Friday, March 29, 2024

Đề nghị cân não và quyết định bước ngoặt của Thủ tướng

Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh, lực lượng quân đội lớn chưa từng có, được điều động nhằm chống lại dịch Covid-19, đây chính là bước ngoặt trong công tác phòng chống dịch bệnh tại miền Nam.

Tại tọa đàm “Nhìn lại 2021 Những chuyển hướng chiến lược” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/1, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam kể lại những phút cân não và các quyết định bước ngoặt của Thủ tướng trong phòng chống dịch Covid-19.

Quyết định có tính bước ngoặt

Ông cho biết, có thời điểm các địa phương phía Nam đề nghị Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, áp dụng các biện pháp theo luật định nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

“Theo tôi đây là đề nghị hết sức cân não, không chỉ cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ mà còn cho các cơ quan, bộ, ngành, chức năng”, Trung tướng Ngô Minh Tiến nhấn mạnh.

Tướng quân đội kể về đề nghị cân não và quyết định bước ngoặt của Thủ tướng
Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

Ông cho biết, tổ công tác đặc biệt của Chính phủ nhận thấy có mấy vấn đề cần phải quan tâm, sau nhiều lần họp và làm việc trực tiếp với các địa phương, nhất là các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng chống dịch, và thực tế trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Thứ nhất, nếu áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam thì sẽ rất khó khăn cho công tác kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, bởi với thành phố đông dân như thế, không có lực lượng nào bảo đảm được việc giãn cách xã hội, phường giãn cách phường, nhà giãn cách nhà. Vấn đề thứ hai là bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là nhu yếu phẩm cho người dân.

Thứ ba là hệ thống y tế của TP.HCM và các tỉnh phía Nam không đủ sức để bảo đảm phân tầng điều trị và giải quyết các vấn đề về xét nghiệm và chữa trị cho các bệnh nhân theo phân tầng điều trị như hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ông cho rằng, đề nghị của các địa phương cũng có lý do của họ. Nhưng nếu như áp dụng các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân lúc bấy giờ. Chưa kể đến tác động xấu đến dư luận của khu vực và quốc tế.

“Theo tôi, nếu ta ban bố tình trạng khẩn cấp thì các thế lực thù địch sẽ lợi dụng xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch”, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nhận định.

Từ đó, Thủ tướng đã ra quyết định rất kịp thời, sáng suốt, quyết đoán, tức là sử dụng một lực lượng có lựa chọn, chủ yếu là y tế, quân đội, công an để chi viện cho các tỉnh phía Nam tham gia phòng chống dịch.

Với tinh thần chống dịch như chống giặc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, chức năng, nòng cốt là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã điều động một lực lượng, phương tiện lớn chưa từng có kể từ sau chiến tranh.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tất cả các lực lượng đều hăng hái lên đường chi viện cho miền Nam với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

“Đây chính là quyết định có tính bước ngoặt để sau đó chúng ta trong một thời gian ngắn (3 tháng, nhiều nơi trên thế giới phải mất 6 9 tháng) đã kiểm soát, ổn định tình hình dịch bệnh”, Trung tướng Ngô Minh Tiến khẳng định.

Quyết sách dựa trên cơ sở thực tiễn

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ điều chỉnh phương thức chống dịch phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, nhất là ở đợt dịch lần thứ tư và khẳng định, Việt Nam cơ bản khống chế được dịch với biến chủng Delta.

Theo Thứ trưởng Y tế, khi xuất hiện biến chủng Delta, chúng ta tiếp tục nghiên cứu và phân loại, điều chỉnh hợp lý từ sớm, từ xa để giảm thiểu bệnh nhân nặng, giảm thiểu tỉ lệ tử vong. Cùng với đó là tổ chức phân tầng điều chỉnh, tiếp nhận điều trị bệnh nhân từ nhẹ đến nặng dưới sự hỗ trợ của chuyên môn phân tầng…

Tướng quân đội kể về đề nghị cân não và quyết định bước ngoặt của Thủ tướng
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

“Như vậy, căn cứ vào thực tiễn, chúng ta đã đưa ra những biện pháp linh hoạt, cụ thể, tùy tính chất của từng giai đoạn, từng địa phương, chúng ta đã thành công trong công tác phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Y tế khẳng định thời điểm chuyển chiến lược là hết sức phù hợp.

Ông Tuyên cho rằng, thời điểm đầu, Việt Nam sử dụng chiến lược Zero Covid là hoàn toàn phù hợp. Đến khi tiêm vắc xin với độ bao phủ cao nhất, chúng ta bắt đầu chuyển hướng, ý thức của người dân bắt đầu nâng lên.

Thực tế đã xuất hiện chủng mới Omicron nhưng chúng ta đã bao phủ vắc xin đạt tỉ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Như vậy độ bao phủ vắc xom của chúng ta đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng.

“Tôi cho rằng, đến thời điểm Thủ tướng quyết định chuyển hướng từ Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt là đúng với tình hình phòng chống dịch của chúng ta. Đến nay, chiến lược này là phù hợp và đang mang lại hiệu quả cho cả hai lĩnh vực vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Y tế nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 có ý nghĩa rất quan trọng cả trong chống dịch và phát triển kinh tế.

Tướng quân đội kể về đề nghị cân não và quyết định bước ngoặt của Thủ tướng
Các khách mời tại tòa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

“Có thể nói, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội”, ông Phương nhận định.

Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư nhìn nhận, Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vắc xin trên toàn quốc.

Nghị quyết 128 cũng không nên muộn hơn bởi quyết sách này của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát.

Về kinh tế, Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. “Nhờ có Nghị quyết 128 chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng nhìn nhận, việc chúng ta ban hành rất kịp thời Nghị quyết 128 đánh dấu chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch.

Đây là những quyết sách dựa trên cơ sở thực tiễn khi chúng ta đã có tỉ lệ phủ vắc xin nhất định. Theo kinh nghiệm quốc tế, nước nào có tỉ lệ phủ vắc xin trên 60% thì có thể mở cửa từng bước theo giai đoạn và cách chống dịch trong điều kiện đã có đủ vắc xin cũng sẽ khác. Nếu phát hiện F0 thì chúng ta chỉ cách ly diện hẹp.

“Tôi cho rằng chúng ta chuyển trạng thái qua Nghị quyết 128 là một sự thay đổi và là quyết định thay đổi khó khăn. Quản lý sự thay đổi đó cũng là một thách thức lớn, chúng ta mở ra cũng xác định, chấp nhận có rủi ro nhất định, khi giao lưu, tiếp xúc nhiều”, Thứ trưởng Ngoại giao nói.

Thu Hằng

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG