Tổng mức đầu tư 2 tuyến metro TPHCM sẽ được điều chỉnh tăng hàng tỷ USD, trong đó tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên tăng gần 30.000 tỷ đồng (1,36 tỷ USD), tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương tăng 798,71 triệu USD.
Dù việc tăng vốn là phù hợp, cần thiết bởi các dự án này đã được phê duyệt đầu tư cách đây chục năm. Vấn đề là vì sao trên cùng địa bàn, suất đầu tư các dự án metro chênh nhau cả chục triệu USD/km?
Suất đầu tư cao hơn nhiều nước
Kết quả thẩm định việc điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 tuyến metro được Bộ Giao thông – Vận tải (GT-VT) trình Thủ tướng, ghi nhận suất đầu tư tuyến metro số 1 là 96,96 triệu USD/km, tuyến metro số 2 là 135,1 triệu USD/km. Như vậy, suất đầu tư 1km tuyến metro số 2 cao hơn tuyến metro số 1 khoảng 38,14 triệu USD.
So sánh suất đầu tư của 2 tuyến metro đang xây dựng tại TPHCM với các nước trong khu vực có sự khác biệt đáng kể. Hay so sách chi phí đầu tư xây dựng 1km metro tại một số nước trên thế giới quy đổi về mặt bằng giá năm 2012 như sau: tại Pháp 93,98 triệu USD/km (90% ngầm); Hàn Quốc 80,74 triệu USD/km (80% ngầm); Chile 99,01 triệu USD/km (100% ngầm); Italia 98,87 triệu USD/km (100% ngầm).
Khảo sát của Bộ Kế hoạch – Đầu tư tại nhiều nước trong khu vực, cũng ghi nhận dự án MRT Jakata (Indonesia), sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, có suất đầu tư trung bình 165,6 triệu USD/km; dự án KVMRT 1 của Malaysia suất đầu tư 125 triệu USD/km; dự án tàu điện ngầm Hangzhou 1 tại Trung Quốc 73 triệu USD/km. Cần phải nói thêm rằng, tỷ lệ đi ngầm của 2 tuyến metro TPHCM thấp hơn nhiều so với các nước, nên thông thường suất đầu tư phải rẻ hơn.
Theo thiết kế được duyệt, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên tỷ lệ đi ngầm dưới lòng đất chỉ 13%. Hơn nữa, suất đầu tư trên chưa bao gồm chi phí dự phòng, giải phóng mặt bằng, lãi vay. Nếu tính đủ các chi phí này, suất đầu tư tuyến metro số 1 tăng thêm 1,39 triệu yen/km, tuyến metro số 2 tăng thêm 24,4 triệu USD/km.
Giảm hàng trăm triệu USD chi phí dự phòng
Tuyến metro số 1 được TPHCM phê duyệt đầu tư lần đầu vào tháng 4-2007, với tổng mức đầu tư 126.582 triệu yen. Đến năm 2011, thành phố quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 236.626 triệu yen, tăng khoảng 110 triệu yen, tương đương tăng khoảng 30.000 tỷ đồng. Dự án sử dụng vốn 88,4% vốn vay ODA Nhật Bản và 11,6% vốn ngân sách thành phố.
Dự kiến tuyến metro số 1 sẽ đưa vào khai thác vận hành vào năm 2018, nhưng do chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, thay đổi thiết kế kỹ thuật, quy trình thẩm tra, phê duyệt dự toán, phân chia gói thầu… đến nay mới hoàn thành 50% khối lượng thi công và phải lùi tiến độ vận hành vào năm 2020.
Thẩm định việc tăng vốn đầu tư tuyến metro số 1, Bộ GT-VT đã chỉ ra nguyên nhân tăng vốn đầu tư hàng tỷ USD là do metro này được nghiên cứu lập dự án vào năm 2006, khi đó Việt Nam chưa đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị, nên việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ dựa trên cơ sở suất đầu tư của các công trình tương tự ở khu vực châu Á.
Hơn nữa, do thiếu kinh nghiệm thực tế nên việc tính toán tổng mức đầu tư dự án mang tính bình quân của một tuyến xe điện, chưa tính toán xây dựng trung tâm điều khiển chung cho cả hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, chưa đề cập vấn đề an toàn vận hành, bảo dưỡng. Yếu tố trượt giá nguyên liệu, nhiêm liệu, tăng lương tối thiểu, thay đổi chi phí dự phòng cũng làm tăng đáng kể tổng mức đầu tư dự án metro số 1.
Tương tự, tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, sử dụng nguồn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước. Tổng mức đầu tư ban đầu tuyến metro này được phê duyệt 1,374 tỷ USD.
Tuy nhiên, mới đây TPHCM đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên 2,173 tỷ USD, tăng 798,71 triệu USD so với mức phê duyệt ban đầu. Thời gian hoàn thành và đưa vào vận hành dự án cũng được lùi đến năm 2024.
Phần vốn điều chỉnh tăng thêm của tuyến metro số 2 gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng 33,24 triệu USD; chi phí xây dựng tăng 409,2 triệu USD; chi phí thiết bị tăng 77,71 triệu USD, phí quản lý dự án tăng 8,24 triệu USD, phí tư vấn đầu tư xây dựng tăng 28,84 triệu USD; chi phí tài chính, lãi vay, thuế tăng 117,23 triệu USD; chi phí khác tăng 11,59 triệu USD; phí dự phòng tăng 69,62 triệu USD.
Nguyên nhân tăng vốn đầu tư dự án do điều chỉnh thiết kế các ga ngầm, bổ sung xây dựng hạng mục kết nối với các tuyến metro khác, kết nối với nhà ga trung tâm Bến Thành, cũng như điều chỉnh thông số kỹ thuật dự án.
Khi thẩm định việc tăng vốn đầu tư cả 2 tuyến metro, Bộ GT-VT đều nhấn mạnh việc cắt giảm chi phí dự phòng vì tư vấn thiết kế đã tính toán sát khối lượng thực tế. Cụ thể, bộ này đề nghị giảm chi phí dự phòng tuyến metro số 2 từ mức 10% xuống 5% chi phí xây lắp, thiết bị, tư vấn, quản lý dự án, tức giảm khoảng 171,8 triệu USD. Đồng thời, cần điều chỉnh giảm chi phí dự phòng tuyến metro số 1 khoảng 30,76 triệu yen để tiết kiệm vốn.