Friday, November 22, 2024

Trung Quốc khai thác ‘vùng xám’: Cuộc sát hạch đầu tiên của Tổng thống Biden

Nghệ thuật triển khai phương pháp chiến tranh “vùng xám” của Trung Quốc một lần nữa được phô bày.

Cách đây 3 tuần, nhà chức trách Philippines phát hiện một đội gồm khoảng 220 tàu cá Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này và neo đậu ngoài khơi tại đá Ba Đầu  (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) ở Biển Đông.

Theo cố vấn An ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon, các tàu của Trung Quốc rất lớn, vỏ thép, chiều dài từ 30 100 mét. Quan chức này gọi chúng là “sự đe dọa”.

Trung Quốc khai thác ‘vùng xám’: Cuộc sát hạch đầu tiên của Tổng thống Biden
Đội tàu của Trung Quốc dàn hàng với nhau. Ảnh: CNN

Người ta cũng không thấy đội tàu “khủng” nói trên tiến hành bất kỳ hoạt động đánh bắt nào. Chúng nằm dàn hàng với nhau, chiếu đèn công suất lớn vào ban đêm nhưng không di chuyển. Chính phủ Philippines mô tả đây là “cuộc xâm lược”.

Vào ngày 21/3, Manila công khai yêu cầu chính phủ Trung Quốc rút đội tàu. Tuy nhiên, Huang Xilian, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines giải thích rằng đó chỉ là các tàu đánh cá tìm nơi ẩn náu tại rạn san hô do biển động.

“Làm sao chúng có thể là những tàu đánh cá bình thường đang tìm nơi trú ẩn như Đại sứ Huang nói được khi thời tiết tốt như vậy? Chúng còn ở đó với số lượng ngày càng tăng kể từ tháng 11/2020. Và rõ ràng không ở đó để đánh bắt cá”, ông Esperon phát biểu.

Các tàu Trung Quốc vẫn ở đó. Manila cho hay, chúng thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Song, Bắc Kinh phủ nhận điều này và quả quyết đó chỉ là phương tiện đánh bắt cá thuộc sở hữu tư nhân.

Khi đội tàu chính là vũ khí

Nhóm tàu nói trên rõ ràng không trang bị bất kỳ hệ thống vũ khí nào, nhưng theo chuyên gia Andrew Erickson đến từ trường Cao đẳng chiến tranh hải quân Mỹ, chúng không cần phải làm điều đó.

“Bản thân các con tàu đã là vũ khí. Lớn hơn và mạnh hơn nhiều so với tàu đánh cá đặc trưng của Philippines hoặc các nước láng giềng khác ở Biển Đông, sở hữu thiết kế thân tàu tương đối mạnh mẽ với các dây buộc bổ sung được hàn vào thân tàu mạ thép phía sau mũi tàu và điển hình là hệ thống vòi rồng gắn trên cột buồm, khiến chúng trở thành vũ khí mạnh mẽ trong hầu hết các trường hợp, có khả năng chủ động tấn công, đâm và phun vào tàu cảnh sát biển hoặc dân thường đối địch”, ông Erickson chia sẻ.

Richard McGregor, chuyên gia về Trung Quốc của Viện Lowy mô tả đội tàu trên là “một lực lượng dân quân đáng kinh ngạc”.

Đội tàu chọn đá Ba Đầu không phải một cách ngẫu nhiên mà vì rạn san hô này nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn”, yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc nhằm thâu tóm quyền kiểm soát khoảng 80% Biển Đông, bao gồm các lãnh hải mà 5 nước khác cũng tuyên bố có chủ quyền. Ngoài ra, đá Ba Đầu nằm trên các tuyến đường vận chuyển quốc tế quan trọng, tạo thành huyết mạch thương mại có giá trị nhất thế giới.

Trung Quốc khai thác ‘vùng xám’: Cuộc sát hạch đầu tiên của Tổng thống Biden
Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

“Trung Quốc đang gây sức ép và sẽ tiếp tục gây sức ép trên tất cả mặt trận đối nghịch với Philippines, Việt Nam, Indonesia và các nước khác cho đến khi một trong những quốc gia này về cơ bản chịu nhượng bộ”, ông McGregor nhận định. Và trong trường hợp chiếm đóng đá Ba Đầu, “ngay cả khi họ không nhấn mạnh vấn đề chủ quyền và chỉ lưu lại đó, họ vẫn tìm được cách thay đổi hiện trạng trên biển”.

