Trung Quốc lâu nay đã tìm cách củng cố sự “xoay trục” đầu tư kinh tế sang châu Phi. Sau những dự án cơ sở hạ tầng rầm rộ thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), công nghệ chính là mảng ghi nhận sự thành công của Bắc Kinh trong việc gia tăng sức ảnh hưởng tại Lục địa đen.
Vậy thành công này của Trung Quốc liệu có những tác động thế nào đến châu Phi và thái độ của lục địa này với sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc tại đây ra sao, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay?
Chiếm lĩnh thị trường công nghệ châu Phi
Ngay từ giai đoạn “Tiến ra bên ngoài” những năm 1990, các công ty cung ứng trang thiết bị công nghệ của Trung Quốc như là Huawei và ZTE đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện tại châu lục này. Chẳng hạn, dù là kẻ đến sau trong thị trường viễn thông châu Phi, các công ty Trung Quốc vẫn nỗ lực để bắt nhịp được với các đối thủ cạnh tranh khác, nhảy vọt để trở thành những bên đi đầu trong thị trường này.
Thành công của họ được củng cố bởi nhiều nhân tố: Sự ủng hộ chính trị và kinh tế từ nhà nước Trung Quốc đã tạo điều kiện cho các công ty viễn thông gây dựng sự thống trị thị trường tại châu Phi. Tại đây, các công ty Trung Quốc có thể tận dụng sự ủng hộ chính trị thông qua mối quan hệ ngoại giao của Bắc Kinh với các chính phủ trong khu vực để thiết lập các mạng lưới hợp tác với các nhà thầu châu Phi. Chẳng hạn, theo các nguồn tin, trong khuôn khổ các chuyến thăm của Chính phủ Trung Quốc tới châu Phi, các phái đoàn đã thường xuyên được tháp tùng bởi các đội ngũ lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn Huawei hay ZTE – hai ông lớn trong ngành viễn thông Trung Quốc tại châu Phi.
Bất chấp nhiều e ngại, châu Phi vẫn háo hức đón nhận đầu tư của Trung Quốc . |
Sự hợp tác này càng được củng cố bởi phương thức cho vay chiến lược theo hạn mức tín dụng của Chính phủ Trung Quốc. Sự hỗ trợ tài chính đã cho phép cả ZTE và Huawei mang lại các khoản vay lãi suất thấp cho các khách hàng và đấu thầu các dự án ở mức giá thấp hơn khoảng 15-20% so với các đối thủ cạnh tranh của họ.
Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc, các công ty Trung Quốc còn được hưởng lợi từ sự ưu ái của các chính phủ châu Phi dành cho các hoạt động hợp tác với các đối tác Trung Quốc. Điều này chủ yếu xuất phát từ lịch sử thuộc địa của châu Phi, vốn khiến những cam kết “không can thiệp và vô điều kiện” mà Trung Quốc đưa ra càng hấp dẫn hơn.
Châu Phi “nửa mừng, nửa lo”?
Sau khi BRI của Trung Quốc được công bố vào năm 2013, phát triển cơ sở hạ tầng trở thành nhân tố cốt yếu trong mặt trận tranh giành quyền lực mềm của Bắc Kinh. Trên khắp các khu vực thuộc thế giới đang phát triển, các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ đã phát triển mạnh mẽ và điều này khiến dư luận địa phương “vừa mừng vừa lo”. Thế nhưng, bên cạnh những câu chuyện về các mối đe dọa mà chính sách ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc đặt ra thì các lập luận chủ yếu dựa trên những mô tả mang tính giai thoại hơn là những bằng chứng cụ thể rút ra từ kinh nghiệm thực tế.
Mặc dù những lời mô tả rằng các công ty của Trung Quốc đang nhấn chìm lục địa này với hàng tiêu dùng giá rẻ và sự đầu tư ồ ạt vào khai thác tài nguyên thiên nhiên có phần nào là đúng, song mối quan hệ Trung-Phi lại được ghi dấu nhiều hơn bởi sự tương tác lợi ích lẫn nhau đầy phức tạp, vốn bị chi phối bởi nhiều nhân tố khác nhau.
Lấy lĩnh vực viễn thông của châu Phi làm ví dụ. Với sự quan tâm của nhà nước và các nguồn lực ngày càng được tập trung vào nỗ lực xây dựng một “Con đường Tơ lụa số”, Bắc Kinh đã tìm cách tích hợp các công nghệ mạng vào BRI vì một sự phát triển lấy đổi mới làm chủ đạo. Tại diễn đàn Hợp tác Trung-Phi năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố 8 sáng kiến quan trọng hợp tác thực hiện với các quốc gia châu Phi, trong đó có 1 sáng kiến tập trung đặc biệt vào việc củng cố sự liên kết giữa cơ sở hạ tầng vật chất và số hóa.
Tuy nhiên, từ lâu nay, những đầu tư trong mảng công nghệ viễn thông của Trung Quốc tại châu Phi đã làm dấy lên những lo ngại cho sự phát triển của các quốc gia tại châu lục này. Nhu cầu của châu Phi trong cải thiện cơ sở hạ tầng viễn thông đã thu hút một mức độ đầu tư chưa từng có từ Trung Quốc, song liệu điều này sẽ gây ra những tác động như thế nào?
Những báo cáo về các thỏa thuận “cửa sau” được ký kết giữa chính phủ châu Phi và các công ty viễn thông Trung Quốc đã làm nổi lên một loạt những cáo buộc về sự điều hành kém, đặc biệt liên quan đến các hoạt động tham nhũng dù là nhỏ lẻ hay có tính tổ chức. Các công ty viễn thông Trung Quốc cũng thường xuyên bị chỉ trích về chất lượng sản phẩm và dịch vụ thấp. Nhiều báo cáo còn bày tỏ những lo ngại về việc liệu sự tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực viễn thông của châu Phi có nguy cơ tạo điện kiện cho chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số bằng cách cản trở trách nhiệm giải trình và sự quản lý ở châu Phi hay không.
Trang tin internationalaffairs.org.au của Australia cho biết cả hai tập đoàn Huwei và ZTE đều bị cáo buộc vì đã cung cấp cho Chính phủ Ethiopia những công nghệ để phục vụ sự giám sát và kiểm duyệt. Còn tại Uganda, theo Wall Street Journal, các quan chức chính phủ nước này còn hợp tác với các kỹ thuật viên của Huawei để xâm nhập vào các tin nhắn WhatsApp của một đối thủ chính trị – một cáo buộc bị cả Chính phủ Uganda và Huawei phủ nhận.
Các công dân châu Phi bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc. |
Ngoài ra, các cáo buộc tương tự về việc Huawei thu thập thông tin tình báo cũng đã xuất hiện ở Zambia và Algeria. Thêm vào đó, cũng giống như trong những lĩnh vực khác, các công ty này thường bị gắn mác là theo đuổi hình mẫu phát triển của Trung Quốc. Ngoài ra, còn có những cáo buộc về việc Trung Quốc sử dụng các hacker tấn công vào hệ thống máy tính của các trụ sở Liên minh châu Phi (AU) vào năm 2018…
Trong những cuộc tranh luận về cách thức các công ty viễn thông Trung Quốc tấn công vào thị trường châu Phi, các công ty này thường xuyên bị cho là được hưởng lợi thế không công bằng từ các gói vay theo hạn mức tín dụng do chính phụ tài trợ. Thêm nữa, họ còn tham gia các hoạt động kinh doanh không hợp thức như bán phá giá và thông đồng với các quan chức tham nhũng trong chính phủ.
Bất chấp những điều này, trong khi những tranh cãi gần đây xung quanh sự tham gia của các công ty Trung Quốc như Huawei vào việc xây dựng mạng lưới 5G thường tập trung vào các nguy cơ an ninh mạng, thì những cuộc thảo luận tại châu Phi lại tập trung nhiều hơn vào những tác động tích cực của sự đầu tư công nghệ viễn thông của Trung Quốc. Thực vậy, bất chấp sự tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ viễn thông tại Lục địa đen, những thách thức về năng lực tài chính và kết nối vẫn tồn tại, với mức độ thâm nhập thị trường Internet và điện thoại di động vẫn tương đối thấp.
Vì thế, sự phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đối với các nước châu Phi có tầm quan trọng to lớn, bằng chứng là sự đóng góp của nó cho sản lượng kinh tế bằng cách tạo điều kiện cho các hoạt động phổ biến tri thức và hoạt động thương mại liên biên giới.
Thành công điển hình của Huawei
Trái ngược với tình trạng của Huawei tại những nơi khác trên thế giới sau chiến dịch không ngừng của Nhà Trắng nhằm kêu gọi các đồng minh xa lánh nhà cung cấp này, sự ủng hộ vững chắc châu Phi dành cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn rất kiên định. Theo bài viết mới đây trên trang bloombergquint.com, hồi tháng 6-2019, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nhận được một bức thư của các nhà lãnh đạo của 4 tập đoàn viễn thông lớn nhất tại đất nước Cầu vồng, trong đó phác họa bức tranh đáng báo động về triển vọng kinh tế của quốc gia miền Nam châu Phi này.
Những người này cho rằng Nam Phi có nguy cơ đối mặt với “hậu quả không mong muốn và có hại” từ các kế hoạch của Tổng thống Trump cấm nhà sản xuất thiết bị mạng Trung Quốc Huawei làm ăn với các công ty Mỹ. Họ đề nghị Tổng thống Ramaphosa đưa ra “sự can thiệp khẩn cấp” để tránh thiệt hại từ quyết định trên của Mỹ đối với Nam Phi và phần còn lại của lục địa.
Tổng thống Ramaphosa đã đáp lại lời đề nghị của các doanh nghiệp nước này và công khai bảo vệ Huawei, coi công ty này là nạn nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tiếp đó, Kenya, Ethiopia và các nước châu Phi khác đã ủng hộ quan điểm của Tổng thống Nam Phi và đến nay Huawei không hề mất một đơn hàng nào ở châu Phi – khu vực mà tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã hoạt động trong hơn 2 thập niên và trở thành trụ cột cho các tham vọng tăng trưởng của châu lục.
Cobus van Staden, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nam Phi, nhận định: “Huawei là một đối tác có vị trí độc đáo ở châu Phi”. Nhà nghiên cứu này cho rằng không một đối tác nào khác có thể làm được điều tương tự.
Arthur Goldstuck, Giám đốc điều hành của World Wide Worx, cơ quan nghiên cứu thị trường công nghệ độc lập hàng đầu tại Nam Phi, đánh giá: “Thiết bị của Huawei chiếm khoảng 70% cơ sở hạ tầng băng thông rộng không dây trên khắp châu Phi và công ty này có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà khai thác mạng di động trên khắp lục địa”.
Còn theo Stephen Chan, giáo sư chính trị tại Đại học London, sự thống trị của Huawei ở châu Phi có thể sẽ tiếp tục do việc thay đổi nhà cung cấp sẽ tốn kém và đầy khó khăn. Nhà nghiên cứu này đánh giá “đã quá muộn để rút lại những gì Huawei đã bắt đầu”.
Đầu năm 2019, Huawei ký Biên bản Ghi nhớ với AU nhằm cung cấp phần cứng và các dịch vụ cho các trụ sở của AU. |
“Tuần trăng mật” sắp kết thúc?
Kể từ khi nổi lên là một cường quốc toàn cầu, Trung Quốc đã chi không biết bao nhiêu tiền của vào châu Phi dưới các hình thức đầu tư vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các dự án cơ sở hạ tầng và tìm cách “kết thân” với các lãnh đạo tại lục địa này. Châu Phi được cho là điểm đến ưa thích mới của Trung Quốc.
Lý do kích động cuộc khủng hoảng ngoại giao này là thái độ giận dữ về cách mà các công dân châu Phi bị đối xử phân biệt tại Trung Quốc và sự thất vọng trước lập trường của Bắc Kinh trong việc giảm nợ cho các nước châu Phi để tạo điều kiện cho họ đối phó với đại dịch. Hồi tháng 4-2020, một nhóm các đại sứ châu Phi tại Bắc Kinh đã bày tỏ sự bất mãn bằng cách trình lên Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị một bức thư để phàn nàn rằng các công dân từ các nước Togo, Nigeria, Benin sống tại tỉnh Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc đã bị ép buộc ra khỏi nhà và bắt tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2.
Vụ việc xảy ra sau khi một số đoạn phim ghi lại hình ảnh những người gốc Phi tại Trung Quốc bị đuổi ra khỏi nhà của họ được đăng lên mạng xã hội, qua đó kích động thái độ bất bình tại châu Phi và trong cộng đồng người nước ngoài tại Trung Quốc, dẫn đến một cuộc xung đột ngoại giao giữa các quan chức Trung Quốc và châu Phi. Dù chưa ai dám đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ đánh mất vị thế là đối tác thương mại và chủ nợ lớn nhất của châu Phi, song giới phân tích và các nhà ngoại giao châu Phi đều cho rằng khả năng sự cố này gây ra thiệt hại dai dẳng là khá rõ ràng. Vụ việc cũng đánh dấu sự phá vỡ một truyền thống lâu đời của châu Phi là chỉ lên tiếng bày tỏ các vấn đề với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của châu lục – trong nội bộ.
Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng những thông tin về sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi đã phần nào khiến dư luận hiểu sai. Truyền thông cũng như các chuyên gia về chính sách và hàn lâm đã cung cấp những số liệu không chính xác về quy mô đầu tư của Trung Quốc. Chẳng hạn, họ đã thổi phồng các khoản cho vay của Trung Quốc. Những thông tin sai lệch này đã che mờ thực tế là vốn đầu tư của Trung Quốc chỉ là một sự minh họa cho sự ganh đua đầu tư vào lục địa này, Thực tế, đầu tư Trung Quốc còn kém xa nguồn vốn đầu tư trực tiếp hàng đầu của Anh và Pháp vào khu vực này.
Ngọc Bích