Tại lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói: “Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim”.
Sau một năm rưỡi kiên cường, bền bỉ với sự đồng cam cộng khổ của nhân dân cùng Chính phủ chống chọi với dịch bệnh, tối 5/6, Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 đã chính thức ra mắt tại Hà Nội. Sự kiện này được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội với những lời bình luận đầy tự hào: “Chỉ có ở đất nước tôi!”, “Tuyệt vời quá Việt Nam ơi!”, “Mong tất cả người dân Việt Nam sẽ được tiêm vaccine phòng bệnh dịch Covid-19”.
Sau những năm tháng chiến tranh, dường như những đợt quyên góp lớn chỉ xuất hiện khi đất nước gặp thiên tai, bão lũ, khi những đồng bào ruột thịt bị mất nhà cửa, ruộng vườn. Còn lần này, người đứng đầu Chính phủ đã phải rơi nước mắt khi nhắc tới vạn tấm lòng, không tính thiệt hơn, không nề tuổi tác, không kể sang hèn đã góp công, góp của để cùng Chính phủ chống dịch. Chính phủ tri ân, trân trọng tất cả sự đóng góp đó.
Không xúc động sao được khi đích thân người đứng đầu Chính phủ trao bằng chứng nhận để tri ân đồng bào phật giáo, công giáo; tri ân cụ già, em nhỏ và những bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Không tự hào sao được khi những doanh nhân thời đại mới sẵn sàng trao gửi hàng trăm tỷ đồng để ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19. Nó gợi nhớ đến những nhà tư sản dân tộc từng đứng ra giúp nước hơn 75 năm trước hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Lịch sử đã nhiều lần ghi dấu những “Tuần lễ vàng” như thế. Nhưng lần này, khi doanh nghiệp còn ngổn ngang khó khăn mà vẫn sẵn sàng đóng góp thì sự đóng góp đó càng thêm ý nghĩa. Nếu gọi tên cho hành động cao cả ấy thì chỉ có một, đó là tinh thần dân tộc.
Sau một năm rưỡi sát cánh cùng Chính phủ chống dịch, sẵn sàng chấp nhận nhiều hy sinh, thử thách qua những lần giãn cách, người dân hiểu được rằng: Tại thời điểm này, không có giải pháp nào triệt để và toàn diện hơn là phải thực hiện miễn dịch cộng đồng, là phải sống chung với dịch như người dân Đồng bằng sông Cửu Long từng xác định phải “sống chung với lũ”. Giải pháp đó chính là vaccine – thứ mà cả thế giới đang cần để có thể thoát khỏi dịch bệnh.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới mong muốn thực hiện mục tiêu bao phủ vaccine cho ít nhất 2/3 dân số đến hết năm 2021. Muốn vậy, chúng ta cần khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu dân, với kinh phí ước khoảng 25.000 tỷ đồng. Mục tiêu đó đặt ra khi ngân sách nhà nước hạn hẹp. Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội.
Từ giữa năm 2020, với trách nhiệm được Chính phủ giao, Bộ Y tế đã bền bỉ thực hiện hơn 200 cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vaccine. Đến nay, chúng ta đã có được 130 triệu liều vaccine trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn tiếp tục thương thảo nhằm đạt mục tiêu 150 triệu liều. Nhà nước đã nỗ lực gỡ bỏ mọi khó khăn vướng mắc về cơ chế, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để chúng ta có vaccine sớm nhất, nhiều nhất để tiêm cho toàn dân.
Lịch sử ngành y chưa bao giờ thực hiện một chiến dịch tiêm chủng lớn như lúc này. Hơn 12.000 cơ sở y tế và hàng vạn cán bộ y tế được huy động. 1,3 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Chính phủ cam kết sẽ quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ vaccine phòng Covid-19 một cách minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân.
Dư luận quốc tế đánh giá, Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam có tính thực tiễn, chủ động, linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh. Việc đa dạng hóa nguồn vaccine bao gồm cả đầu tư, phát triển trong nước và xã hội hóa sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam cũng phù hợp với sáng kiến vaccine toàn cầu, góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch và bảo vệ chuỗi cung ứng sản xuất.
Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao trách nhiệm và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam, tất cả nhằm thực hiện mục tiêu chung.
Tại lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói: “Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng”.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Nhắc lại thành ngữ đó, Thủ tướng khẳng định: “Không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tinh thần đoàn kết”. /.
Giáng Hương
Theo: Cánh cò