Trong một bài xã luận mới đăng tải trên báo The Sydney Morning Herald, biên tập viên chính trị Peter Hartcher lưu ý, Trung Quốc đã chọn Philippines vào năm 2012 làm điểm khởi đầu cho việc tiếp quản thành công một cách ngoạn mục các vùng lãnh hải rộng lớn của các nước láng giềng.

Khi Manila đưa vụ việc ra tòa trọng tài quốc tế tại The Hague (Hà Lan) theo Công ước LHQ về Luật Biển, vào năm 2016, tòa ra phán quyết tuyên bố của Trung Quốc “không có cơ sở về pháp lý”. Trung Quốc phớt lờ phán quyết, tiếp tục chiếm đóng và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở phạm vi tranh chấp.

Không dừng lại ở đó, trên các đảo nhân tạo, Bắc Kinh thực sự đã xây dựng một chuỗi các công sự quân sự, trang bị hầm trú ẩn kiên cố cho tên lửa và bệ phóng tên lửa, căn cứ radar và thông tin liên lạc cũng như đường băng để phục vụ loại máy bay ném bom hạng nặng, có thể mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc tiến hành các cuộc đổ bộ trình diễn. Hệ thống căn cứ này giúp Trung Quốc thể hiện sức mạnh quân sự và thực thi yêu sách chủ quyền.

Bắc Kinh đã làm những điều này mà không cần bắn một phát súng nào thông qua một loạt các hoạt động mở rộng liên tục, không ngừng tăng gọi là “lát cắt” chiến thuật sử dụng các tàu phi quân sự làm đội tiên phong, tiếp cận đội tàu đánh cá, tàu cảnh sát biển, tàu quản lý hàng hải…

Nhịp điệu đấu tranh vĩnh viễn

Đội tàu Trung Quốc di chuyển với số lượng áp đảo so với các nước láng giềng bao gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines. Thông thường, chúng được các tàu hải quân Trung Quốc hỗ trợ và ngay phía ngoài đường chân trời, nơi khuất tầm nhìn nhưng vẫn hiển hiện đầy hăm dọa trên màn hình radar của các đối thủ.

Chiến lược của Trung Quốc đã thành công ở Biển Đông đến mức họ đang áp dụng nó vào cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ.

“Cũng giống như việc sử dụng các đội tàu đánh cá dân sự được lực lượng hải cảnh hậu thuẫn cho các cuộc xâm lấn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc phái những người chăn thả gia súc đi trước quân đội chính quy thông thường đến các khu vực biên giới hoang vắng trên dãy Himalaya để giành ưu thế tranh chấp và sau đó khẳng định quyền kiểm soát.

Cách tiếp cận như vậy giúp họ có thể thâu tóm dần các vùng lãnh thổ của Himalaya, từng vùng đồng cỏ một”, chiến lược gia Ấn Độ Brahma Chellaney thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách của New Delhi viết.

Giống như các cuộc tấn công mạng bí mật, chiến thuật này được gọi là “vùng xám” vì chúng không phù hợp với tiêu chuẩn phân loại truyền thống chỉ gồm 2 dạng hòa bình hay chiến tranh của phương Tây. Song, chúng là một phần mà nhà ngoại giao Mỹ George Kennan từng gọi là “nhịp điệu đấu tranh vĩnh viễn” giữa các quốc gia. Và chúng rất khó để đối phó.

Philippines cho biết họ đang xem xét viện dẫn hiệp ước quân sự với Mỹ. Nếu vậy, đây có thể là cuộc sát hạch nghiêm túc đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden trước một Trung Quốc quyết đoán và hung hăng. Nhưng nếu Philippines hoặc Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự chống lại hạm đội Trung Quốc, họ sẽ bị cáo buộc có hành động chiến tranh chống lại một mục tiêu dân sự.

Ông McGregor trích dẫn một tiền lệ mang tính gợi ý. Cựu Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti từng xử lý hàng trăm tàu đánh cá bất hợp pháp bằng cách bắt giữ và đánh chìm, cho nổ tung hoặc làm chúng bị đắm. Pudjiastuti tuyên bố thẳng thừng: “Trung Quốc gọi đó là đánh cá, Indonesia coi đây là tội phạm”. Và việc đó rất rõ trắng đen.

Quỳnh Anh

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG