30 năm đã trôi qua, 30 năm đá Gạc Ma nằm trong tay kẻ thù chưa thể quay về với đất mẹ Việt Nam. Ngày 14/3/1988 là ngày 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh với tinh thần “thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc” (Lời thiếu úy Trần Văn Phương trước khi hi sinh). Máu các anh đã thấm vào từng bãi cát, từng nhành san hô của Trường Sa, thân xác các anh đã hòa vào lòng biển mẹ, trôi theo dòng sóng biển bao la. Hi sinh ấy biết bao giờ cho thỏa, nỗi đau ấy biết bao giờ cho nguôi!
Bản đồ vệ tinh khu vực đá Gạc Ma – Nơi xảy ra trận chiến 1988
Tạm gác lại nỗi đau, nhìn nhận thẳng vào quá khứ, Việt Nam chúng ta được gì, mất gì, rút ra bài học gì từ Gạc Ma 30 năm về trước? Cái mất thì đã quá rõ! Chúng ta mất đảo, mất một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta mất tàu, mất đi tài sản, cơ sở vật chất trong bối cảnh kinh tế khó khăn chồng chất. Và đau hơn nữa, chúng ta mất người, mất đi 64 người con dũng cảm, kiên trường kết “vòng tròn sinh tử” vì Tổ quốc thân yêu. Nhưng đâu chỉ có mất, chúng ta còn được nhiều hơn:
Một là, Việt Nam mất 01 đảo nhưng được thêm rất nhiều đảo, đá, bãi ngầm trên quần đảo Trường Sa.
Sau sự kiện Trung Quốc xâm lược đánh chiếm cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chúng ta đã nhận thức rõ nét hơn một thực tại là: chủ quyền và tuyên bố chủ quyền là một chuyện, nhưng kiểm soát và thực thi quyền quản lý các thực thể tại Trường Sa lại là một chuyện khác. Thực tế, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể chối cãi, với những bằng chứng lịch sử hết sức thuyết phục, được các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tin cậy; nhưng trong bối cảnh lịch sử đầy khó khăn của hơn 30 năm về trước, chúng ta đã để một loạt các quốc gia khác âm thầm chiếm giữ, kiểm soát trái phép một phần quần đảo, cụ thể:
– Philippines chiếm năm đảo: Bình Nguyên (Flat), Vĩnh Viễn (Nanshan), Bến Lạc (West York), Loại Ta (Loaita) và Thị Tứ (Thitu). Ngoài năm đảo, Philippines còn chiếm 5 cồn, đá nổi và đá chìm, tổng cộng 10 đơn vị.
– Đài Loan chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba) và bãi cạn Bàn Than
– Ma-lai-xi-a chiếm giữ 1 đảo và 6 đá, tổng cộng 7 thực thể và tuyên bố chủ quyền với một số đảo khác phía Đông quần đảo Trường Sa.
– Trung Quốc chiếm hai đá là đá Chữ Thập (Fiery Cross) và đá Ga Ven (Gaven), cùng sáu đá chìm, tổng cộng 8 đơn vị ở phía Bắc quần đảo Trường Sa.
Nhận thức rõ vấn đề kiểm soát thực địa, sau sự kiện xâm lược Gạc Ma, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trướng tăng tốc đưa người, phương tiện ra đồn trú và thực thi chủ quyền trên các thực thể còn lại; giao cho quân chủng Hải quân thực hiện hỏa tốc nhiệm vụ này. Ngày 14/3/1988, Việt Nam đóng giữ thêm đá Len Đao và đá Cô Lin. Ngày 15/3/1988, đóng giữ đảo chìm Đá Thị, ngày 16/3 đóng giữ đảo Đá Nam. Tổng cộng trong năm 1988, chúng ta đóng giữ thêm 11 đảo chìm. Tháng 11/1988, Hải quân Việt Nam bắt đầu đóng giữ, bảo vệ khu vực mỏ dầu DK1 ở thềm lục địa phía Nam. Đến cuối thập niên 1980, Việt Nam đã kiểm soát 21 đảo, cồn và rạn san hô. Từ 1990 đến 2008, Việt Nam kiểm soát thêm 10 thực thể, từ 2008 đến 2014 thì kiểm soát thêm 18 thực thể. Như vậy đến năm 2015, Việt Nam đã mở rộng khu vực kiểm soát lên 48 đảo, cồn và rạn san hô. Nhóm đảo này được gộp vào thành một huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Có thể nói, nén lại nỗi đau mất đảo, mất người năm 1988, chúng ta đã cực kỳ tỉnh táo, dũng cảm kiểm soát thêm nhiều thực thể khác, trở thành nước đóng giữ nhiều nhất, rộng nhất tại Trường Sa, tạo bàn đạp địa chính trị để các thế hệ sau thu hồi các đảo, đá thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây cái được chiến lược!
Hai là, chúng ta không mắc bẫy “xâm lược” của Trung Quốc.
Rõ ràng, tấn công chiếm đảo vào thời điểm năm 1988 là một bước đi có tính toán hết sức kỹ lưỡng của Trung Quốc. Thất bại quân sự ngay trên sân nhà đã làm Việt Nam mất đảo, nhưng chúng ta cũng ngay lập tức nhận ra âm mưu xảo trá của bọn cầm quyền Trung Quốc. Bởi lẽ, đồng thời với việc xâm lược Trường Sa, Trung Quốc đã tập trung một lượng lớn quân lực và khí tài sát biên giới trên đất liền và quanh vịnh Bắc Bộ; đáng quan tâm hơn là dồn tiềm lực Hải quân vào hạm đội Nam hải đồn trú tại đảo Hải Nam. Dù Việt Nam có lợi thế về địa lý, có thể huy động các máy bay cường kích ra Trường Sa, nhưng tương quan tổng lực quá chênh lệch, chiếm lại Gạc Ma là có thể nhưng không thể giữ. Nếu Việt Nam tái chiếm Gạc Ma, lập tức Trung Quốc sẽ vu cáo chúng ta gây hấn, đơn phương phát động chiến tranh và huy động toàn bộ lực lượng đã chuẩn bị, tiến hành một cuộc chiến chớp nhoáng, cục bộ giống năm 1979; khi đó chẳng những Gạc Ma mà Len Đao, Cô Lin và các thực thể khác cũng chẳng giữ nổi. Quyết định không tái chiếm Gạc Ma tại thời điểm đó là hoàn toàn đúng đắn, giúp ta sa vào cạm bẫy thâm độc của Trung Quốc. Đây là cái được chiến thuật, giúp Việt Nam từng bước hình thành cái được chiến lược như đã nêu ở trên.
Ba là, tại Gạc Ma năm ấy, Việt Nam được thêm một bài học sâu sắc về quan hệ của các nước lớn.
Thời điểm tháng 3/1988, Trung Quốc biết được Liên Xô đang lộn xộn và không quan tâm nhiều đến vấn đề ở Biển Đông. Chúng càng quyết tâm xâm chiếm bờ cõi của ta. Đau lòng thay, mặc dù quan hệ Việt Nam – Liên Xô rất thân thiết, khi đó Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt – Xô vẫn còn có hiệu lực, nhưng không hề có một cảnh báo nào từ phía Liên Xô cho thấy Trung Quốc đưa quân xuống xâm lược. Rất nhiều tàu chiến hùng mạnh của Liên Xô đang đóng ở cảng Cam Ranh cũng án binh bất động; mặc cuộc thảm sát Gạc Ma đã diễn ra vào buổi sáng ngày 14/3/1988. Chỉ cần một tàu chiến của Liên Xô ở đó thì không bao giờ Trung Quốc dám nổ súng. Vậy mà, sự kết quả thì lịch sử đã trả lời rồi đó!
Sau này, trong một bài phân tích đề ngày 1/1/1987 gửi Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao A.Gromyko (trước đó là Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô), Giáo sư V.I.Dashichev – khi đó là Chủ tịch Ủy ban cố vấn khoa học của Bộ ngoại giao Liên Xô – đã nhận định việc ủng hộ Việt Nam sẽ khiến Liên Xô “không chỉ khó khăn trong quan hệ với phương Tây, mà còn chồng chất trở ngại trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”.
Có thể nhận định, đây là sự phản bội lịch sử, là sự hủy hoại lòng tin chiến lược của cả một dân tộc. Trước kia, Trung Quốc sẵn sang dùng Việt Nam như một “lá bài” để mặc cả với Mỹ; thì nay Liên Xô cũng hành động không khác chút nào! Vậy ý thức hệ còn không? Đồng minh là gì? Đồng minh ở đâu?.
Đã đến lúc phải tư duy lại, đã đến lúc mà “ý thức hệ”, “đồng minh” không còn là tuyệt đối, tất cả đều thua “lợi ích quốc gia”, “lợi ích nước lớn”. Thật may, Đảng ta đã nhận ra sớm điều này và đến tháng 5 năm 1988, hai tháng sau sự kiện Gạc Ma, một nghị quyết mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại từ dựa vào Liên Xô sang “đa phương hóa”. Sự kiện này góp phần lớn trong việc Việt Nam lựa chọn chính sách không dựa vào các cường quốc, từ đó giúp chúng có sự tự chủ lớn hơn trong việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại. Thay đổi tư duy và thành quả của 30 năm qua thực sự quá lớn! Bài học này, vẫn còn giá trị và đang được dân tộc Việt Nam vận dụng cho đến ngày hôm nay.
Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma được tại bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa)
Kỷ niệm tròn 30 năm trận chiến Gạc Ma, một bản thiên anh hùng ca của dân tộc Việt Nam, cũng là những ngày chúng ta đang sống trong không khí sục sôi của tuổi trẻ, hướng tới kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thế hệ trẻ chúng ta hãy tôn vinh và tỏ lòng thành kính đến 64 anh hùng, liệt sĩ, đến những chiến sĩ Trường Sa năm xưa; học tập, giữ gìn và phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, xả thân vì non sông. Đồng thời hãy khắc ghi mối nợ không bao giờ trả được của quân xâm lược Trung Quốc để lớp lớp thế hệ chúng ta đưa những Gạc Ma, những Vành Khăn hay Xu Bi… về với đất mẹ Việt Nam./.