Ngày 23-8, hãng tin Al Jazeera – cơ quan truyền thông có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Đông tung loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus) cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Theo hãng tin Al Jazeera, chỉ trong vòng 3 năm 2017 – 2019, đã có gần 2.500 cá nhân từ 70 quốc gia có được quyền công dân của Síp thông qua hình thức đầu tư định cư. Các nước dẫn đầu về số người mua quốc tịch ở Cộng hoà Síp theo tài liệu của “Hồ sơ đảo Cyprus” là Nga (chiếm gần 50%), Trung Quốc, Ukraine, Lebanon, Jordan, Iran.
Việt Nam có 26 cá nhân được hồ sơ này nêu tên, trong đó Al Jazeera nêu đích danh ông Phạm Phú Quốc (Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM) và vợ là Nguyễn Phan Diệu Phương.
Cũng theo hãng tin Al Jazeera, đơn xin quốc tịch của bà Phương và ông Quốc được Bộ Nội vụ Cyprus duyệt ngày 12-12-2018. Nếu chiếu theo quy định của chương trình đầu tư định cư của Cộng hoà Síp, để được phép nộp hồ sơ xin quốc tịch, bà Nguyễn Phan Diệu Phương đã phải bắt đầu đầu tư tại Cyprus từ ít nhất… năm 2015.
Thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Cộng hoà Síp nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đáp lại những thông tin này, hôm 25-8, trả lời báo Tuổi trẻ, ông Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018 nhưng “do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông “mua” quốc tịch như thông tin từ hãng tin Al Jazeera”.
Vậy, việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Cộng hoà Síp có vi phạm pháp luật Việt Nam?
Luật Tổ chức Quốc hội và Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện hành không quy định cụ thể về quốc tịch của đại biểu Quốc hội, nhưng Điều 2 Luật Bầu cử ĐBQH lại nêu rõ “Công dân nước Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội”. Như vậy, có thể hiểu là người ứng cử ĐBQH phải là công dân Việt Nam.
Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định, Đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại biểu Quốc hội phải có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe, được nhân dân tín nhiệm, có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ gồm: Người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.
Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2020 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021) đã quy định về quốc tịch của Đại biểu Quốc hội. Theo đó, Luật đã bổ sung điểm a vào khoản 1 Điều 22 với yêu cầu Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng, dù pháp luật hiện hành không đề cập cụ thể đến quốc tịch của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội trong pháp luật hiện hành và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2020 thì việc một đại biểu Quốc hội mang 2 quốc tịch là điều khó được chấp nhận. Hơn nữa, nếu đúng như ông Phạm Phú Quốc đã trả lời báo chí về việc ông có quốc tịch Síp từ năm 2018 thì ông đã thực sự trung thực chưa khi không báo cáo việc này với Quốc hội?
Vấn đề này cụ thể như thế nào sẽ được các cơ quan chức năng của Quốc hội trả lời, nhưng có thể thấy rằng qua câu chuyện này một lần nữa vấn đề về công tác quản lý cán bộ lại đặt ra.
Việt Nguyễn