Saturday, November 23, 2024

Dân chủ và đặc khu

Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang được thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đồng thời cũng thu hút sự quan tâm lớn của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều.

Nhưng những ý kiến tranh luận gay gắt lại là điều đáng mừng cho tính dân chủ và sự quan tâm của người dân đối với các vấn đề lớn của đất nước.

Dân chủ và đặc khu

Một trong những điểm “nóng” tạo ra nhiều ý kiến nhất là nội dung được cho thuê đất đến 99 năm trong khu hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi theo cách dân dã là đặc khu). Điều này dẫn đến những lo ngại về an ninh quốc phòng bởi các đặc khu đều nằm ở những vị trí trọng yếu, thậm chí có ý kiến còn “đi xa” đến mức gắn với yếu tố nước láng giềng Trung Quốc.

Bên hành lang Quốc hội, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trả lời báo chí rất thẳng thắn: “Trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc không có một chữ nào về Trung Quốc. Chỉ có điều họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên nhằm chia rẽ quan hệ giữa ta với Trung Quốc. Còn Luật quy định bình đẳng trong một môi trường chung, với tất cả thành phần kinh tế và với tất cả các nước. Môi trường hội nhập quốc tế của ta đang mở nên bình đẳng, không hạn chế người này người khác. Không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền, ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe”.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Trong thiết kế Luật không hề có chủ đích đánh đổi quốc phòng an ninh lấy phát triển kinh tế. Nguyên tắc số 1 khi xây dựng dự án Luật này là không được cao hơn Hiến pháp, ảnh hưởng tới Hiến pháp và không ảnh hưởng tới 4 yếu tố: quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường và người dân. Đối với các dự án đầu tư vào các đặc khu phải nằm trong quy hoạch, quy hoạch đó không được xâm hại tới an ninh quốc gia, môi trường, người dân và chủ quyền. Dự án phải đi theo quy hoạch, có mục tiêu và chúng ta quản lý theo quy hoạch, mục tiêu. Nếu sai quy hoạch thì chắc chắn dự án đó sẽ không được cấp phép, thông qua”.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng trả lời báo giới bên lề Quốc hội rằng: Thủ tướng đã nhận được nhiều tin nhắn, thư, điện thoại của các trí thức, chuyên gia về vấn đề cho thuê đất 99 năm và khẳng định sẵn sàng lắng nghe với ý thức trách nhiệm đối với những ý kiến góp ý của trí thức, chuyên gia, nhân dân và đặc biệt là đại biểu Quốc hội về nội dung này. Thủ tướng nêu rõ thời hạn cho thuê đất 99 năm được quy định trong những trường hợp cá biệt và sẽ được Thủ tướng xem xét sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách thu hút để có môi trường đầu tư, kinh doanh tốt.

Thủ tướng cho biết việc thành lập các đặc khu kinh tế đã thành công ở nhiều nước trên thế giới. Việt Nam thực hiện chậm hơn so với nhiều nước. Dự án Luật đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp này. Chắn chắn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân tích các ý kiến góp ý, Quốc hội sẽ xem xét, cân nhắc nhiều mặt trước khi thông qua. Thẩm quyền cuối cùng thuộc về Quốc hội. Và cuối cùng, việc thành lập các đặc khu kinh tế phải thực hiện đúng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế.

Như vậy là người đứng đầu Chính phủ và “tư lệnh ngành” đều bày tỏ rất trân trọng mọi ý kiến đóng góp và có những giải đáp về lo ngại của cử tri về những điểm “nóng” trong dự án Luật. Và quy trình xây dựng luật sẽ có tiếp thu ý kiến đóng góp, giải trình, chỉnh sửa… để đảm bảo một đạo luật được thông qua là kết tinh trí tuệ của tập thể Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí của nhân dân.

Tuy nhiên điều đáng nói là bên cạnh những ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng, có lập luận lô gic, khoa học thì cũng có những ý kiến “cố tình xuyên tạc” như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói ở trên. Nhờ sự phát triển của mạng xã hội nên những ý kiến theo kiểu “thày bói xem voi”, “a dua” cũng lại có cơ hội lan truyền gây hiệu ứng dư luận xấu mà nếu đặt giả thuyết Ban soạn thảo có tiếp thu thì đúng là thảm họa “đẽo cày giữa đường”. Các cơ quan báo chí khi đưa tin cũng cần bình tĩnh, thể hiện bản lĩnh trước sự dẫn dắt của mạng xã hội, tránh cắt cúp, rút tít kiểu giật gân câu khách dẫn đến hiểu sai những ý kiến đóng góp.

Bởi vậy, yêu cầu của một nền dân chủ là trước những vấn đề chung của đất nước, hãy là người đóng góp có trách nhiệm, bản lĩnh và trí tuệ.

Trần Ngọc Tú

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG