alok phải chuyển đến một ngôi nhà khác, một thành phố khác, trường lớp khác, rời xa bạn bè của mình”, Yadav nói. “Trước giờ cậu bé chỉ sống ở thành phố chứ không biết gì về làng quê”.

“Những đứa trẻ mất đi người thân mà tôi tiếp xúc thường không thể hiểu được tại sao virus lại chừa chúng ra, trong khi cướp đi sinh mạng của cha mẹ chúng. Chúng phải rất khó khăn mới có thể hiểu và chấp nhận”, Yadav nói.

Cơn ‘ác mộng’ khác ở Ấn Độ
Nhiều trẻ mắc các triệu chứng xấu về sức khỏe tinh thần vì mất đi người thân trong đại dịch. Ảnh: AFP.

Bác sĩ Videesh Gupta, cộng tác với Ủy ban Bảo vệ Quyền trẻ em Uttar Pradesh, cho biết tại bang có khoảng 1.100 trẻ em đã mất cả cha lẫn mẹ trong đợt bùng dịch thứ 2 ở Ấn Độ, theo dữ liệu ban đầu từ bang.

Bang Maharashtra nằm ở phía tây Ấn Độ tháng trước cũng đã báo cáo 2.290 trẻ em mất ít nhất một phụ huynh.

Trên cả nước, có ít nhất 8.000 trẻ em mồ côi chỉ trong đợt bùng dịch thứ hai. Con số này chỉ mới là thống kê ban đầu, và được cho là thấp hơn nhiều con số cuối cùng có thể ghi nhận.

Với quá nhiều mất mát và thay đổi, nhiều trẻ em Ấn Độ đang gặp phải những tổn thương về tinh thần. Các nhà tâm lý học nhận thấy nhiều trẻ trở nên lo lắng thái quá, bị ám ảnh với việc rửa tay và uống vitamin. Các em cũng có những triệu chứng bệnh tưởng khi liên tục kiểm tra thân nhiệt và cảm tưởng mình bị đau họng.

Bị buộc phải gánh vác gia đình sớmMột số nhà hoạt động và nhân viên bảo vệ quyền trẻ em đã tình nguyện làm cố vấn không chính thức cho trẻ em đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần trong đại dịch.

Một trong số họ là Surya Pratap Mishra, điều phối viên của nhóm quyền trẻ em Bachpan Bachao Andolan, chuyên giúp trẻ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhận được các khoản trợ cấp từ nhà nước, chẳng hạn như phát tiền mặt hàng tháng cho trẻ mồ côi.

Cơn ‘ác mộng’ khác ở Ấn Độ
Trẻ em chứng kiến cảnh hỏa táng người thân vừa mất vì Covid-19. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Mishra đã hỗ trợ tư vấn tâm lý qua điện thoại cho Anisa Kumar, một cô bé 17 tuổi ở Sultanpur, Uttar Pradesh, mất cha vào ngày 9/5 vì Covid-19.

Anisa là chị cả trong gia đình 3 chị em. Cô bé nói rằng cha mình là người có tư tưởng tiến bộ về phụ nữ.

“Cha luôn nói với em rằng em có thể làm bất cứ điều gì miễn là em chịu học hành. Ông cũng nói rằng em không thua kém bất kỳ đứa con trai nào cả”.

Giờ đây, ở tuổi 17, Anisa buộc phải gánh vác gia đình thay cha. Mẹ của em không biết chữ và vì vậy không thể quán xuyến những việc ngoài nội trợ, Anisa nói.

Lo lắng về việc hỗ trợ tài chính cho gia đình khi ở tuổi đời còn rất trẻ, Anisa nhiều lần trằn trọc trắng đêm.

“Cha là người xử lý mọi thứ. Ông ấy bảo vệ cả gia đình. Bây giờ, mọi người đều dựa vào em, nhưng em mới 17 tuổi. Em chưa sẵn sàng”, cô bé chia sẻ.

Mishra, nhân viên của nhóm nhân quyền, đã cố gắng tận dụng mọi kiến thức mình có để cổ vũ tinh thần và truyền cảm hứng cho Anisa.

“Tôi nói với cô bé rằng Akbar Đại đế lên ngôi khi mới 14 tuổi và ông ấy phải lo toan cho cả một đế chế. Với sự giúp đỡ của chúng tôi, cô bé đã có thể xoay sở cho gia đình nhỏ của mình”, anh nói.

“Phải đưa trẻ em về ở với gia đình, dù gia đình đó không hoàn hảo”Ngoài việc hỗ trợ tâm lý và vật chất cho trẻ em bị hảnh hưởng bởi Covid-19, một số tổ chức còn giúp đỡ cho các gia đình họ hàng nhận nuôi trẻ, để giảm thiểu tối đa việc phải đưa trẻ đến các trung tâm chăm chóc của nhà nước.

Theo Sonal Singh, người sáng lập Protsahan, một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại 48 khu ổ chuột ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, đa số các gia đình nhận nuôi trẻ mồ côi vì Covid-19 ở đây đều không dư dả.

Cơn ‘ác mộng’ khác ở Ấn Độ
Trẻ em mất người thân vì Covid-19 gặp nhiều tổn thương tâm lý vì cuộc sống thay đổi hoàn toàn. Ảnh: EFE.

Vì vậy, Singh cho rằng việc hỗ trợ các gia đình này là điều rất quan trọng. “Đó là lý do mà chúng tôi đến từng nhà, để họ thấy rằng chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ và họ không đơn độc. Chúng tôi hỗ trợ các nhu yếu phẩm và thuốc men cần thiết”, cô nói.

Gần đây, Singh đã hỗ trợ một bé gái mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19. Cha em mất từ năm ngoái, còn mẹ thì vừa qua đời vào tháng 4. Cô bé hiện được ông bà 60 tuổi nhận nuôi.

Trong một lần đến thăm gia đình để kiểm tra cuộc sống của cô bé, Singh thấy người bà đang làm vài món ngọt dành riêng cho cháu gái.

“Đây là lý do mà Protsahan quyết tâm không để những đứa trẻ mồ côi do Covid-19 đến các trung tâm của nhà nước mà phải đưa chúng về ở với gia đình, dù gia đình đó không hoàn hảo”, Singh nói. “Ngay cả tổ chức tốt nhất trên thế giới cũng không thể làm được những điều mà người bà này đang làm”.

Hồng Ngọc

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG