Mới đây, ngày 23/02/2018 (Mùng 8 Tết Nguyên đán), trang facebook “Thanh niên Công giáo” có bài viết với tiêu đề: “Những điều cần nhớ của người Công giáo trong mùa lễ hội”. Tưởng cần nhớ cái gì, thì ra từ nội dung bài viết đến giọng văn đều không thể giấu nổi sự ghen ăn tức ở với một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay của người Việt Nam, đó là đi lễ chùa đầu năm.
Ảnh chụp trên trang Thanh niên Công giáo
Trang “Thanh niên Công giáo” cho rằng: “Cứ mỗi độ sau Tết cổ truyền là người dân tấp nập đi lễ hội cầu may. Cả năm, Việt Nam có tới 8.902 lễ hội và ngày càng biến tướng, dẫn đến tôn thờ ngẫu tượng và sùng bái u mê nhằm nhuộm màu các hoạt động văn hóa dân sự thành tâm linh tôn giáo”.
Đại đa số các lễ hội truyền thống của người Việt Nam vẫn giữ được bản sắc vốn có. Song không thể phủ nhận hoàn toàn hiện nay có một số ít lễ hội bị biến tướng, có xu hướng thương mại hóa, xa dần với truyền thống trước đây. Tuy nhiên, đó chỉ là những hạt cát giữa sa mạc mà thôi. Nhưng với lập luận như Thanh niên Công giáo thì hoàn toàn mang tính đề cao lòng tự tôn của Công giáo mà lại phủ nhận, chê bai những nét đẹp của tín ngưỡng thờ cúng và văn hóa Phật giáo của người Việt.
Người dân Việt Nam có truyền thống đi lễ chùa đầu năm
Nên nhớ rằng, trong số các tôn giáo ở Việt Nam, Phật giáo có số tín đồ đông đảo nhất. Theo thống kê của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đến thời điểm năm 2010, Việt nam có 14,380 triệu tín đồ, chiếm 16,4% dân số. (https://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BB%91_l%C6%B0%E1%BB%A3ng_Ph%E1%BA%ADt_t%E1%BB%AD_%E1%BB%9F_c%C3%A1c_n%C6%B0%E1%BB%9Bc). Còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ và khoảng 44.498 tăng ni. Ngoài ra từ 80% đến 90% dân số Việt Nam mang thiên hướng Phật giáo.
Bản thân tôi không muốn đem ra so sánh tốt xấu, hơn thua, khen chê giữa các tôn giáo, bởi tôn giáo nào cũng có cái hay, cái ưu việt riêng của nó, song cũng có những quy định ràng buộc bởi giáo lý, giáo luật hạn chế quyền của con người. Điều cao cả nhất mà mọi tôn giáo hướng đến là rèn luyện, bồi đắp và hướng con người đến là giá trị chân, thiện, mỹ. Ấy vậy mà Thanh niên Công giáo lại ghen tỵ, đề cao tôn giáo mình, chê bai, hạ thấp uy tín tôn giáo khác. Điều đó là không nên.
Không biết những người quản trị trang Thanh niên Công giáo nghĩ sao mà lại dám cho rằng: “Những lễ hội có tính tâm linh, tôn giáo để thờ lạy người quá cố, xem hương hồn người quá cố về hưởng các lễ vật chất: rõ ràng không hợp với Giáo lý Công giáo”.
Rồi thì “Những lễ kính các nhân vật, các lãnh tụ như là thánh thần siêu nhiên đều là hình thức thờ ngẫu tượng và trái với Giáo lý Công giáo. Bởi vậy tín hữu Công giáo cần tránh tham dự. Nếu lý do bất khả kháng, không thể từ chối thì chỉ hiện diện với tâm tưởng chiếu lệ, xã giao trong tư thể người khách (hiện diện cách thụ động mà không được hiệp thông)”….
Đó phải chăng là sự đố kỵ, ghen ăn tức ở của người Công giáo đối với Phật giáo nói riêng, với phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung?. Vẫn biết đức tin của mỗi tôn giáo là không giống nhau nhưng dù sao thì vẫn phải tôn trọng đức tin của nhau. Đừng vì tính tự tôn, ích kỷ của mình mà chê bai đức tin của người khác.
Hãy thử nhìn vào lịch sử mà xem. Xưa nay vẫn là như thế, Đạo Phật luôn hướng con người đến tư tưởng hòa bình, bác ái, làm điều hay, lẽ phải. Suốt mấy ngàn năm có mặt ở Việt Nam chưa từng có bất cứ một cuộc chiến tranh nào xuất phát từ Phật giáo, cũng chưa từng xúi giục tín đồ Phật giáo nào tham gia những cuộc chiến tranh đẫm máu. Bởi dù bất luận lý do gì thì chiến tranh vẫn là thảm hoạ và gây đau thương, chết chóc không biết bao nhiêu chúng sinh vô tội. Giáo lý nhà Phật luôn lấy an vui và hạnh phúc của tất cả chúng sanh làm điểm tựa và mục đích hướng đến.
Tôi viết những điều này không hề muốn đem ra so sánh giữa Công giáo và Phật giáo. Bởi ai trong chúng ta, dù theo Công giáo, Phật giáo hay một tôn giáo nào khác thì cũng đều luôn tôn trọng, tin tưởng với đấng tối cao của của mình và dành sự tôn trọng đối với các tôn giáo khác. Vậy nên, thay vì hạ bệ, bôi xấu tôn giáo khác thì hãy nên chuyên tâm tu tâm dưỡng tính, rèn luyện giáo pháp, kinh kệ, bồi đắp niềm tin vào đức tin mà mình đang tôn thờ. Bởi một khi đã lựa chọn đức tin của mình mà đi nói xấu, hạ uy tín của đức tin kia thì chả khác gì tự hạ thấp đức tin của mình vậy.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
LĂNG PHONG