Friday, November 22, 2024

Nhận thức, chính sách và thực thi quyền con người ở Việt Nam

Quyền con người là một giá trị phổ quát và là phạm trù chính trị gắn với tính giai cấp sâu sắc. Thực tế chứng minh, sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo chính là quá trình xác lập và thực thi quyền con người trên quan điểm, cách tiếp cận mới của nhân loại. Cho đến nay, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều xác định con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển. Việt Nam đang thực thi quyền con người một cách thực chất và góp phần định hình nhận thức mới cho nhân loại. Bài viết góp phần cung cấp luận cứ khoa học đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhận Thức, Chính Sách Và Thực Thi Quyền Con Người ở Việt Nam

Quyền con người (Human rights) là phạm trù chính trị – pháp lý dùng để chỉ toàn bộ các quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Đây là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm của con người, như quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, những quyền tối thiểu của con người mà bất kỳ chính phủ nào cũng phải bảo vệ.

1. Quan niệm chung về quyền con người

Kể từ khi xuất hiện xã hội giai cấp, ý tưởng và mong muốn về một xã hội tự do, bình đẳng, được bảo vệ và tôn trọng các quyền con người luôn là ước mơ cháy bỏng của nhân loại. Từ khi chế độ chiếm hữu nô lệ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, gắn liền với sự áp bức, nô dịch thì đã xuất hiện những nhà tư tưởng, nhà triết học đưa ra những kiến giải khác nhau về quyền của con người. Những ý tưởng này, ban đầu chỉ tồn tại trong văn học thành văn và truyền miệng, hay trong các triết lý tôn giáo, tập trung vào các quyền như quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Chế độ phong kiến tiếp nối với các thiết chế tổ chức và pháp luật phải bảo vệ chế độ sở hữu của địa chủ phong kiến, duy trì các hình thức bóc lột nông dân và các tầng lớp lao động khác. Cùng với nhà nước là nhà thờ với các thiết chế tôn giáo hà khắc đã vi phạm các quyền con người một cách nghiêm trọng, điều này đã dẫn tới sự phản kháng của các tầng lớp bị áp bức, song những sự phản kháng này cũng nhanh chóng bị trấn áp.

Ý tưởng đề cao các giá trị nhân văn, nhân bản, các quyền tự do chỉ phát triển một cách mạnh mẽ ở thời kỳ Khai sáng. Đây là thời kỳ các trào lưu tư tưởng đề cao tính pháp quyền, quyền tự do của công dân phát triển mạnh mẽ, trở thành ngọn cờ của giai cấp tư sản kêu gọi đông đảo những người bị áp bức chống lại các giai cấp, tầng lớp đối lập với lợi ích của giai cấp tư sản.

Các nhà tư tưởng phương Tây như nhà triết học người Hà Lan B.Spinôda (1632 – 1877), nhà triết học người Anh G.Lôccơ (1632 – 1704), nhà triết học người Pháp J.J.Rútxô, nhà triết học người Đức I.Cantơ (1724 – 1894) đã đưa ra nhiều quan điểm sâu sắc bằng tư duy triết học, nhằm tìm ra cơ sở thực sự của quyền con người và tìm cách xác lập quyền con người trên thực tế, thông qua việc đề xuất thực thi các mô hình, thể chế mới, nhất là thể chế chính trị. Đây là tiền đề tư tưởng cho các cuộc cách mạng tư sản nhằm thực thi quyền con người.

Cách mạng tư sản ở nhiều nước như Anh, Pháp thành công nhờ giương ngọn cờ mang những tư tưởng tích cực, tiến bộ về thực thi quyền con người: tự do, bình đẳng, bác ái. Những tư tưởng ấy được thể hiện trong các bản Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần xây dựng nên hệ thống quan điểm khá đầy đủ và sâu sắc về quyền con người.

Có thể nói, chế độ chính trị của chủ nghĩa tư bản (CNTB) được xác lập gắn với khái niệm quyền con người, khẩu hiệu ban đầu là quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng và quyền tư hữu.

Khi chế độ chính trị do giai cấp tư sản nắm quyền đã thiết lập, khẳng định chế định quốc tịch, quyền bầu cử của công dân gắn với mỗi cá nhân. Các quyền đó từ chỗ chỉ là yêu sách đến sự ghi nhận, bảo đảm bằng pháp luật của nhà nước, hình thành các thiết chế quyền lực để bảo vệ con người trước các vi phạm quyền con người.

Tuy nhiên, trên thực tế ở các nước tư bản giai đoạn đầu, quyền chính trị đã không được thực thi đầy đủ với mọi người, nhất là các giai cấp lao động, phụ nữ. Những quyền con người nhất chỉ thuộc về giai cấp tư sản, chẳng hạn, quyền tham gia vào chế độ chính trị, quyền bỏ phiếu, quyền tiếp cận các nguồn lực cơ bản của xã hội… Đây là hạn chế lớn nhất của các nhà nước tư bản. Cho đến thế kỷ XX, phụ nữ mới được phép tham gia bỏ phiếu ở Anh tháng 2-1918 (trên 30 tuổi); Đức, Ba Lan năm 1918; Mỹ tháng 8-1920, Tây Ban Nha năm 1933, Pháp năm 1944, Thụy Sĩ năm 1971…

Các nhà tư tưởng Mác – Lênin cho rằng, con người vừa là sản phẩm của xã hội vừa là sản phẩm của tự nhiên, vì vậy khi xem xét vấn đề quyền con người cần phải đặt vào những hoàn cảnh lịch sử cụ thể “Quyền không bao giờ có thể ở một mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định”(1). Những giá trị về quyền con người do các cuộc cách mạng dân chủ tư sản đem lại còn mang nặng tính hình thức, thực tế chỉ có quyền tự do cho giai cấp tư sản, một bộ phận rất nhỏ trong xã hội, đại bộ phận quần chúng lao động chưa được giải phóng, CNTB duy trì sự bất bình đẳng về quyền sở hữu, nên sự bất bình đẳng là điều không thể tránh khỏi. C. Mác viết: “cái quyền ngang nhau đó bao giờ cũng vẫn còn bị giới hạn trong khuôn khổ tư sản”(2).

Ph.Ăngghen viết: “Nhà tư bản xuất hiện: với tư cách là kẻ sở hữu tư liệu sản xuất, hắn chiếm lấy sản phẩm và biến những sản phẩm ấy thành hàng hóa. Sản xuất đã trở thành một hành vi xã hội; trao đổi và cùng với trao đổi là sự chiếm hữu, vẫn là những hành vi cá nhân, hành vi của những người riêng biệt: sản phẩm của lao động xã hội bị nhà tư bản cá thể chiếm hữu”(3).

Quyền con người không phải tự nhiên mà có, đó là thành quả của sự phát triển lịch sử, của các cuộc cách mạng xã hội; không có quyền bình đẳng trừu tượng, muốn có bình đẳng thực sự thì việc xóa bỏ đặc quyền giai cấp là chưa đủ, mà phải xóa bỏ khác biệt giai cấp. Những đối kháng từ lĩnh vực kinh tế đã tạo ra sự đối kháng trong lĩnh vực chính trị, tinh thần, tạo ra sự bất bình đẳng về quyền con người trong xã hội. Do vậy, phải xây dựng chế độ xã hội mới bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người trong xã hội.

“Cách mạng vô sản, sự giải quyết các mâu thuẫn: giai cấp vô sản đoạt quyền lực xã hội và nhờ quyền lực ấy, biến những tư liệu sản xuất xã hội đã thoát khỏi tay giai cấp tư sản, thành sở hữu của toàn xã hội. Bằng hành vi ấy, giai cấp vô sản làm cho những tư liệu sản xuất thoát khỏi tính chất là tư bản trước kia của chúng, làm cho tính chất xã hội của tư liệu sản xuất được hoàn toàn tự do phát triển…. Con người, cuối cùng làm chủ tồn tại xã hội của chính mình thì cũng do đó mà làm chủ tự nhiên, làm chủ cả bản thân mình, trở thành người tự do”(4), “Đó là bước nhảy của con người từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do”(5).

Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã chỉ rõ bản chất đàn áp, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân của nền tư pháp tư sản.

Khi CNTB chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, với sự áp bức, nô dịch của nhiều nước tư bản ở các thuộc địa thì tình trạng vi phạm trắng trợn quyền con người đã tiếp tục diễn ra, trái ngược với những tuyên bố nhân quyền trong các văn bản được ghi nhận. Đặc biệt, V.I.Lênin đã mở rộng quyền cá nhân sang quyền của dân tộc, đưa nó trở thành một trong những nguyên tắc căn bản và quan trọng trong pháp luật quốc tế về quyền con người – quyền dân tộc tự quyết – để xác lập sự bình đẳng giữa các quốc gia và dân tộc, dù lớn hay nhỏ, trong quan hệ quốc tế.

Rosa Luxemburg (1871 – 1919) là một nhà lý luận và hoạt động cách mạng có ảnh hưởng lớn trong phong trào công nhân đầu thế kỷ XX. Rosa Luxemburg có nhiều tư tưởng về giải phóng và phát triển con người, xã hội loài người, trong đó có những nghiên cứu sâu sắc về quyền chính trị. Bà chỉ ra rằng, đối với CNTB, quyền lực chính trị chỉ thuộc về giai cấp tư sản. Nhà nước tư sản là công cụ thống trị, kiểm soát và chinh phục.

Nhưng với giai cấp vô sản, thì họ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố văn hóa và dân chủ. Đối với giai cấp vô sản, hệ thống chính trị như cơ sở bảo đảm sự phát triển tự do của văn hóa và dân chủ trong đời sống dân tộc bằng các biện pháp bảo vệ, củng cố chứ không phải bằng hình thức áp đặt. Nhà nước XHCN của giai cấp vô sản, chỉ có hai yếu tố quan trọng, đó là tổ chức dân chủ và văn hóa, giáo dục.

“Điều quan trọng đối với giai cấp công nhân là các điều kiện trưởng thành về chính trị và tinh thần, là quyền tự do sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, sự phát triển không bị kiểm soát và không sai lầm của văn hóa dân tộc (học tập, văn học, nghệ thuật) và giáo dục bình thường của quần chúng, không bị ảnh hưởng bởi áp lực của những người theo chủ nghĩa dân tộc – cho đến nay có thể là “bình thường” trong hệ thống tư sản”(6). Trong chính sách quốc gia của nhà nước tư sản, không có chỗ cho tinh thần đoàn kết và hợp tác của các dân tộc khác nhau. Thì đoàn kết và hợp tác các dân tộc lại là một phần bản chất của nhà nước XHCN.

Các nhà lý luận mácxít đã có sự thống nhất trong nhận thức và hành động để tìm ra những luận cứ khoa học chắc chắn về giá trị nhân loại của quyền con người, đồng thời đưa ra những giải pháp để bảo vệ nó. Có thể khẳng định rằng, quyền con người là những chuẩn mực mang tính toàn cầu, đây là vấn đề chính trị – pháp lý vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù. Tính phổ biến thể hiện ở chỗ quyền con người bao hàm những nguyên tắc, những quyền được thừa nhận và áp dụng ở mọi nơi, nó là sự kết tinh những giá trị nhân văn của nhân loại mà loài người phải bảo vệ. Tính đặc thù thể hiện ở chỗ, tùy theo điều kiện kinh tế – chính trị, xã hội mà sẽ có những mức độ riêng để quy định bảo đảm thực hiện phù hợp với những đặc điểm riêng của quốc gia.

Trong thế giới đương đại, nhiều thể chế chính trị khác nhau cùng tồn tại, thậm chí trái ngược nhau, nhưng cùng nhận thức về quyền con người theo giá trị chung, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 đã ghi nhận cách tiếp cận quốc tế về quyền con người trên thế giới. Qua văn kiện này quyền con người đã trở thành một hệ thống tiêu chuẩn pháp lý phổ biến mang tính toàn cầu, được nhiều quốc gia cam kết tôn trọng và thực hiện.

2. Nhận thức mới và thực thi quyền con người ở Việt Nam – giá trị mang tính định hướng cho nhân loại

Về nhận thức mới

Năm 1945, trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập là lời khẳng định một giá trị mang tầm thời đại của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và khát khao độc lập. Nói cách khác, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền tự nhiên của con người, không ai có thể xâm phạm, chà đạp. Đó không chỉ là quyền của mỗi cá nhân mà là quyền của một dân tộc, quốc gia và quyền của nhân loại.

Hồ Chí Minh đã làm rõ, trong các chế độ xã hội trước cách mạng XHCN, chỉ có một bộ phận thiểu số người có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Còn lại, đại bộ phận dân chúng vẫn đói khổ, bị bóc lột và mất tự do. Vì vậy, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cần phải được thực hiện cho tất cả mọi người. Phải gắn quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của cá nhân với giai cấp, dân tộc và nhân loại trên phạm vi thế giới.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã phải trải qua một thời kỳ lịch sử đau thương, do thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Sau gần 100 năm dưới ách thuộc địa tuyệt đối không một chút tự do, dân chủ nào những quyền cơ bản của con người không được thực thi. Hành động của Pháp đi ngược lại khẩu hiệu Tự do – Bình đẳng – Bác ái trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789.

Theo Hồ Chí Minh, chỉ có chế độ xã hội XHCN mới thực thi đầy đủ quyền con người. Đó là chế độ xã hội hướng đến sự giải phóng triệt để và phát triển toàn diện con người. Với nhận thức đó, Người đã đấu tranh cho lương tri và phẩm giá con người, xây dựng một xã hội tốt đẹp, ở đó ai cũng có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Hồ Chí Minh đã cống hiến cho nhân loại một giá trị mới định hình cho tương lai về quyền con người trên mọi lĩnh vực được bảo đảm và thực thi:

Thứ nhất, CNXH là giải phóng được con người, mang lại hạnh phúc ấm no thật sự cho con người. Thực hiện được ham muốn của Người là dân tộc được độc lập, nhân dân được hạnh phúc, đồng bào được tự do. “1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”(7).

Trong điều kiện Việt Nam vừa thoát khỏi nạn xâm lược và thuộc địa, “trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(8). “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ”(9). “Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, và do nhân dân tự xây dựng lấy”(10). Một xã hội mà các dân tộc trong nước đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, tinh thần của nhân dân ngày càng được bảo đảm và không ngừng nâng cao. Một chế độ xã hội có quan hệ hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước, các dân tộc. CNXH như vậy sẽ làm cho quyền con người thực thi một cách thực chất.

Thứ hai, chủ thể xây dựng một xã hội tốt đẹp là con người XHCN. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”(11). Tư tưởng của Người không chỉ thể hiện mong muốn, khát vọng giải phóng triệt và phát triển toàn diện cho con người Việt Nam, mà còn nêu ra yêu cầu về phẩm chất nhân cách của chủ thể xây dựng xã hội mới – xã hội XHCN.

Thứ ba, phương thức để xây dựng xã hội tốt đẹp là thực hành dân chủ. Hồ Chí Minh viết: “Nước ta là một nước dân chủ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân

Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân

Chính quyền từ xã đến chính phủ đều do dân cử ra

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(12).

Đảng “lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội”(13). Dân chủ có vai trò vô cùng to lớn, nó vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Thực hành dân chủ là chìa khóa của sự phát triển. Bởi lẽ, thực hành dân chủ  thì mới huy động được tối đa lực lượng của toàn dân cho phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”(14).

Ghi nhận giá trị cống hiến của Người, trong đó có giá trị về quyền con người, khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Pari (Pháp) từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987 đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(15); “là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”(16); là biểu tượng của sự tích hợp tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây để góp phần xây dựng nên phẩm chất nhân cách của con người mới XHCN.

Năm 1923, trong bài Thăm một chiến sĩ cộng sản – Nguyễn Ái Quốc, nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam nhận xét: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị… Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”(17).

Lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân chủ và quyền con người được phản ánh đậm nét trong các văn kiện đại hội của Đảng, các chỉ thị và nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là Chỉ thị 12/CT-TW ngày 12-7-1992 của Bộ Chính trị về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” đã thể hiện cô đọng các quan điểm về dân chủ và quyền con người: Quyền con người là giá trị chung của nhân loại; Trong xã hội có giai cấp đối kháng, khái niệm quyền con người mang tính giai cấp; Quyền con người gắn với độc lập dân tộc và CNXH; Quyền và lợi ích của cá nhân phải luôn gắn liền với quyền và lợi ích của cộng đồng, với độc lập dân tộc và CNXH; Quyền dân chủ, tự do của cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật; quyền con người luôn gắn với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người trước hết là trách nhiệm của Nhà nước, là công việc nội bộ của mỗi quốc gia, không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức của nước này cho nước khác trong vấn đề nhân quyền, dân chủ(18).

Thành tựu thực thi quyền con người ở Việt Nam

Từ năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới ngày 03-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết là chống nạn đói; chống nạn dốt và các tệ nạn xã hội khác; thực hiện tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; xóa bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết…

Nhằm từng bước khắc phục nạn mất mùa, đói kém, Người viết thư gửi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói, hô hào nhân dân chống nạn đói và coi “cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm”(19). Trong thư Gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! … Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”(20). Trong bài Tại sao dân ta đói? Cứu đói phải thế nào?, Người đã chỉ ra cho mọi người thái độ tích cực nhất là “phải cùng Chính phủ thi hành cấp tốc các phương pháp cần thiết để cứu vãn tình thế, chứ không thể ngồi đó thở dài, nghe những lời tuyên truyền không giúp ích gì cho ta mà chỉ làm yếu, làm nản lòng ta”(21).

Người chỉ rõ mối quan hệ khăng khít giữa kháng chiến và cứu đói: “Chúng ta có hai nhiệm vụ cốt yếu, quan trọng như nhau: Kháng chiến và cứu đói. Phải kháng chiến để cứu đói, mà phải cứu đói mới kháng chiến được”(22). Cùng với việc đề cao tinh thần nhường cơm sẻ áo, Người gương mẫu thực hiện trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(23).

Song hành với phong trào diệt giặc đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào diệt giặc dốt với phương thức: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ… Vợ chưa biết thì chồng bảo,… cha mẹ không biết thì con bảo …”(24). Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, hơn hai triệu người đã biết đọc, biết viết.

Đồng thời, tiến hành Tổng tuyển cử chỉ sau 5 tháng Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tháng 01-1946 không phân biệt giới tính, tôn giáo, thành phần dân tộc.

Đây là hành động hiện thực hóa quan điểm đã được xác định trong Chánh cương vắn tắt của Đảng (1930). A) Về phương diện xã hội: a) Dân chúng được tự do tổ chức; b) Nam nữ bình quyền v.v…; c) Phổ thông giáo dục theo công nông hóa(25).

Sau khi thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đồng lòng của nhân dân, quá trình đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 – 1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%(26), thì giai đoạn 1991 – 1995 GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm(27); các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 – 2019 đạt mức bình quân 6,8%(28). Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016 – 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất(29).

Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%(30) cao nhất kể từ năm 2011.

Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, năm 1989 là 6,3 tỷ USD, đến năm 2020 đạt khoảng 268,4 tỷ USD, năm 2021 là 393 tỷ USD, năm 2022 là 409 tỷ USD(31). Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 1985 mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2022 đạt khoảng 4.162USD/năm, xếp thứ 117 trên thế giới(32).

Thành tựu xây dựng con người được thể hiện qua chỉ số HDI có xu hướng tăng đều và khá ổn định. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2021 – 2022 của Việt Nam là 0,703. Với kết quả này Việt Nam đã lọt vào danh sách các nước phát triển con người cao và được xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ(33). HDI vừa thể hiện tính nhân văn, vừa là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe, giáo dục và thu nhập. HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia, dựa vào năm tiêu chí: 1) con người là trung tâm của sự phát triển; 2) người dân là mục tiêu của sự phát triển; 3) việc nâng cao vị thế của người dân (bao gồm cả sự hưởng thụ và cống hiến); 4) chú trọng việc tạo lập sự bình đẳng cho người dân về mọi mặt (thí dụ như tôn giáo, dân tộc, giới tính, quốc tịch,…); 5) tạo cơ hội để lựa chọn tốt nhất cho người dân về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa…

Thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam rất ấn tượng. Năm 2022 Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023 – 2025, là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á. Một trong những minh chứng thuyết phục cộng đồng quốc tế chính là thành quả trong xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,45% năm 2010, 7% năm 2015 và hết năm 2021 còn 2,23% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều)(34).

Trước đó Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2008 – 2009, Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 – 2017, Hội đồng Kinh tế – Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 – 2018.

Từ ngày 3 đến ngày 4-4-2023, tại trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc tại Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo. Nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận, có sự đồng bảo trợ của 98 nước (bao gồm 14 nước đồng tác giả: Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Rumani, Nam Phi và Tây Ban Nha), thể hiện sự quan tâm và ưu tiên chung của các nước và cộng đồng quốc tế, thu hút được sự hưởng ứng, tham gia ủng hộ của đông đảo các nước, được sự đánh giá cao của các bên. Đây là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong Khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Những thành tựu ngày nhiều thêm, Việt Nam đang lan tỏa những giá trị về quyền con người trong CNXH, khẳng định được giá trị riêng có mang đậm nét văn hóa truyền thống của đất nước kết hợp hài hòa với giá trị của nhân loại. Định hình và thực thi quyền con người trong bối cảnh mới, tiến bộ và nhân văn.

_________________

TS VI THỊ HƯƠNG LAN
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 548 (tháng 10-2023)

(1), (2), (3), (4), (5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.36, 34, 331, 333, 331.

(6) Rosa Luxemburg: The National Question, marxists.org, 1909.

(7), (19), (20), (21), (22), (23), (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.175, 109, 135, 126, 127, 33, 40-41.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.415.

(9), (10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.438, 387, 66.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.232.

(13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.41, 362.

(15), (16) Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, Nội san, số 25, tháng 9-2009, quyển 1, Tập biên bản của Đại hội đồng UNESCO, khóa họp lần thứ 24 tại Pari, từ ngày 20-10 đến ngày 20-11 năm 1987.

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.462.

(18) Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ: Tài liệu Tổng kết Chỉ thị 12 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”, Nxb Chính trị – Hành chính, Hà Nội, 2012, tr.13.

(25) Hồ Chí Minh: t.3, Toàn tập, Sđd, tr.1.

(26), (27) Võ Hồng Phúc: Những thành tựu về kinh tế – xã hội qua 20 năm đổi mới (1986 – 2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.141.

(28) http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Kinh-te-Viet-Nam-20162019-va-dinh-huong-2020/385934.vgp

(29) https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet-nam-631311.

(30) https://baochinhphu.vn/gdp-nam-2022-uoc-tang-802-lap-ky-luc-trong-hon-10-nam-qua

(31) https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/nam-2022-quy-mo-nen-kinh-te-viet-nam-tang-hon-10-lan-len-muc-409-ty-usd-715446.

(32) https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/kinh-tet-vi-mo/gdp-binh-quan-viet-nam-nam-2000-xep-thu-173-200-the-gioi-nam-2022.

(33) https://nhandan.vn/chi-so-phat-trien-con-nguoi-viet-nam-tang-hai-bac-post714578.htm.

(34) https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/thanh-tuu-ve-xoa-doi-giam-ngheo-cua-viet-nam-17856.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG