Friday, November 22, 2024

Thần tượng lệch lạc và những “đứt gãy văn hóa”

Bây giờ, mạng xã hội Youtube đang được xem là “mỏ vàng” cho những nhà sản xuất nội dung, nhưng với khán giả, đôi khi nó lại là “con dao hai lưỡi”. Hãy thử nhìn con số hàng triệu, hàng chục nghìn lượt truy cập vào các video có nội dung “sốc”, sến, hài nhảm, nó cho thấy mức độ siêu hấp dẫn của những thứ “tào lao” với công chúng, đặc biệt là giới trẻ…

Thần tượng lệch lạc và những

Giới trẻ xem gì trên Youtube?

Theo kết quả tìm kiếm những nội dung “thống trị” về lượt xem trên Youtube tại Việt Nam từ Social Blade – một trang web xếp hạng các trang mạng xã hội bao gồm Youtube, Twitch, Instagram, Twitter – thì những video có nội dung hài nhảm, sốc, bạo lực, sex… luôn đứng ở “top” đầu.

Ví dụ một kênh Youtube có tên tài khoản là Khá Bảnh đã trở nên rất nổi trong 3-4 tháng gần đây với hơn 2 triệu lượt theo dõi, gần 400 triệu lượt truy cập và đã nhận “nút vàng” trong năm 2018, dù trước đó không lâu, nhân vật này chỉ có vài chục nghìn lượt theo dõi. Đây là con số mơ ước với bất cứ người nổi tiếng nào khi sử dụng mạng xã hội. Không chỉ vậy, số tiền mà nhân vật này thu được từ Youtube lên tới con số 20.000 USD/tháng đã gây “choáng” với nhiều người.

Nội dung các video mà kênh Youtube của Khá Bảnh thể hiện là cảnh đốt xe, chửi bới, dừng đỗ phương tiện trên đường cao tốc rồi chụp ảnh, hoặc thể hiện những điệu nhảy ở bar, sàn (mà giới trẻ gọi là “múa quạt”) đã thực sự gây “bão”. “Kênh của Khá Bảnh gây tò mò cho em. Ngày trước em chỉ gặp những chuyện “tình anh em xã hội” qua đọc truyện, bây giờ còn được xem video nữa” – Trương Quang Đức, một học sinh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết.

Giống như Khá Bảnh, một kênh Youtube khác được giới trẻ coi là “hiện tượng” có tên là V.L cũng không kém phần “hấp dẫn”. Nội dung kênh này đề cập đến cuộc sống ăn chơi xa đọa của giới giang hồ với lời lẽ tục tĩu, hành động bạo lực. Thế nhưng kênh này lại có lượt theo dõi lên tới hơn 5,4 triệu và lượt truy cập là hơn 1,1 tỷ – một con số khủng khiếp.

Trên kênh “hot” Youtube khác như NTN thì lại có nhiều video dành cho thiếu nhi hướng dẫn cách nuôi búp bê Kumathong. Ở đó, người nuôi đóng vai các thành viên trong gia đình và thể hiện nhiều tình huống có hành động bạo lực, thử thách, khi đổ tất cả mọi thứ lên đầu búp bê, thậm chí còn cho búp bê tắm cả… mỳ tôm. “Xét về góc độ tâm lý thì việc thần tượng của các bạn trẻ là một xu hướng phát triển tâm sinh lý bình thường. Các bạn ấy tìm được những mong đợi, lý tưởng mà mình mong muốn từ trước ở những người đó mà chưa quan tâm tới nội dung đúng – sai” – bà Trần Hà Thu, giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho biết.

Mạng ảo, hệ quả thật

Việc thần tượng một ai đó là nhu cầu chính đáng của con người. Ở độ tuổi thiếu niên, các em có nhu cầu cao khẳng định giá trị bản thân của mình. Tuy nhiên, mỗi người lại chọn cách thần tượng khác nhau. “Sống trong môi trường toàn cái tốt nên đôi khi nhiều bạn trẻ sẽ chọn sự khác biệt là đi ngược lại cái tốt đó. Đó là một lựa chọn dễ dàng hơn so với lựa chọn phải cố gắng rất nhiều để tạo “khác biệt tốt” mới hơn” – bà Trần Hà Thu chia sẻ.

Cũng theo bà Trần Hà Thu, nhiều bạn trẻ gặp phải những tổn thương về mặt tâm lý, nhưng lại khó tìm được niềm an ủi trong cuộc sống nên họ có xu hướng tìm kiếm bất cứ thứ gì để có thể khỏa lấp tổn thương ấy. Trong khi đó, những nội dung Youtube nhảm nhí như Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền lại hàng ngày hàng giờ “tấn công” họ nên dần dần họ trở nên thỏa hiệp và cuối cùng là chấp nhận nó.

Thực tế có nhiều gia đình từng rất bàng hoàng và không hiểu vì sao con em mình lại a dua theo những lời nói tục tĩu, hành động bạo lực. Mới đây, tại Quảng Bình, Lê Văn Hải (sinh năm 2001) học theo cách phá khóa trên Youtube để thực hiện hành vi ăn trộm.

Xét về mặt văn hóa – xã hội thì rõ ràng thực tế cho thấy không phải bạn trẻ nào cũng xây dựng được cho mình vốn nhận thức về cái đúng, cái sai, sự chuẩn mực hoặc thiếu chuẩn mực, cũng như kỹ năng sàng lọc thần tượng mà mình cần theo đuổi. Và trong môi trường Internet bùng nổ như hiện nay, giới trẻ dễ bị “tẩu hỏa nhập ma” bởi các nội dung được tiếp nhận một cách xô bồ mà không cần phân biệt tốt – xấu. Chưa kể, nhiều em nếu không giống chúng bạn đang theo trào lưu kia thì sẽ cảm thấy lạc lõng, cô lập.

Cuộc sống của các bạn trẻ hiện nay rất đơn giản, có khi họ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh để ngồi trong bốn bức tường. Trong khi đó, mối liên kết với gia đình và xã hội lỏng lẻo, thậm chí là xuất hiện các “đứt gãy” về văn hóa. “Hậu quả là đã có lỗ hổng rất lớn về văn hóa ở giới trẻ nên những cái hay, cái đẹp của cha ông thì quay lưng, nhưng cái lai căng, nhất thời thì lại thích” – bà Trần Hà Thu chia sẻ.

Cần chuẩn mực để lựa chọn thần tượng

Trẻ em là đối tượng vô cùng nhạy cảm, nếu không được quan tâm đúng mực và nghiêm túc thì sẽ có nhiều hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Thực tế là sự phát triển của xã hội đã khiến một vài chuẩn mực thay đổi, nhưng những thay đổi đó lại không có sự định hướng, điều này khiến các bạn trẻ dễ “chết chìm” trong luồng “di cư” của văn hóa.

Xét về khía cạnh tích cực thì những thần tượng giúp cho các bạn cân bằng được tâm lý, thỏa mãn nhu cầu phát triển của lứa tuổi. Qua thần tượng, các bạn trẻ cảm thấy bản sắc của mình đang được xây dựng, đồng nhất hóa với một người nổi tiếng để có một giá trị trong xã hội. Tuy nhiên, hậu quả của việc thần tượng một cách lệch lạc, đi ngược với pháp luật và đạo đức thì lại là vấn đề nghiêm trọng.

Từ việc thần tượng sẽ dẫn đến việc bắt chước. Đầu tiên là cách ăn mặc (quần áo, xăm trổ, tóc tai…), nói năng (chửi tục) tiếp đến nữa sẽ là bắt chước về hành vi (hút thuốc, làm những hành động khác người để gây chú ý, học cách kiếm tiền bằng những việc làm trái pháp luật…). Tất cả những việc này đều dẫn các bạn trẻ đến những nguy cơ làm hỏng tương lai của chính mình. Đến lúc đó, phạm vi ảnh hưởng không còn dừng lại ở mức độ cá nhân.

Hậu quả nhãn tiền việc thần tượng một cách mù quáng đang lộ rõ trong xã hội hiện nay. Giới trẻ cần nhận được sự quan tâm đúng mức và những giải pháp hữu hiệu từ các ngành chức năng (văn hóa, giáo dục, thông tin) trong việc giáo dục cũng như trang bị cho giới trẻ những nhận thức, chuẩn mực đúng để lựa chọn thần tượng. Cha mẹ đừng bao giờ cấm mà hãy đồng hành cùng con để nắm bắt và định hướng tư tưởng, trong đó bố mẹ còn phải làm gương cho con cái”.

Thạc sỹ Trần Hà Thu – Giảng viên Khoa Tâm lý học (Đại học KHXH&NV)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG