Sau sự cố môi trường biển năm 2016, đến nay người dân miền Trung đã thở phào nhẹ nhõm khi biển đã dần phục hồi, mọi chỉ số hóa học về thủy hải sản, nước biển…đều đã an toàn.
Kinh tế biển phục hồi đã đưa lại cuộc sống ấm no cho hàng vạn ngư dân miền Trung, đồng thời các tỉnh miền Trung lại đang được khách du lịch trong và ngoài nước chọn là điểm đến lý tưởng.
Những ngày gần đây, khi miền Trung chuẩn bị bước vào mùa du lịch, trên một vài trang facebook cá nhân lại hoang tin cá biển chết ở Hà Tĩnh, nước biển chuyển màu ở Quảng Bình…Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, vì vậy hơn lúc nào hết người dân cần hết sức cảnh giác trước các cuộc “tấn công” bẩn bằng hoang tin trên mạng.
Khoảng 3 đến 4h ngày 8-4, facebook cá nhân mang tên Hoàng Thị Nguyệt đăng tải một số bức ảnh và video ít cá chết tại âu thuyền thuộc phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh với dòng viết kiểu lập lờ “ Hiện chưa rõ nguyên nhân cá chết. Cá chết ra rả ri thì ngư dân Hà Tĩnh làm răng mà sống được hè?”…
Biển miền Trung đang đưa lại nguồn lợi thủy hải sản lớn cho hàng vạn ngư dân miền Trung.
Sau vài ba tiếng đồng hồ, đoạn video trên đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Khi video đã đến được với hàng ngàn người, gây hoang mang trong dư luận thì chủ nhân của facebook Hoàng Thị Nguyệt lặng lẽ gỡ video trên trang cá nhân của mình. Vậy sự thật về cá chết ở biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh là do đâu?
Không ít ngư dân địa phương cho biết, ngày 8-4, người dân đi biển phát hiện một số ít cá chết chỉ trong một đoạn ngắn gần bờ biển thuộc phường Kỳ Phương, song không mấy ai quan tâm, vì kinh nghiệm dân nghề biển đều hiểu, sau những mẻ cá lớn, ngư dân thường rũ lưới và mỗi lần rũ lưới nhiều khi hàng chục kg cá nhỏ đều bỏ lại, khi sóng biển đánh không ít số cá trên lại dạt lên bờ.
Do vậy sau khi xem video trên mạng nhiều người tìm đến hỏi việc cá chết nhiều trên bờ biển, người dân nơi đây cũng tỏ ra ngạc nhiên. Ông Nguyễn Quốc Hà- Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: Ngay sau khi nghe thông tin cá chết tấp vào bờ biển tại khu vực âu thuyền, cán bộ địa phương đã xuống tận nơi để kiểm tra hiện trường thì chỉ phát hiện có khoảng 2 đến 3 kg cá đù, cá nục đã chết dạt vào bãi biển. Số lượng cá chết chủ yếu là cá có giá trị kinh tế thấp. Ngoài khu vực này thì không phát hiện thêm cá chết…
Và từ khi video cá chết nói trên xuất hiện đến nay đã gần 10 ngày nhưng tuyệt đối ngư dân địa phương không còn phát hiện bất kỳ cá chết trôi dạt vào bờ nữa. Mặc dù vậy không ít người dân ở các địa phương khác do thiếu thông tin nên vẫn tin cá tiếp tục chết ở biển miền Trung.
Một số đối tượng cố tình dùng mạng xã hội làm chiêu bài để gây nhiễu thông tin, tung tin, bịa đặt phá hoại cuộc sống bình yên của người dân một cách có chủ đích chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng phạt, điều đáng nói “mạng ảo, song đời thật” vì vậy khi đọc một thông tin, chia sẻ một thông tin người đọc, người xem nên hết sức cảnh giác trước các âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân đang nhằm vào chính bản thân mình và cuộc sống bình yên của đồng bào mình.
Cũng liên quan đến biển miền Trung, trước thông tin về việc xuất hiện vết nước dài màu đỏ mà một số trang mạng cho là “bất thường” ở khu vực biển xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngày 11-4, tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh về hiện tượng nước màu đỏ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thành lập đoàn đi kiểm tra.
Hiện trường đoàn kiểm tra chứng kiến là một dải nước biển màu đỏ gạch, trải dài khoảng 500m, rộng khoảng 70m sát bờ biển. Xác định ban đầu trong nước không có dầu mỡ, xuất hiện các hạt li ti màu trong, theo nhận định ban đầu đây có thể là sinh vật nhuyễn thể (dân địa phương gọi là trứng khuyếc).
Theo chu kỳ của những năm trước, những lần trước của vùng biển khác cũng có hiện tượng tương tự. Năm 2017 khi xuất hiện hiện tượng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình gửi mẫu đi kiểm định, song cuối cùng không phân tích được gì cả, phân tích độc tố thì không có, bởi các mẫu nó đều tan.
Sau khi lấy mẫu nước biển trong vùng xuất hiện hiện tượng dải đỏ để phân tích, kết quả bước đầu cho thấy hầu hết chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn QCVN 10:2015/BTNMT, riêng chỉ tiêu Amoni (NH4+ – tính theo Nitơ) vượt quy chuẩn 2,46 lần, không có yếu tố hóa chất nguy hại và nhận định do xác vi sinh vật phân hủy tạo ra…
Sông Lam-Lam Hồng