Friday, March 29, 2024

Trung Quốc “ăn nên làm ra” giữa lúc phương Tây cấm vận Nga?

Ngày 10/3, Hệ thống Thương mại Ngoại hối Trung Quốc (CFETS) thông báo sẽ “mở rộng biên độ giao dịch hằng ngày cho tỉ giá hối đoái giữa hai đồng Nhân dân tệ (NDT) và đồng Rube”, nâng mức giao dịch hai chiều từ 5% lên gấp đôi, ở mức 10%. Động thái trên diễn ra sau khi Mỹ áp lệnh cấm vận dầu khí đối với Nga vào ngày 8/3.

CFETS tăng gấp đôi biên độ giao dịch với đồng Rube sau khi đồng tiền của Nga lao dốc.

Theo một chuyên gia kinh tế giấu tên của Trung Quốc, quyết định nói trên của CFETS sẽ giúp hạn mức giao dịch giữa NDT và Rube được nới rộng hơn và tỉ giá hối đoái được linh hoạt hơn. Từ đo cho phép các tổ chức doanh nghiệp ở Trung Quốc sau khi thanh toán, chi trả cho dầu của Nga bằng đồng Rube xong sẽ có thể chuyển đổi trực tiếp sang NDT với tỉ giá có lợi hơn, thay vì phải đi một vòng thông qua USD như trước đây.

Công nhân làm việc trên đoạn đường uống dẫn dầu của Trung Quốc từ Nga năm 2017.

Nói cách khác, nhiều thương vụ mua bán – trong đó có mặt hàng dầu khí giữa Nga và Trung Quốc – sẽ không có sự hiện diện của USD, đem lại một khoản lợi không hề nhỏ cho Trung Quốc. Bởi giờ đây, trong bối cảnh Nga bị cô lập về thanh khoản, một khi Bắc Kinh đặt mua dầu mỏ, khí đốt từ Nga, họ sẽ trả trực tiếp cho các doanh nghiệp Nga bằng Rube thay vì USD. Và nhờ hàng loạt lệnh cấm vận của phương tây, giá trị đồng Rube đang lao dốc không phanh những ngày qua, ước tính mất khoảng 36% giá trị so với USD. Như vậy, Trung Quốc thật sự đang “lãi lớn” khi đang mua nguồn dầu khí bằng đồng Rube.

Chỉ trả bằng Rube thay vì USD, nguồn dầu “giá rẻ” đang chảy ồ ạt vào nền kinh tế Trung Quốc

Nga hiện là nước cung cấp dầu lớn thứ hai của Trung Quốc và lớn thứ ba về cung cấp khí đốt. Cho nên, không ngoa khi nói rằng nền kinh tế Trung Quốc đang hưởng lợi rất lớn từ các lệnh cấm vận của Phương Tây nhắm vào Nga.

Trong những năm trở lại đây, việc Nga-Trung hợp tác thanh toán bằng nội tệ của hai nước đã không ngừng được cải thiện. Cả hai dùng đồng tiền của mình để thanh toán cho nhau thay vì dùng USD. Đồng Rube và NDT cũng vì thế mà ngày càng phổ biến hơn, chiếm lấy một thị phần rộng lớn trước đây vốn là là “sân chơi riêng” của USD. Moskva muốn thúc đẩy vai trò lớn hơn của đồng Rube trên thị trường tài chính toàn cầu, còn Bắc Kinh thì muốn đẩy mạnh việc quốc tế hóa đồng NDT cạnh tranh với USD. Phương Tây càng cấm vận Nga sẽ càng khiến cho lượng giao dịch dùng đồng USD sụt giảm, gián tiếp thúc đẩy Rube và NDT phát triển thay thế.

Thương mại của Nga với Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây.

Nhưng tại sao Nga không tăng giá dầu bán cho Trung Quốc? Thực tế, đây là điều không thể. Bởi vào tình thế bị cô lập và đối tác lớn nhất là châu Âu xa rời, Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) giờ đây chỉ có một nơi duy nhất để đến, đó là Trung Quốc. Xét trên phương diện kinh doanh, Nga bị đối tác “ép giá” là điều dĩ nhiên.

Một điểm đáng chú ý khác là khi EU công bố loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, các ngân hàng lớn nhất lại không bị đưa vào danh sách. Sberbank (ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga) và Gazprombank đều không bị loại khỏi SWIFT vì đây là các kênh thanh toán chính cho dầu và khí đốt của Nga. Bất chấp xung đột, EU vẫn đang mua dầu và khí đốt từ Moskva. Tuy nhiên, nhiều nước EU đã liên tiếp công bố kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung. Trong đó, CHLB Đức – đối tác thương mại EU lớn nhất của Nga – cho biết họ đang tính đến việc vừa để các nhà máy điện hạt nhân vẫn tiếp tục hoạt động, vừa cho một số nhà máy nhiệt điện duy trì lâu hơn so với kế hoạch ban đầu để độc lập với nguồn cung cấp năng lượng của Nga, đồng thời đặt mục tiêu hướng tới sản xuất điện hoàn toàn từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2035.

Gazprombank đều không bị loại khỏi SWIFT.

Việc Châu Âu rời bỏ Nga, dù rất khó, song không phải là không thể. Hôm 10/3, các bộ trưởng năng lượng của nhóm G7 (Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) đã nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Chiến lược sắp tới của họ sẽ là làm tất cả những gì có thể để loại bỏ khí đốt của Nga ở châu Âu. Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tạo ra các quy tắc mới bắt buộc các công ty phải lấp đầy các kho dự trữ trong mùa hè để tránh tình trạng thiếu hụt vào mùa đông và đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn để thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Các bộ trưởng năng lượng của nhóm G7 đã nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Sự “vùng vẫy thoát ly” quyết liệt của châu Âu sẽ khiến lĩnh vực năng lượng, mảng đóng góp chủ chốt cho nền kinh tế Nga, bị tác động nặng nề trong 10 năm sắp tới đây. Châu Âu thì không cần, các nước thì bị Mỹ trừng phạt, dầu của Nga sẽ không chảy vào đâu khác ngoài nền kinh tế Trung Quốc.

Không chỉ là dầu khí “giá rẻ”

Lệnh cấm vận của Phương Tây không chỉ giúp Trung Quốc tiếp cận được nguồn dầu khí giá tốt từ Nga. Mà thực chất, nó còn đang mang tới một lợi ích chiến lược cho Bắc Kinh.

Theo tờ Bloomberg, Bắc Kinh đang thảo luận với các công ty thuộc sở hữu nhà nước của họ như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (China Petrochemical Corp), Tập đoàn nhôm Aluminum Corp of China, và Tập đoàn kinh doanh kim loại và khoáng sản (China Minmetals Corp) về khả năng đầu tư vào các công ty tại Nga.

Trụ sở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Trong số các công ty Nga được nhắm đến có Tập đoàn dầu khí nổi tiếng Gazprom và nhà sản xuất nhôm United Co Rusal International PJSC.

Trung Quốc đang ra sức thâu tóm cổ phần của các doanh nghiệp Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Khi mà các công ty năng lượng Mỹ và Châu Âu như BP plc (Anh), Shell plc (Anh) và ExxonMobil Corp (Mỹ) đã bán tháo hàng loạt tài sản trị giá hàng tỉ USD tại Nga do lo sợ các lệnh cấm vận nhắm vào Moskva. Họ rời bỏ Nga và để một lại một khoảng trống cho Trung Quốc.

Càng nắm nhiều cổ phần tại các doanh nghiệp dầu khí như Gazprom, Trung Quốc sẽ đảm bảo được nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế quốc gia. Trung Quốc sẽ đảm bảo được an ninh năng lượng trong bất kỳ hoàn cảnh nào và không lo sợ bị đe dọa một khi có xung đột nổ ra. Một bước đệm đầy toan tính để Bắc Kinh thực hiện chính sách “một Trung Quốc” trong tương lai.

Có thể nói, lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây nhắm vào Nga đang mang lợi những món lợi “không tưởng” cho Trung Quốc. Không chỉ là xăng dầu giá rẻ, Bắc Kinh đang ngày càng củng cố năng lực đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài và từng bước hiện thực hóa “giấc mơ Trung Quốc” mà họ đang theo đuổi.

Huy Hoàng

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG