Tính đến nay, các lãnh đạo Tổng công ty Xây lắp dầu khí dưới thời Trịnh Xuân Thanh lần lượt đã bị khởi tố. Trịnh Xuân Thanh trốn đi nước ngoài cũng đã về tự thú.
Hàng chục “người PVC” bị khởi tố
Liên quan vụ án Trịnh Xuân Thanh, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố hàng chục đối tượng về hành vi Cố ý làm trái quy định… và tham ô tài sản, liên quan đến vụ thua lỗ và thất thoát gần 3.300 tỷ đồng xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận
Kể từ khi nhậm chức Tổng giám đốc PVC vào tháng 12/2007, rồi Chủ tịch PVC từ tháng 2/2009, Trịnh Xuân Thanh và nhiều ‘trợ thủ’ dưới quyền đã có nhiều sai phạm và nay chính họ đang bị khởi tố, bắt để phục vụ điều tra.
Những ‘trợ thủ’ đắc lực của Trịnh Xuân Thanh ngày ấy có Vũ Đức Thuận, Tổng giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC, Nguyễn Ngọc Quý, Phó chủ tịch PVC…
Năm 2013, Trịnh Xuân Thanh rời ghế nóng PVC để tiếp tục con đường quan lộ của mình. Nhưng từ vụ chiếc xe Lexus biển xanh, những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh khi còn là người đứng đầu PVC lần lượt lộ diện.
Đó là đầu mối ban đầu để các đại án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh lần lượt được khởi tố, điều tra. Hàng loạt cựu sếp PVC thời Trịnh Xuân Thanh cùng chung số phận.
Đến thời điểm này, các cựu sếp to nhất của “công ty mẹ” PVC đều đã bị khởi tố và tạm giam, bao gồm Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC), Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC.
Mới đây nhất, ngày 26/9 Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Đình Mậu, kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Ông Mậu bị bắt vì liên quan đến vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và các đơn vị thành viên.
Sai phạm của ông Mậu cùng đồng phạm xảy ra trong việc sử dụng số tiền tạm ứng cho dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Đồng thời, Cơ quan an ninh điều tra cũng khởi tố 3 đối tượng khác cùng tội danh trên, gồm: Nguyễn Ngọc Quý (64 tuổi, trú tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nguyên phó chủ tịch HĐQT PVC; Vũ Hồng Chương (64 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), nguyên Trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 (thuộc PVN); Trần Văn Nguyên (38 tuổi, trú tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), Kế toán trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2.
Những dự án lớn dưới thời Trịnh Xuân Thanh
Không chỉ là “tác giả” chính của số lỗ hơn 3.200 tỷ của PVC (tính đến hết tháng 6/2013), những dự án mà PVC được giao làm nhà thầu đến nay cũng đầy tai tiếng.
PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh Thanh trở thành nhà thầu của nhiều công trình lớn. Tháng 6/2010 Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chấp thuận là đơn vị thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Giá trị Hợp đồng là hơn 918 triệu USD và gần 6.000 tỷ đồng.
Chủ đầu tư đã tạm ứng cho Tổng thầu số tiền là 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng, tương đương 5,861% giá trị Hợp đồng.
Việc bị can Lê Đình Mậu bị bắt giữ ngày 26/9 là để làm rõ số tiền tạm ứng cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 này. Bởi sau khi có tiền tạm ứng, tổng thầu PVC đã bị cho là chi chưa đúng mục đích. Sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán khoản 425 tỷ đồng nợ gốc vay ngân hàng và dùng 55 tỷ đồng thanh toán lãi vay uỷ thác của PVN. Ngoài ra, lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh còn chi 74 tỷ đồng để hỗ trợ nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, bổ sung 103 tỷ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Ngoài ra, PVC còn góp mặt trong nhiều công trình lớn của ngành dầu khí như ethanol Phú Thọ, nhiệt điện Vũng Áng 1, Kho chứa LPG Thị Vải…
Đến nay, dự án ethanol Phú Thọ vẫn còn dở dang, nằm đắp chiếu, nhiều lãnh đạo công ty con của PVC trực tiếp thi công dự án cũng đang bị xử lý về pháp luật.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, cơ quan chức năng đã làm rõ những sai phạm có liên quan đến nhà thầu là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) – thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch.
Dự án Phú Thọ tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317 tỷ đồng, giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư PVB và nhà thầu PVC đã điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC tăng thêm hơn 14,3 triệu USD. Trong số 5 dự án thua lỗ của ngành dầu khí, duy nhất Ethanol Phú Thọ là dự án khởi công sớm nhất nhưng đến giờ vẫn chưa được hoàn thành. Dự án dừng thi công các hạng mục từ cuối 2011 và vẫn “chết lâm sàng” từ đó đến nay. Tới 31/12/2016, tổng nợ phải trả của Ethanol Phú Thọ là 826 tỷ đồng.
Theo Vietnamnet