Nhiều năm trước, câu chuyện “Việt Nam không sản xuất được con ốc vít” liên tục được mang ra để phán xét về mức độ chậm phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam. Nhưng đến nay, “mấy con ốc vít” lại trở thành “chuyện cười” để người ta nhắc lại về những đánh giá quá đỗi phiến diện trong giai đoạn trước, những đánh giá mà chẳng theo kịp tầm nhìn phát triển của một quốc gia có sự tăng trưởng hàng đầu thế giới. Việt Nam của ngày hôm nay, từ công nghiệp (sản xuất ô tô, đóng tàu, giàn khoan,…) đến công nghệ (sản xuất điện thoại, 5G,…) đều không thua kém các nước phát triển khác.
Nhắc lại chuyện ốc vít khi xưa, người viết muốn đề cập đến một tư tưởng cố hữu vẫn còn tồn tại dai dẳng đến ngày nay của một bộ phận không nhỏ người Việt, thậm chí là những người không mang quốc tịch Việt Nam nhưng thường xuyên đánh giá về đất nước Việt Nam. Tạm gọi đó là thói quen “dìm hàng nội địa” và sự cố chấp với ý nghĩ về một Việt Nam “lạc hậu, kém phát triển”.
Thói quen và sự cố chấp của tâm lý đám đông
Hãy thẳng thắn thừa nhận rằng, người Việt Nam ít có tâm lý lạc quan với sản phẩm nội địa, thích chê bai hơn là khen ngợi. Trên các trang truyền thông – thông tin, khi một sản phẩm Việt mang tính đột phá được giới thiệu, đa phần sẽ hoài nghi về chất lượng, về nguồn gốc xuất xứ,… Số người chịu tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm, hoặc mạnh dạn hơn là ủng hộ sản phẩm (dù chỉ là chia sẻ niềm tự hào, đặt niềm tin,…) chỉ chiếm phần thiểu số.
Tháng 12/2015, Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Xí nghiệp Liên doanh Việt- Nga (Vietsopetro) tổ chức lễ Hạ thủy, gắn biển chào mừng Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05. Đây là giàn khoan tự nâng thứ 2 do Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí thực hiện. Trong những bài báo, bài chia sẻ về sự kiện, thay vì thể hiện niềm vui hay tự hào, nhiều người lại cười chê đây chỉ mẫu thiết kế theo sản phẩm nước ngoài. Người ta mặc nhiên quên rằng dù là mẫu thiết kế nào thì nếu không có máy móc hiện đại, không có nhân lực có trình độ cao,… cũng chẳng thể nào làm ra sản phẩm.
Thành lập năm 2017, VinFast – công ty xe hơi thuộc Tập đoàn Vingroup của Việt Nam đã khiến cả thế giới sửng sốt khi tung ra mẫu xe đầu tiền vào năm 2018. Tháng 7/2019, những chiếc xe thương mại đầu tiên đã được bàn giao cho khách hàng. Tháng 3/2021, Vinfast tung ra mẫu xe ô tô điện đầu tiên và đạt mức đặt hàng kỷ lục gần 4.000 xe chỉ sau 12 giờ mở bán. Tháng 4/2021, xe buýt điện Vinfast cũng chính thức lăn bánh tại thủ đô Hà Nội với những tiện ích trải nghiệm hàng đầu khiến nhiều người thích thú. Trước những số liệu phát triển thần kỳ như thế, Vinfast không chỉ khiến riêng người Việt mà cả thế giới phải trầm trồ. Vậy mà, đâu đó vẫn còn có những người chỉ biết chăm chăm đăng tải những thông tin về sự cố của xe Vinfast (tai nạn trên đường, sự cố về vỏ, chê bai về nội thất,…) mà cốt yếu cũng chỉ để phủ nhận chất lượng sản phẩm với cái nhìn chủ quan, phiến diện.
Tháng 12/2020, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel công bố chính thức khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G, trở thành nhà mạng cung cấp sớm nhất 5G cho khách hàng sau thời gian phát sóng thử nghiệm về kỹ thuật. Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực và top những quốc gia trên thế giới tự sản xuất và triển khai mạng 5G thương mại. Ấy thế mà, vẫn có những người không chịu công nhận, rồi hoài nghi “Viettel sử dụng nền tảng của Huawei Trung Quốc”,…
Trên đây chỉ là ba trong số hàng trăm, hàng nghìn những sản phẩm Việt mang tính đột phá đang bị chính người Việt nhìn nhận, đánh giá thiếu khách quan, thiếu tính xây dựng. Nguyên nhân chính của thực trạng này đến từ tâm lý “tự ti”, “tiêu cực” và “mất niềm tin”. Dẫu biết rằng đất nước từng trải qua giai đoạn khó khăn, chậm phát triển, hàng hóa Việt Nam từng trải qua thời kỳ không có sáng tạo, kém về chất lượng,… Nhưng một khi mà vị thế đất nước đã thay đổi, sản phẩm Việt đã phát triển vượt bậc thì tư duy của cộng đồng cũng cần thay đổi theo. Đừng để tư duy “cố hữu”, kém phát triển của chính cộng đồng làm rào cản cho sự nhảy vọt hơn nữa của nền kinh tế.
Và sự “đu bám”, “lợi dụng” nhằm công kích, phá hoại
Chú thích: Đài Á châu tự do và bài viết nhằm phá hoại hình ảnh xe bus điện Vinfast
Nếu sự phản ứng “tiêu cực” và tư duy “cố hữu” của cộng đồng nguy hiểm một, thì sự “đu bám”, “lợi dụng” nhằm công kích, phá hoại sự phát triển của sản phẩm Việt còn nguy hại gấp nhiều lần.
Trên internet, mạng xã hội, các trang chống phá trong và ngoài nước thường xuyên đăng tải những bài viết nhằm tập trung công kích các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao. Viettel, Vinfast, VinSmart, Vinamilk, Chinsu,… và còn vô số những sản phẩm khác đã từng bị đem ra làm nạn nhân của những thông tin sai sự thật, của truyền thông “bẩn” để gây ra hiểu nhầm về chất lượng sản phẩm, làm mất đi niềm tin của người tiêu dùng.
Có thể thấy, các trang mạng chuyên “thọc” doanh nghiệp Việt, “đánh” hàng hóa Việt Nam, suy cho cùng đều nhằm mục đích phá hoại nền kinh tế nước nhà. Truyền thông sai lệch mà họ tung ra với thị trường trong nước làm sản phẩm Việt thất thế trước sản phẩm nước ngoài, ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp Việt. Với thị trường quốc tế, loại truyền thông này cũng gây ra những cái nhìn thiếu thiện cảm đối với về sản phẩm Việt Nam, đe dọa đến định hướng mở rộng thị trường của các doanh nghiệp Việt.
Phía sau hành động phá hoại kinh tế nêu trên, hiển nhiên còn là âm mưu nhằm chống lại quốc gia, dân tộc. Họ phá hoại nền kinh tế Việt Nam chính là để phủ nhận những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong nhiều năm qua. Suy cho cùng, sự chê bai lại chỉ đến từ tư tưởng mông muội, cố chấp chứ không phải đến từ thực tế khách quan.
Là một công dân, mỗi người không những cần phải thay đổi nhận thức, tư duy và còn phải thay đổi cả về hành động. Hãy bảo vệ sản phẩm Việt Nam trước những sự đố kỵ, phá hoại. Bảo vệ sản phẩm Việt cũng chính là bảo vệ cho tương lai của chính chúng ta, đưa Việt Nam phát triển bền vững, sánh vai với các cường quốc năm châu!
Komi
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Theo: Hội Cờ đỏ