Trong thông cáo báo chí công bố ngày 14/01/2018, một ngày trước phiên toà phúc thẩm xét xử Nguyễn Văn Oai tại Nghệ An, tổ chức nhân quyền Mỹ Human Right Watch (HRW) đã kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ những cáo buộc vi phạm lệnh quản chế và trả tự do cho Nguyễn Văn Oai.
HRW cho rằng “Nguyễn Văn Oai đã bị 4 năm tù từ 2011 đến 2015 sau khi tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông và tranh đấu bảo vệ quyền lợi người lao động. Ra tù, Nguyễn Văn Oai tranh đấu phản đối Formosa gây ô nhiễm. Anh bị bắt lại và bị lãnh bản án 5 năm tù trong phiên xử vào tháng 09/2017”.
Đồng thời tổ chức này còn “kêu gọi Việt Nam không nên trả thù, kiểm soát tư tưởng và quyền tự do phát biểu của những người có chính kiến khác biệt”.
Nguyễn Văn Oai sinh năm 1981, là một giáo dân sinh ra và lớn lên tại xóm 4, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Oai từng bị Tòa án nhân dân tối cao xét xử và tuyên phạt về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Theo cáo trạng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại phiên toà phúc thẩm, từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2011, Nguyễn Văn Oai cùng đồng bọn trong vụ án Hồ Đức Hòa bị tổ chức tổ chức phản động lưu vong “Việt Tân” móc nối để huấn luyện và lên kế hoạch hành động, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức “diễn biến hòa bình” thông qua phương pháp “bất bạo động”. Sau khi liên lạc với các tổ chức phản động sống lưu vong, Oai được tổ chức “Việt Tân” kết nạp, đặt bí danh; giao nhiệm vụ, giao tiền và phương tiện để hoạt động nhằm chống phá Nhà nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân. Năm 2013, Nguyễn Văn Oai từng bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt y án 4 năm tù giam về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và 4 năm quản chế tại địa phương. Sau 4 năm chấp hành án tại trại giam Nam Hà, Nguyễn Văn Oai được bàn giao về nơi cư trú ở xã Quỳnh Vinh, TX Hoàng Mai để chấp hành tiếp hình phạt bổ sung 4 năm quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Oai tiếp tục thể hiện bản tính ngông cuồng, sống tách rời xã hội và chống lại các quy định của pháp luật. Trong thời gian lẽ ra phải chấp hành 4 năm quản chế tại địa phương, Nguyễn Văn Oai không thực hiện nghĩa vụ mỗi tháng một lần vào đầu tuần của tháng đến trình diện và báo cáo với UBND xã Quỳnh Vinh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự mà không có lý do. Công an xã đã tiến hành lần lượt lập 18 biên bản về việc vi phạm nghĩa vụ chấp hành án, 2 lần trực tiếp đến giải thích, thuyết phục.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh đã lần lượt ban hành 3 bản thông báo yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thi hành án quản chế và 14 lần ký giấy triệu tập Nguyễn Văn Oai đến UBND xã để thực hiện nghĩa vụ thi hành án quản chế nhưng Nguyễn Văn Oai đều không nhận, không chấp hành.
Nguyễn Văn Oai đã ít nhất 2 lần tự ý đi khỏi nơi quản chế. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, giáo dục, 3 lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng Nguyễn Văn Oai vẫn cố ý không chấp hành với thái độ thách thức, thậm chí còn chống trả quyết liệt đối với người thi hành công vụ.”
Căn cứ vào chứng cứ đầy đủ, Hội đồng xét xử TAND Thị xã Hoàng Mai đã tuyên án y 5 năm tù, 4 năm quản chế đối với bị cáo Nguyễn Văn Oai về các tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 257 và không chấp hành án theo quy định tại điều 304 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Có thể thấy, hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Văn Oai là rõ ràng, minh bạch, việc xử lý Nguyễn Văn Oai là hoàn toàn đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý, hợp lòng dân.
Động thái của HRW nói Việt Nam trả thù, kiểm soát tư tưởng và tự do phát biểu của những người có chính kiến khác biệt là trò hề và rất lố bịch, vu khống trắng trợn, thể hiện cái nhìn chủ quan duy ý chí, tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo trắng trợn thực trạng vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam của tổ chức này. Trò của HRW chẳng qua cũng chỉ là “rượu mới bình cũ”. Thủ đoạn HRW thường triển khai là tuyên truyền, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam qua báo cáo nhân quyền thường niên, hoặc ra thông cáo báo chí, gửi thư tới lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức quốc tế; mỗi khi các cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ hay xét xử một số đối tượng với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”, hoặc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”… HRW lại nhanh chóng ra thông cáo báo chí chỉ trích, lên án, yêu cầu Chính phủ Việt Nam thả ngay lập tức và vô điều kiện các đối tượng này! Không dừng lại ở đó, HRW còn gửi thư cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và một số tổ chức quốc tế để kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền, thả các “tù nhân lương tâm”, những “nhà bất đồng chính kiến”, các blogger.
Có thể thấy, HRW chẳng qua chỉ là mượn cái lốt “dân chủ, nhân quyền” để phá hoại xu hướng phát triển tiến bộ của các quốc gia luôn giữ vững độc lập và tự chủ, tự chọn con đường phát triển của mình, trong đó có Việt Nam. Qua việc cổ súy cho những hành vi gây rối loạn đất nước bằng những việc làm bất hợp pháp như: vu cáo, bôi nhọ, xuyên tạc sự thật, kích động người dân, chống đối chính quyền…, có thể nói HRW đã can thiệp vào nội bộ của một nước có chủ quyền, chà đạp lên nhân quyền cùng tự do và dân chủ của người dân Việt Nam!