Monday, December 9, 2024

Những phụ nữ Vân Kiều U50 ngày lên rẫy, tối cắp sách đến trường

Nhiều tháng nay, lớp xóa mù chữ được trường Tiểu học và THCS Hướng Linh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) mở ra đã thu hút nhiều phụ huynh theo học. Việc nhà trường mở lớp dạy học cho các đối tượng lớn tuổi đã tạo nên phong trào học tập sôi nổi trong cộng đồng Vân Kiều vùng rẻo cao.

Đa số người dân bấy lâu ít làm quen với con chữ, thậm chí một số không biết chữ, nhưng nay nhờ được đến lớp học mà các phụ huynh biết đọc chữ, viết được nên tỏ ra rất hào hứng.

Trước đây, các chị em thường rời rẫy về nhà lúc 18-19h, lúc vào vụ thì về muộn hơn. Nhưng khi lớp học được mở ra, chị em đều hăng hái thu xếp công việc để không bị bỏ lỡ buổi học nào.

Để kịp thời gian đến lớp học, các chị em đi rẫy về rồi chuẩn bị cơm nước cho chồng và con. Sau đó, đến lượt mình sửa soạn để đi học. Tầm 16h chiều, chị em trong xóm đã gọi nhau tập trung đến lớp học.

Từ khi có lớp dạy chữ, chị Hồ Thị Hồng (35 tuổi, trú tại xã Hướng Linh) cố gắng thu xếp công việc gia đình để đi học. Chị Hồng chia sẻ: “Mình thích học nên gắng xong việc rẫy để về nhà sớm”.

Hôm nào về muộn, chị Hồng cũng gắng đến lớp, không vắng buổi nào trong tuần.

Chị Hồng kể, ngày trước gia đình vất vả, nghèo khó, phải chăm em nên không được đi học.

Những phụ nữ Vân Kiều U50 ngày lên rẫy, tối cắp sách đến trường

Tương tự, bà Hồ Thị Hoa (60 tuổi), là thành viên lớn tuổi nhất lớp học tại bản Mới. Sau 3 tháng tham gia lớp học, bà Hoa đã có thể đọc rõ chữ, viết nắn nót.

Bà Hoa kể, thời trước gia đình khó khăn, 15 tuổi được tham gia mẫu giáo được mấy buổi học rồi phải nghỉ để lao động. Năm 18 tuổi, người phụ nữ này lập gia đình, đến nay có 7 người con và 15 đứa cháu nội ngoại.

Bà Hoa nói về thành quả sau những buổi tối đến lớp: “Mẹ mới biết chữ sơ sơ, mới ba tháng học, chưa biết được nhiều”.

Các học viên tại lớp học xoá mù chữ ở bản Mới (xã Hướng Linh) đều là phụ nữ Vân Kiều, độ tuổi từ 35 đến 60. Lớp tập trung từ 16h30 đến 17h mỗi tối trong tuần, kết thúc lúc 19h, do 2 giáo viên phụ trách cùng lúc. Các học viên được phát sách vở, bút và tài liệu học tập.

Để vận động học viên đến lớp, các giáo viên về từng nhà, lên tận rẫy để mời người dân đi học. Ban đầu, nhà trường vận động được 27 học viên, nhiều người đến lớp vì tò mò. Thấy con chữ khó vào trong đầu, nhiều người bỏ học, khiến các giáo viên phải tích cực tuyên truyền. Sau này, nhiều người đọc được chữ, thích đi học nên sĩ số hiện tăng lên 45 học viên.

Thầy Trương Quang Tiến, giáo viên đứng lớp xóa mù chữ ở điểm trường thôn Cu Vơ nói, lúc mới mở lớp, người dân đến đông nhưng sau lại thưa dần, giáo viên phải đi vận động trở lại.

Dạy chữ cho người cao tuổi, có hoàn cảnh gia đình khác nhau nên việc dạy phải rất linh hoạt. Sự chênh lệch độ tuổi khiến thầy cô khó khăn để truyền thụ kiến thức.

Thầy Tiến cho hay: “Người học cần gì thì chúng tôi đáp ứng cái đó. Có người muốn viết, có người muốn đọc, làm toán. Bất cứ gì thì chúng tôi đều cố gắng đáp ứng, trong lớp này không có phương pháp cố định mà tuỳ từng bài học, sở thích người học, khả năng tiếp thu của học viên mà chúng tôi truyền đạt kiến thức phù hợp”.

Thầy giáo Lê Minh Quốc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Linh cho hay, lớp học xóa mù chữ tại bản Mới được khai giảng vào tháng 7/2019, theo kế hoạch xóa mù chữ của huyện Hướng Hóa. Ngoài bản Mới, 2 lớp xóa mù chữ cũng được mở tại 2 thôn khác là Cu Vơ và Coóc.

Thầy Quốc cho hay, việc vận động và duy trì sĩ số học viên là khó khăn nhất mà nhà trường gặp phải.

Thầy Quốc nói: “Đến nay, đa số học viên đọc được viết được, so với ngày đầu là mù chữ hoàn toàn”.

Các lớp học dự kiến kết thúc vào tháng 12/2019, học viên hoàn thành chương trình giáo dục xóa mù chữ cấp độ 1, tương đương học sinh lớp 1 đến 3.

Sau khi kết thúc chương trình, Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Hướng Hóa có kiểm tra rồi đưa người học ra khỏi danh sách mù chữ. Xã này hiện có 90 người mù chữ cấp độ 1, chiếm tỷ lệ 6,61%.

Đăng Đức

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG