Saturday, November 23, 2024

Thế giới ‘vừa mừng, vừa lo’ khi Mỹ phục hồi mạnh

Một vết nứt toàn cầu, giữa một bên hưởng lợi và một bên ngày càng tụt hậu, khi nền kinh tế Mỹ bùng nổ trở lại đang dần hiện ra.

Sự phục hồi mạnh mẽ ở Mỹ, được thúc đẩy bởi chi tiêu lớn của chính phủ và việc triển khai vaccine nhanh chóng, đang lan rộng trên khắp thế giới, làm gia tăng triển vọng kinh tế cho các quốc gia gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng sự bùng nổ sắp tới này có thể cho thấy một cuộc chia rẽ, có nguy cơ mở ra những vết nứt trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi các lệnh đóng cửa và hạn chế của Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế vào năm ngoái với mức độ tương đương, nhưng bằng chứng ban đầu cho thấy việc thoát khỏi đại dịch có thể bị lệch pha rất nhiều.

Các nước giàu và một số nền kinh tế định hướng xuất khẩu đã được hưởng thành quả ban đầu của các chiến dịch vaccine thành công và tăng trưởng phục hồi. Trong khi đó, các nước nghèo đang nhìn thấy những dấu hiệu của xu hướng dòng vốn chảy ngược về các nước giàu.

Họ càng khó khăn hơn khi đối mặt với việc chờ đợi vaccine trong thời gian dài. Một số còn phải hứng chịu làn sóng Covid-19 bùng phát mới, khiến mất khả năng hưởng lợi từ dòng chảy du lịch.

Nền kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay, nhanh nhất kể từ năm 1984. Sự gia tăng đó có thể khiến nền kinh tế Mỹ thậm chí còn đạt quy mô lớn hơn vào cuối năm nay, so với dự báo từng có trước đại dịch, theo OECD. Không có nền kinh tế lớn nào khác, kể cả Trung Quốc, có khả năng đó. Các nhà kinh tế kỳ vọng Mỹ sẽ là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Chương trình tiêm chủng của Mỹ nhanh hơn so với các chương trình ở hầu hết châu Âu và châu Á, đã cho phép hoạt động kinh tế bình thường trở lại sớm hơn. Cùng với đóm các gói cứu trợ và kích thích khổng lồ mới càng có ý nghĩa quyết định. Rất ít nước giàu nào khác đã chi tiêu nhiều như Mỹ. Và tất nhiên, các nước nghèo thì không thể chi tiêu như vậy.

Thế giới ‘vừa mừng, vừa lo’ khi Mỹ phục hồi mạnh
Công nhân trong một nhà máy dệt may của Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế Mỹ nóng lên đang đẩy nhanh tốc độ phục hồi ở những nơi khác, đặc biệt là với các quốc gia định hướng xuất khẩu, bán hàng cho người Mỹ như Việt Nam.

Theo ước tính của các công ty dịch vụ tài chính Allianz và Euler Hermes, chỉ riêng khoản kích thích của Mỹ sẽ bổ sung 1,4% vào GDP của Việt Nam trong 2 năm tới, chỉ đứng sau tác động lớn hơn một chút đối với Mexico. Điều đó sẽ giúp bù đắp thiệt hại lớn mà Việt Nam đã phải gánh chịu do sự sụp đổ của ngành du lịch.

Tại Thái Lan, xuất khẩu được dự báo tăng 3-5% trong năm nay, với mức tăng trưởng 10-11% riêng trong doanh số bán hàng cho Mỹ. Supan Mongkolsuthree, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho rằng, điều này sẽ giúp cân bằng lại xuất khẩu khi chịu sụt giảm nhỏ ở châu Âu và Trung Quốc.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Thái Lan, ngành công nghiệp phụ tùng ôtô nước này có thể phục hồi với doanh thu xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, tức tương đương mức của năm 2019 sau khi giảm 14% vào năm ngoái. Động lực của họ đến từ nhu cầu lốp xe của Mỹ.

Tuy nhiên, sức mạnh sự phục hồi của Mỹ đang gây thêm áp lực lên các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng. Brompton Bicycle là một nhà sản xuất xe đạp gấp có trụ sở tại London, với sản phẩm đang được người Anh rất ưu chuộng. Công ty đã thuê công nhân mới và đầu tư thêm dây chuyền sản xuất thứ ba trong mùa dịch.

Nhưng ngay cả khi họ đang ưu ái phân bổ một phần sản lượng cho thị trường Mỹ, với kế hoạch mở rộng kinh doanh New York, Chicago và San Francisco, thì vẫn không thể đáp ứng kịp nhu cầu. Việc tìm kiếm linh kiện phụ tùng từ châu Á cũng như vận chuyển chúng về Anh đã trở thành một vấn đề.

“Nhu cầu đang tăng nhanh hơn nguồn cung. Chúng tôi phải đối mặt với việc thất vọng mỗi ngày”, Stephen Loftus, Giám đốc thương mại của Brompton cho biết. Những thất vọng đó có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai, do sự chậm trễ bắt nguồn từ sự cố ở kênh đào Suez. “Chúng tôi vẫn chưa biết tác động của nó, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả”, ông nói thêm.

Thế giới ‘vừa mừng, vừa lo’ khi Mỹ phục hồi mạnh
Bên trong nhà máy của Brompton Bicycle. Ảnh: AP.

Và sự tăng trưởng của Mỹ sẽ nâng đỡ nhiều nền kinh tế, nhưng sẽ không là tất cả. Ví dụ, châu Âu sẽ hưởng lợi khá nhỏ. Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Trung ương châu Âu ước tính rằng biện pháp kích thích của Mỹ sẽ nâng tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro lên 4,1%, từ mức 4% trong năm nay và 4,3%, từ 4,1% vào năm 2022.

Eurozone, nơi các chương trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp, dự kiến bị sa lầy trong suy thoái kinh tế trong nhiều tháng tới. Đây là một sự khác biệt rõ rệt và có thể để lại ảnh hưởng lâu dài trên thị trường việc làm hoặc đầu tư vốn.

Các quốc gia nghèo nhất trên thế giới không có khả năng tiêm chủng cho phần lớn dân số trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm tới. Điều đó sẽ khiến họ bị cắt đứt khỏi ngành du lịch vốn đã tạo ra việc làm và nâng cao nền kinh tế trong những năm gần đây.

Clayton Fletcher, người điều hành một nhà nghỉ săn bắn sang trọng ở Nam Phi, từng khấm khá đến năm 2020. Nhưng đại dịch ập đến buộc ông phải vay ngân hàng để tiếp tục trả lương cho nhân viên. Vào tháng 2, nhà nghỉ đã tổ chức được tour khách quốc tế đầu tiên kể từ tháng 11/ 2019 nhưng liên tiếp bị hủy tour.

“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi phụ thuộc vào các quốc gia khác”, ông nói. Nhưng một biến chủng dễ lây lan hơn lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi, đã làm xấu đi triển vọng kinh doanh. “Thật không may, với chủng mới này, mọi người đang sợ hãi”, ông nói.

Thế giới ‘vừa mừng, vừa lo’ khi Mỹ phục hồi mạnh
Sân bay Quốc tế Cape Town, Nam Phi vào hôm 31/3. Ảnh: Bloomberg.

Tháng trước, ngay cả khi OECD nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ, họ đã hạ dự báo đối với châu Phi. Thật vậy, nền kinh tế của châu Phi dự kiến tăng trưởng chậm hơn so với Mỹ, và khoảng cách sẽ rộng hơn tính theo đầu người.

“Covid-19 giáng xuống người nghèo như cháy rừng”, David Malpass, Chủ tịch World Bank nói, “Trong sự bất bình đẳng của đại dịch, các nước nghèo hơn đang bị tụt hậu xa hơn”.

Sức mạnh phục hồi của Mỹ có thể làm cho những chênh lệch đó thậm chí còn tồi tệ hơn, nếu làn sóng chi tiêu mới chính phủ đẩy lạm phát lên cao hơn và buộc Cục Dự trữ Liên bang phải tăng lãi suất cơ bản sớm hơn dự kiến.

Do vai trò quá lớn của USD trong tài chính và thương mại toàn cầu, động thái như vậy của Fed cũng sẽ làm tăng chi phí đi vay đối với nhiều quốc gia nơi việc thu hồi vốn dự kiến sẽ chậm hơn nhiều.

(Theo WSJ)

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG