Vậy mà, một số đối tượng chống đối lại rêu rao rằng, thời kỳ cách mạng 4.0, với sự phát triển của khoa học công nghệ, Việt Nam cần phải thay đổi và từ bỏ phương châm xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, chỉ cần tập trung xây dựng một đội quân tinh nhuệ, chuyên nghiệp theo mô hình của nước ngoài hoặc liên kết với nước ngoài mới bảo vệ được độc lập, chủ quyền.
Đây thực sự là tư duy siêu hình, đánh lừa dư luận, nằm trong mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta và hướng lái dư luận theo chiều đi ngược với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Trên thế giới, bất kể quốc gia nào độc lập, có chủ quyền đều phải quan tâm, chăm lo xây dựng quốc phòng. Song, chủ trương, chính sách, quan điểm xây dựng nền quốc phòng lại không giống nhau. Đối với Việt Nam, chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân với ý nghĩa là toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng, lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý thống nhất của Nhà nước.
Chiến tranh, được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, như: Chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh phi nghĩa; chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến tranh xâm lược; chiến tranh cổ điển, chiến tranh hiện đại,… Chiến tranh nhân dân là một nghệ thuật vận dụng sức mạnh của toàn dân đánh giặc.
Thế trận chiến tranh nhân dân của Việt Nam được xây dựng trên nền tảng toàn dân có lòng yêu nước nồng nàn, có truyền thống đánh giặc kiên cường, luôn sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc; với tinh thần giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh; với tư tưởng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy; đánh giặc bằng ba mũi giáp công: chính trị, quân sự và binh vận; kết hợp giữa vũ khí hiện đại với vũ khí thô sơ; sử dụng kết hợp lực lượng bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích… mà ông, cha ta để lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Chủ nghĩa Mác – Lênin và thự#c tiễn cách mạng đã chỉ ra và chứng minh: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”, sau khi giành được chính quyền, mỗi giai cấp, nhà nước, quốc gia cần “phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chiến đấu của nhà nước”.
Để bảo vệ thành quả cách mạng, chế độ, chính quyền, đất nước luôn đòi hỏi phải có nền quốc phòng vững mạnh, có sức mạnh tổng hợp, toàn diện, trong đó có vai trò của quần chúng nhân dân và quân đội giữ vai trò nòng cốt. Vì vậy, V.I.Lênin đã khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; nhân dân là người làm nên lịch sử”.
Kế thừa, vận dụng, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam và chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đặc biệt vấn đề xây dựng quân đội và nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, mang tính chất nhân dân, của dân, do dân xây dựng nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân, nền quốc phòng gắn chặt với thế trận chiến tranh nhân dân.
Người đã chỉ rõ: “Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn” và khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, Người chỉ rõ “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…”.
Đảng ta khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”. Do đó, xuyên suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dựng nước đi đôi với giữ nước”, “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, luôn kiên định chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân qua các kỳ Đại hội Đảng.
Hiến pháp nước ta quy định “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc” và “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”.
Bài học thực tiễn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định: “dựng nước và giữ nước phải lấy dân làm gốc”, “gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đó là nền quốc phòng toàn dân. Nền quốc phòng toàn dân ấy đã khiến cho bao kẻ thù phải đại bại trước Việt Nam. Từ quân Nam Hán bị Ngô Quyền đánh bại trên sông Bạch Đằng; quân Tống bị quân dân nhà Lý đánh bại trên sông Như Nguyệt; nhà Trần 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông; Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh.
Sự phát triển của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên nền tảng quốc phòng toàn dân của Việt Nam lên đỉnh cao khi có Đảng lãnh đạo đã khiến cho thực dân Pháp và đế quốc Mỹ phải thất bại nặng nề, khiến cho những người lính được đào tạo cơ bản mắc phải hội chứng hoảng loạn, lo sợ.
Họ không hiểu được tại sao cả nước Việt Nam thành một mặt trận, mỗi người dân là một dũng sĩ, mỗi làng, xóm, thôn, bản là một pháo đài bất khả xâm phạm, bất cứ nơi nào, ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng là thế trận sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi thành lập đến nay luôn là một quân đội kiểu mới, đội quân cách mạng, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu với chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất.
Đội quân này luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu còn thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ; từ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc cho đến nhiệm vụ phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, phối hợp chặt chẽ với CAND thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Và hôm nay, các lực lượng Quân đội, Công an đang cùng toàn Đảng, toàn quân đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 được cả thế giới ngợi ca. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh quốc phòng và sức mạnh của nền quốc phòng an ninh nước ta đâu chỉ được quyết định duy nhất bởi yếu tố vũ khí, trang bị hiện đại mà nó được quyết định bởi sức mạnh của yếu tố chính trị tinh thần, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đã và đang làm thay đổi về suy nghĩ, cách sống của con người, của thế giới trên mọi bình diện. Song, sự phát triển đó chỉ là một khía cạnh, nó là sản phẩm của trí tuệ con người và do con người quyết định. Chúng ta không phủ nhận việc xây dựng một nền quốc phòng với những vũ khí hiện đại, tinh khôn.
Đảng ta xác định xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”. Song Đảng ta cũng khẳng định chủ trương “tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc” và xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.
Tình hình thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều biến động phức tạp, khó lường. Sự đối lập của ý thức hệ luôn song hành với âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam từ các thế lực thù địch là tất yếu. Với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở thực tiễn và truyền thống dân tộc thì quan điểm về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân vẫn luôn là chân lý không thể bác bỏ.
Đại tá Lê Hồng Quyền (CAND)