Chiều 10/9, phiên tòa xét xử 29 bị cáo trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội kết thúc phần tranh luận.
Các bị cáo đều tỏ ra ân hận khi được nói lời sau cùng tại phiên toà chiều ngày 10/9
Chiều 10/9, phiên tòa xét xử 29 bị cáo trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội kết thúc phần tranh luận.
Được nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Lê Đình Chức nói: “Lời đầu tiên, bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến gia đình ba chiến sĩ công an hi sinh. Cho dù bị cáo sau này phải chết hay được trở về thì vẫn mong các gia đình tha thứ, để lương tâm bị cáo được thanh thản phần nào”. Bị cáo xin HĐXX xem xét hoàn cảnh gia đình của mình, cha (ông Lê Đình Kình) đã mất, đến nay chưa được thắp nén hương; đứa con nhỏ cũng chưa được nhìn mặt. Trong trạng thái run run, bị cáo Chức nói nhỏ lại “Bị cáo biết tội lỗi của mình rất khó tha thứ, nhưng vẫn mong được một cơ hội như vậy”. Còn bị cáo Lê Đình Công, một trong bốn người bị cáo buộc cầm đầu vụ án kh được nói lời sau cùng cho hay trong lời khai tại các biên bản hỏi cung cũng như tại tòa, bị cáo đều khẳng định hoàn toàn không bàn bạc, giao nhiệm vụ hay chỉ đạo ai phải thực hiện điều gì. Điều này cũng trùng khớp với lời khai của các bị cáo còn lại. Bị cáo Công nói “Về sự hi sinh của ba chiến sĩ công an, bị cáo không hay biết gì. Sau khi biết tin, bị cáo vô cùng hối hận, đã thành khẩn, ăn năn hối lỗi về những sai lầm của mình. Bị cáo kính mong HĐXX cho hưởng sự khoan hồng, mong được xem xét chuyển tội danh sang “chống người thi hành công vụ”. Hướng mặt về phía người thân 3 chiến sĩ công an có mặt tại tòa, bị cáo Công hơi cúi đầu và nói lời xin lỗi đến họ.
Là người lớn tuổi nhất trong số các bị cáo phải hầu tòa, trong lời nói sau cùng bị cáo Bùi Viết Hiểu (77 tuổi) nhiều lần nói “đã rất hối lỗi”. Trái với những lời phản cung trong phiên thẩm vấn đầu tiên, lúc này bị cáo Hiểu nói: “Nhận thấy cáo buộc của Viện kiểm sát về mọi hành vi và sai phạm vừa qua của mình là rất đúng” và xin tòa cho hưởng sự khoan hồng, chiếu cố đến yếu tố nhân thân. Trước khi kết thúc lời nói sau cùng, bị cáo Hiểu cúi đầu xin hưởng sự khoan hồng “Gia đình bị cáo có ba con trai đều đi chiến trường miền Nam, trong đó anh trai đã hi sinh, em trai út là thương binh chất độc da cam mới mất vài năm trước, bản thân bị cáo cũng là thương binh, được tặng nhiều huân chương kháng chiến chống Mỹ. Bị cáo vì những sai lầm cuối đời mà vấp ngã, rất mong được cơ hội sửa chữa. Hơn thế, vợ bị cáo hiện bị bệnh tim rất nặng, không thể tự chăm sóc, bị cáo cũng có nhiều bệnh tật…”.
Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến cho hay thời gian qua đã nhận thức được hành vi mình gây ra là sai trái, vi phạm pháp luật. “Bị cáo rất ăn năn hối hận. Bị cáo đã nghe lời Lê Đình Công mua xăng về chế bom xăng, đốt pháo hoa. Bị cáo cũng chỉ bị tổ đồng thuận lôi kéo nên ngày hôm ấy mới có mặt ở đó. Mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo sớm về với xã hội để trở thành người công dân tốt”, bị cáo Tiến phân trần. Trước khi rời bục khai báo, bị cáo Tiến cũng cúi đầu gửi lời xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ Công an. Bị cáo Tiến nói “Dù bị cáo không trực tiếp gây ra cái chết của 3 chiến sĩ công an nhưng hành vi của bị cáo cũng đã gián tiếp hãm hại 3 chiến sĩ. Bị cáo cũng đã nhờ cán bộ công an nhắn hộ vợ đưa tiền thắp nhang cho 3 chiến sĩ. Tuy nhiên sau đó mới biết vợ bị cáo cũng đã bị bắt trong vụ án này. Mong gia đình 3 chiến sĩ tha thứ cho bị cáo để bị cáo trở về với gia đình làm người công dân tốt”.
Bị cáo Lê Đình Doanh cũng gửi lời xin lỗi và chia buồn sâu sắc đến gia đình 3 chiến sĩ công an. Bị cáo Doanh nói “Những ngày tháng bị tạm giam, bị cáo cắn rứt lương tâm rất nhiều khi nghĩ về con gái của chiến sĩ Phạm Quang Huy. Cháu còn rất bé đã phải chịu nỗi đau mất mát không gì bù đắp được. Cháu bé lớn lên sẽ không nhận được sự chăm sóc của người cha”.
Tương tự, các bị cáo còn lại cũng bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi, có người bật khóc thừa nhận những sai phạm của mình và gửi lời xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ công an. Nhiều người trong số này gửi lời cảm ơn tới đại diện Viện kiểm sát khi chuyển tội danh truy tố từ “giết người” sang “chống người thi hành công vụ” và đều mong muốn được HĐXX cho hưởng sự khoan hồng, sớm trở về với gia đình, sửa chữa lỗi lầm của mình.
15h, ngày thứ Hai, ngày 14/9, Tòa sẽ tuyên án.
Trước đó, trong bản luận tội, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm chuyển tội danh cho 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ” và đề nghị tòa áp dụng dưới mức hình phạt thấp nhất đối với một số bị cáo.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt tử hình với 2 bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức về tội “Giết người”.
Cùng tội danh trên, bị cáo Lê Đình Doanh bị đề nghị án chung thân; Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến bị đề nghị từ 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển từ 14-16 năm tù.
Với nhóm 23 bị cáo phạm tội “Chống người thi hành công vụ”, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 15 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 7 năm tù giam.
Có thể thấy rõ, khi được nói lời sau cùng trước tòa, các bị cáo trong vụ án ở Đồng Tâm đều bày tỏ ăn năn, hối hận vì đã gây ra cái chết của 3 chiến sĩ công an và cúi đầu gửi lời xin lỗi sâu sắc đến gia đình bị hại.
Kỳ Sơn