Wednesday, December 11, 2024

“Bụi do khí thải phương tiện giao thông gây ra các bệnh như hút thuốc lá”

“Khi chúng ta đi ngoài đường thì bụi mà chúng ta hít vào trong cơ thể nguy hiểm hơn bụi ở trong nhà nhiều bởi vì thành phần bụi ngoài đường chủ yếu do khí thải của các phương tiện giao thông là các chất đốt cháy không hoàn toàn. Nó gây ra những căn bệnh tai hại không khác gì hút thuốc lá”, GS, TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường nói.

Ngày 04/11/2019, tại Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương giao Đoàn thanh niên Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm “Ô nhiễm không khí và hành động của Tuổi trẻ”.

Tham gia trao đổi tại Tọa đàm có các chuyên gia: PGS, TS Bùi Thị An, Viện trưởng Tài Nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII; PGS, TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường; PGS, TS Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; cùng với các cán bộ trẻ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn Hà Nội.

Từ trái qua phải ảnh: ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường; bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; bà Bùi Thị An, Viện trưởng Tài Nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng.

Buổi Toạ đàm mở đầu bằng số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) rằng từ giữa tháng 9/2019 đến nay, chất lượng không khí tại Hà Nội luôn ở mức thấp, liên tục có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép, tăng mạnh so với các tháng trước và so với cùng kỳ các năm từ 2015 – 2018.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã trở thành vấn đề môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe và xã hội của người dân Thủ đô. Thực trạng này cũng diễn ra tương tự ở các đô thị lớn của nước ta. Vấn đề nghiêm trọng này thu hút sự quan tâm to lớn của chính quyền từ trung ương đến địa phương cũng như dư luận xã hội.

Để người dân mà nhất là những công dân trẻ tuổi hiểu rõ về vấn đề này, các chuyên gia đã đi sâu phân tích cụ thể về thực trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nay; những tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng và biện pháp bảo vệ.

Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Tài Nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tổng thể do rất nhiều nguồn, trước hết là đô thị hóa và công nghiệp hóa tốc độ nhanh chóng dẫn đến các nhà máy, cơ sở sản xuất, vận chuyển vật liệu không được quy hoạch đúng nơi đúng chỗ, các công trình xây dựng không được che chắn đúng chuẩn, nhà máy nhiệt điện than ô nhiễm rất nặng nề…

Bên cạnh đó, hoạt động nông nghiệp cũng gây ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ gây khói bụi. Hoạt động dân sinh như giao thông công cộng hàng ngày cũng đưa khí thải ra môi trường… Bà An cho rằng để truy tìm nguyên nhân tận gốc cần phải có sự nghiên cứu chuyên sâu của nhiều cơ quan hữu quan.

Bên cạnh đó, diễn giả trong lĩnh vực xã hội học cũng cung cấp những kỹ năng cho các bạn trẻ đề kháng với tình trạng nhiễu thông tin gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Đặc biệt, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tuổi trẻ cần hành động cùng với việc ứng dụng những giải pháp của khoa học công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường ngay lập tức và thường xuyên.

Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho rằng: “Bụi do khí thải phương tiện giao thông gây ra các bệnh như hút thuốc lá”.

Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường nói rằng bụi mịn chỉ là một trong các yếu tố khiến ô nhiễm, ảnh hưởng sức khoẻ vì bụi mịn cản trở đường hô hấp.

Ông Hải đơn cử rằng chỉ cần so sánh số lượng bệnh nhân nhập viện vì vấn đề hô hấp trong khoảng thời gian ô nhiễm tăng cao thì sẽ thấy mối liên quan.

Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường khẳng định bụi luôn hiện hữu trong không khí, nhưng mức độ là bao nhiêu mà thôi.

Ông Hải nói: “Bất kể chúng ta làm gì cũng tạo ra bụi. Tôi lấy ví dụ ngoài đường thì bụi khí thải phương tiện, còn trong nhà như ngay tại hội trường này thì bụi cho các hoạt động của con người như đi lại, di chuyển đồ vật… Bụi ảnh hưởng tới sức khoẻ theo các mức độ khác nhau. do các thành phần có trong bụi.

Khi chúng ta đi ngoài đường thì bụi mà chúng ta hít vào trong cơ thể nguy hiểm hơn bụi ở trong nhà nhiều bởi vì thành phần bụi ngoài đường chủ yếu do khí thải của các phương tiện giao thông là các chất đốt cháy không hoàn toàn. Nó gây ra những căn bệnh tai hại không khác gì hút thuốc lá”.

Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cung cấp thông tin rằng Viện này đã thực hiện khảo sát nhanh cho thấy trong vòng 12 tháng trở lại đây, người dân vẫn quan tâm tới vấn đề ô nhiễm không khí nhưng khi phương tiện thông tin đại chúng đăng tải dày đặc thông tin về vấn đề này thì lượng tìm kiếm với từ khoá “ô nhiễm không khí” tăng đột biến.

Lượng tìm kiếm cao nhất là tại Hà Nội, sau đó đến Ninh Bình và thứ 3 mới là TP HCM. Các từ khóa: phần mềm đo ô nhiễm không khí, ứng dụng đo ô nhiễm không khí, thiết bị lọc không khí… cũng đồng thời tăng cao ở mức độ chóng mặt.

Bà Ngọc và bà An cùng đồng ý rằng cơ quan chức năng phải sát sao thông tin. Khi người dân quan tâm tới vấn đề ô nhiễm không khí và có những thông tin nhiễu loạn thì cơ quan nhà nước phải đưa ra thông tin chính xác và nhanh chóng, đồng thời có những biện pháp cụ thể để bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân.

Buổi Tọa đàm “Ô nhiễm không khí và hành động của Tuổi trẻ” là hoạt động nhằm thiết thực hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”; với mong muốn tạo ra một không gian để người tham dự có thể chia sẻ về các ý kiến và kỳ vọng đóng góp tiếng nói, hành động của mình, hướng tới một bầu không khí trong lành và một thành phố đáng sống.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG