Trong những năm gần đây, một số tà giáo, tạp giáo (có thể tạm gọi là hiện tượng tôn giáo mới – HTTGM) ở Việt Nam gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), ổn định chính trị và trật tự xã hội của các HTTHM ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên hiện nay, đặc biệt nguy hại là ảnh hưởng đến đời sống chính trị-xã hội, đến xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu vực
Một trong những vấn đề nhạy cảm ở vùng Tây Nguyên hiện nay ảnh hưởng đến quan hệ trong nội bộ từng dân tộc, giữa các tộc người với nhau và với quốc gia là sự gắn kết của hai vấn đề dân tộc và tôn giáo. Trong đó, việc chuyển đổi từ những tôn giáo chính thống hay tín ngưỡng truyền thống sang các HTTGM, nhất là những tổ chức liên quan đến “Tin Lành Đề ga”, “Hà Mòn” “Amí Sara”, “Pơ Khăp Brâu”, “Cây Thập Giá Chúa Jesu Krits”, “Ban Cầu Nguyện Phong Trào Phục Hưng Tin Lành”, “Thanh Hải Vô Thượng Sư”… đã có nhiều ảnh hưởng đa chiều, phức tạp đến xã hội, nhưng quan trọng nhất vẫn là góp phần hình thành các cộng đồng dân cư cùng theo một HTTGM. Tính cố kết của những cộng đồng này không chỉ chủ yếu diễn ra trong số những người tin theo trong một dân tộc và cùng cư trú trên địa bàn, mà một số tổ chức còn phát triển rộng hơn giữa các dân tộc, giữa những người ở Tây Nguyên với một số vùng trong nước và các quốc gia khác, như “Tin Lành Đề ga”. Những người theo một HTTGM này đều có điểm chung là cùng đức tin, hầu như họ chỉ cố kết giữa những người trong tổ chức với nhau nên tạo ra xu hướng quan hệ bó hẹp trong nội bộ nhóm. Các HTTGM do muốn giữ những người đi theo nên luôn yêu cầu họ phải sống tách biệt với cộng đồng và gia đình, như: không được chào hỏi, tiếp xúc, đi cùng đường với người không cùng niềm tin, kể cả đó là bố mẹ, vợ chồng, con cái, nhất là đối với cán bộ và đoàn công tác địa phương đến tuyên truyền, vận động từ bỏ tổ chức; không được phép kết hôn, làm cùng, ăn cùng, ở cùng những người khác niềm tin; không được phép tham gia các cuộc hội họp và hoạt động chung của cộng đồng, nếu có mặt cũng phải tách thành nhóm riêng và không thể hiện thái độ, chính kiến; không thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương;… Do không tham gia những hoạt động chung của cộng đồng và hưởng lợi từ các chính sách phát triển của Nhà nước, nên các mối quan hệ của họ chỉ diễn ra trong số những người cùng tin theo một HTTGM, tính cố kết cộng đồng truyền thống theo dân tộc và tôn giáo tại địa bàn cư trú trước đây bị phá vỡ, đời sống gia đình tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn trước,…
Đáng chú ý là hình thức cố kết này ở một vài địa phương của một số HTTGM phát triển có biểu hiện lấn át các hình thức cố kết cộng đồng truyền thống theo dòng họ, theo cộng đồng cùng dân tộc trong địa bàn cư trú và trong nội bộ tôn giáo. Thậm chí tại một vài địa phương có đông người tin theo HTTGM thì vào những thời điểm tổ chức này phát triển, những người cầm đầu, cốt cán đôi khi còn có ảnh hưởng lớn hơn một số người có uy tín trong xã hội truyền thống, cán bộ cơ sở và buôn làng trên một số lĩnh vực chung của cộng đồng. Hiện tượng này dẫn đến hệ quả là một số ít chính sách phát triển KT-XH, chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo ở vùng có các HTTGM hoạt động mạnh bị tác động trực tiếp hay gián tiếp bởi những tổ chức này.
Tuy nhiên, sự biến đổi tôn giáo và tính cố kết cộng đồng này ở một số HTTGM, nhất là các tổ chức có tư tưởng cực đoan, không phải hoàn toàn từ nhu cầu của người dân, mà còn do tác động có chú ý của việc tuyên truyền và lôi kéo quần chúng trái pháp luật, khiến đời sống tín ngưỡng của một bộ phận người dân thuộc các DTTS ở Tây Nguyên có những biến động to lớn, sâu sắc và gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội. Trong đó, đáng chú ý là các thế lực thù địch lợi dụng những đặc điểm về lịch sử và tâm lý dân tộc, bất cập trong thực hiện chính sách và thực trạng phát triển KT-XH chưa đồng đều giữa các vùng, các tộc người để tuyên truyền kích động, lôi kéo người dân theo HTTGM. Mục đích là tập hợp những người cùng đức tin trong nội bộ tộc người hay giữa các tộc người ở trong và ngoài nước để hình thành những cộng đồng liên kết theo tâm linh nhằm xây dựng lực lượng, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động liên quan tới những tổ chức chính trị phản động, như: “Tin lành Đề ga”, “Hà Mòn” gắn với “Nhà nước Đề ga”. Đồng thời kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, phân biệt, chia rẽ người Kinh với người DTTS, người DTTSTC với người DTTS mới di cư đến, giữa tín đồ các tôn giáo là người DTTS, nhất là DTTDTC với tín đồ người Kinh… để thực hiện mưu đồ ly khai, tự trị ở Tây Nguyên, gây mâu thuẫn cục bộ trong nội bộ dân tộc và giữa các dân tộc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên.
Một số đối tượng cầm đầu cực đoan, quá khích còn lôi kéo, kích động người tin theo tham gia các hoạt động chống phá chính quyền, gây rối trật tự và tạo ra mâu thuẫn xã hội, như: biểu tình, bạo loạn những năm 2001, 2004 và 2008 do “Tin Lành Đề ga” tổ chức; khiếu kiện đòi khôi phục các tổ chức tôn giáo cũ và công nhận những tổ chức tôn giáo mới thành lập trái phép; đòi lại đất đai của tổ tiên và các cơ sở thờ tự cũ; kích động người dân vượt biên trái phép để gây rối nhằm quốc tế hóa và chính trị hóa vấn đề tôn giáo, dân tộc ở Tây Nguyên; tuyên truyền và phát tán các tài liệu tôn giáo trái phép, tài liệu phản động; tìm cách khống chế, làm mất uy tín cán bộ, đảng viên cốt cán ở địa phương; lợi dụng những biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng đối với những hoạt động vi phạm pháp luật của một số HTTGM và người tin theo, nhất là người DTTSTC để xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời vu cáo, bôi nhọ chế độ mà trực tiếp là hệ thống chính trị cơ sở (HTCTCS) và cán bộ địa phương vi phạm nhân quyền, quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng nhằm gây nghi kỵ, mất đoàn kết và suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ ta.
Như vậy, sự phát triển và hoạt động của các HTTGM đã và đang góp phần làm gia tăng thêm các mối quan hệ chặt chẽ giữa những người cùng chung niềm tin với nhau, nhưng cũng là nhân tố gây ra các tác động phức tạp đối với vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc hiện nay ở Tây Nguyên, nhất là ở những vùng đa dân tộc, đa tôn giáo và vùng biên giới; ảnh hưởng tiêu cực đến tính cố kết nội bộ từng dân tộc, khối đại đoàn kết dân tộc, mà trên hết là ý thức quốc gia Việt Nam của một bộ phận người dân. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay và những năm tới, các vấn đề nảy sinh của HTTGM, nhất là xu hướng cố kết cộng đồng theo từng tổ chức có thể tiếp tục phát triển và bị các thế lực thù địch lợi dụng vào những mục tiêu chính trị, gây thêm nhiều tác động tiêu cực, nhất là làm biến đổi những quan hệ xã hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và các tôn giáo ở Tây Nguyên, dẫn đến mầm mống ly khai, tư tưởng chia rẽ rất dễ bị kích động, lợi dụng để đòi độc lập, tự trị và hình thành “quốc giáo” cho “Nhà nước Đề ga” do tổ chức phản động Fulro lưu vong cầm đầu.
Ảnh hưởng đến hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ
Các HTTGM ngoài thành lập Ban lãnh đạo của tổ chức các cấp, còn hình thành những nhóm, hội, đoàn thể (như: phụ lão, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên…) để tuyên truyền, sinh hoạt, liên kết, hỗ trợ nhau trong làm ăn, sinh sống cũng như tập hợp, chỉ đạo quần chúng đi theo phù hợp với từng nhóm; đứng ra hoặc tìm cách tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cộng đồng liên quan đến những đối tượng nói trên… Do đó, đã hình thành một hệ thống tổ chức của các HTTGM ở buôn làng, nhất là tại một số nơi vào những thời điểm phát triển, các nhóm, hội, đoàn thể này hoạt động khá hiệu quả so với các đoàn thể của HTCTCS và buôn làng trên một số lĩnh vực chung của cộng đồng. Điều đó đã tác động đến nhận thức của người dân về vai trò của HTCTCS và đội ngũ cán bộ ở những địa phương có các HTTGM phát triển và nhiều người tin theo. Do đó, tại một số ít nơi đã nảy sinh hiện tượng vai trò và uy tín của gia làng, trưởng thôn buôn, đoàn thể trong HTCTCS và buôn làng có sự suy giảm nhất định trong quần chúng ở những nơi HTTGM phát triển; trong khi vai trò, uy tín và ảnh hưởng của các tổ chức và số đối tượng cầm đầu, cốt cán một số HTTGM lại tăng lên.
Trong quá trình hình thành và phát triển, các HTTGM cực đoan và những đối tượng cầm đầu thường tìm mọi cách làm suy yếu vai trò của HTCTCS và buôn làng bằng cách lôi kéo cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng họ theo tổ chức, đồng thời tạo dựng ảnh hưởng của HTTGM và số đối tượng cầm đầu, cốt cán tại địa phương đối với cộng đồng. Một số đối tượng cầm đầu còn có những hành động mang tính chính trị, gây mâu thuẫn xã hội, như: tuyên truyền các thành quả phát triển KT-XH ở địa phương cũng như những quyền lợi người dân đang được hưởng là do tổ chức của họ đem lại; thành lập các tổ chức hoạt động bất hợp pháp chống đối chính quyền; tổ chức cho người đi theo tập bắn vào bia tượng trưng là cán bộ, đảng viên chủ chốt của địa phương và ngấm ngầm đe dọa tính mạng, phá hoại tài sản gia đình họ… Những hoạt động này đã gây tâm lý hoang mang cho một bộ phận quần chúng và số ít cán bộ, đảng viên ở địa phương tại thời điểm “Tin Lành Đề ga” tổ chức các cuộc biểu tình, bạo loạn tại một số địa phương những năm 2001, 2004 và 2008.
Ở một số nơi, người đứng đầu các HTTGM cực đoan còn vu cáo cán bộ và chính quyền địa phương vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tìm cách khoét sâu, phóng đại một số hạn chế của chính quyền và cán bộ địa phương trong thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo; vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền, ức hiếp, kỳ thị người DTTS, người có đạo; làm giảm lòng tin của quần chúng đối với chế độ ta, mà trước hết là HTCTCS; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, gây mâu thuẫn, xung đột cục bộ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo; kích động tư tưởng bất mãn của người DTTSTC với người Kinh và DTTS mới di cư đến, của người dân với hệ thống chính trị (HTCT) và đội ngũ cán bộ; tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo, can thiệp chống phá Nhà nước ta; gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, cản trở việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ở địa phương.
Ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội
Các HTTGM thường có xu hướng chống đối và bất hợp tác với chính quyền, nhất là những đối tượng cầm đầu, cốt cán luôn tránh mặt không tiếp xúc với cán bộ, các đoàn công tác; không tham gia và thực hiện những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Một số HTTGM còn thần thánh hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vị anh hùng có công với đất nước để thể hiện tư tưởng bất mãn với xã hội hiện đại, lợi dụng công tác chống tham nhũng, thói quan liêu, cửa quyền, hách dịch của Đảng và nhà nước về việc một số cán bộ, đảng viên cũng như các tệ nạn xã hội đang diễn ra để kích động, phê phán chế độ, bài bác chính quyền…
Các tổ chức phản động lưu vong nói chung và của người DTTS nói riêng luôn lợi dụng, núp bóng một số HTTGM do họ lập ra hoặc nảy sinh ở trong nước để hoạt động chống phá nước ta, nhất là gây mâu thuẫn, xung đột cục bộ để hình thành các điểm nóng về dân tộc và tôn giáo, làm mất ổn định chính trị xã hội, an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các tổ chức phản động ở nước ngoài luôn tìm cách móc nối với những HTTGM của người DTTSTC Tây Nguyên để chống phá đất nước ta, nhất là “Tin Lành Đề ga”, “Hà Mòn” và một số tổ chức khác liên quan đến tổ chức phản động “Nhà nước Đề ga”.
Những hoạt động trái phép của các HTTGM nói chung, đặc biệt là của những tổ chức cực đoan ở Tây Nguyên hiện nay vẫn diễn ra thường xuyên và phức tạp, nhất là ở vùng DTTSTC. Những hoạt động này được chủ động tăng cường nhằm mở rộng địa bàn, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ địa cách mạng; phát triển sang nhiều tộc người và đối tượng khác nhau, nhất là phụ nữ và thanh thiếu niên. Một số đối tượng cốt cán của “Tin Lành Đề ga”, “Hà Mòn” và các HTTGM cực đoan khác còn có hành động quá khích vi phạm pháp luật và quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, như: lôi kéo, ép buộc người trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đi theo, thậm chí chỉ cần ghi tên để họ thống kê số lượng người đăng ký sinh hoạt nhằm lấy cơ tiến hành đấu tranh, gây sức ép, đưa ra yêu sách với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải công nhận tổ chức, cho phép hoạt động; ngấm ngầm phá hoại kinh tế gia đình, khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng những người dân và cán bộ trung kiên ở địa phương…
Để lôi kéo được nhiều người tham gia, những đối tượng cầm đầu, cốt cán ở trong và ngoài nước đã dùng mọi thủ đoạn từ tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đến kích động người dân đấu tranh chống đối chính quyền (như: lợi dụng các buổi sinh hoạt chung để mở băng cát xét hay gọi điện thoại để người tin theo trực tiếp nghe đồng tộc lưu vong ở nước ngoài kêu gọi tách ra thành lập các tổ chức tôn giáo riêng của người DTTSTC; tham gia biểu tình, bạo loạn thành lập “Nhà nước Đề ga”); đồng thời kích động, ép buộc người tin theo tẩy chay các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương (như: không đóng thuế, không thực hiện nghĩa vụ quân sự, không đồng ý cho xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân sinh ở địa phương; không thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không cho trẻ em uống vác xin phòng bệnh, ốm đau không cần đến các cơ sở y tế để khám và chữa trị mà chỉ cần tổ chức cầu nguyện và thực hiện các biện pháp ma thuật; không vay tiền ngân hàng, không nhận nhà tình nghĩa và kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở…).
Trong những năm gần đây, ở Tây Nguyên còn diễn ra tình trạng người dân một số DTTSTC liên quan đến “Tin Lành Đề ga” bị lôi kéo tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn, gây rối chống phá chính quyền, sau khi thất bại lại tiếp tục bị kích động và tổ chức cho vượt biên sang Campuchia, tìm cách định cư ở quốc gia thứ 3 theo diện tỵ nạn chính trị nhằm quốc tế hóa, chính trị hóa vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên. Hiện tượng vượt biên vẫn diễn ra bằng các đường dây nhỏ lẻ nhưng được tổ chức chặt chẽ và đưa đón tại biên giới. Vấn đề này diễn ra phức tạp, không chỉ là một trong những yếu tố gây thêm mâu thuẫn trong nội bộ tộc người và giữa các tộc người, mà chính những người vượt biên không thành, số đi thoát hiện đã định cư ở nước ngoài hoặc đang bị giữ lại ở Campuchia hay được trả về nước còn có các mối quan hệ và hoạt động tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường về tư tưởng, tâm lý gắn với an ninh chính trị, kéo theo hàng loạt vấn đề nhạy cảm, phức tạp về dân tộc, tôn giáo cũng như công tác quản lý xã hội, quản lý biên giới ở trong và ngoài nước.
Những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng trái phép của các HTTGM ở Tây Nguyên trong thời gian qua đã góp phần gây tâm lý hoang mang, nghi kỵ, mất đoàn kết cục bộ trong một bộ phận quần chúng nhân dân của một số dân tộc và giữa các dân tộc, giữa người dân với HTCT; hình thành và làm gia tăng các “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự xã hội ở Tây Nguyên liên quan đến biểu tình, bạo loạn, vượt biên gắn với vấn đề ly khai, tự trị của một bộ phận người DTTSTC. Trong đó, việc lôi kéo, kích động người dân hình thành cộng đồng “Tin Lành Đề ga” riêng và tương tự là “Hà Môn” để phát triển thành “Công giáo Đề ga” sau này, được coi là cách thức quan trọng để tập hợp lực lượng đấu tranh chính trị tại chỗ, tổ chức cho người dân vượt biên trái phép hay trốn vào rừng đấu tranh vũ trang đòi ly khai, tự trị, gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự xã hội, làm suy yếu chính quyền cơ sở… đều nhằm phục vụ mưu đồ thành lập “Nhà nước Đề ga” ở Tây Nguyên.
Như vậy, qua nghiên cứu trên cho thấy, một số tổ chức hoạt động có yếu tố chính trị, như “Tin Lành Đề ga”. “Hà Mòn”. “Thanh Hải Vô Thượng Sư”… đã gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, như: gây tâm lý hoang mang, dao động trong một số bộ phận quần chúng, chia rẽ mối đoàn kết trong dân cư, đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, từ đó làm tổn hại khối đại đoàn kết dân tộc; làm phức tạp tình hình chính trị tại địa phương; nảy sinh mâu thuẫn, bức xúc trong cộng đồng và khó khăn trong công tác quản lý an ninh trật tự xã hội; thay đổi nếp sống, tập quán truyền thống; xâm phạm về tài sản, tiền bạc, vật chất, thời gian lao động, thậm chí nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của con người; mang nặng yếu tố mê tín dị đoan làm mê hoặc con người, truyền bá những đức tin phản khoa học, phản văn hóa và chuẩn mực chung về đạo đức, lối sống…
Nguồn: Võ Khánh Linh Blog
Nguồn: