Trong những ngày qua, mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt trang fanpage đăng tải thông tin tặng xe miễn phí, kéo theo đó là hàng chục ngàn lượt người vào like, chia sẻ.
Cụ thể, trang “Vinfast VN” đăng tải status: “Chương trình ra mắt xe Vinfast của người Việt được sự đón nhận của đông đảo khách hàng. Tập đoàn Vingroup thực hiện chương trình tri ân khách hàng tặng thưởng. Hãy cùng like và share để ủng hộ sản phẩm của người Việt…”. Theo đó, người dùng chỉ cần nhấn nút like (thích) fanpage, bình luận (comment) màu sắc yêu thích, cuối cùng là chia sẻ (share) công khai trên Facebook cá nhân. Đơn vị tổ chức cam kết sẽ quay số lựa chọn ngẫu nhiên khách hàng để liên lạc trao giải.
Một trang fapage giả mạo Vinfast
Tìm hiểu vấn đề trên, chúng tôi thấy rằng đây không phải là câu chuyện mới mà nó đã tồn tài từ rất lâu trước đây, và rất nhiều trang fanpage như “Toyota Việt Nam”, “Honda Việt Nam”, “Chevrolet”, “Mitsubishi”… đăng tải nhiều thông tin tương tự về chương trình khuyến mãi đặc biệt, kêu gọi mọi người bình luận để chọn màu sắc xe kèm số điện thoại, sau đó bấm like và chia sẻ trang công khai để có cơ hội trúng thưởng. Để củng cố niềm tin, các trang fanpage này còn đăng danh sách tên một số người được cho là đã trúng giải. Song thực chất, đây chỉ là chiêu trò câu like, câu view của một số đối tượng mằm mục đích trục lợi.
Điều đáng nói là, mặc dù thủ đoạn lừa đảo này không phải là mới song do nhẹ dạ, cả tin, hoa mắt trước “bánh vẽ” không ít người vẫn dễ dàng sập bẫy.
Nhiều người dùng mạng xã hội nhẹ dạ đã sập bẫy
Liên hệ với các hãng xe ô tô tại Việt Nam, tất cả đều khẳng định những thông tin đó là giả mạo trên fanpage, trang web giả mạo của hãng. Thực tế, đây là chiêu trò của một số đối tượng đã tạo trang, lôi kéo người dùng thích bằng các chiêu trò trúng thưởng hấp dẫn, sau đó dùng nó cho mục đích quảng cáo hoặc mua bán. Ngoài ra, những cá nhân này còn thu thập thông tin cá nhân, số điện thoại hay email của người dùng, sau đó đem bán lại nhằm thu lợi bất chính. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp kẻ xấu còn lợi dụng để đăng những liên kết kèm virus hoặc liên lết đến những website đánh cắp dữ liệu. Do đó, người dùng cần xem xét kỹ một trang cá nhân hoặc fanpage trên Facebook trước khi quyết định chia sẻ thông tin.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc mạo danh tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hành chính (hành vi giả mạo trên facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng – Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện); thậm chí nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015 theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng – 3 năm.
Người dùng mạng xã hội cần cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo này nhằm bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm trên mạng xã hội.
Trung Sơn