Friday, November 22, 2024

Nhân vụ “Nụ hôn 200K”, Hate Change và Luật khoa Tạp chí xách đũa lao vào mâm cỗ nữ quyền

Trong thời gian gần đây, ở Việt Nam đã xảy ra một số vụ quấy rối tình dục mà dư luận cho là được giải quyết không thỏa đáng. Cụ thể, sau khi “cưỡng hôn, sàm sỡ” một nữ sinh trong thang máy chung cư Golden Palm (Hà Nội) vào ngày 04/03/2019, đối tượng Đỗ Mạnh Hùng chỉ bị phạt hành chính 200 nghìn VNĐ, do “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, căn cứ vào Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Sau khi thầy giáo Dương Trọng M. ở trường tiểu học Tiên Sơn (Bắc Giang) thừa nhận rằng đã có hành vi “sờ nắn, bóp…” vào vùng nhạy cảm của 14 học sinh nữ lớp 5, khiến báo chí phản ánh vào ngày 04/03, cảnh sát điều tra cho rằng không có đủ chứng cứ để khép ông M. vào tội dâm ô, do ông “chỉ véo tai, véo mũi, sờ mông, sờ đùi” học sinh, và trên cơ thể học sinh không có dấu hiệu bị xâm hại.

Sau khi đối tượng Nguyễn Trọng Trình hiếp dâm bé gái 9 tuổi trong một vườn chuối ở Hà Nội vào ngày 24/02, khiến nạn nhân bị chảy máu vùng kín, gẫy răng hàm, rạn xương tay, công an huyện Chương Mỹ cho Trình tại ngoại trong quá trình điều tra với lý do “phạm tội không nghiêm trọng”, và Trình chỉ bị khởi tố, bắt tạm giam vì cáo buộc “Hiếp dâm” khi dư luận phản đối.

Trong suốt tháng 3, nhiều báo chính thống và dư luận mạng xã hội đã đồng loạt bình luận rằng thủ phạm trong các vụ việc vừa nêu đã bị xử lý một cách không thỏa đáng. Trong dư luận phi chính thống, sóng truyền thông này được tiếp sức bởi các hoạt động cổ vũ nữ quyền trong ngày 08/03. Nhân đó, giới NGO và giới chống đối đã liên tục khai thác các vụ việc để tuyên truyền, chủ yếu theo 2 hướng khác nhau.

Nhân vụ

Trong hướng thứ nhất, họ tuyên truyền rằng cơ quan điều tra đã cố tình bao che cho đối tượng do quen biết hoặc nhận hối lộ, dù họ không đưa ra được bằng chứng để chứng minh chuyện này. Chẳng hạn, Trịnh Chu viết trên Luật khoa Tạp chí rằng công an đã “diễn giải sai lệch về hành vi rồi sau đó đi đến kết luận sai bản chất vụ việc”, “nhằm tránh truy cứu trách nhiệm hình sự cho đối tượng”, tương tự như trong vụ “cảnh sát hình sự ‘gạt tay trúng má’ phóng viên”. Trong những ngày đầu, khi báo chí chưa công bố danh tính của thủ phạm trong vụ “cưỡng hôn”, nhiều cá nhân chống đối còn tung tin đồn sai sự thật rằng thủ phạm là cháu của Thiếu tướng Công an Đỗ Hữu Ca, và là cận vệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trong hướng thứ hai, họ thừa nhận rằng vì Bộ luật Hình sự Việt Nam chưa quy định tội “quấy rối tình dục”, mà hành vi của đối tượng Đỗ Mạnh Hùng lại không đủ để cấu thành tội “hiếp dâm”, việc Hùng bị xử phạt hành chính 200 nghìn VNĐ là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng hình phạt này không hợp tình hợp lý, và vụ việc cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam còn nhiều thiếu sót trong việc quy định các tội danh về quấy rối tình dục. Đại diện tiêu biểu của hướng tuyên truyền này là Nguyễn Trang Nhung và giới NGO.

Đến tuần thứ 3 của tháng 3, một số tổ chức trong giới NGO và giới chống đối bắt đầu phát động các phong trào đòi sửa luật, nhằm lấp kẽ hở để lọt các vụ quấy rối tình dục.

Cụ thể, ngày 20/03, Trần Phương (nhóm Luật khoa Tạp chí) kêu gọi cộng đồng kể “những câu chuyện về quấy rối và tấn công tình dục”, thay vì tiếp tục “im lặng”, để tạo dư luận khiến “pháp luật phải thay đổi”. Đáp lại lời kêu gọi của Luật khoa Tạp chí, một số độc giả đã gửi cho họ câu chuyện về các vụ “quấy rối tình dục” xảy ra với họ hoặc người quen. Nhìn chung, phong trào mà Luật khoa Tạp chí định phát động là một bản sao của phong trào #MeToo, xuất hiện ở phương Tây từ năm 2017.

Ngày 19/03, 14 tổ chức – bao gồm 12 NGO và 2 nhóm chống đối – đã cùng soạn “Kiến nghị bổ sung và điều chỉnh một số quy định của pháp luật nhằm phòng chống một cách hiệu quả quấy rối & bạo lực tình dục”, và phát động phong trào “Không bây giờ thì bao giờ?” để kêu gọi cộng đồng ký tên. Kiến nghị này xoay quanh 3 điểm chính.

Thứ nhất, họ đề nghị sửa Bộ luật Hình sự, để thêm tội danh mới về quấy rối tình dục – bao gồm cả quấy rối thể chất lẫn quấy rối qua giao tiếp, thông tin.

Thứ hai, họ đề nghị sửa Bộ luật Dân sự, để bổ sung các quy định về bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bị quấy rối tình dục.

Thứ ba, họ đề nghị rà soát, sửa đổi và giải thích rõ các điều luật liên quan đến hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, sao cho việc áp dụng và thực thi pháp luật trong thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất, gần với công lý nhất.

Sau khoảng 1 tuần, kiến nghị của họ đã có hơn 4000 chữ ký.

Trong 14 tổ chức cùng kêu gọi ký tên vào kiến nghị, có 2 nhóm chống đối là Hate Change và SaveNET. Trong thực tế, SaveNET chỉ là một group Facebook do nhóm Hate Change lập ra, nhằm phục vụ phong trào phản đối Luật An ninh Mạng do họ phát động.

Sau khi quan sát, tôi cho rằng toàn bộ phong trào này do Hate Change phát động, các nhóm còn lại chỉ hưởng ứng, vì 4 lý do.

Thứ nhất, bản kiến nghị do Nguyệt Hà (thành viên Hate Change) đăng lên trang Change.org.

Thứ hai, tranh minh họa của bản kiến nghị có nét vẽ giống với các tranh của Hate Change.

Thứ ba, từ ngày 19/03 đến nay, Hate Change liên tục kêu gọi cộng đồng ký tên vào kiến nghị. Song song với đó, họ cũng tổ chức một chuỗi các hoạt động liên quan – như tạo khung avatar trên Facebook để quảng bá phong trào, tuyển cộng tác viên làm video quảng bá phong trào, và làm một talkshow về bản kiến nghị.

Thứ tư, các NGO đồng ký tên vào kiến nghị hầu như không có hoạt động để quảng bá phong trào này như Hate Change đang làm. Nhiều nhóm, bao gồm cả Human Rights Space và iSEE, thậm chí còn không nhắc đến phong trào trên fanpage và website của họ.

Vì Luật khoa Tạp chí và Hate Change có chung một số nhân sự quan trọng, 2 phong trào mà họ đồng loạt phát động có thể liên quan đến nhau.

Hai phong trào vừa nêu diễn ra cùng thời điểm với phong trào “bãi khóa chống biến đổi khí hậu” ở nước ngoài, phong trào “đánh BOT” và “nhặt rác trên sông” ở trong nước. Như vậy, các phong trào xoay quanh vấn đề dân sinh thiết thực, nhưng chịu ảnh hưởng bởi những tổ chức có động cơ chính trị xa hơn, có thể đang tạo thành một xu hướng mới.

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.

Thứ nhất, chúng tôi đồng ý với quan điểm của Nguyễn Trang Nhung và giới NGO. Theo đó, vì Bộ luật Hình sự Việt Nam chưa quy định tội “quấy rối tình dục”, mà hành vi của đối tượng Đỗ Mạnh Hùng lại không đủ để cấu thành tội “hiếp dâm”, việc Hùng bị xử phạt hành chính 200 nghìn VNĐ là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, dư luận nên quan sát vụ việc một cách lý tính và thận trọng, thay vì vội công kích Nhà nước vì đã không truy tố Đỗ Mạnh Hùng. Ngoài ra, việc tung tin đồn sai sự thật về thân thế của Đỗ Mạnh Hùng, nhằm công kích các quan chức Nhà nước vô can, là điều không thể chấp nhận.

Thứ hai, chúng tôi cho rằng quan điểm của một phần dư luận – rằng Nhà nước nên cải thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục một cách hiệu quả hơn – là một quan điểm đáng lắng nghe và có sức nặng.

Thứ ba, những điểm vừa nêu sẽ không che khuất được một sự thật, rằng trong vụ này, nhóm Hate Change đang cùng lúc nhắm đến 2 cái đích khác nhau. Một mặt, họ muốn thay đổi luật để ngăn chặn các vụ quấy rối, xâm hại tình dục, tương tự những nhóm hoạt động cùng xu hướng. Mặt khác, họ muốn tận dụng cơ hội này để trở thành nhóm đi đầu trong phong trào đòi sửa luật, để được công khai hiện diện trong các sinh hoạt chính trị – xã hội ở trong nước, dù họ đang ở nước ngoài. Hai khẩu hiệu mà họ chọn – “Không phải bây giờ thì bao giờ?”, “Chúng ta không lên tiếng thì ai lên tiếng?” – thể hiện rõ tâm lý nóng vội và ý nghĩ rằng mình đang làm người tiên phong. Tiếc thay, “muốn nhanh thì phải từ từ”, việc nhóm Hate Change xách đũa lao vào mâm cỗ nữ quyền với mục đích riêng có thể khiến nhiều lực lượng trong xã hội dị nghị, và khiến phong trào chính đáng mà họ định tham gia có khả năng gặp thêm trở ngại.

Loa Phường

 

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG