“Nếu chúng ta xem mại dâm là một nghề thì cái lợi sẽ lớn hơn là cấm như hiện nay. Vì cấm hoạt động mại dâm vẫn diễn ra và y tế khó tiếp cận để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm”.
Đó là khẳng định của ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), liên quan đến việc Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến để xây dựng Luật về mại dâm.
Trước lo ngại nếu công nhận mại dâm là một nghề số lượng sẽ tăng lên, ông Đạt cho rằng khi đã công nhận là nghề thì phải có các tiêu chuẩn đi kèm, ví dụ đứng đường sẽ bị cấm: “Như vậy, theo ông Đạt diện đại trà sẽ giảm và diện chính quy sẽ tăng nhưng không lớn…”, ông Đạt nhận định.
Đối với quan điểm đã là nghề thì phải học nghề, quảng cáo, thang bảng lương, ký hợp đồng lao động, ông Đạt khẳng định trong quá trình xây dựng luật cần có nhiều góc độ tiếp cận: “Tuy nhiên, quá trình hình thành luật có thể chúng ta không nhắc đến, tức không cấm gì cả. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn làm được”, ông Đạt khẳng định.
Cũng theo ông Đạt, hiện nay vấn đề này cần được nhìn nhận đúng để nhất trí. Vì theo lộ trình xây dựng Luật về mại dâm đến năm 2019 và dự kiến Quốc hội thông qua năm 2020, có hiệu lực 2021. Như vậy, đến năm 2021 Việt Nam có thể quản được hoạt động này.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nếu cấm mại dâm chỉ cần nâng pháp lệnh lên thành luật, quy định chặt chẽ hơn. Nhưng tương lai vẫn như cũ, có nghĩa mại dâm tồn tại, nguy hại vẫn cao. Còn nếu luật mới công nhận mại dâm là một nghề thì liệu đã “xuôi” được không?
“Tôi đoán là chưa “xuôi”, bởi những người coi mại dâm là một nghề vẫn chiếm thiểu số. Muốn thay đổi cực khó, chúng ta tự hình dung các chị em ngày nay đi làm công nhân, mai không thích đi làm mại dâm có được không”, ông Đàm đặt câu hỏi và cho rằng nếu xem mại dâm là nghề thì cần giải quyết một loạt vấn đề kèm theo, đó là điều kiện hành nghề, hoạt động ở đâu…
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, khẳng định: Quan điểm cá nhân của tôi trên cương vị Cục trưởng là không phát triển, không thể thành lập phố đèn đỏ, không có nghề mại dâm ở Việt Nam tới 2020. Trong quá trình nghiên cứu, đánh giá, áp dụng những điều kiện cụ thể đã có những bước tiến nhưng cần khẳng định cần loại bỏ những hình thức tổ chức mại dâm bất hợp pháp, liên quan đến buôn bán bóc lột tình dục với phụ nữ và trẻ em”.
Liên quan đến vấn đề có nên hình sự hóa mại dâm, ông Lập trả lời “Hình sự hóa hay phi hình sự quan trọng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”. Theo ông Lập, việc xây dựng pháp luật về mại dâm trên tinh thần tôn trọng công ước quyền con người, tôn trọng hiến pháp.
Trong khi đó, bà Trần Quỳnh Anh, Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc UNFPA, cho rằng nếu có lựa chọn khác, không ai làm nghề mại dâm cả, bởi bị xã hội kỳ thị và là nghề có nhiều nguy cơ bệnh tật vô cùng cao.
“Sở dĩ các cơ quan quản lý lo lắng khi hợp pháp hóa thành nghề mại dâm bởi xuất phát từ quan điểm từ xưa đến nay cho rằng mại dâm là tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy. Thực tế nếu không được chăm sóc, quản lý tốt thì mại dâm dễ dẫn đến nguy cơ làm lây lan các bệnh xã hội qua đường tình dục. Tuy nhiên nếu được bảo vệ, chăm sóc sẽ loại bỏ nguy cơ này. Vì vậy, chỉ xử lý hình sự một số hành vi liên quan đến mại dâm như như môi giới, mua bán dâm với người dưới tuổi vị thanh niên….”, bà Anh kiến nghị.